Có phải mỗi lần bạn bị nấc thường tự hết sau vài phút? Nhưng bạn có biết những trường hợp bị nấc kéo dài tới nhiều ngày, thậm chí lâu hơn nữa? Vậy nấc kéo dài có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm gì không? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Nấc mạn tính là hiện tượng hiếm gặp có thể ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hằng ngày, thậm chí nếu lặp lại thường xuyên có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nguyên nhân gây nấc kéo dài đôi khi không thể phát hiện rõ ràng, nhưng nhiều trường hợp là do một bệnh tiềm ẩn nào đó gây ra.
Tại sao lại bị nấc? Nấc mạn tính là gì?
Hiện tượng nấc là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi các dây thần kinh bị kích thích làm cho cơ hoành co thắt đột ngột không theo ý muốn, dẫn đến nắp thanh quản ở cổ họng đóng lại rất nhanh và phát ra âm thanh đặc trưng.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể nào gây ra phản xạ nấc, nhưng có một vài yếu tố có thể kích thích làm dễ bị nấc như tâm trạng phấn khích, căng thẳng, ăn quá no hoặc một số loại đồ ăn thức uống đặc biệt như nước ngọt có ga.
Nấc thường tự hết trong vòng vài phút, nhưng đôi khi có thể tồn tại dai dẳng tới nhiều giờ, nhiều ngày. Khi nấc kéo dài hơn 48 tiếng sẽ được coi là nấc mạn tính và là một vấn đề cần quan tâm nghiêm túc.
Không chỉ gây cảm giác khó chịu, nấc mạn tính còn phá hỏng giấc ngủ và gây khó khăn khi ăn uống, đôi khi có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như kiệt sức, mất nước và sụt cân.
Nguyên nhân gây nấc mạn tính là gì?
Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ra hiện tượng này nhưng có thể do một số loại thuốc hoặc bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Nấc mạn tính biểu hiện rất rõ ràng và dễ chẩn đoán, nhưng để tìm ra nguyên nhân chính xác có thể mất nhiều thời gian và đôi khi không thể tìm được.
- Phản xạ nấc chủ yếu là do sự co thắt của cơ hoành, vì vậy các tình trạng gây kích thích hoặc viêm nhiễm ở cơ này có thể là yếu tố gây nấc kéo dài, chẳng hạn như viêm phổi hoặc viêm màng phổi.
- Các dây thần kinh điều khiển cơ hoành nếu bị tổn thương hoặc bị kích thích cũng làm cho cơ co thắt liên tục gây nấc. Tác nhân gây kích thích có thể là áp lực trong ổ bụng khi phụ nữ mang thai hoặc do khối u ở các cơ quan lân cận chèn ép vào dây thần kinh.
- Cử động của cơ hoành có thể trở nên bất thường nếu khu vực não kiểm soát hoạt động của nó bị rối loạn, chẳng hạn như sau đột quỵ, chấn thương đầu hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương như bệnh đa xơ cứng.
- Nấc mạn tính cũng có thể là triệu chứng của rối loạn chuyển hóa, bệnh thận và bệnh đường tiêu hóa ảnh hưởng đến dạ dày, ruột, gan, túi mật và tuyến tụy. Một số ví dụ là bệnh Crohn, viêm loét dạ dày, viêm gan, viêm ruột thừa.
- Đã có một số trường hợp được ghi nhận xuất hiện nấc mạn tính sau khi trải qua phẫu thuật hoặc thủ thuật ở ngực, bụng và não, chẳng hạn như nội soi dạ dày. Như vậy khi tác động vào các bộ phận của cơ thể tham gia hình thành phản xạ nấc có thể kích thích gây nấc kéo dài.
- Một số loại thuốc có liên quan đến nấc mạn tính, nhất là khi được sử dụng kết hợp, chẳng hạn như thuốc hóa trị ung thư và corticosteroid dùng để điều trị một số vấn đề như dị ứng nặng và các bệnh về da.
Điều trị nấc mạn tính như thế nào?
Vì đây là hiện tượng hiếm gặp nên đến nay có rất ít nghiên cứu về cách điều trị và chăm sóc. Có thể sử dụng một số loại thuốc để điều trị triệu chứng, làm hết nấc hiệu quả, nhưng quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn để ngăn chặn cơn nấc quay trở lại và tránh hậu quả nghiêm trọng của bệnh gây ra nấc.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA) đã phê duyệt thuốc chlorpromazine để điều trị nấc mạn tính. Một số loại thuốc an thần và thuốc giãn cơ cũng có thể được sử dụng để ngăn co thắt cơ hoành tạo ra nấc. Nếu đã dùng thuốc mà không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt dây thần kinh điều khiển cơ hoành để hết nấc hoàn toàn. Một số cơ sở y học cổ truyền có thể áp dụng châm cứu để chữa nấc.
Nếu bị nấc kéo dài thì nên làm gì?
Nấc mạn tính có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày, khiến những ai mắc phải nó rất lo lắng căng thẳng và phá hỏng những thói quen sinh hoạt bình thường. Do đó cố gắng duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất tốt là điều cần thiết.
Những cơn nấc liên tục có thể khiến bản thân bạn khó ngủ hoặc làm những người khác ngủ cạnh bị thức giấc. Thiếu ngủ gây nhiều tác hại cho cơ thể, cảm giác uể oải thiếu năng lượng vào ban ngày, nếu kéo dài có thể gây kiệt sức. Có thể khắc phục tạm thời bằng cách ngủ bù, chợp mắt vào ban ngày để tỉnh táo và đỡ mệt hơn.
Nấc khiến bạn khó ăn uống dẫn đến thiếu năng lượng, mất nước, suy dinh dưỡng hoặc sụt cân. Có thể khắc phục vấn đề này bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ chia đều trong ngày thay vì ăn một bữa lớn với nhiều thức ăn. Cũng phải lưu ý đề phòng nguy cơ bị sặc khi ăn uống do nấc, nên uống nước từng ngụm nhỏ và nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.
Các thức ăn cay, nóng và đồ uống có ga có thể khiến cơn nấc trở nên nặng hơn, vì vậy hãy hạn chế sử dụng.
Nấc mạn tính có gây biến chứng nghiêm trọng gì không?
Nấc thoáng qua hầu như không ảnh hưởng gì đáng kể, nhưng nếu kéo dài có thể dẫn tới một số vấn đề. Nghiên cứu cho thấy nấc thường xảy ra khi bệnh nhân nhập viện được gây mê toàn thân trước khi phẫu thuật, sau đó có thể làm cho họ mất ngủ và khó ăn uống, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục sau mổ.
Nấc mạn tính làm tăng áp lực trong ngực – bụng nên có thể gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, tức là thức ăn và axit trong dạ dày bị đẩy lên thực quản. Trào ngược có thể biểu hiện các triệu chứng:
- Ợ nóng
- Có vị lạ trong miệng (chua hoặc đắng)
- Đau họng khi nuốt
- Chướng bụng
- Khó chịu trong người
- Hơi thở hôi
Để chữa trào ngược dạ dày thực quản thường phải kết hợp nhiều loại thuốc như thuốc kháng axit để trung hòa axit dạ dày và thuốc ức chế bơm proton (PPI) có tác dụng ức chế sản sinh axit. Cũng có thể dùng thêm gối để kê cao đầu khi ngủ và tránh các thức ăn đồ uống cay nóng, khó tiêu.
Tổng kết
Nấc mạn tính không chỉ gây phiền toái cho sinh hoạt mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là do hậu quả của các bệnh lý tiềm ẩn gây ra cơn nấc.
Khi bị nấc kéo dài nên cho cơ thể nghỉ ngơi, chia thức ăn nước uống ra nhiều bữa nhỏ để dễ ăn uống. Các loại thuốc thông thường có thể cắt cơn nấc hiệu quả, nhưng đôi khi rất khó xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bác sĩ có thể chỉ định khám sức khỏe và xét nghiệm tổng quát để tìm nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn, từ đó điều trị dứt điểm tránh hậu quả nghiêm trọng.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Giúp xương chắc khỏe mà không uống sữa bằng những loại rau quả tốt cho xương
- Ăn kiêng Sirtfood là gì và có hiệu quả như lời đồn hay không?
- Nhìn lưỡi cũng đoán được bệnh? Lưỡi trắng, lưỡi đỏ, lưỡi đen là bệnh gì?
- Tyramine là gì? Tại sao cần chọn thực phẩm ít tyramine trong chế độ ăn?
- Hãy chơi nhạc cụ vì rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe!
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!