“Miếng cơm” rất quan trọng, “sức khỏe” càng quan trọng hơn. Nếu đưa cho mỗi người một tờ phiếu để chọn lựa, có lẽ tôi cũng không biết nên tích vào ô nào. Niềm vui thay phiên với nỗi lo, cứ tiếp diễn hàng ngày, như vậy.

Có một bức tranh cuộc sống từ những âm thanh “rất đời”

Sáng thứ 7 cuối tuần, tôi tỉnh giấc bởi tiếng loa của xe công an phường đi dẹp chợ cóc ở khu nhà tôi. Điều đó chẳng còn lạ lẫm gì, với cả những người phải làm nhiệm vụ và những người phải “chạy chợ” mỗi ngày.

Khu chợ cóc này cũng đã có tuổi đời gần 20 năm. Các cô, các chú bán hàng đã trở thành những người vô cùng thân thuôc. Đám cưới, đám giỗ, ngày Tết… đều chẳng thiếu một ai.

Nhà tôi chuyển về sống ở đây năm tôi lên cấp 2. Khi đó khu này mới chỉ có vài nhà đang xây dựng, nhưng như một lẽ tự nhiên, có khu dân cư là sẽ có chợ.

1 khu chợ cóc tuổi đời gần 20 năm, đã là nhiều chưa nhỉ?

Tôi chỉ còn nhớ được mang máng thôi, những người từng đến và đi.

Cuộc sống bình dị thật đẹp (Ảnh: Internet).
Cuộc sống bình dị thật đẹp (Ảnh: Internet).

Khi mới “mở”, khu chợ đông đúc hơn bây giờ. Giống như bao khu chợ dân sinh khác, các cô, các chú “họp chợ” trong những ngách nhỏ xung quanh con ngõ nhà tôi. Không có các kiot như những khu chợ được quy hoạch, khoảnh vỉa hè nho nhỏ trước mỗi ngôi nhà là nơi mọi người bày hàng để buôn bán.

Mọi người tự phân khu với nhau, hoa quả, thịt thà, cá mú… đủ cả. Khi đó, trước cửa nhà tôi là sạp hàng của các cô chú bán thịt lợn, đối diện là dãy hàng bán rau. Mỗi buổi sáng đều rất ồn ào, huyên náo. Vào những ngày mưa, bàn thịt lợn kê ngay cửa nhà tôi, mỗi lần mở cửa ra là mùi ngai ngái của thịt sống ập ngay vào mũi. Rồi thì mỗi lần đi học về buổi trưa, tôi phải lách qua cái khe hẹp giữa bàn thịt và bức tường để đi vào nhà, nhiều lần còn làm tôi bẩn quần áo. Những điều đó khiến tôi rất khó chịu, thành ra tôi “khó chịu” luôn với các cô, các chú. Tâm tính của một con nhóc tuổi dậy thì ẩm ương bộc lộ rõ rệt ra bên ngoài.

Một ngày, trong bữa cơm trưa, mẹ tôi kể chuyện:

“Con gái cô Đức bán thịt trước cửa nhà mình bảo là cảm ơn chị Trang đấy, em ấy mặc vừa áo khoác cũ của con, nó thích lắm.”

Tôi còn ngẩn người, chẳng nhớ ra mẹ đang nói đến chiếc áo nào của mình.

Năm tôi học lớp mấy nhỉ? Chú Nam bán thịt gà qua đời vì mắc ung thư. Hình như trước đó, bà bán rau ngồi cách nhà tôi vài bước chân cũng đã qua đời. Rồi cô bán đậu, mà giờ tôi cũng không còn nhớ tên, cũng qua đời vì bệnh nan y. Còn bà Tỵ bán trứng, bà cũng đã gắn bó với khu chợ nhà tôi nhiều năm. “Nhiều năm”, nhưng chắc chẳng ai nhớ được cụ thể là mấy năm. Mỗi năm lại thấy bà gầy hơn, già hơn. Rồi cũng đến lúc tôi chợt nhận ra, không thấy bóng dáng của bà đi gánh trứng quanh khu nhà tôi nữa.

Chẳng cần đi chu du khắp thế giới để học và hiểu về cuộc sống, những bài học luôn đến từ những điều giản dị kề bên (Ảnh: Internet).
Chẳng cần đi chu du khắp thế giới để học và hiểu về cuộc sống, những bài học luôn đến từ những điều giản dị kề bên (Ảnh: Internet).

Cuộc sống là như vậy, chỉ vài cái chợp mắt vô tâm, đến khi “chợt nhớ ra”, những người thân thuộc xung quanh ta có thể sẽ không còn hiện diện nữa, một cách bất ngờ và rất đột ngột.

Có một khoảng thời gian, khu chợ nhà tôi xôn xao vì thông tin “trên phường” sẽ giải tán khu chợ. Nghe đâu là vì có đơn thư kiến nghị của một vài gia đình. Mỗi ngày, công an phường đều đi xe xuống kiểm tra và tịch thu đồ của mọi người.

“Đuổi chợ”, “chạy công an”… những ai từng sống ở gần chợ, chắc đều hình dung được những từ đấy “phát ra âm thanh” như thế nào, nhỉ? Hồi đó là lúc tôi đang ôn thi đại học, ngồi trên phòng học bài nhưng tôi vẫn giật mình thon thót mỗi khi mọi người nháo nhào, ầm ĩ hô lên “công an đến”. Đôi khi, tôi thấy sợ khi nghe tiếng quát tháo, tiếng xin xỏ, tiếng giằng co, đôi lúc còn là tiếng cãi nhau, tiếng khóc.

Sau nhiều đợt kiến nghị, họp hành, thì khu chợ vẫn được hoạt động, nhưng thu hẹp lại. Đến giờ thì trước mặt nhà tôi không còn ai ngồi bán hàng nữa. Nhưng có rất nhiều cô chú vẫn bám trụ lại đây. Họ như người thân, chứng kiến rất nhiều thay đổi, biến động của một khu phố, chứng kiến cả sự trưởng thành của tôi, của em tôi. Là người đưa đón tôi, em tôi đi học khi bố mẹ tôi bận việc, là người cùng bố và chú tôi đưa ông nội đi viện khi ông tôi trượt chân ngã trên sân thượng…

Gần 20 năm thăng trầm cùng với cuộc sống mưu sinh, khu chợ cóc nhà tôi vẫn là nơi gắn bó của rất nhiều cô, chú, bác. Tôi vẫn không biết hết tên của mọi người, chỉ là “bác bán hoa”, “chị bán xôi”, “chú bán dây buộc tóc”… những cái “tên” quá đỗi dung dị và gần gũi, thân thương.

Sáng nay chỉ là một buổi sáng “rất thường lệ” trong chuỗi ngày Covid, hạn chế tụ tập đông người nên mọi người lại phải “chạy công an”.

“Miếng cơm” rất quan trọng, “sức khỏe” càng quan trọng hơn. Nếu đưa cho mỗi người một tờ phiếu để chọn lựa, có lẽ tôi cũng không biết nên tích vào ô nào.

Niềm vui thay phiên với nỗi lo, cứ tiếp diễn hàng ngày, như vậy

Niềm vui thay phiên với những nỗi lo thường ngày (Ảnh: Internet).
Niềm vui thay phiên với những nỗi lo thường ngày (Ảnh: Internet).

Đôi khi chẳng cần phải chu du khắp nơi để có thể học và hiểu về cuộc sống. Dù rằng thế giới ngoài kia thật bao la, rộng lớn, đầy ắp những điều hấp dẫn thì những điều dung dị, giản đơn ngay sát bên ta cũng đang “dạy” ta, dạy một điều cơ bản nhất. Đó là sự quan tâm.

Và tôi nghĩ, đây là bài học mà tôi vẫn phải học, học mỗi ngày.

Xem thêm

250+ câu thơ thả thính hay, "cưa đổ" ngay mọi crush khó tính!

Mỗi ngày một câu thơ thả thính, đảm bảo hạ gục mọi crush khó tính nhất. Bạn không tin ư? Lưu ngay những câu thơ thả thính hay nhất, chất nhất của BlogAnChoi về làm thử xem năm sau có người yêu không nào?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận