Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Nhân dân tưởng nhớ sự nghiệp của Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh của các Bà và đã lập đền thờ nhiều nơi.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán xâm lược vào năm 40 có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã nuôi dưỡng và đề cao ý chí độc lập của dân tộc, làm vẻ vang cho nữ giới Việt Nam, rạng ngời trang chính sử. Nhân dân tưởng nhớ sự nghiệp của Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh của các Bà và đã lập đền thờ nhiều nơi.
Tại huyện Tam Đảo, Mê Linh và thị xã Vĩnh Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phú có đền thờ nữ tướng Thiều Hoa. Nếu Hải Phòng có Hội đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân thì Thái Bình có Hội Tiên La thờ Bát Nàn Công chúa. Nhưng nổi tiếng cả nước thì phải kể đến ba ngôi đền chính, đó là đền Hát Môn ở Hà Tây, đền Hạ Lôi ở Vĩnh Phú và đền Đồng Nhân ở Hà Nội.
Hội đền Hát Môn (Hà Tây)
Nơi hai Bà trầm mình là đoạn sông Hát thuộc giang phận xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Hát Môn là cửa sông Đáy, một phụ lưu sông Hồng. Đền Hát ban đầu là một am nhỏ. Khoảng đầu thế kỷ thứ XI, cư dân ở đây mới tu bổ lại, xây to lên. Đến thời Lê Thần Tông (1623-1657) mới dựng bia đá để ghi công hai Bà. Vùng Hát Môn vốn là một hậu cứ của nghĩa quân nên được chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng yếu. Hát Môn là nơi hai Bà lập đàn thề khởi nghĩa. Lời hịch âm vang sông nước trước ba quân cờ xí rợp trời, tràn đầy dũng khí. Đây cũng là nơi diễn ra lễ kỷ niệm ngày 24 tháng chạp năm Kỷ Hợi (năm 40 đầu Công Nguyên), ngày quân ta phản công thắng lớn trong trận kịch chiến với quân Mã Viện. Đây cũng là nơi chứng kiến cuộc xuất quân lần cuối của hai Bà. Và cũng tại đây hai Bà đã trọn lời thề với non nước và quốc dân.
Hội đền Hạ Lôi (Mê Linh)
Thần tích ghi, thân phụ Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, phủ Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Có thuyết cho rằng làng Hạ Lôi thuộc xã Hạ Đằng, huyện Thạch Thất, Hà Tây mới là quê của hai Bà. Đền thờ ở gần sông Hồng, cách bến Chèm, huyện Từ Liêm (Hà Nội) 9 km về phía Tây. Theo bia khắc năm 1899 thì đền được sửa lại vào năm ấy, còn năm xây không rõ. Hội đền mở ngày mồng 6 tháng Giêng, tương truyền là ngày yến hạ khao quân. Dân trong vùng kéo đến rất dông xem lễ và dự hội.
Hội có lệ cúng bánh dầy, có những trò vui cổ truyền như đấu cờ, nhún đu… Nhưng dân chúng chờ đợi một lễ mục đặc sắc là tục “Rước kiệu hội đồng”. Kiệu ông Thi Sách do 32 trai làng khiêng, kèm với 32 người dự thi. Kiệu hai Bà do các cô gái khiêng, cũng với số lượng như vậy.
Đám rước từ từ chuyển động rực rỡ màu sắc, trong tiếng trống chiêng, đàn nhạc vang động, cùng đồ bát bửu, lễ bộ uy nghi.Qua cửa tam quan, tới đường cái làng gọi là đường Trống Quân, thì kiệu ông Thi Sách dừng lại để kiệu hai Bà lên trước. Tục này gọi là “Giao kiệu”, một hành động lễ nghĩa theo phong tục “nội gia huynh đệ, ngoại quốc quân thần” (trong nhà là anh em, ra ngoài việc nước là vua tôi).
Đám rước tiếp tục lên đường, trang nghiêm, đúng như một cuộc hành quân lớn. Đoàn người đi theo đường Trống Quân tới đường cái, rồi tiến thẳng về đình để “Hội đồng” với 4 vị Thành hoàng Đô, Hồ, Bạch, Hạc và Thánh Cốt Tung.
Hội đền Đồng Nhân (Hà Nội)
Đền Đồng Nhân dựng năm 1160. Theo truyền tích, đêm mồng 6 tháng 2 năm ấy, 2 pho tượng Hai Bà Trưng bằng đá trôi theo sông Hồng, dạt vào bờ, tỏa sáng bãi Đồng Nhân. Cho là điềm quái lạ, dân làng làm lễ rước tượng về thờ. Khi biết chuyện, vua Lý Anh Tông truyền lập đền thờ tại chỗ. Từ đó thành lệ, cứ vào dịp này, hằng năm làng vào đám. Năm 1819, bãi sông lở, đền chuyển về Sở Võ (Giảng Võ đường thời Lê), thôn Hoàng Viên, hay thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hội đền Đồng Nhân kéo dài 4 ngày, từ mồng 3 tới mồng 6 tháng Hai.
- Ngày mồng 3: Lễ mở cửa đền, thắp hương.
- Ngày mồng 5: Chính hội, lễ tắm tượng, tế và múa đèn.
- Ngày mồng 6: Lễ dâng hương kết thúc.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Lạc bước chốn tiên cảnh Địa Tạng Phi Lai Tự Hà Nam
- Làng Cổ Phong Nam Đà Nẵng – Bình yên một chốn làng quê giữa lòng thành phố
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn nhé!