Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE) là một bệnh lý mạn tính, xảy ra khi các tế bào miễn dịch gọi là bạch cầu ái toan tích tụ bất thường trong thực quản – ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Sự tích tụ đó có thể gây viêm, làm tổn thương niêm mạc thực quản và ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này, đặc biệt là khả năng nuốt. Mặc dù không phải bệnh đe dọa tính mạng, nhưng EoE nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như hẹp thực quản, tắc nghẽn thức ăn và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE)
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là khó nuốt – đặc biệt khi ăn thức ăn rắn. Tuy nhiên, các dấu hiệu có thể khác nhau tùy theo độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhiều người không nhận ra các biểu hiện của họ là bất thường và chỉ đi khám sau một thời gian dài chịu đựng.
Một đặc điểm đáng chú ý là triệu chứng của EoE thường phát triển từ từ và nặng dần theo thời gian. Các dấu hiệu có thể bùng phát vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng – thường là thực phẩm hoặc, các yếu tố môi trường như thời tiết lạnh hoặc khô hay có nhiều phấn hoa.
Dưới đây là những triệu chứng phổ biến mà người mắc EoE có thể gặp phải:
1. Khó nuốt
Khó nuốt là biểu hiện nổi bật nhất của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE). Nguyên nhân của triệu chứng này là do sự tích tụ của bạch cầu ái toan gây ra viêm và làm thành thực quản bị sưng hoặc hẹp lại, khiến thức ăn và chất lỏng di chuyển khó khăn từ cổ họng xuống dạ dày.
Người bệnh thường cảm thấy thức ăn “mắc kẹt” ở cổ hoặc ngực, đặc biệt khi ăn các món cứng như thịt, bánh mì, cơm khô. Họ có thể đau hoặc cảm thấy vướng khi nuốt, dẫn đến việc ăn chậm hoặc ngại ăn.

Nhiều người mắc EoE tự điều chỉnh thói quen ăn uống mà không hề biết mình có bệnh: họ chọn thực phẩm mềm, uống nước nhiều khi ăn để dễ nuốt, tránh các món dễ bị mắc hoặc đơn giản là ăn rất chậm.
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE) có thể dẫn đến các vấn đề về nuốt dai dẳng, thậm chí đòi hỏi can thiệp y tế.
2. Tắc nghẽn thức ăn
Tắc nghẽn thức ăn xảy ra khi thức ăn bị kẹt trong thực quản và không thể đi xuống dạ dày. Tình trạng này có thể gây đau đớn và hoảng loạn, đặc biệt nếu người bệnh không thể nuốt hoặc nôn ra được thức ăn bị mắc.
Triệu chứng này khá phổ biến, đặc biệt ở người lớn bị EoE, với khoảng 39% từng trải qua ít nhất một lần.
Khi tắc nghẽn xảy ra, người bệnh có thể cảm thấy nghẹn, chảy nước dãi quá mức, nôn khan hoặc không nói được. Trong trường hợp nghiêm trọng, họ có thể khó thở hoặc thở gấp – đòi hỏi chăm sóc y tế khẩn cấp.

3. Trào ngược
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) thường liên quan đến axit dạ dày trào lên thực quản. Trong viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, trào ngược cũng xảy ra nhưng cơ chế khác: không phải do axit mà là do viêm từ phản ứng miễn dịch bất thường với thực phẩm hoặc dị nguyên.
Người bệnh có thể cảm thấy nóng rát ở ngực, cổ họng có vị chua, đắng trong miệng – đặc biệt sau khi ăn, khi nằm hoặc cúi người.
Điều quan trọng là thuốc điều trị trào ngược thông thường như thuốc kháng axit thường không hiệu quả với viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan do nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là miễn dịch chứ không phải axit.

4. Đau ngực hoặc đau bụng
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có thể gây cảm giác đau tức ngực hoặc đau vùng bụng trên, nhất là sau bữa ăn. Một số người có cảm giác thắt chặt ngực giống như đau tim, khiến họ lo lắng hoặc nhầm lẫn với bệnh tim mạch.
Các cơn đau này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn. Theo thời gian, người bệnh có thể sợ ăn, dẫn đến giảm cân và suy dinh dưỡng.

5. Nôn trớ sau khi ăn
Nôn trớ là tình trạng thức ăn hoặc chất lỏng bị đẩy ngược từ dạ dày lên cổ họng hoặc miệng – đôi khi xảy ra ngay sau khi ăn.
Ở người bị EoE, thực quản bị viêm hoặc hẹp khiến thức ăn khó đi xuống, dẫn đến việc thức ăn “quay ngược” trở lại. Triệu chứng này có thể xảy ra đột ngột và gây khó chịu, đặc biệt khi người bệnh vừa ăn xong.

6. Rối loạn giấc ngủ
Các triệu chứng về tiêu hóa không chỉ ảnh hưởng vào ban ngày mà còn gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy khoảng 50% thanh thiếu niên và 63% người lớn mắc EoE gặp khó khăn trong việc ngủ ngon do các biểu hiện như ợ nóng, đau ngực hoặc đau bụng.
Nhiều người bị thức giấc giữa đêm nhiều lần và không thể ngủ lại. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mệt mỏi, giảm năng lượng ban ngày, cáu gắt và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Các biểu hiện ở trẻ em
Ở trẻ em, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE) đôi khi bị nhầm với chứng kén ăn hoặc rối loạn tiêu hóa khác. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Khó nuốt, cảm giác thức ăn bị mắc
- Đau bụng lặp đi lặp lại
- Buồn nôn, nôn
- Tăng cân kém hoặc không tăng cân
- Kén chọn thực phẩm, chỉ ăn những món có kết cấu mềm
- Ợ nóng không cải thiện dù đã dùng thuốc kháng axit
- Nhanh no sau khi ăn lượng nhỏ
Việc phát hiện sớm ở trẻ nhỏ rất quan trọng vì EoE kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, cả về thể chất lẫn tâm lý.
Khi nào nên đi khám?
Nhiều người sống chung với EoE trong nhiều năm mà không được chẩn đoán do nhầm lẫn với trào ngược hoặc các vấn đề tiêu hóa thông thường.
Tuy nhiên, điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa tổn thương lâu dài cho thực quản. Bạn nên đến bác sĩ nếu gặp các triệu chứng sau:
- Khó nuốt kéo dài, ngày càng nghiêm trọng
- Trào ngược hoặc ợ nóng không đáp ứng với thuốc thông thường
- Nôn hoặc nôn trớ thường xuyên
- Đau ngực hoặc đau bụng không rõ nguyên nhân
- Trẻ em biếng ăn, chậm tăng cân hoặc kén chọn thực phẩm
- Tắc nghẽn thức ăn, đặc biệt nếu xảy ra nhiều lần

Trong trường hợp thức ăn bị mắc trong cổ họng, cần xử lý ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Nước bọt chảy nhiều hoặc không nuốt được nước bọt
- Cảm giác tức ngực hoặc đầy tức vùng ngực
- Nước bọt lẫn máu
- Nôn khan, nghẹn
- Khó thở hoặc thở nhanh
Khi đó, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức để được hỗ trợ.
Câu hỏi nên hỏi bác sĩ
Khi đi khám vì nghi ngờ mắc EoE, bạn nên chuẩn bị một số câu hỏi để hiểu rõ hơn về tình trạng của mình:
- Tôi cần làm xét nghiệm gì để xác định có bị EoE không
- Các triệu chứng của tôi có chắc chắn do EoE hay do bệnh khác?
- Có những loại thực phẩm hoặc dị nguyên nào tôi cần tránh không?
- Phác đồ điều trị tốt nhất là gì? Có cần dùng thuốc lâu dài không?
- Làm sao phân biệt giữa EoE và trào ngược dạ dày (GERD)?
- Bệnh có thể tái phát sau điều trị không?
- Trao đổi thẳng thắn với bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả và tránh các biến chứng về sau.
Tóm tắt nhanh
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là tình trạng viêm mãn tính của thực quản do tích tụ bất thường bạch cầu ái toan. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và thường biểu hiện qua:
- Khó nuốt, tắc nghẽn thức ăn
- Trào ngược, đau ngực hoặc bụng
- Nôn trớ, chán ăn, mất ngủ
Ở trẻ nhỏ, EoE có thể dẫn đến chậm phát triển và suy dinh dưỡng nếu không được điều trị. Việc chẩn đoán sớm, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn và dùng thuốc đúng cách, có thể giúp kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.
Giải đáp nhanh
Viêm thực quản EoE có nghiêm trọng không?
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn thức ăn, hẹp thực quản và suy dinh dưỡng nếu không điều trị.
Nguyên nhân chính gây EoE là gì?
Nguyên nhân gây viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan thường do phản ứng miễn dịch với dị ứng thực phẩm (sữa, lúa mì, đậu nành, trứng, hải sản, các loại hạt) hoặc dị nguyên môi trường như phấn hoa, thời tiết khô lạnh.
Điều gì xảy ra nếu không điều trị EoE?
Bệnh có thể tiến triển thành sẹo thực quản, làm hẹp lòng thực quản, tăng nguy cơ mắc nghẹn, khó nuốt mạn tính, ăn uống kém và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Bạn có thể quan tâm:
Nếu bạn cảm thấy bài viết này có ích, hãy để lại một lời đánh giá tích cực và động viên mình tiếp tục chia sẻ những kiến thức hữu ích hơn nữa.