Chị em phụ nữ khi có bầu đều biết đau bụng khi mang thai không phải là vấn đề hiếm gặp. Nhưng để biết đó là đau bụng sinh lý hay đau bụng bệnh lý, có nên gọi bác sĩ không thì không phải ai cũng biết. Vậy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về nguyên nhân đau bụng khi mang thai và cách giải quyết đúng đắn, an toàn nhé!
- Nguyên nhân đau bụng khi mang thai thông thường
- 1. Đau dây Chằng tròn
- 2. Táo bón và sinh khí trong đường tiêu hóa
- 3. Sự phát triển của tử cung
- 4. Cơn co thắt Braxton Hicks
- Đau bụng khi mang thai cảnh báo nguy hiểm cho mẹ và bé
- 1. Dọa sẩy thai, sẩy thai
- 2. Thai ngoài tử cung
- 4. Dấu hiệu tiền sản giật
- 5. Rau bong non
- 6. Hội chứng HELLP rất nguy hiểm với phụ nữ có thai
- Khi nào nên gọi bác sĩ?
Nguyên nhân đau bụng khi mang thai thông thường
Tất cả các triệu chứng khi mang thai đều khiến mẹ bầu và cả gia đình lo lắng. Tuy nhiên, đau bụng có khi chỉ vì nguyên nhân thông thường mà không nhất thiết phải cần nhờ tới sự can thiệp của bác sĩ.
1. Đau dây Chằng tròn
Dây chằng tròn là một bộ phận mang chức năng nâng đỡ tử cung, giữ tử cung ở tư thế gập trước. Khi phụ nữ có thai, tử cung to ra đồng thời cũng kéo giãn dây chằng tròn gây cảm giác đau.
Cảm giác đau có thể đau âm ỉ hoặc đau nhói ở bụng dưới lan xuống vùng háng, đau tăng lên khi vận động, hắt hơi. Triệu chứng đau do dây chằng tròn thường xuất hiện vào quý thứ 2 của thai kỳ và sẽ tự khỏi.
Cách giảm đau bụng khi có bầu do dây chằng tròn?
Cơn đau này chủ yếu do sự giãn căng của dây chằng tròn. Vì thế bạn có thể giảm đau bụng bằng cách ngồi dậy, di chuyển từ từ. Cơ thể bạn sẽ dần quen với sự thay đổi này và không còn thấy đau nữa. Ngoài ra, khi ho hoặc hắt hơi, mẹ bầu giữ hông và gập mình ra trước để làm giảm áp lực lên dây chằng tròn.
2. Táo bón và sinh khí trong đường tiêu hóa
Hormone Progesterone sẽ tăng lên trong quá trình mẹ mang thai. Hormone này gây nhiều tác dụng sinh lý tới cả mẹ và thai nhi. Trong đó có tác dụng làm giảm trương lực cơ trơn. Chính sự tác động lên cơ trơn của đại tràng và dạ dày khiến giảm nhu động ruột, gây ứ khí, sinh hơi, táo bón.
Cách khắc phục đau bụng do táo bón đơn giản
Cách đơn giản nhất để giải quyết tình trạng táo bón ở mẹ bầu là thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt. Không nằm, ngồi quá nhiều và sử dụng thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao. Mẹ cũng nên uống ít nhất 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Nếu tình trạng gây khó chịu nhiều thì hãy tới gặp bác sĩ nhé.
3. Sự phát triển của tử cung
Thai bắt đầu làm tổ ở buồng tử cung vào ngày thứ 6 hoặc thứ 7 sau khi thụ tinh. Từ đó, tử cung sẽ phát triển cả về cân nặng, chiều dài. Từ tháng thứ hai trở đi, trung bình mỗi tháng tử cung lớn lên trên khớp mu 4cm, cân nặng thân tử cung bình thường khoảng 50-60 gam, đến cuối thai kỳ, con số này có thể là 1000 gam.
Sự phát triển của tử cung gây chèn ép làm thay đổi vị trí của ruột non, dạ dày. Chính điều đó gây đau bụng, buồn nôn, khó tiêu ở phụ nữ có thai.
Cách giảm đau bụng hiệu quả ở phụ nữ có thai
Với tình trạng này, mẹ bầu có thể giảm đau bụng bằng cách chia lượng thức ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ. Không nên ăn quá nhiều vào bữa chính gây khó khăn cho nhu động đường ruột.
4. Cơn co thắt Braxton Hicks
Braxton Hicks là tên của một hiện tượng cơn co sinh lý ở phụ nữ mang bầu và đồng thời là tên của bác sĩ người Anh phát hiện ra nó vào năm 1872. Cơn co tử cung có thể là dấu hiệu của cuộc chuyển dạ, nhưng Braxton Hicks thì là một cơn co sinh lý bình thường, nó sẽ tự biến mất, không gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
Để phân biệt 2 loại cơn co này không phải quá khó. Cơn co tử cung cảnh báo chuyển dạ gây đau bụng rõ rệt, đau ngày càng tăng, khoảng 3 cơn trong 10 phút, có các dấu hiệu đi kèm như ra nhầy hồng âm đạo, tử cung dường như chuẩn bị “mở”. Còn Braxton Hicks thường chỉ gây đau bụng thoáng qua rồi biến mất, thậm chí bạn không cảm nhận được cơn co và vẫn sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên nếu bạn lo lắng và không phân biệt được đâu là cơn co Braxton Hicks, đâu là cơn co do chuyển dạ thì hãy nhờ tới sự giúp đỡ của bác sĩ nhé.
Đau bụng khi mang thai cảnh báo nguy hiểm cho mẹ và bé
Đau bụng khi mang thai có thể do 4 nguyên nhân đơn giản, không gây nguy hiểm như đã trình bày ở trên. Nhưng đừng chủ quan vì 6 nguyên nhân đau bụng sau đây có thể là dấu hiệu của sinh non, sẩy thai hay thai ngoài tử cung.
1. Dọa sẩy thai, sẩy thai
Sẩy thai có lẽ là điều mà chị em lo lắng nhất khi mang thai. Theo tổ chức y tế thế giới WHO: “sẩy thai khi thai bị tống xuất ra ngoài khỏi buồng tử cung trước tuần thứ 22 của thai kỳ hoặc trọng lượng nhỏ hơn 500 gam. Sẩy thai sớm là trường hợp sẩy thai trước 12 tuần và sẩy thai muộn là từ 12-20 tuần”.
Với trường hợp dọa sẩy thai, ra máu âm đạo là triệu chứng cần chú ý nhất. Máu âm đạo màu đen hoặc đỏ, ra ít và thường lẫn dịch nhầy âm đạo, hiện tượng này có thể kéo dài vài ngày. Bụng cảm giác tức nặng, đau nhẹ, kèm đau lưng.
Khi sẩy thai thì đau bụng hạ vị từng cơn, tử cung có phản ứng co thắt mạnh tống thai ra ngoài. Máu ra nhiều, thường màu đỏ tươi và lẫn máu cục. Nói chung, tất cả các trường hợp ra nhầy, ra dịch âm đạo bất thường bạn đều cần tới khám bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi.
2. Thai ngoài tử cung
Bình thường, trứng làm tổ ở buồng tử cung. Vậy thai ngoài tử cung nghĩa là trứng làm tổ ngoài buồng tử cung, các vị trí hay gặp như vòi tử cung, buồng trứng. Tỉ lệ gặp thai ngoài tử cung là 1-2% và là nguyên nhân hàng đầu gây sảy thai ở quý 1 thai kỳ.
Những trường hợp có nguy cơ cao hơn với thai ngoài tử cung là sản phụ có tiền sử viêm vòi tử cung, đã từng thực hiện phẫu thuật ở tử cung hay vùng bụng, sử dụng thuốc ngừa thai đơn thuần Progesteron, tiền sử vô sinh.
Thai ngoài tử cung biểu hiện bởi dấu hiệu đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, đau một bên. Kèm với đó là ra huyết rỉ rả từng ít một, màu nâu đen. Phụ nữ có thai cần đặc biệt chú ý tới từng thay đổi nhỏ của cơ thể để phòng tránh các bệnh nguy hiểm.
3. Đau bụng là dấu hiệu sinh non
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO: “Đẻ non là một cuộc chuyển dạ xảy ra từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng”. Tỷ lệ đẻ non không hề nhỏ khoảng từ 5-15%.
Sản phụ thường gặp triệu chứng đau bụng từng cơn, đau tăng dần không giảm. Âm đạo ra máu tươi, nhầy hồng hoặc nước ối.
4. Dấu hiệu tiền sản giật
Tiền sản giật là bệnh lý trong quá trình thai nghén với biểu hiện chính là cao huyết áp, phù và protein trong nước tiểu vượt quá mức bình thường. Hội chứng này xảy ra từ sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tỷ lệ thai phụ mắc phải khoảng 5-10%.
Tiền sản giật gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Thai có thể chậm phát triển, đẻ non, mẹ bị ảnh hưởng mọi cơ quan, bộ phận (suy tim, suy thận, phù phổi cấp, xuất huyết não,…)
Đau bụng ở sản phụ tiền sản giật chỉ sảy ra khi mức độ bệnh nặng, đau ở vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải. Khi phát hiện huyết áp > 140/90 mmHg, mẹ bầu cần tới gặp bác sĩ ngay được làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn có thể tìm mua huyết áp điện tử sử dụng tại nhà ở đây.
5. Rau bong non
Rau thai là nguồn cung cấp dinh dưỡng, oxy cho thai nhi. Rau bong non là hiện tượng rau bong trước thời kì sổ thai an toàn. Đây là bệnh lý nặng gây biến chứng toàn thân, một cấp cứu sản khoa, có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Hiện tượng này thường gặp ở ba tháng cuối cùng của thai kỳ.
Triệu chứng điển hình là sản phụ đau bụng rất nhiều, đau dữ dội, cơn đau bắt đầu ở tử cung sau lan ra toàn ổ bụng, bụng căng cứng, âm đạo chảy máu loãng. Bệnh nhân biểu hiện mất máu rõ, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, chân tay lạnh, thở nhanh nông.
6. Hội chứng HELLP rất nguy hiểm với phụ nữ có thai
Hội chứng HELLP là viết tắt của 3 triệu chứng gây nên hội chứng này: Syndrome of hemolysis (tan máu), elevated liver enzymes (tăng men gan) và low platelets (giảm tiểu cầu). HELLP thường được phát hiện vào tuần 28 đến 36 của thai kỳ và nếu không được điều trị sẽ gây các biến chứng nặng nề như rau bong non, suy thận, vỡ gan, xuất huyết não,…
Biểu hiện thường hay gặp nhất là đau bụng vùng thượng vị hoặc vị trí 1/4 trên bên phải, buồn nôn, nôn ói. Hầu hết các sản phụ mắc phải triệu chứng này đều cảm thấy đau đầu, mệt mỏi một vài ngày trước đó.
Ngoài những nguyên nhân trên, các bệnh không liên đến thai kỳ như sỏi mật, sỏi thận, viêm ruột thừa, viêm dạ dày, ngộ độc thực phẩm cũng sẽ gây đau bụng cho phụ nữ mang thai.
Khi nào nên gọi bác sĩ?
Với những trường hợp đau bụng do nguyên nhân nguy hiểm, bạn không thể tự mình giải quyết, đừng ngần ngại mà hãy gọi ngay cho bác sĩ để được giúp đỡ. Bạn hãy chú ý các dấu hiệu sau nhé:
- Chảy máu, ra dịch âm đạo.
- Đau bụng có hoặc không kèm chảy dịch trước tuần thứ 12 của thai kỳ.
- Đau bụng nhiều, tăng dần.
- Bụng co cứng.
- Rối loạn thị giác, nhìn mờ.
- Đau đầu nhiều, đau dữ dội.
- Kiếm soát thấy tăng huyết áp (>140/90 mmHg)
- Bất thường khi tiểu tiện: tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu.
- Phù tay, phù chân, phù mặt
Một số bài viết liên quan các mẹ có thể tham khảo để chăm sóc mình và thai nhi tốt hơn:
- Đau đầu khi mang thai: Liệu có nguy hiểm tới mẹ và bé?
- 9 lưu ý để bảo vệ sức khoẻ bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ
- Sau sinh mổ nên ăn gì và kiêng ăn gì để nhanh liền sẹo, có nhiều sữa
BlogAnChoi vừa cùng độc giả tìm hiểu về nguyên nhân đau bụng khi mang thai và cách giải quyết sao cho đúng đắn, an toàn. 9 tháng 10 ngày mang thai là thời kì vô cùng nhạy cảm và không hề dễ dàng, các mẹ hãy quan tâm, chăm sóc bản thân thật tốt nhé!
Hãy tiếp tục theo dõi chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!
Có bầu sinh đôi sinh ba còn khổ nữa