Nói đến bảo mật Internet thì cuộc chiến giữa hacker mũ đen và mũ trắng luôn là chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến hacker mũ xám chưa? Công việc của họ là như thế nào? Có phải mũ xám là trung gian giữa đen và trắng? Hãy cùng khám phá nhé!

Hacker là gì?

Theo cách hiểu chung hiện nay, hacker hay tin tặc là những người truy cập vào thiết bị hoặc hệ thống mạng mà không được cho phép. Mặc dù hầu hết chúng ta thường nghĩ rằng đó là hành vi tội phạm mạng nhưng thực ra họ cũng có thể hack để giúp tăng cường bảo mật.

Hacker tìm cách xâm nhập vào mạng nhưng có thể vì mục đích tốt (Ảnh: Internet).
Hacker tìm cách xâm nhập vào mạng nhưng có thể vì mục đích tốt (Ảnh: Internet).

Để phân biệt mục đích tốt và xấu, người ta thường chia ra hacker mũ đen và mũ trắng. Nếu mục tiêu của việc hack là phạm tội thì kẻ đó bị gọi là hacker mũ đen, nhưng nếu mục tiêu là cải thiện tính bảo mật thì họ được gọi là hacker mũ trắng.

Tuy nhiên có một số hacker lại được xếp vào một thể loại khác, đó là hacker mũ xám. Vậy sự khác biệt của họ là gì?

Hacker mũ đen là gì?

Hacker mũ đen là những kẻ tội phạm mạng cố gắng xâm nhập bất hợp pháp vào các mạng an toàn, thường với mục đích đánh cắp thông tin để bán hoặc cài đặt mã độc làm hại dữ liệu để tống tiền gọi là ransomware.

Hacker mũ đen là tội phạm mạng chuyên hack để làm chuyện xấu (Ảnh: Internet).
Hacker mũ đen là tội phạm mạng chuyên hack để làm chuyện xấu (Ảnh: Internet).

Hacker mũ đen thường là những chuyên gia về máy tính, nhưng đôi khi có một số kẻ cũng không có trình độ quá cao mà hành vi của chúng chỉ đơn giản là đánh cắp mật khẩu hoặc sử dụng các chương trình phần mềm tự động để xâm nhập vào hệ thống máy tính.

Hacker mũ trắng là gì?

Điểm giống nhau là hacker mũ trắng cũng tìm cách đột nhập vào các mạng an toàn của người khác, nhưng sự khác biệt là họ chỉ làm như vậy khi được yêu cầu, ví dụ như họ thường được các doanh nghiệp thuê để kiểm tra tính bảo mật của hệ thống và sửa lỗi nếu có. Hacker mũ trắng còn được gọi là hacker có đạo đức.

Hacker mũ trắng chỉ hack khi được yêu cầu (Ảnh: Internet).
Hacker mũ trắng chỉ hack khi được yêu cầu (Ảnh: Internet).

Hacker mũ trắng luôn có trình độ cao về máy tính và sử dụng kiến thức của mình để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng chứ không phải là thực hiện việc tấn công người khác. Thông thường các doanh nghiệp sẽ thuê hacker mũ trắng để tìm ra lỗ hổng bảo mật trong hệ thống của họ và khắc phục chúng để không bị tấn công mạng trong tương lai.

Hacker mũ xám là gì?

Đúng như tên gọi, hacker mũ xám đứng ở giữa đen và trắng, cụ thể là họ cũng đột nhập vào mạng mà không được yêu cầu, nhưng không có ý định xấu.

Hacker mũ xám là thể loại trung gian ở giữa đen và trắng (Ảnh: Internet).
Hacker mũ xám là thể loại trung gian ở giữa đen và trắng (Ảnh: Internet).

Nếu như hacker mũ trắng chỉ “làm việc” khi được thuê hoặc yêu cầu thì hacker mũ xám có thể tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào mà không cần cho phép. Có nhiều động cơ để họ thực hiện hành vi này, ví dụ như truy cập vào các thông tin bí mật hoặc chứng minh rằng hệ thống mạng của một tổ chức nào đó không đảm bảo an toàn như họ tự tuyên bố.

Mục đích của hacker mũ xám là gì?

Động cơ của những người này không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng điểm chung là họ không có ý định xấu. Một số hacker mũ xám muốn cải thiện tính bảo mật để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, họ cũng có thể đề nghị sửa các lỗ hổng mà họ phát hiện ra, tức là một cách để tìm việc làm. Một số người khác chỉ đơn giản là thích hack và tìm cách xâm nhập hệ thống của người khác để cho vui hoặc thể hiện bản thân.

Hacker mũ xám không có ý định gây hại (Ảnh: Internet).
Hacker mũ xám không có ý định gây hại (Ảnh: Internet).

Một số người cho rằng hacker mũ xám nhìn chung là tốt cho cộng đồng, vì họ thường chỉ ra các lỗ hổng mà bản thân những người điều hành mạng không biết đến. Trong một số trường hợp, hacker mũ xám cũng có thể góp phần ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.

Hacker mũ xám có phạm luật không?

Việc xâm nhập các mạng an toàn mà không được cho phép và không được yêu cầu luôn là bất hợp pháp, kể cả khi hacker mũ xám không đánh cắp bất cứ thứ gì và không gây tổn hại gì cho hệ thống đó thì hành vi của họ vẫn là vi phạm pháp luật. Điều này cũng hợp lý, vì nếu nhận thấy có lợi ích hấp dẫn thì mũ xám rất có thể sẽ trở thành mũ đen.

Điều quan trọng cần lưu ý là nếu muốn tăng cường tính bảo mật cho hệ thống thì có nhiều cách hợp pháp để làm thay vì trở thành hacker mũ xám, ví dụ như những doanh nghiệp treo thưởng cho những người tìm cách hack được mạng của họ. Do đó nếu bất kỳ ai chọn cách “không đàng hoàng” như mũ xám thì đều nên cảnh giác.

Doanh nghiệp có nên làm việc với hacker mũ xám không?

Có nên thuê hacker mũ xám làm việc giống như mũ trắng? (Ảnh: Internet).
Có nên thuê hacker mũ xám làm việc giống như mũ trắng? (Ảnh: Internet).

Có nhiều tranh luận về việc các công ty có nên thuê hacker mũ xám hay không. Về lý thuyết thì hành vi của họ vẫn là vi phạm pháp luật, và nếu một người đã có khả năng xâm nhập vào mạng an toàn mà không được cho phép thì nhiều doanh nghiệp sẽ không tin tưởng họ.

Nhưng ngược lại, nếu một hacker mũ xám phát hiện ra lỗ hổng của doanh nghiệp và lên tiếng cảnh báo thì điều đó chứng tỏ họ có trình độ khá cao, và họ đã chọn cách hợp tác giúp đỡ với công ty thay vì lợi dụng lỗ hổng để làm chuyện xấu.

Hack có đạo đức là gì và có phạm luật hay không?

Như đã nói ở trên, không phải tất cả hacker đều là kẻ xấu. Một số người thực hiện hành vi “hack có đạo đức” để giúp ích cho cộng đồng và các doanh nghiệp, thậm chí vai trò của họ là rất cần thiết để đảm bảo an ninh mạng.

Hack có đạo đức giúp ích cho cộng đồng và được chấp nhận (Ảnh: Internet).
Hack có đạo đức giúp ích cho cộng đồng và được chấp nhận (Ảnh: Internet).

Nếu như hack “bình thường” là bẻ khóa các giao thức bảo mật mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu, thì hack có đạo đức là bẻ khóa bảo mật khi được yêu cầu. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ giống như ai đó yêu cầu bạn đột nhập vào nhà của họ. Tuy nhiên có 2 lý do chính đáng để thực hiện điều này, đó là mục đích giáo dục và bảo mật.

Hack có đạo đức cho giáo dục

Đây là trường hợp khi ai đó cho phép bạn hack hệ thống của họ để giúp bạn học hỏi kiến thức. Có những trang web cho phép mọi người hack để tìm hiểu những kiến thức cơ bản về bẻ khóa bảo mật mạng.

Thoạt nhìn thì đây có vẻ là những trang web độc hại dạy mọi người làm chuyện xấu, nhưng mục đích của họ không phải là như vậy. Trang web thường sẽ nói rằng các bài tập của họ là để huấn luyện các nhà phát triển trang web về cách hack, giúp họ hiểu được thủ đoạn của hacker có thể tấn công họ và từ đó học cách tự vệ cho bản thân.

Hack có đạo đức cho bảo mật

Hack có đạo đức góp phần cải thiện an ninh mạng (Ảnh: Internet).
Hack có đạo đức góp phần cải thiện an ninh mạng (Ảnh: Internet).

Trong thời đại hiện nay khi mọi thứ đều diễn ra trên Internet thì nhu cầu về đảm bảo an ninh mạng tăng cao hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp có thể thuê các công ty bảo mật thiết lập hệ thống phòng thủ cho họ, hoặc tự làm. Khi hệ thống bảo mật đã hoàn thành, họ cần phải thử nghiệm nó trước khi đưa vào hoạt động. Cách tốt nhất để kiểm tra là thực hiện một cuộc tấn công giả, ví dụ như thuê hacker để tìm cách bẻ khóa hệ thống.

Hack có nên được dạy như một môn học?

Hiện nay có nhiều cơ sở giáo dục cung cấp các khóa học liên quan đến hack có đạo đức. Nhưng làm sao để đảm bảo những khóa học này diễn ra một cách hợp pháp?

Mục đích trọng tâm của các khóa học này là dạy mọi người cách hack có đạo đức. Các bài học của họ giúp mọi người biết cách chống lại hacker xấu. Tất nhiên những kẻ xấu cũng có thể sử dụng kiến thức học được để làm chuyện xấu, nhưng các lớp học này không bao giờ dạy mọi người trở thành tội phạm.

Có nhiều khóa học cấp chứng chỉ cho hack có đạo đức (Ảnh: Internet).
Có nhiều khóa học cấp chứng chỉ cho hack có đạo đức (Ảnh: Internet).

Nhưng có thể bạn sẽ tự hỏi rằng: nếu không có những lớp học dạy mọi người cách hack thì liệu có giúp giảm số lượng hacker xấu trên thế giới không? Có thể một phần nào đó, nhưng thực tế không phải hacker nào cũng xuất thân từ những lớp học công khai như vậy. Trên mạng Internet luôn tồn tại cộng đồng dark web rất rầm rộ tạo cơ hội cho những kẻ xấu “giao lưu học hỏi” với nhau và tự học cách hack.

Vì vậy nếu xóa bỏ các lớp học hack có đạo đức thì những người có ý đồ xấu vẫn có thể truy cập vào dark web để tự học, trong khi những người muốn học vì mục đích tự vệ và giúp đỡ người khác sẽ không có nơi nào để học, cuối cùng hậu quả chung là tất cả chúng ta dễ bị hacker tấn công hơn.

Hack có phải là một “nghề”?

Hack với mục đích tốt có thể được coi là một nghề bình thường (Ảnh: Internet).
Hack với mục đích tốt có thể được coi là một nghề bình thường (Ảnh: Internet).

Trong thực tế có những hacker có đạo đức làm việc “chuyên nghiệp”, đối với họ việc hack không chỉ là sở thích mà thực sự là cách kiếm sống. Bạn có thể tham gia các khóa học và nhận được chứng chỉ để công nhận kỹ năng của mình trong việc này, sau đó tìm việc làm ở các doanh nghiệp có nhu cầu.

Các doanh nghiệp thường thuê hacker có đạo đức để kiểm tra tính bảo mật của hệ thống và mức lương cũng không tệ. Công ty giáo dục và quảng bá an ninh thông tin Infosec báo cáo rằng các hacker có đạo đức hiện nay kiếm được trung bình 71.000 USD một năm, biến sở thích trở thành một nghề có thu nhập khá tốt.

Những hacker này sẽ không bẻ khóa các hệ thống rồi yêu cầu công ty trả tiền cho mình bởi như vậy là hành vi phạm pháp. Thay vào đó, công ty sẽ đăng tin tuyển dụng và họ sẽ ứng tuyển, sau đó có thể hack khi được yêu cầu. Công ty có thể yêu cầu hacker tìm cách phá vỡ hệ thống phòng thủ của họ hoặc treo tiền thưởng cho ai phát hiện ra lỗ hổng bảo mật.

Làm cách nào để tự bảo vệ mình trước hacker?

Có nhiều cách để tránh bị hacker tấn công (Ảnh: Internet).
Có nhiều cách để tránh bị hacker tấn công (Ảnh: Internet).

Hacker mũ đen và cả mũ xám đều bị coi là mối đe dọa đối với tất cả các doanh nghiệp. Hacker mũ xám ban đầu có thể không cố ý làm hại cho hệ thống mạng nhưng điều đó không đảm bảo là họ sẽ không vô tình gây hại. Đối với những người điều hành doanh nghiệp, dưới đây là một số cách để tự bảo vệ mình trước các thể loại hacker.

1. Dùng mật khẩu càng mạnh càng tốt

Tất cả nhân viên trong hệ thống phải được yêu cầu sử dụng mật khẩu mạnh, đồng thời cũng không nên sử dụng 1 mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau.

2. Sử dụng xác thực hai yếu tố

Xác thực hai yếu tố là yêu cầu bắt buộc ngày nay, trong đó những người muốn đăng nhập vào tài khoản phải có cả mật khẩu và một thiết bị khác kèm theo. Điều này có nghĩa là ngay cả khi hacker tìm ra mật khẩu của mạng thì cũng chưa thể xâm nhập vào được.

3. Đề phòng các cuộc tấn công lừa đảo

Tất cả nhân viên trong hệ thống nên được học về các hình thức tấn công lừa đảo trên mạng, đặc biệt là lừa đảo qua email, để biết cách nhận diện và né tránh chúng.

4. Cài đặt phần mềm chống virus

Các công ty nên sử dụng phần mềm chống virus cho toàn bộ hệ thống mạng của mình, bởi vì biết đâu một nhân viên nào đó sẽ vô tình tải phần mềm độc hại về máy. Phần mềm chống virus có thể ngăn các mã độc khởi chạy trước khi chúng tạo ra lối vào cho hacker xâm nhập.

5. Cập nhật các phần mềm

Các cuộc tấn công mạng tinh vi thường dựa trên việc lợi dụng các lỗ hổng phần mềm. Cách duy nhất để loại bỏ các lỗ hổng này là thường xuyên cập nhật chúng, bởi thực tế có nhiều hacker chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp không thực hiện điều này để tấn công dễ dàng.

Tóm lại: Mỗi người nên tự bảo vệ mình trước hacker

Hacker là mối đe dọa nguy hiểm trong thời đại Internet phát triển hiện nay, không chỉ với các doanh nghiệp mà mỗi cá nhân cũng nên đề phòng. Về lý thuyết thì động cơ của hacker mũ xám là “an toàn” hơn, nhưng bất kỳ sự xâm nhập nào không được cho phép đều có nguy cơ gây hại cho hệ thống mạng.

Hacker mũ xám và mũ đen chủ yếu nhắm vào các hệ thống sử dụng phần mềm không được cập nhật và có lỗ hổng, cũng như gửi email lừa đảo hàng loạt cho nhiều người. Do đó bạn có thể ngăn chặn phần lớn các cuộc tấn công mạng bằng cách cập nhật phần mềm và không mở những file lạ không rõ nguồn gốc được gửi đến.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Google thay đổi chính sách: cập nhật bảo mật cho trình duyệt Chrome thường xuyên hơn

Google đã chuyển sang phát hành bản cập nhật bảo mật hàng tuần cho Chrome thay vì hai lần một tháng như trước. Vậy tại sao trình duyệt Google Chrome cần được cập nhật thường xuyên hơn và ý nghĩa của việc này là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận