Bạn đã bao giờ nghe nói rằng không nên đăng nhập Facebook, email hay mở tài khoản ngân hàng khi đang sử dụng Wi-Fi công cộng? Tại sao lại như vậy? Wi-Fi công cộng có nguy cơ gì ảnh hưởng đến thông tin cá nhân? Và làm cách nào để tránh được những nguy cơ đó?

Nhiều người biết rằng nên mã hóa Wi-Fi của nhà mình để bảo mật, nhưng đối với Wi-Fi ở nơi công cộng như quán cà phê thì không. Điều đó khiến bạn có nguy cơ bị kẻ xấu theo dõi các hoạt động trên mạng, thậm chí đánh cắp thông tin cá nhân để lừa đảo. Sau đây là một số mối nguy hiểm luôn rình rập khi đăng nhập tài khoản ở Wi-Fi công cộng, và làm cách nào để bảo vệ bản thân.

1. Hoạt động lướt web của bạn bị người khác theo dõi

Wi-Fi công cộng rất dễ bị hacker tấn công (Ảnh: Internet).
Wi-Fi công cộng rất dễ bị hacker tấn công (Ảnh: Internet).

Wi-Fi sử dụng sóng vô tuyến để truyền tín hiệu, và tính chất của sóng vô tuyến là không thể truyền trực tiếp từ điểm đầu đến điểm cuối mà sẽ bị lan truyền theo mọi hướng trong không gian. Điều đó có nghĩa là bất kỳ ai trong phạm vi phủ sóng đều có thể xem được những hoạt động của bạn trên mạng nếu họ có phần mềm chuyên dùng cho mục đích đó.

Những thông tin mà kẻ xấu có thể xem được là:

  • Các trang web bạn đã truy cập
  • Các văn bản bạn đã gửi đi
  • Thông tin đăng nhập của bạn trên các trang web

Hậu quả có thể rất nguy hiểm, do đó phải có cách để tự bảo vệ mình. Đối với Wi-Fi tại nhà, bạn có thể mã hóa để ngăn người khác theo dõi, chỉ những người biết mã mới có thể truy cập được. Trong khi đó Wi-Fi công cộng ít khi được mã hóa – bạn có thể nhận ra điều đó nếu Wi-Fi không yêu cầu nhập mật khẩu khi kết nối.

Hãy cẩn thận khi dùng Wi-Fi "chùa" (Ảnh: Internet).
Hãy cẩn thận khi dùng Wi-Fi “chùa” (Ảnh: Internet).

Trong trường hợp đó vẫn có cách để bảo vệ bản thân. Tuyến phòng thủ đầu tiên là OpenSSL, một loại mã hóa được nhiều trang web sử dụng như Google, Facebook và hầu hết các ngân hàng. Phương pháp này mã hóa lượt truy cập của bạn vào trang web, không ai có thể theo dõi hoạt động đó. Cách nhận biết trang web có OpenSSL là xuất hiện “HTTPS” trên thanh địa chỉ của trình duyệt khi nhấp 2 lần vào dòng địa chỉ.

Trang web có https thường an toàn hơn (Ảnh: Internet).
Trang web có https thường an toàn hơn (Ảnh: Internet).

Bạn có thể cài đặt các kết nối an toàn như vậy làm mặc định bằng cách sử dụng các plugin cho trình duyệt như HTTPS Everywhere có sẵn trên cửa hàng Chrome.

Tuy nhiên OpenSSL không phải là tuyệt đối. Hầu hết các trang web hiện nay đều trang bị phương pháp này, nhưng hacker vẫn có khả năng tấn công ngay cả khi đã bật OpenSSL.

Thực tế có nhiều trang web vẫn còn lỗ hổng, thậm chí hoàn toàn không mã hóa, do đó nếu muốn bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn, bạn nên sử dụng mạng riêng ảo (VPN). VPN sẽ đưa lượt truy cập của bạn đi qua một máy chủ khác và thường được mã hóa, giúp cho hoạt động trên mạng của bạn được bảo mật và gần như không thể bị theo dõi. Sử dụng VPN là cách dễ nhất để giữ an toàn khi dùng mạng Wi-Fi công cộng.

2. Những máy khác dùng chung mạng Wi-Fi có thể lây nhiễm virus

Bị kẻ xấu theo dõi không phải là mối nguy hiểm tiềm tàng duy nhất trên mạng Wi-Fi công cộng, mà còn có nguy cơ nhiễm phần mềm độc hại từ các máy khác. Kết nối mạng không chỉ truyền thông tin giữa thiết bị của bạn với Internet, mà còn gián tiếp kết nối các thiết bị trong mạng với nhau.

Mạng Wi-Fi công cộng rất dễ lây virus (Ảnh: Internet).
Mạng Wi-Fi công cộng rất dễ lây virus (Ảnh: Internet).

Trong số những người đang dùng chung mạng Wi-Fi công cộng với bạn, ví dụ như ở quán café, đôi khi có những máy dùng phiên bản Windows cũ chứa nhiều lỗ hổng và không có phần mềm chống virus. Họ không chỉ tự gây nguy hiểm cho mình mà các phần mềm độc hại có thể lây sang máy của bạn thông qua mạng Wi-Fi.

Rất may là nguy cơ này dễ khắc phục bằng cách cài phần mềm antivirus cho máy tính, thậm chí đa số các máy mới đều đã được cài sẵn. Đối với máy tính chạy Windows, bạn nên chỉnh tất cả các mạng Wi-Fi sang chế độ Public trong phần cài đặt bảo mật để phần mềm chống virus cảnh giác đề phòng. Nhấp vào biểu tượng kết nối mạng ở thanh taskbar, chọn Open Network and Sharing Center, sau đó kiểm tra trạng thái của mạng.

Kiểm tra trạng thái của mạng (Ảnh: BlogAnChoi).
Kiểm tra trạng thái của mạng (Ảnh: BlogAnChoi).

Nếu không phải là Public Network, hãy nhấp vào dòng đó rồi chọn trạng thái Public. Cách này sẽ ngăn chia sẻ file cục bộ giữa máy tính của bạn với các máy khác trong mạng và chặn hầu hết các lượt truy cập giống như dùng VPN.

3. Mạng Wi-Fi có thể là một cái bẫy để lấy cắp thông tin của người dùng

Khi Wi-Fi ngày càng phổ biến khắp mọi nơi, bạn sẽ thấy nhiều mạng Wi-Fi “miễn phí” xuất hiện xung quanh mình. Nhưng hãy cẩn thận trước khi kết nối với bất kỳ mạng nào không rõ nguồn gốc, vì có nguy cơ đó là một cái bẫy.

Hacker có thể tạo ra mạng Wi-Fi giả ở nơi công cộng để lừa mọi người nhập mật khẩu và các thông tin cá nhân khác. Chúng thường có dạng “Wi-Fi miễn phí”, không cần mật khẩu và không có màn hình chào mừng. Khi kết nối với các mạng này sẽ cảm thấy giống như dùng Wi-Fi bình thường, vẫn lướt web và làm việc được, nhưng thực ra bạn có thể đang nhập thông tin của mình vào các giao diện giả mạo trang web, từ đó hacker sẽ lấy cắp thông tin.

Hacker có thể giả mạo trang web ở Wi-Fi công cộng (Ảnh: Internet).
Hacker có thể giả mạo trang web ở Wi-Fi công cộng (Ảnh: Internet).

OpenSSL không có tác dụng gì trong những trường hợp như vậy – mọi hoạt động vẫn diễn ra như bình thường. Làm cách nào để tự bảo vệ mình khỏi mạng giả của hacker? Cách tốt nhất là chỉ kết nối với những mạng Wi-Fi mà bạn biết rõ nguồn gốc. Khi đến một nơi lạ, hãy hỏi người chủ ở đó xem Wi-Fi của họ tên gì để đảm bảo không bị rơi vào bẫy của kẻ xấu.

Nhưng đôi khi điều đó cũng chưa đủ, vì mạng Wi-Fi của quán cafe có thể bị tấn công hoặc bị thay thế. Do đó tốt nhất là kết nối mạng thông qua dịch vụ VPN đáng tin cậy và cài phần mềm chống virus đủ mạnh cho máy tính và điện thoại của mình.

Trên đây là những nguy cơ rất phổ biến khi dùng mạng Wi-Fi công cộng. Bạn có đang áp dụng biện pháp bảo vệ để chống lại những nguy cơ này không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

5 dấu hiệu cảnh báo trang web lừa đảo phishing bạn phải chú ý

Phishing là thủ đoạn lừa đảo ngày càng phổ biến, không chỉ nhắm vào email và mạng xã hội mà có thể được xây dựng thành các trang web lừa đảo. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo giúp bạn nhận ra trang web phishing.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận