Chắc hẳn chúng ta ai cũng thuộc lòng những câu như “đánh răng thường xuyên để ngừa sâu răng”, hay “đừng ăn đồ ngọt kẻo sâu răng hết”. Nhưng liệu đó đã là tất cả sự thật về căn bệnh phổ biến này? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
- Sâu răng có thường gặp không?
- Răng bị sâu như thế nào?
- Những điều lầm tưởng về sâu răng
- 1. Chỉ có đồ ngọt nhiều đường mới gây sâu răng?
- 2. Chỉ cần trám răng là yên tâm, khỏi lo bị sâu răng nữa?
- 3. Đánh răng thường xuyên là đủ để phòng ngừa sâu răng?
- 4. Kẹo cao su làm bạn dễ bị sâu răng?
- 5. Răng không đau tức là không bị sâu răng?
- 6. Sâu răng sữa ở trẻ nhỏ không đáng lo ngại?
- Lời kết
Sâu răng có thường gặp không?
Sâu răng là vấn đề khó chịu mà hầu như ai trong chúng ta cũng một đôi lần gặp phải. Từ trẻ nhỏ mới mọc răng sữa tới người trưởng thành với bộ răng chắc khỏe, hay các cụ già răng đã lung lay – tất cả đều có nguy cơ mắc phải tình trạng này.
Trên thực tế sâu răng là vấn đề phổ biến nhất ở vùng răng miệng, và cũng xếp đầu bảng trong số các bệnh thường gặp nhất ở Mỹ. Không chỉ lấy mất của bạn vẻ đẹp và sự tự tin, sâu răng còn khiến “bộ máy nhai nghiền” khó hoạt động và ảnh hưởng rất nhiều đến việc ăn uống.
Và một điều mà phần lớn chúng ta đều không biết: răng có thể đã bị sâu kể cả khi bạn chưa nhìn thấy những vết đen hay cảm giác đau nhức. Tại sao ư? Vì sâu răng là một quá trình diễn tiến từ từ qua nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng gì cả.
Răng bị sâu như thế nào?
Trước tiên hãy cùng xem qua cấu tạo của răng nhé. Từ ngoài vào trong, các lớp men răng và ngà răng tạo thành vỏ bọc chắc khỏe bảo vệ tủy răng “mong manh dễ vỡ” bên trong.
Lớp ngoài cùng là men răng màu trắng ngà có thành phần chủ yếu là khoáng chất canxi và flo, do đó rất cứng và giúp ta nhai được nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên các chất này lại dễ bị ăn mòn bởi axit trong thức ăn.
Lớp ngà răng ít khoáng hơn và có màu vàng nhạt. Đây là thành phần chính tạo nên khối lượng của cả chiếc răng. Khi men răng bị ăn mòn và để lộ ngà bên trong, quá trình sâu răng sẽ tăng tốc và trở nên nghiêm trọng hơn.
Tủy răng ở trong cùng được bảo vệ kỹ càng vì có chứa nhiều dây thần kinh cùng mạch máu nuôi dưỡng răng. Khi sâu răng bạn thường có cảm giác ê buốt là vì các dây thần kinh này bị kích thích.
Ngoài ba thành phần kể trên còn có một lớp “xi-măng”, hay chính xác hơn là cementum. Đây là lớp mô rất chắc, giúp gắn chặt chân răng vào nướu để răng không xê dịch khi nhai. Nếu sâu răng tiến triển đến lớp này sẽ làm răng bạn lung lay và có thể “rơi rụng” bất cứ lúc nào.
Sâu răng sẽ xảy ra khi hội đủ các yếu tố thuận lợi được mô tả trong sơ đồ dưới đây:
Chất bột đường (carbohydrate) trong thức ăn còn đọng lại trên răng sẽ bị vi khuẩn lên men thành axit ăn mòn các chất khoáng trong men răng. Giai đoạn này gọi là sâu men.
Theo thời gian, đến lượt lớp ngà bị hủy hoại gây đau nhức khi ăn đồ lạnh hoặc chua. Đây là giai đoạn sâu ngà.
Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ ăn vào đến tủy răng và gây viêm tủy cùng nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác rất nghiêm trọng ở vùng răng miệng.
Cùng xem lại quá trình sâu răng diễn tiến qua các giai đoạn trong video dưới đây nhé:
Những điều lầm tưởng về sâu răng
Vậy là bạn đã biết sâu răng diễn ra như thế nào và tác hại ra sao rồi đấy. Nhưng có vài sự thật mà rất nhiều người vẫn chưa rõ, thậm chí lầm tưởng về chứng bệnh cực kỳ thường gặp này. Nào, cùng tìm hiểu ngay nhé!
1. Chỉ có đồ ngọt nhiều đường mới gây sâu răng?
Đường là nguồn thức ăn tuyệt vời cho các vi khuẩn sống trong miệng của chúng ta. Các vi sinh vật tí hon này “ăn” đường bằng cách lên men thành axit. Và nếu bạn còn nhớ môn hóa học hồi nhỏ thì axit rất dễ ăn mòn các chất khoáng như canxi và flo có trong răng.
Tuy nhiên đường không phải là loại thực phẩm duy nhất mà bạn cần tránh. Các thức ăn chua chứa nhiều axit – dù có nhiều đường hay không – cũng gây mòn men răng.
Các thức ăn dai dính lại giúp vi khuẩn bám vào bề mặt răng lâu hơn, giúp chúng có nhiều cơ hội để phá hủy men răng.
Để bảo vệ hàm răng trắng xinh, bạn cần tránh xa các loại thức ăn kể trên, bên cạnh đó cũng cần giảm ăn vặt rải rác trong ngày. Hãy ăn đúng bữa chính và nhớ đánh răng hoặc súc miệng sạch sau khi ăn nhé.
2. Chỉ cần trám răng là yên tâm, khỏi lo bị sâu răng nữa?
Hiện nay phương pháp đơn giản nhất để chữa sâu răng mức độ nhẹ là trám răng. Nha sĩ sẽ dùng một loại vật liệu nhân tạo để lấp đầy lỗ sâu trên răng, giúp khôi phục hình dạng và chức năng nhai nghiền. Hãy xem quá trình trám răng được thực hiện như thế nào qua video này nhé:
Và nhiều người cho rằng chỉ cần trám là xong, tạm biệt lũ “sâu” đáng ghét.
Nhưng sự thật là bạn vẫn phải chăm sóc chiếc răng được trám rất cẩn thận không khác gì răng chưa bị sâu. Vi khuẩn vẫn tiếp tục cư trú và hoạt động bình thường quanh chỗ trám. Hơn nữa miếng trám vẫn có thể bị nứt, vỡ hoặc bong ra nếu bạn không chăm sóc răng đúng cách.
Vậy phải chăm sóc răng sau khi trám như thế nào? Đầu tiên hãy nhịn ăn uống trong vòng 2 giờ đầu để miếng trám khô cứng và bám chắc vào răng.
Nên tránh các thức ăn quá cứng hoặc quá dai để miếng trám không bị tổn hại, đồng thời hãy hạn chế ăn đồ quá nóng hoặc lạnh nhé, vì chúng dễ kích thích khiến bạn đau nhức đấy.
Nếu bạn chọn phương pháp trám răng thẩm mỹ thì hãy kiêng các thực phẩm có màu như trà, cà phê vì chúng khiến miếng trám bị xỉn màu theo thời gian trông rất xấu.
Bên cạnh việc đánh răng đều đặn sau khi ăn như với răng thường, bạn hãy dùng bàn chải có đầu lông mềm hoặc dùng chỉ nha khoa để không làm ảnh hưởng đến miếng trám nhé.
Và sau cùng, nếu cảm thấy khó chịu ở răng hoặc miếng trám chẳng may bị sứt mẻ thì bạn nên tới gặp nha sĩ ngay để được tư vấn và xử trí kịp thời. Đừng tự chữa theo những lời truyền miệng kẻo tiền mất tật mang!
3. Đánh răng thường xuyên là đủ để phòng ngừa sâu răng?
Chắc bạn đã nghe câu nói “đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày để phòng ngừa sâu răng” nhỉ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Để tự tin khoe nụ cười trắng sáng của mình, bạn phải chăm sóc răng bằng nhiều cách khác nữa.
Như đã nói, các thực phẩm nhiều đường và nhiều axit là kẻ thù số một của răng. Bạn cũng nên tránh các thức ăn dai dính bởi chúng là chất keo tuyệt vời giúp vi khuẩn bám chặt vào bề mặt răng lấu hơn.
Và tất nhiên đừng cố nhai những món quá cứng nhé. Mặc dù cảm giác rôm rốp trong miệng rất thích thú nhưng răng sẽ có thể bị mẻ, vỡ hoặc đau buốt nếu bạn thường xuyên thử thách độ cứng của chúng đấy!
Bên cạnh việc đánh răng, bạn cũng có thể làm sạch răng sau khi ăn bằng chỉ nha khoa hoặc nước súc miệng có chứa flo. Những cách này giúp đánh bay mảng bám và thức ăn thừa mà lại không làm tổn hại đến răng và nướu, vốn là một vấn đề thường gặp nếu bạn đánh răng sai cách.
Vậy đánh răng đúng cách là như thế nào? Cùng xem kỹ video dưới đây nhé:
4. Kẹo cao su làm bạn dễ bị sâu răng?
Đúng, nhưng chưa đủ! Đa số các loại kẹo cao su hiện nay có chứa đường, và tất nhiên chúng là nguồn nguyên liệu tuyệt vời để vi khuẩn lên men tạo axit phá hủy men răng. Tuy vậy những loại kẹo cao su không đường lại hoàn toàn khác: chúng giúp bảo vệ răng khỏi bị sâu!
Lý do là vì kẹo cao su không đường kích thích khoang miệng tiết ra nhiều nước bọt trong quá trình nhai. Nước bọt có tác dụng rửa trôi vi khuẩn và axit bám trên răng.
Và đây là sự thật thú vị mà không phải ai cũng biết: nhãn hiệu kẹo cao su Xylitol được lấy tên từ chất tạo ngọt tự nhiên xylitol. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chất này có khả năng làm giảm lượng vi khuẩn gây sâu răng trong khoang miệng và giúp trung hòa axit, bảo vệ men răng.
Vậy lần tới sau khi ăn xong bạn hãy nhai vài viên kẹo cao su không đường để “cọ rửa” sạch sẽ những chiếc răng trắng xinh của mình nhé.
5. Răng không đau tức là không bị sâu răng?
Sâu răng không phải lúc nào cũng gây đau nhức, đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Khi lớp men răng mới bắt đầu bị ăn mòn, bạn thường chẳng cảm thấy gì bất thường cả. Đó là vì lớp men răng hoàn toàn không có dây thần kinh nhận biết cảm giác đau hay nóng lạnh.
Chỉ khi lỗ sâu đã đục thủng lớp men và ăn đến ngà răng bạn mới có thể cảm thấy ê buốt mỗi khi nhai đồ cứng hoặc uống nước lạnh. Các tác nhân kích thích này được truyền qua lớp ngà răng và tác động đến đầu dây thần kinh trong tủy răng, làm bạn cực kỳ khó chịu khi ăn uống.
Vậy làm thế nào để nhận biết sâu răng ở giai đoạn sớm, khi bạn hoàn toàn không cảm thấy đau? Hãy thường xuyên đi khám răng định kỳ mỗi 6 tháng kể cả khi không hề có triệu chứng gì bất thường. Sâu răng sớm gây đổi màu men răng và tạo những lỗ nhỏ li ti mà nha sĩ có thể phát hiện giúp bạn tại phòng khám đấy.
6. Sâu răng sữa ở trẻ nhỏ không đáng lo ngại?
Sai trầm trọng nhé. Mặc dù răng sữa sớm muộn gì cũng bị rụng ra và được thay thế bởi răng vĩnh viễn nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn có thể bỏ mặc chúng như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Thứ nhất, răng sữa bị sâu có thể làm “lây” vi khuẩn đến mầm răng vĩnh viễn ở ngay bên dưới. Nếu điều đó xảy ra thì không chỉ răng bị tổn hại mà toàn bộ vùng hàm mặt cũng có thể bị nhiễm trùng và phát sinh nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Lý do thứ hai để bạn quan tâm chăm sóc răng sữa là để đảm bảo các răng trong hàm được sắp xếp đều đặn, ngay hàng thẳng lối và tạo cho bạn nụ cười rạng rỡ. Đó là bởi nếu răng sữa bị sâu và rụng quá sớm khi răng vĩnh viễn chưa kịp “đội” lên, khoảng trống đó sẽ làm các răng sau này bị mọc lệch trông rất xấu.
Và một điều nữa rất dễ nhận thấy: nếu răng sữa bị sâu và rụng thì bé yêu nhà bạn làm sao có thể hay ăn chóng lớn? Thêm nữa, hàm răng đều đặn cũng góp phần vào việc phát âm chuẩn trong quá trình học nói của trẻ cũng như sự tự tin để trẻ hòa đồng với bạn bè trong những năm đầu đời.
Vậy đấy, sâu răng sữa cũng là vấn đề đáng ngại lắm chứ không hề đơn giản như bạn vẫn nghĩ đúng không! Nếu nhà bạn có một bé cưng đang tuổi thay răng thì hãy để ý kỹ chuyện này nhé.
Lời kết
Sâu răng là chứng bệnh có từ ngàn xưa và phổ biến hàng đầu trong cuộc sống hiện nay. Như bạn thấy đấy, bất kỳ ai cũng có thể gặp phải lũ sâu đáng ghét này nếu không chăm sóc răng đúng cách và vẫn còn lầm tưởng về những sự thật kể trên.
Vậy còn chần chừ gì nữa, hãy ghi nhớ ngay 6 điều này để bảo vệ hàm răng quý giá của mình. Cái răng cái tóc là góc con người mà, nhìn nụ cười xinh là biết ngay một tâm hồn đẹp!
Cuối cùng mời bạn thư giãn với một đoạn phim hướng dẫn cách chải răng bằng… nhạc chế!
Nhớ đón xem những bài viết thú vị khác của BlogAnChoi bạn nhé:
- 5 dấu hiệu sâu răng cần nhận biết sớm để tránh đau nhức
- 7 tác nhân gây đau nhức răng cần phòng tránh
- Đường nhân tạo thực sự có lợi hay có hại?
nhiều thông tin hữu ích quá, like
Giờ mới biết kẹo cao su giúp răng ko bị sâu