Trên toàn thế giới, các số liệu thống kê cho thấy sức khỏe tâm thần của mọi người đã giảm sút đáng kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Liệu có phải mạng xã hội là một lý do?
- Tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại
- Khủng hoảng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tâm thần?
- Mạng xã hội và thông tin sai lệch về sức khỏe
- Mạng xã hội, COVID-19 và sức khỏe tâm thần
- Mạng xã hội giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần
- Sự cải thiện từ các nền tảng mạng xã hội
- Hãy tự làm chủ chính mình
Trên phạm vi toàn cầu, mạng xã hội có thể là một cách để mọi người thu thập thông tin, chia sẻ ý tưởng và tiếp cận với những người khác đang đối mặt với những thách thức tương tự. Nó cũng có thể là một nền tảng hiệu quả để chuyển tiếp thông tin nhanh chóng trong một cuộc khủng hoảng tầm cỡ quốc gia hoặc toàn thế giới.
Phạm vi tiếp cận toàn cầu này là điều đã biến mạng xã hội trở thành một nền tảng truyền thông quan trọng trong đại dịch COVID-19.
Khi các tổ chức y tế của chính phủ sử dụng nó để thông báo những phát hiện mới về phòng ngừa và điều trị, mạng xã hội không chỉ là nơi để đăng những tin tức giải trí mà đã trở thành một trung tâm thông tin liên quan đến đại dịch. Nhưng việc sử dụng mạng xã hội trong thời kỳ đại dịch có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc không? Hay nó có tác dụng ngược lại?
Trong bài viết này, hãy cùng xem thử những nghiên cứu nói gì về việc sử dụng mạng xã hội và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như thế nào nhé!
Tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các vấn đề sức khỏe tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Dữ liệu cho thấy khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới đang mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Hơn nữa, tự tử là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 2 ở lứa tuổi 15–29.
Trong đại dịch COVID-19, một báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) công bố cho thấy trong số những người trưởng thành được khảo sát ở Mỹ thì:
- 31% có triệu chứng lo lắng hoặc trầm cảm
- 13% cho biết đã bắt đầu hoặc gia tăng sử dụng chất kích thích
- 26% cho biết đã trải qua các triệu chứng liên quan đến căng thẳng
- 11% cho biết có ý định tự tử
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng những vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan đến đại dịch có tác động khác nhau đến mọi người, một số nhóm chủng tộc bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi căng thẳng trong đại dịch. Đặc biệt, những người Mỹ gốc Tây Ban Nha cho biết đã trải qua căng thẳng tâm lý xã hội nặng nhất liên quan đến tình trạng thiếu lương thực và nhà ở không an toàn khi bắt đầu đại dịch.
Khủng hoảng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tâm thần?
Một báo cáo đăng trên tạp chí Frontiers in Psychology chỉ ra rằng có sự liên hệ giữa các mối đe dọa của đại dịch với sự lo lắng rộng rãi của người dân. Các nhà khoa học giải thích rằng một số lo lắng về sự an toàn và sức khỏe cá nhân trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng có thể giúp thúc đẩy các hành vi tốt, bao gồm rửa tay và giãn cách xã hội. Tuy nhiên ở một số người, sự lo lắng có thể trở nên quá sức chịu đựng và gây hại.
Mạng xã hội và thông tin sai lệch về sức khỏe
Việc sử dụng mạng xã hội đã gia tăng kể từ khi nó xuất hiện vào năm 1995. Khi nó ngày càng phát triển, nhiều người bắt đầu sử dụng nó như một nguồn tin tức chính. Một cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 31/8 đến 07/9/2020 cho thấy khoảng 53% người trưởng thành ở Mỹ cập nhật tin tức từ mạng xã hội.
Kết quả chỉ ra rằng mạng xã hội có thể giúp truyền đạt hiệu quả thông tin sức khỏe đến mọi người toàn cầu trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên thông tin được chia sẻ trên các nền tảng này đôi khi có thể không chính xác hoặc gây hiểu nhầm.
Ví dụ: một bản đánh giá được công bố trên Journal of Medical Internet Research đã xem xét các bài đăng trên mạng xã hội trước tháng 3/2019 và phát hiện ra rằng Twitter chứa nhiều thông tin sai lệch nhất về sức khỏe – chủ yếu là về các sản phẩm chất cấm. Thông tin sai lệch có thể dẫn đến gia tăng sợ hãi, lo lắng và đưa ra những lựa chọn sai lầm về chăm sóc sức khoẻ.
Theo một nghiên cứu, những biện pháp để giảm sự lan truyền tin giả bằng cách xác minh thực tế và gắn cờ các bài đăng không chính xác có thể giúp giảm ảnh hưởng của tin giả đối với người dùng. Tuy nhiên vẫn có tranh luận liệu quy định về nội dung trên mạng xã hội có thể làm tăng sự nghi ngờ và tạo ra nhiều bài đăng phản ánh thông tin không chính xác.
Mạng xã hội, COVID-19 và sức khỏe tâm thần
Vì đại dịch COVID-19 mới xuất hiện gần đây nên các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu hiểu vai trò của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của người dùng. Ví dụ, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã phỏng vấn 512 sinh viên đại học từ ngày 24/3 đến ngày 01/4/2020 để xác định xem mạng xã hội có gây hại cho sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19 hay không.
Kết quả cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội nhiều và tăng nguy cơ trầm cảm. Hơn nữa, các tác giả cho rằng việc tiếp xúc với các thông tin tiêu cực có thể góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm ở một số người.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Globalization and Health thì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các thông tin về số ca nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của một số người.
Chuyên gia tâm lý Lee Chambers, người sáng lập Essentialise, nói về tác động của mạng xã hội đối với sức khoẻ tâm thần trong đại dịch: “Mặc dù tất cả chúng ta đều bị tác động theo những cách khác nhau bởi việc sử dụng mạng xã hội, nhưng luồng thông tin tiêu cực và sai lệch liên tục trong suốt 18 tháng qua đã gieo rắc nỗi sợ hãi; sự nổi bật của các vấn đề xã hội và chính trị đã làm giảm sự lạc quan; và các bức ảnh đã qua chỉnh sửa và nội dung tích cực độc hại không giúp bạn cảm thấy an tâm hoặc thể hiện những cảm xúc tiêu cực một cách lành mạnh.”
“Cùng với mong muốn gia tăng các chỉ số như lượt like và bình luận trong thời điểm khó khăn này, có khả năng mạng xã hội đã làm trầm trọng thêm các thách thức về sức khỏe tâm thần.”
Ông cũng giải thích rằng mạng xã hội giúp mọi người kết nối với bạn bè và gia đình, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội với sự tương tác trực tiếp bị hạn chế. Tuy nhiên việc tăng sử dụng này có thể cũng làm tăng sự lo lắng xã hội và tâm lý tự so sánh bản thân.
Mạng xã hội giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần
Nghiên cứu được công bố trên Journal of Medical Internet Research cho thấy rằng các biểu hiện tâm lý xã hội đã tăng lên đáng kể trong đại dịch COVID-19. Ngày càng có nhiều người thể hiện cảm xúc của mình – cả tích cực và tiêu cực – và nhận được sự ủng hộ từ những người khác. Kết quả là mọi người có thể bớt kỳ thị đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần của người khác. Điều này trái ngược với việc đại dịch COVID-19 khiến cho chúng ta tưởng rằng các vấn đề đó chỉ ảnh hưởng đến một số người nhất định.
Sự cải thiện từ các nền tảng mạng xã hội
Với các nghiên cứu mới cho thấy mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dùng, một số nền tảng đã bắt đầu thực hiện những thay đổi tích cực. Ví dụ: từ ngày 14/9/2021, TikTok đã bổ sung các tính năng mới cho người dùng để góp phần ngăn chặn hành vi tự tử.
Nhưng liệu họ có thể làm được nhiều hơn thế không?
Theo chuyên gia Chambers: “Các nền tảng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc sản phẩm của họ tác động như thế nào đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của người dùng. Có nhiều cách để đạt được điều đó. Nhưng vấn đề là sử dụng hầu hết những cách đó sẽ làm giảm khả năng gây nghiện, mức độ tương tác và thời gian sử dụng. Điều này thường đi ngược lại với mục tiêu của chính nền tảng đó.”
Hãy tự làm chủ chính mình
Theo chuyên gia Chambers, khi sử dụng mạng xã hội, cả việc kiểm soát thời gian, chọn lọc nội dung và ý thức của mỗi người đều đóng vai trò quan trọng giúp tăng lợi ích và giảm bớt những mặt trái của mạng xã hội.
“Mục đích cuối cùng là để chúng ta làm chủ mạng xã hội, chứ không phải là nô lệ của nó.”
Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những tin tức về sức khoẻ tâm thần nhé!
Mời bạn xem thêm tin về sức khoẻ:
- Sẹo mụn do mụn trứng cá: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
- Chứng hay quên là biểu hiện bệnh gì?
- Dị ứng có những loại nào? Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa ra sao?
- Hội chứng sợ độ cao: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
- Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào?