Bạn nhận được email thông báo rằng máy tính của bạn bị nhiễm phần mềm độc hại Pegasus và yêu cầu bạn phải trả tiền để không bị đánh cắp dữ liệu cá nhân nhạy cảm? Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng đừng lo lắng vì email tống tiền này có thể là giả mạo, mặc dù mã độc Pegasus là hoàn toàn có thật. Hãy cùng xem làm cách nào để tự bảo vệ mình trước nguy cơ lừa đảo qua email này nhé!

Email lừa đảo mã độc Pegasus là gì?

Với hình thức lừa đảo giả mạo Pegasus, bạn sẽ nhận được email từ một nguồn tự xưng là hack sử dụng mã độc. Chúng tuyên bố rằng máy tính của bạn đã bị lây nhiễm phần mềm độc hại Pegasus vì bạn đã nhấp vào link chứa mã độc tại một thời điểm nào đó. Sau đó kẻ lừa đảo tuyên bố rằng đã sử dụng phần mềm gián điệp này để theo dõi thói quen sử dụng Internet của bạn, thậm chí một số trường hợp nói rằng Pegasus đã được cài đặt trên máy tính của người dùng trong nhiều tháng.

Lừa đảo qua email là hình thức phổ biến hiện nay (Ảnh: Internet)
Lừa đảo qua email là hình thức phổ biến hiện nay (Ảnh: Internet)

Kẻ lừa đảo nói rằng đã phát hiện bạn xem những nội dung nhạy cảm trên mạng có thể khiến bạn cảm thấy xấu hổ, và đe dọa sẽ tiết lộ cảnh quay webcam và lịch sử truy cập Internet của bạn cho bạn bè và gia đình bạn. Nhưng kẻ lừa đảo nói rằng bạn có thể ngăn điều này bằng cách trả một số tiền rất lớn cho chúng thông qua một địa chỉ ví tiền điện tử, sau đó chúng sẽ xóa dữ liệu nhạy cảm của bạn.

Phần mềm gián điệp Pegasus là gì? Nó có thật hay không?

Hình thức lừa đảo qua email này khiến nhiều người bị mắc bẫy vì nó đề cập đến một loại phần mềm độc hại có tồn tại thực sự. Phần mềm gián điệp Pegasus là một loại virus có thật tấn công vào điện thoại Android và iOS nhằm đánh cắp dữ liệu của người dùng được lưu trên thiết bị.

Pegasus là mã độc cực mạnh nhưng ít người sử dụng (Ảnh: Internet)
Pegasus là mã độc cực mạnh nhưng ít người sử dụng (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên việc ai đó lây nhiễm Pegasus vào thiết bị của bạn và thu thập dữ liệu của bạn mà bạn không hề hay biết là rất vô lý. Pegasus được phát triển bởi NSO Group, một công ty Israel chuyên về phần mềm gián điệp cao cấp và chỉ tấn công vào những mục tiêu đặc biệt. Để được cấp giấy phép sử dụng Pegasus phải tốn ít nhất 500.000 USD, và không phải đối tượng nào cũng có thể hợp tác làm việc với công ty này.

Pegasus được thiết kế nhằm tấn công các mục tiêu cụ thể, thường được các chính phủ của các nước và các cơ quan khác sử dụng để chống lại các cá nhân hoặc nhóm người đặc biệt chứ không phải những người bình thường sử dụng máy tính trong cuộc sống hàng ngày.

Làm sao để biết máy tính có thực sự bị nhiễm mã độc Pegasus hay không?

May mắn là khi bạn nhận được email đe dọa cũng không có nghĩa là phần mềm gián điệp Pegasus đã thực sự xâm nhập vào máy tính của bạn. Như đã nói ở trên, rất khó có khả năng một kẻ gửi thư rác tầm thường có thể được cấp phép sử dụng Pegasus để đánh cắp dữ liệu của bạn và đòi tiền chuộc với số tiền không quá lớn. Trên thực tế, hầu hết các hacker sử dụng phần mềm gián điệp đều giữ bí mật càng lâu càng tốt để phần mềm độc hại thu thập nhiều dữ liệu của người dùng, như vậy có thể đem lại giá trị lớn hơn về lâu dài.

Vì vậy nếu bạn lo sợ rằng máy tính của mình đã nhiễm phần mềm độc hại nào đó thì hãy bình tĩnh và đừng gửi bất kỳ khoản tiền nào cho kẻ lừa đảo. Thay vào đó, hãy sử dụng phần mềm chống virus để quét thiết bị và chờ xem có phát hiện được gì hay không. Hiện tại có rất nhiều ứng dụng chống virus chất lượng tốt cho Windows cũng như máy Mac, hãy kiểm tra kỹ xem máy tính của bạn có bị nhiễm phần mềm độc hại hay không.

Email lừa đảo giả mạo mã độc Pegasus (Ảnh: Internet)
Email lừa đảo giả mạo mã độc Pegasus (Ảnh: Internet)

Phải làm gì nếu nhận được email lừa đảo Pegasus?

Nếu bạn thấy email như trên xuất hiện trong hộp thư đến của mình thì đừng hoảng sợ. Như đã nói, nếu ai đó muốn tấn công vào thiết bị của bạn bằng phần mềm độc hại Pegasus thì họ sẽ không gửi email cho bạn để thông báo việc đó và chỉ yêu cầu một khoản tiền chuộc nhỏ, mà họ sẽ im lặng để thu thập thông tin cá nhân của bạn càng lâu càng tốt, ví dụ như đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của bạn để rút tiền dễ dàng hơn.

Nếu bạn thấy email Pegasus thì đừng gửi tiền đến địa chỉ mà hacker yêu cầu, mặc dù bạn có thể muốn làm như vậy để tránh tiết lộ những bí mật đáng xấu hổ của bản thân, nhưng đó là cách mà kẻ lừa đảo làm cho bạn sợ hãi và và trả tiền cho chúng. Thay vào đó, hãy xóa email lừa đảo (có thể đánh dấu nó là thư rác) coi như không có gì xảy ra, không phải sợ có bất cứ thông tin nhạy cảm gì bị tiết lộ cho bạn bè và gia đình của bạn. Ngoài ra hãy lưu ý rằng việc nhận email hoặc mở email đơn thuần sẽ không làm mã độc xâm nhập vào thiết bị của bạn, vì vậy đừng lo lắng nếu nhận được email lạ.

Tóm lại

Hình thức lừa đảo qua email giả mạo Pegasus có thể khiến bạn lo sợ rằng những thông tin nhạy cảm của mình sẽ bị tiết lộ cho mọi người, nhưng thực sự đây chỉ là lừa đảo. Nếu bạn nhận được email như vậy thì chỉ cần xóa nó và tiếp tục mọi việc như bình thường.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

WARP : VPN miễn phí siêu bảo mật của Cloudflare

Các dịch vụ VPN từ lâu đã không còn quá xa lạ với chúng ta mà thậm chí nó đã trở dịch vụ không thể thiếu khi truy cập một trang web bất kì. Hôm nay, BlogAnChoi sẽ giới thiệu cho bạn ứng dụng WARP : VPN miễn phí siêu bảo mật của Cloudflare cực kì đáng giá để ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận