Khi trẻ bị viêm mũi, nghẹt mũi, việc rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý là phương pháp hiệu quả và cần thiết. Tuy nhiên, do không được hướng dẫn cẩn thận nên bố mẹ có thể gây tổn thương cho trẻ trong quá trình thực hiện. Hãy đọc bài viết sau để nắm được cách rửa mũi cho bé tại nhà đúng cách nhé!
1. Rửa mũi cho bé khi cần thiết, tránh lạm dụng
Ngày nay, nhiều bố mẹ vẫn giữ quan niệm rửa mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý tại nhà nhằm mục đích phòng các bệnh viêm mũi họng, tuy nhiên điều này là sai lầm.
Bình thường, mũi họng của con người luôn có một lớp dịch tự nhiên để bôi trơn niêm mạc, tạo độ ẩm và ngăn bụi bẩn đi vào đường hô hấp. Việc rửa mũi không đúng hoàn cảnh nhiều khi là nguyên nhân gây khô mũi, viêm nhiễm hoặc thao tác không chuẩn sẽ khiến niêm mạc mũi họng của trẻ bị tổn thương, chảy máu.
Phụ huynh chỉ nên rửa mũi cho bé bằng nước muối tại nhà khi bé bị viêm mũi, mũi tiết nhiều dịch nhầy hay dịch đặc không chảy ra ngoài gây ghẹt mũi, sổ mũi, thở khò khè, khó chịu. Việc vệ sinh mũi sẽ giúp làm thông thoáng đường thở, giảm bớt các nguy cơ gây viêm nhiễm cho bé.
Nhưng nếu quá 3 ngày áp dụng biện pháp này mà tình trạng của trẻ không cải thiện, kèm theo ho đờm xanh, đờm vàng, bố mẹ nên chú ý đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa để loại trừ viêm phổi, viêm phế quản.
2. Rửa mũi cho bé tại nhà bằng nước muối sinh lý đúng cách
Bước 1: Ôm trẻ ngồi, đầu cúi thấp. Một tay giữ trán, một tay ôm giữ người và tay tránh trẻ giãy giụa. Trước đây có quan niệm để trẻ ở tư thế nằm nghiêng trên giường khi rửa mũi, nhưng hiện nay ít dùng do dễ gặp nhiều nguy cơ như trẻ nuốt vào hoặc phụt quá mạnh lên tai gây viêm tai giữa cũng như các tổn thương khác cho mũi.
Bước 2: Lót khăn xô dưới cổ để thấm nước muối và dịch mũi khi chảy ra.
Bước 3: Đánh giá tình trạng dịch mũi tại thời điểm bơm rửa. Nếu dịch lỏng sẽ tiến hành rửa luôn. Nếu dịch đặc, khô nên nhỏ 2-3 giọt nước muối ấm vào trước để khoảng 30s làm lỏng dịch mũi, dùng tay day mũi nhẹ nhàng cho gỉ mềm rồi mới bơm rửa.
Bước 4: Đặt bình xịt hoặc xi lanh đầu tròn vào một bên mũi, bóp nhanh nhưng không quá mạnh để để nước chảy từ bên này qua bên kia lỗ mũi, đẩy dịch nhầy ra ngoài. Ở đây cần đặc biệt chú ý về áp lực bơm rửa, nếu quá mạnh sẽ gây nguy cơ tổn thương niêm mạc và viêm tai giữa.
Bước 5: Với trẻ chưa biết xì mũi, dùng khăn mềm lau sạch mũi cho bé (dịch quá đặc có thể dùng ống hút mũi nhưng không nên lạm dụng vì ống hút có áp lực lớn dễ gây tổn thương, chảy máu mũi). Nếu trẻ đã biết xì mũi, nói trẻ xì mũi mạnh ra khăn giấy để đấy hết gỉ và dịch viêm ra ngoài.
Bước 6: Trấn an trẻ và thực hiện tương tự với bên mũi còn lại. Cha mẹ thực hiện rửa mũi cho tới khi thấy không còn dịch mũi chảy ra, trẻ hết khò khè, nước rửa trong.
3. Những lưu ý quan trọng khi rửa mũi cho trẻ tại nhà
- Nên dùng bình xịt chuyên dụng với áp lực được tính toán chuẩn để tránh bơm rửa quá mạnh, nước sẽ vào khoang thông giữa tai – mũi – họng gây viêm tai giữa. Ngoài ra cũng có thể làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
- Thực hiện từ 3-5 lần mỗi ngày tùy trường hợp.
- Nếu bố mẹ rửa nước mũi cho con bằng xi lanh thì chú ý cắt bỏ đầu nhọn hoặc dùng xi lanh đầu tròn chuyên dụng tránh trường hợp trẻ quấy khóc sẽ chọc vào mũi gây chảy máu.
- Không nên tự pha nước muối tại nhà vì rất khó để canh đúng liều lượng quy định. Nên dùng nước muối sinh lý 0,9% có thể mua tại mọi quầy thuốc trên cả nước.
- Nên rửa mũi cho trẻ trước bữa ăn. Nếu rửa sau bữa ăn trẻ bị kích thích đường tiêu hóa có thể gây nôn, buồn nôn.
- Vào mùa lạnh nên làm ấm nước muối sinh lý ấm khoảng 30 độ C trước khi vệ sinh mũi họng cho trẻ (Ngâm lọ nước muối vào chậu nước nóng khoảng 40 độ C).
Bạn có thể tìm mua bình rửa mũi, xịt mũi chuyên dụng cho bé tại đây.
Một số bài viết liên quan cùng chuyên mục các bậc phụ huynh có thể tham khảo:
- Nguyên nhân trẻ bị viêm phổi cha mẹ cần phải biết để bảo vệ con
- Phát hiện và xử trí đúng cách sốt vi rút ở trẻ em
- 6 cách điều trị cảm lạnh ở trẻ em tại nhà giúp bé mau hồi phục
Với bài viết trên đây, BlogAnChoi đã gửi tới bạn đọc thông tin về việc rửa mũi cho bé tại nhà đúng cách, hiệu quả bằng nước muối sinh lý . Mong rằng bài viết sẽ hữu ích để giúp cha mẹ giảm bớt nỗi lo về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho con nhỏ.
Đừng quên truy cập chuyên mục Sức khoẻ của BlogAnChoi để được cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích cho mình bạn nhé!