Mùa hè nắng nóng rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt với những đối tượng như người già, trẻ em, người có cơ thể suy nhược. Sốc nhiệt là gì, có nguy hiểm không, cách nhận biết và sơ cứu thế nào nếu gặp người sốc nhiệt?

Sponsor

Hiểu đơn giản, sốc nhiệt là một tình trạng sinh ra do nhiệt độ tăng cao vượt quá khả năng đào thải và điều nhiệt của cơ thể. Khi đó cơ thể sẽ rối loạn thần kinh và chức năng nhiều cơ quan khác.

Sốc nhiệt
Sốc nhiệt có thể dẫn đến tử vong (Nguồn: Internet).

Sốc nhiệt có nguy hiểm không?

Sốc nhiệt có thể dẫn đến tử vong. Thực tế thống kê cho thấy, đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi (không tính các nguyên nhân cơ học như tai nạn, ngã,…). Người ta chia sốc nhiệt làm hai loại:

  • Sốc nhiệt kinh điển: Thường gặp ở người già, trẻ em, người cơ thể suy nhược, nhiều bệnh tật. Sốc nhiệt xảy ra khi đối tượng tiếp xúc thụ động với môi trường có nhiệt độ cao trong khoảng thời gian nhất định.
  • Sốc nhiệt do gắng sức: Đối tượng ở đây là thanh niên, sức khỏe tốt. Thế nhưng do gắng sức làm việc quá lâu ở môi trường nhiệt độ cao gây ra sốc nhiệt.

Cơ chế dẫn đến triệu chứng nói chung do sự sinh nhiệt vượt quá khả năng điều nhiệt của cơ thể. Ở nhiệt độ trên 40 độ C, trung tâm điều nhiệt rối loạn, tổn thương thần kinh trung ương kéo theo sự ảnh hưởng của các bộ phận khác. Và đặc biệt ở trẻ em, nhiệt độ có thể tăng nhanh gấp 3-5 lần so với người lớn. Trẻ có thể tử vong khi nhiệt độ lên tới 42 độ C.

sốc nhiệt
Sốc nhiệt xảy ra do sự sinh nhiệt vượt quá khả năng điều nhiệt của cơ thể(Nguồn: Internet).

Nếu ở không gian kín như ô tô, nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên rất nhanh, vì thế sốc nhiệt có thể xảy ra với người ngồi trên ô tô đóng kín ngay cả khi ngoài trời có nhiệt độ thấp hơn.

Nhận biết dấu hiệu sốc nhiệt

Ghi nhớ cách nhận biết dấu hiệu sốc nhiệt là rất cần thiết vì công tác sơ cứu ngay bước đầu rất quan trọng, cần phải tiến hành sớm và chuẩn. Các dấu hiệu sốc nhiệt thường gặp như:

  • Nhiệt độ cơ thể lớn hơn 40 độ C. Tìm mua nhiệt kế điện tử dùng tại nhà ở đây.
  • Mặt đỏ bừng.
  • Cảm giác mệt mỏi, nôn nao, khó chịu.
  • Nôn mửa, ỉa chảy.
  • Khó thở, thở nhanh, nông, thở gắng sức.
  • Rối loạn tim mạch, nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tụt.
  • Hôn mê hoặc co giật.

Sốc nhiệt cần phải nhận biết sớm và xử trí, thời gian càng lâu, tiên lượng càng xấu và hậu quả để lại càng nặng nề, thậm chí tử vong.

dấu hiệu sốc nhiệt
Cần ghi nhớ các dấu hiệu sốc nhiệt để nhận biết sớm (Nguồn: Internet).

Sơ cứu sốc nhiệt thế nào?

Hai việc cần làm ngay lập tức khi tiếp cận bệnh nhân sốc nhiệt là hạ thân nhiệt và hỗ trợ để giảm tối đa tổn thương cho các cơ quan, bộ phận. Các việc bạn cần làm là:

  • Đưa đối tượng ra khỏi môi trường nhiệt độ cao, chuyển tới nơi mát. Mục đích nhất định phải hạ thân nhiệt xuống dưới 39,4 độ C.
  • Cởi bỏ quần áo. Dội nước mát lên người bệnh nhân (không dùng nước đá lạnh).
  • Hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, ép tim, thổi ngạt.
  • Gọi cấp cứu.
  • Đưa bệnh nhân tới bệnh viện bằng xe có điều hòa hoặc mở cửa thông thoáng (Vẫn tiến hành các biện pháp làm giảm nhiệt độ trong khi vận chuyển).

Các biện pháp giảm thân nhiệt ở người sốc nhiệt

Một trong những việc phải làm đầu tiên khi tiếp cận đối tượng sốc nhiệt đó là phải hạ thân nhiệt cho bệnh nhân. Vậy các cách giảm thân nhiệt có thể áp dụng là:

  • Cởi bỏ hết quần áo.
  • Đặt bệnh nhân ở môi trường phòng lạnh nhiệt độ 20-22 độ C và có dùng quạt.
  • Phun nước hoặc đắp khăn bông/ gạc ướt có nhiệt độ 25-30 độ C lên bệnh nhân.
  • Ngâm bệnh nhân trong nước lạnh 25-30 độ C và theo dõi sát các biểu hiện về nhịp thở, nhịp đập của tim mạch trong quá trình thực hiện. (Nâng bệnh nhân trên mặt nước để dễ quan sát).
  • Sử dụng khăn lạnh hay túi đá để vào các vị trí bẹn, nách, cổ. Thay khăn khi hết lạnh.
  • Lưu ý: Sử dụng nước đá có thể làm giảm thân nhiệt nhưng cũng kéo theo nhiều nguy cơ dẫn đến co mạch hoặc giảm thân nhiệt quá mức. Vì thế, chúng ta không sử dụng nước đá để xử trí sốc nhiệt.
sốc nhiệt
Gọi xe cấp cứu ngay để được hỗ trợ (Nguồn: Internet).

Làm sao để phòng tránh sốc nhiệt?

1. Phòng tránh sốc nhiệt ở người lớn

  • Hằng ngày uống đủ nước và muối.
  • Lựa chọn quần áo sáng màu để giảm hấp thụ nhiệt, mỏng nhẹ.
  • Tránh luyện tập, vận động gắng sức trong thời tiết quá nóng hay trời nắng.

2. Phòng tránh sốc nhiệt với trẻ em

  • Hãy chú ý hành động của trẻ, khi xuống ô tô nhất định phải kiểm tra ghế sau (Bạn có thể để balo, túi xách ở phía sau cùng bé).
  • Nếu ai khác đưa đón con, hãy chú ý gọi kiểm tra sau 10 phút với dự kiến.
  • Cấm trẻ sử dụng ô tô làm nơi để chơi trò chơi, chơi trốn tìm.
  • Để chìa khóa xe cẩn thận, không nên để trẻ tiếp cận được và sử dụng.
phòng tránh sốc nhiệt
Phụ huynh cần ghi nhớ để phòng tránh các nguy cơ cho bé (Nguồn: Internet).

Sốc nhiệt rất dễ xảy ra ở thời điểm nắng nóng, đặc biệt là với đối tượng trẻ em. Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi đưa đón con trên xe ô tô hay ở phòng kín để tránh hậu quả đáng tiếc.

Một số bài viết liên quan đến các bệnh lý hay gặp ở trẻ em có thể sẽ hữu ích với bạn:

BlogAnChoi hi vọng sẽ luôn đồng hành cùng bạn để chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình. Đừng quên tiếp tục ghé thăm chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!

Sponsor
Xem thêm

Viêm xoang: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Viêm xoang là bệnh lý đường hô hấp phổ biến đặc biệt là ở nơi có đặc điểm khí hậu như Việt Nam, có thể gặp ở mọi đối tượng và với mọi lứa tuổi. Nếu không phát hiện và điều trị nhanh chóng, bệnh sẽ chuyển từ giai đoạn cấp tính sang mạn tính, gây ảnh hưởng trực ...
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Đánh giá bài viết
Bài này có hay không bạn?
Có 2 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(