Tuyến giáp, nằm ở vùng cổ trước, là một trong những tuyến nội tiết đảm nhận nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Tuyến giáp dễ mắc phải nhiều bệnh lý như suy giáp, cường giáp, ung thư tuyến giáp,…(thường do rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp gây ra) làm hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chú ý đến sức khỏe tuyến giáp để phát hiện các dấu hiệu bệnh lý sớm là rất quan trọng để điều trị bệnh và bảo vệ sức khỏe. Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tuyến giáp mà bạn cần lưu ý.
1. Bướu cổ, sưng cổ
Bướu cổ, sưng cổ là dấu hiệu phổ biến của các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp. Người mắc bệnh sẽ có biểu hiện một phần của cổ phình to một cách bất thường. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ là do thiếu iot, gây phì đại tuyến giáp lan toả. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu của cường giáp, suy giáp, bướu lành tuyến giáp hoặc ung thư tuyến giáp.

2. Mệt mỏi và thiếu năng lượng
Mệt mỏi và thiếu năng lượng kéo dài ngay khi đã nghỉ ngơi đầy đủ có thể là dấu hiệu của tình trạng tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp). Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone, mức năng lượng có thể giảm mạnh, dẫn đến tình trạng mệt mỏi dai dẳng.

3. Tăng/giảm cân không rõ nguyên nhân
Tăng cân đột ngột và không rõ nguyên nhân hoặc khó giảm cân mặc dù đã ăn kiêng và tập thể dục lành mạnh có thể liên quan đến suy giáp – tình trạng tuyến giáp hoạt động kém. Nguyên nhân là vì suy giáp làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến việc đốt cháy calo hiệu quả trở nên khó khăn hơn. Ngược lại, khi nồng độ hormone quá cao (cường giáp) có thể dẫn đến tình trạng sụt cân dù lượng thức ăn tiêu thụ và tình trạng tập luyện không thay đổi. Do đó, khi nhận thấy những thay đổi bất thường về cân nặng, cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sớm bạn nhé!

4. Thay đổi tâm trạng thất thường hoặc trầm cảm
Các hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong chức năng não và sức khỏe tinh thần. Sự mất cân bằng của các hormone này có thể dẫn đến tình trạng thay đổi tâm trạng thất thường, cáu kỉnh, lo lắng và thậm chí là trầm cảm. Cụ thể hơn, suy giáp thường có liên quan đến các triệu chứng như mệt mỏi và trầm cảm trong khi cường giáp gây ra rối loạn giấc ngủ, lo lắng và bồn chồn.

5. Thay đổi nhiệt độ cơ thể
Tuyến giáp là nơi sản xuất hormone triiodothyronine và thyroxine – có tác dụng kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Tuyến giáp hoạt động kém có thể dẫn đến cảm giác lạnh liên tục, đặc biệt là ở tay và chân. Ngược lại, cường giáp lại làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến người bệnh thấy nóng và dễ đổ mồ hôi.

6. Đau cơ và khớp
Đau cơ, khớp cũng là một trong những triệu chứng của bệnh tuyến giáp. Tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp có thể gây đau cơ và khớp, tê ngứa, cứng khới hay yếu cơ.

7. Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Rối loạn nồng độ hormone tuyến giáp có thể dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Khi hormone tuyến giáp suy giảm có thể sẽ gây rong kinh, đa kinh. Ngược lại, quá nhiều hormone tuyến giáp sẽ gây tình trạng ít kinh, vô kinh. Ngoài ra, các vấn đề về tuyến giáp cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây khó khăn trong việc thụ thai.

8. Cholesterol cao
Việc sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone tuyến giáp có thể dẫn đến nồng độ cholesterol trong máu bất thường. Cụ thể, suy giáp sẽ khiến cơ thể không sản xuất đủ lượng hormone thyroxine cần thiết, từ đó làm tăng lượng cholesterol trong máu. Ngược lại, cường giáp có thể khiến nồng độ cholesterol thấp bất thường.

9. Rụng tóc bất thường
Rụng tóc nhiều hơn bình thường là một trong những triệu chứng phổ biến của các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp. Khi nồng độ hormone tuyến giáp thay đổi bất thường, nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc, dẫn đến tình trạng rụng tóc nhiều hoặc tóc giòn. Trên thực tế, cả hai tình trạng suy giáp và cường giáp đều dẫn đến rụng tóc. Chính vì thế, khi nhận thấy tóc rụng nhiều, bạn nên kiểm tra sức khỏe tuyến giáp của mình.

10. Da khô và móng tay giòn
Da khô, bong tróc và móng tay giòn, dễ gãy có thể là dấu hiệu của suy giáp. Nguyên nhân là do hormone tuyến giáp suy giảm (suy giáp), làm giảm lượng mồ hôi mà cơ thể bạn tiết ra, Điều đó khiến da và móng thiếu ẩm, khô và giòn hơn.

11. Tăng huyết áp
Rối loạn tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng suy giáp là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát.

Bạn có thể quan tâm:
Các bạn có thể giúp mình rất nhiều bằng cách đóng góp ý kiến và phản hồi về bài viết này.