Vấn nạn săn bắt động vật hoang dã là một câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Nhìn ở góc độ toàn cảnh, đây là một bài toán phức tạp, khó tìm lời giải đáp.
Mong manh ranh giới “của ngon” và “vật lạ”
Showbiz Việt đang trong mùa cưới với dồn dập các tiệc cưới của các cặp đôi nổi tiếng. Ngoài độ nóng và hạnh phúc của các cặp đôi, người hâm mộ còn chú ý đến thực đơn toàn sơn hào hải vị. Việc chiêu đãi khách quan bằng một dàn thực đơn hoành tráng, đắt đỏ dường như trở thành “cuộc đua ngầm” của những bữa tiệc tiền tỷ.
Nhưng, những món ăn như Sò điệp Hokkaido áp chảo, Súp hải sâm với thịt cua Alaska, Tôm hùm ủ muối hồng tiêu Phú Quốc, Cá hồi Na Uy áp chảo xốt chanh leo hay Rùa hầm bách hợp, bề ngoài thì sang trọng, thực chất là đang âm thầm đánh đổi sự sụt giảm dần những cá thể sinh vật quý hiếm.
Không riêng gì những màn so sánh đẳng cấp bằng sơn hào hải vị, việc sở hữu những loại thực phẩm lạ, hiếm có dường như là cách để con người “mua” khoái cảm. Điển hình nhất là các loại rượu, ngâm cùng đủ những thứ khác lạ, thậm chí là dị biệt như rượu ngâm bào thai hổ, rượu ngâm chân gấu, rượu ngâm rắn hổ mang,… Dân sành rượu rất ưa săn lùng những thứ “rượu quý”, mà càng lạ thì càng quý.
Như một hệ quả tất yếu của quy luật cung cầu, những hội nhóm săn bắt động vật hoang dã được sinh ra, tìm kiếm, săn bắt, giết hại, hoặc thậm chí làm giả những sản phẩm đặc biệt này để bán kiếm lời. Họ cường điệu hóa tác dụng của những sản vật từ rừng. Từ chỗ chỉ để bồi bổ, họ phóng đại lên thành thần dược giúp hồi xuân, cường tráng; từ chỗ chữa bệnh phong thấp, họ nói quá lên thành bổ thận tráng dương. Lời nói không hề có căn cứ, thế nhưng vẫn có rất nhiều người mù quáng tin và bỏ tiền túi để mua được những sản vật cấm này.
Và cái kết “Quýt làm, cam chịu”
Theo số liệu ghi nhận từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV, chỉ trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.900 vụ vi phạm về động vật hoang dã. Trên thực tế, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hội nhóm, cá nhân ẩn náu, trá hình, vẫn đang ngày ngày tuồn những sản vật cấm này qua các cửa khẩu, qua các tỉnh thành và qua tay những người có nhu cầu mua.
Mới đây, đài CNN của Mỹ đã đưa tin về sự biến mất của hàng tỉ con cua tuyết Alaska trong những năm gần đây. Cụ thể, số cua tuyết sụt giảm đã được ước lượng từ 8 tỉ con xuống chỉ còn 1 tỉ con chỉ sau 3 năm. Nguyên nhân được xác định không gì khác chính là do tình trạng khai thác quá mức của con người.
Đó chỉ là trường hợp của cua tuyết Alaska, còn hàng tỉ những loài sinh vật khác đều đang gồng mình gánh lấy cái “nghiệp” mà con người tạo ra – Mất cân bằng hệ sinh thái. Nói một cách dễ hiểu hơn, mức độ khai thác của con người tỉ lệ thuận với hàm lượng khí nhà kính trong khí quyển, với sự axit hóa đại dương, với tình trạng suy giảm diện tích rừng và với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hành động của một vài người đang làm mỗi ngày, nhưng có thể khiến cả hành tinh này phải gánh chịu.
Hiện tại cái chúng ta thấy có thể chỉ là “quýt làm, cam chịu”, thế nhưng đến đời con, đời cháu và hơn thế nữa, liệu có còn chỉ là “cam chịu”?
Theo một cảnh báo mới nhất được đưa ra bởi tổ chức phi chính phủ KidsRights (Hà Lan) vào ngày 19/10 vừa qua, khoảng hơn 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đứng trước ảnh hưởng vô cùng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu, hơn 920 triệu trẻ em đang phải đối mặt với khan hiếm nước, và khoảng 820 triệu trẻ em đang phải chống chọi với nắng nóng trên toàn cầu.
Liệu hành động đấu tranh ngăn chặn đã đủ quyết liệt?
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đấu tranh ngăn chặn vấn nạn này, các cơ quan liên quan cũng đã đưa ra những chính sách, chế tài và hành động phù hợp. Và kết quả là số lượng các vụ án hình sự về động vật hoang dã đã tăng 44% từ giai đoạn 2015-2020 đến giai đoạn 2018-2019. Điều này đã chứng minh cho sự tiến bộ trong nỗ lực phòng chống nạn săn bắt, giết hại, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển và mua bán trái phép động vật hoang dã.
Nhưng hãy thử làm một phép tính nho nhỏ. Nếu như khung hình phạt đối với các đối tượng vi phạm về vấn đề săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã trong khoảng từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ 500 triệu đồng, thì theo giá chợ đen, với 1 con hổ bị giết hại và mổ xẻ để mua bán, những con buôn sẽ dắt túi khoảng 2-3 triệu đồng cho móng hổ, khoảng 25 triệu đồng cho một bộ da hổ, khoảng 500 triệu đồng cho một bộ xương hổ “chính hiệu”, 25-35 triệu cho một lạng cao hổ, tương đương tầm 2 tỷ tiền cao hổ trên 1 con. Hơn thế nữa, mỗi năm, những con buôn này săn bắt, mua bán không biết bao nhiêu gấu, hổ và động vật hoang dã khác. Hình phạt cao, nhưng liệu với mức lợi nhuận này, những kẻ ham lợi nhuận có chịu từ bỏ?
Cội nguồn của vấn đề vẫn là nằm ở người mua, bởi chỉ khi có cầu thì mới có cung. Chấm dứt nạn săn bắt trái phép động vật hoang dã có lẽ còn là câu chuyện dài, nhưng trên con đường này, mỗi một công dân cần nhận thức được vai trò của mình trong việc ngăn chặn vấn nạn nhức nhối, bảo vệ những loài động vật quý hiếm trước bờ vực tuyệt chủng.