Hiện nay nhiều công ty hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Pepsi, Deutsche Bank, MasterCard, Adobe Systems, hay công ty về tiêu dùng Reckitt Benckiser đều có điểm chung là sử dụng các CEO người gốc Ấn Độ. Liệu có điều gì khiến người gốc Ấn được tin tưởng để giao phó vị trí trọng yếu này? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá tại sao các CEO người Ấn Độ lại “thống trị” ở nhiều tập đoàn lớn trên thế giới nhé.
- 1. Các CEO người Ấn Độ nổi tiếng với trình độ học vấn “khủng”
- 2. Các CEO người Ấn Độ đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp nhờ đức tính kiên trì, nhẫn nại
- 3. Các CEO gốc Ấn nổi tiếng với đức tính khiêm tốn trong công việc
- 4. Các CEO gốc Ấn thường tập trung vào các chiến lược dài hạn và có khả năng đạt được mơ ước của họ
1. Các CEO người Ấn Độ nổi tiếng với trình độ học vấn “khủng”
Hầu hết họ đều ở độ tuổi 40-50 và đã tốt nghiệp các trường đại học quốc tế danh tiếng ở Mỹ hoặc Anh, trước đó họ xuất thân và học phổ thông ở Ấn Độ. Trong số đó phải kể tới những CEO nổi bật như Sundar Pichai (Google) và Satya Nadella (Microsoft), đều là sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật từ các trường Đại học hàng đầu của Ấn Độ, họ có bằng MS (Master of Science) và MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) ở nước ngoài.
Còn những CEO khác như Indra Nooyi (Pepsi), Ajay Banga (MasterCard) và Ivan Menezes (Diageo) đều là những người lấy bằng MBA từ các trường thuộc Học viện quản lý Ấn Độ (IIM).
Nhưng phải có một lý do tại sao rất nhiều người gốc Ấn Độ mà không phải nước khác mới nổi như Trung Quốc, Nga hay Nhật lại trở thành giám đốc điều hành các doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thế giới? Điều gì khiến cho người Ấn Độ phù hợp với vị trí CEO tại các công ty công nghệ?
2. Các CEO người Ấn Độ đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp nhờ đức tính kiên trì, nhẫn nại
Câu trả lời cho những câu hỏi này rất đơn giản. Những người quản lý gốc Ấn Độ đang “lên đỉnh” vì họ có sự kiên trì. Họ có đủ kiên nhẫn để từ từ vươn lên từ các vị trí thấp trong một công ty và cũng không luân chuyển qua các công ty khác, cho tới khi họ đạt được trình độ kinh nghiệm và uy tín nhất định.
Họ đã “đạt được” chứ không phải “trở thành” những gì mà họ xứng đáng với các vị trí lãnh đạo. Sau hơn 2 thập kỷ làm việc chăm chỉ tại Microsoft, Nadella đã được bổ nhiệm làm CEO. Còn Sundar Pichai đã làm việc cho Google từ năm 2004. Công việc đầu tiên của ông tại Google liên quan đến công cụ tìm kiếm Google Search. Năm 2006, tương lai của Google Search bị đặt dấu hỏi khi Microsoft thiết lập Bing làm công cụ tìm kiếm mặc định cho Internet Explore. Pichai thuyết phục hai nhà đồng sáng lập Alphabet là Larry Page và Sergey Brin, cho phép Google phát triển trình duyệt riêng. Tới nay, Google Chrome đã trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới.
Thành công với Google Chrome, các ứng dụng và Android đã dẫn tới bước ngoặt tiếp theo vào năm 2014 khi Pichai được Larry Page trao quyền phụ trách hầu hết sản phẩm của công ty gồm công cụ tìm kiếm, bản đồ, Google+, quảng cáo và cơ sở hạ tầng. Vào ngày 10/8/2015, ông đã được bổ nhiệm vị trí Giám đốc điều hành của Google.
Ngoài ra, các CEO gốc Ấn khác như Anshu Jain, Menezes và Narayen đều đã kiên nhẫn làm việc trong các công ty của họ suốt hơn một thập kỷ trước khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO.
Narayen là chủ tịch kiêm CEO của Adobe. Narayen gia nhập Adobe vào năm 1998 với tư cách là phó chủ tịch và tổng giám đốc của nhóm công nghệ kỹ thuật của công ty. Ông đã thăng tiến nhanh chóng qua các cấp bậc, trở thành chủ tịch kiêm giám đốc điều hành năm 2005, CEO năm 2007 và chủ tịch năm 2017.
Trước khi gia nhập Adobe, ông giữ vai trò phát triển sản phẩm tại Apple (AAPL) và Silicon Graphics, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Pictra. Tất cả kinh nghiệm này đã giúp ông tái tạo lại toàn bộ ngành công nghiệp. “Nếu bạn có thể kết nối tất cả những gì bạn thấy ngày hôm nay và nơi bạn muốn đến, thì mục tiêu đó có lẽ không đủ tham vọng hoặc đủ khát vọng”, Narayen nói. Ông đã góp phần vào thành công của Adobe trong việc chuyển thương hiệu phần mềm thiết kế sáng tạo sang nền tảng đám mây và được tạp chí Barron đề cử là một trong những CEO giỏi nhất thế giới vào năm 2016 và 2017.
3. Các CEO gốc Ấn nổi tiếng với đức tính khiêm tốn trong công việc
Một điểm quan trọng khác cần ghi nhận đối với người Ấn Độ là sự khiêm tốn trong công việc. Họ có thể là một CEO nhưng vẫn là người ngồi làm việc cả ngày trong văn phòng, tham gia trực tiếp vào các dự án, di chuyển khắp văn phòng từ bàn này sang bàn khác để làm việc với các nhân viên mà không nề hà gì.
Theo nghiên cứu, khi có được cảm giác rằng công ty thực sự quan tâm tới mình, các nhân viên sẽ có sự trung thành mạnh mẽ vượt xa các phần thưởng tài chính vốn “dễ đến và dễ đi”.
CEO Indra Nooyi của PepsiCo cho rằng cần tôn trọng nhân viên của mình trong cả cuộc sống ở ngoài công ty nữa, chứ không chỉ là một nhân viên của hãng. Khi được hỏi làm sao để trở thành một lãnh đạo giỏi, được mọi người nể phục, Indra Nooyi trả lời đơn giản: “Làm lãnh đạo đã khó, làm lãnh đạo giỏi còn khó hơn. Đó là khi bạn thuyết phục mọi người tin rằng bạn đang thực sự đi cùng con đường với họ và tạo điều kiện cho họ phát triển”. Triết lý kinh doanh của bà chính là, mỗi nhân viên phải làm việc trên tinh thần đáp ứng người tiêu dùng khó tính nhất là chính mình.
CEO của công ty bán dẫn hàng đầu thế giới GlobalFoundries là Sanjay Kumar Jha cũng nổi tiếng với việc sẵn sàng xắn tay áo nhảy vào làm việc cùng với các đồng nghiệp công nghệ của mình.
4. Các CEO gốc Ấn thường tập trung vào các chiến lược dài hạn và có khả năng đạt được mơ ước của họ
Một đức tính khác là người Ấn thường tập trung vào các chiến lược dài hạn và có khả năng đạt được mơ ước của họ.
CEO Nadella của Microsoft đã chia sẻ với nhân viên của mình trong bức thư đầu tiên lúc nhậm chức rằng, “chúng ta cần tin vào những điều không thể và loại bỏ những điều không thiết thực” (We need to believe in the impossible and remove the improbable). Là một người có ý chí cầu tiến cao và đặc biệt yêu thích công nghệ, Satya Nadella luôn mơ ước một ngày nào đó có thể được đặt chân đến những cường quốc công nghệ cao thời bấy giờ, trong đó có nước Mỹ xa xôi.
Sau khi Nadella hoàn tất chương trình đại học tại quê nhà với tấm bằng cử nhân loại giỏi, gia đình đã quyết định đầu tư cho ông sang Mỹ để tiếp tục học tập như đúng mong ước từ thuở thơ ấu. Tại Mỹ, Satya Nadella quyết định theo học chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin Milwaukee và nhận bằng thạc sĩ khoa học tự nhiên (MS) vào năm 1990. Sau đó một thời gian ngắn, ông nhận thêm bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Chicago.
Nadella nói rằng ông “luôn muốn xây dựng mọi thứ bằng chính đôi bàn tay và chất xám của mình”, và rằng kiến thức “là một phương tiện tuyệt vời để tôi có thể khám phá ra những điều thực sự sẽ trở thành niềm đam mê và mục đích sống của mình, trong đó chắc chắn không thể thiếu lĩnh vực khoa học máy tính”.
Sự thành công của các CEO người Ấn Độ tại những tập đoàn lớn của thế giới không chỉ đơn thuần là tài năng thiên bẩm mà còn nhờ sự nỗ lưc không ngừng nghỉ và cả những đức tính tốt đẹp đáng trân trọng. Đó cũng là bài học đáng để cho người trẻ hiện nay có thể học hỏi, từ cách tiếp cận và theo đuổi ước mơ cho tới sự kiên nhẫn của các doanh nhân Ấn Độ trong công việc, trước khi được ghi nhận và đề bạt ở những vị trí quản lý quan trọng.
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị bạn nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan: