Khác với quá trình học từ cấp 1 cho tới trung học phổ thông, đại học là một bước phát triển hoàn toàn mới và khác biệt, đánh dấu sự trưởng thành của con người. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn tân sinh viên trở nên thoải mái, tự tin và bớt lo lắng hơn trước khi bước vào cánh cửa đại học đầy quan trọng này.

Thông thường, các bạn tân sinh viên sẽ phải rời xa gia đình để lên thành phố lớn học đại học. Sự bỡ ngỡ khi bước vào một môi trường học mới, sự lạ lẫm vì không có gia đình ở bên sẽ khiến cho các bạn trở nên lo lắng và bất an. Thế nhưng bạn đừng lo, bởi ở bài viết này, BlogAnChoi sẽ chỉ cho bạn 10 điều mà tân sinh viên nên biết để có thể thoải mái sống sót trong môi trường đại học này nhé!

1. Dừng việc “ảo tưởng” về cuộc sống đại học

Trước khi lên đại học, chúng ta thường hay mơ tưởng cuộc sống đại học sẽ thoải mái hơn cấp ba rất nhiều, bởi không có sổ đầu bài, không có sao đỏ, không phải kiểm tra bài cũ, không bị thầy co la ó khi trốn tiết và thậm chí là sẽ được “phát” người yêu. Thế nhưng, sự thật là cuộc sống đại học không hề đơn giản như vậy, nó phũ phàng với chúng ta rất nhiều.

Đúng là chúng ta sẽ không bị thầy cô la ó hay gọi điện cho phụ huynh mỗi khi trốn tiết, nhưng đổi lại bạn sẽ “ăn” ngay một dấu tick vào ô nghỉ học, và chỉ cần nghỉ quá 20% số tiết thôi là bạn sẽ không được tham dự kỳ thi cuối kỳ, đồng nghĩa với việc học lại đấy nhé. Không phải kiểm tra bài cũ ư? Cũng đúng, nhưng bạn sẽ phải làm một đống bài tập về nhà và sống với deadline.

dfs
Dừng việc “ảo tưởng” về cuộc sống đại học ngay từ bây giờ bạn nhé. (Ảnh: Internet)

Đâu chỉ dừng lại ở đó, lên đại học, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ “trượt” dài một loạt các môn là ám ảnh của những khóa trước như: Kinh tế chính trị, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Triết học Mác Lê-nin, Lịch sử Đảng, Chủ nghĩa khoa học xã hội, Kinh tế vi mô, Thể dục, Xác suất thống kê,…Nguy cơ thi lại, nợ môn, học cải thiện của bạn sẽ rất cao nếu bạn không chú ý vào học mấy môn đại cương này đó!

Và cuối cùng là việc “phát người yêu” miễn phí như quảng cáo của các anh chị khóa trước? Chắc chắn là không có đâu, bạn sẽ phải tự đi tìm kiếm tình yêu cho cuộc đời mình thôi bởi sẽ chẳng có ai rảnh rỗi đi tìm người yêu hộ bạn cả. Hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý thật tốt, đừng “hoang tưởng” về cuộc sống đại học để rồi sau này phải vỡ mộng bạn nhé!

2. Ở ký túc xá hay thuê phòng trọ sẽ tốt hơn?

Câu trả lời là nó phụ thuộc và điều kiện tài chính của gia đình bạn. Những đặc điểm nổi bật khi bạn thuê phòng trọ đó là: được đi lại tự do mà không có giờ giới nghiêm, được thoải mái nấu ăn trong nhà, được mời bạn bè vào nhà tùy thích, mỗi khi trời nóng thì có điều hòa để xài, lười giặt quần áo bằng tay thì đã có máy giặt,…và quan trọng là bạn được lựa chọn người ở cùng mình.

Ở kí túc xá hay thuê phòng trọ sẽ tốt hơn? (Ảnh: Internet)
Ở kí túc xá hay thuê phòng trọ sẽ tốt hơn? (Ảnh: Internet)

Thế nhưng, ngần ấy tiện ích cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải chi trả một khoản tiền lớn hơn nhiều lần so với ở kí túc xá. Chi phí ở kí túc xá 1 tháng sẽ rơi vào khoảng 250.000 VND – 350.000 VND (chưa tính tiền điện, nước), còn thuê phòng trọ sẽ đắt hơn khoảng 1.200.000 VND – 4.500.000 VND (tùy vào loại phòng mà bạn thuê). Vậy nên, nếu có điều kiện thì bạn nên thuê phòng trọ, còn nếu không thì hãy ở kí túc xá của trường nhé!

3. Tất tần tật về các loại phòng trọ được sinh viên ưa thích hiện nay

Phòng trọ ngày nay đã không còn quá xa lạ với sinh viên bởi các trường đại học mọc lên nhiều thì nhu cầu về chỗ ở cũng sẽ tăng theo. Có rất nhiều loại hình phòng trọ được các sinh viên ưa thích hiện nay, bao gồm: phòng trọ khép kín, chung cư mini, homestay,…

Phòng trọ khép kín là một căn phòng khép kín, thường chỉ gồm phòng ngủ và nhà vệ sinh. Bạn sẽ phải nấu ăn chung với chủ nhà hoặc với những hộ gia đình bên cạnh. Những phòng trọ như vậy thì giá sẽ rẻ, tuy nhiên bạn sẽ phải sống chung đụng với những người mà bạn chẳng quen nên cũng ít nhiều gây khó khăn.

Phòng trọ khép kín phù hợp từ 1-2 người (Ảnh: Internet)
Phòng trọ khép kín phù hợp từ 1-2 người (Ảnh: Internet)

Chung cư mini được hiểu là một chung cư thu nhỏ, nằm trong một căn nhà 5-7 tầng, gồm đầy đủ các tiện nghi như phòng ngủ, bếp nấu ăn, nhà vệ sinh và ban công phơi đồ. Nếu bạn có một nhóm bạn thân hoặc tìm được người ở cùng thì đừng ngại ngần thuê một căn chung cư mini ngay nhé.

Chung cư mini là loại hình được các bạn trẻ thuê nhiều hiện nay (Ảnh: Internet)
Chung cư mini là loại hình được các bạn trẻ thuê nhiều hiện nay (Ảnh: Internet)

Homestay là một loại hình phòng trọ mới nổi lên vài năm nay, nó cũng giống với kí túc xá nhưng là một phiên bản “xịn xò” hơn nhiều. Homestay có giá dao động từ khoảng 850.000 VND/người – 1.600.00 VND/người (tùy vào loại homestay bạn thuê). Ưu điểm lớn nhất của homestay đó là phòng rất sạch sẽ, trang trí bắt mắt; thế nhưng nhược điểm lớn nhất là những rắc rối bạn sẽ gặp phải khi sống chung với người lạ.

Homestay là một phiên bản khác "xịn xò" hơn so với kí túc xá (ARnnh: Internet)
Homestay là một phiên bản khác “xịn xò” hơn của kí túc xá (Ảnh: Internet)

4. Ở ký túc xá cần phải ghi nhớ những điều này

Đây là những kinh nghiệm “xương máu” khi ở kí túc xá được truyền từ các anh chị đi trước, bạn nhớ phải chú ý nhé!

Cẩn thận mất đồ

Tưởng là nói vui nhưng đó lại là sự thật. Đã có rất nhiều câu chuyện về mất đồ đạc trong phòng ký túc được các bạn sinh viên chia sẻ rộng rãi trên các confession trường học, vì vậy nếu như ở ký túc xá, bạn phải nhớ bảo vệ và quản lý đồ đạc cá nhân của mình mọi lúc, mọi nơi nhé.

Mua đồ sinh hoạt chung

Những đồ vật bạn có thể góp tiền cùng mua chung với những người bạn cùng phòng như: ấm đun siêu tốc, thau giặt quần áo, sữa tắm, dầu gội đầu,… vì vậy bạn đừng vội sắm sửa gì sớm mà nên hỏi ý kiến của các “room-mate” để tiết kiệm chi phí cũng như không gian sinh hoạt chung nhé.

Tuân thủ những quy định của kí túc xá

Mỗi ký túc xá sẽ có một quy định riêng và bạn nhất định phải tuân thủ nó nhé. Chẳng hạn như việc các ký túc xá sẽ mở cửa từ 5h sáng và đóng cửa lúc 11h đêm, vậy nên các bạn sẽ không được đi chơi về quá muộn, nhất là ban đêm vì nếu vi phạm điều này quá số lần quy định thì sẽ không còn cơ hội được ở ký túc xá nữa nhé.

Vì ký túc xá là nơi sinh hoạt chung nên nếu bạn muốn dẫn người thân/bạn bè vào chơi thì phải xin phép ban quản lý cũng như người bảo vệ trước nhé, bởi đó là nguyên tắc để giữ gìn và đảm bảo an ninh chung.

Đừng để mất tập trung

Mỗi phòng ký túc xá thường chứa đến 6-8 người, vì vậy bạn sẽ rất dễ mất tập trung bởi thiếu không gian riêng tư, đặc biệt là trong việc học. Chẳng hạn như lúc bạn đang chuẩn bị ngồi học thì đám bạn trong phòng lại rủ bạn đi chơi hay lúc bạn đang tập trung vào làm bài, thì lại có đứa ngồi cạnh mở nhạc to đùng. Những lúc như vậy thì hãy giữ cho mình một tinh thần tập trung cao nhất, đừng để bị xao nhãng hay dụ dỗ nhé.

5. Di chuyển bằng phương tiện gì thì hợp lý nhất?

Di chuyển bằng phương tiện gì khi đi học đại học cũng là một trong những nỗi băn khoăn của các bạn tân sinh viên. Nếu như nơi bạn ở gần trường thì bạn có thể đi bộ hoặc xe đạp, vừa tiết kiệm tiền xăng, thân thiện với môi trường mà không lo những lúc ách tắc giao thông.

Nên di chuyển bằng phương tiện gì?
Nên di chuyển bằng phương tiện gì? (Ảnh: internet)

Còn nếu chỗ ở của bạn xa so với trường thì hãy sử dụng xe buýt hoặc xe máy. Ưu điểm của hai loại phương tiện này là tiết kiệm thời gian và sức lực, thế nhưng vào những lúc tắc đường thì bạn sẽ cảm thấy đôi chút khó chịu đấy. Ngoài ra, đối với xe máy thì các bạn cần phải lưu ý thêm một vấn đề nữa đó là tuân thủ luật an toàn giao thông tuyệt đối vì ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn,… thì lực lượng cảnh sát giao thông khá đông đấy nhé!

6. Năm nhất có nên đi làm thêm?

Đi làm thêm công việc part-time là một trong những điều không thể thiếu trong cuộc sống sinh viên đúng không nào? Bởi khi đi làm thêm, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí cho bản thân và gia đình, đồng thời bạn có thể tự tích lũy được những kinh nghiệm thực tế mà trong sách vở chẳng thể có. Thế nhưng, đi làm thêm ngay từ năm nhất có thực sự cần thiết?

NĂm
Năm nhất có nên đi làm thêm?

Năm nhất là khoảng thời gian bạn vừa bước vào trường, gặp gỡ những con người mới, đồng thời phải làm quen với cuộc sống mới, vì vậy thay vì vội vã tìm kiếm việc làm thêm, hãy dành đa phần thời gian của mình để thích nghi với những điều mới mẻ này. Chưa kể đến việc bạn có thể sẽ bị lừa vì thiếu cảnh giác khi đi tìm việc làm thêm, bởi lúc này bạn giống như một “tờ giấy trắng”, chưa va vấp, chưa trải nghiệm và lại dễ tin người.

Còn nếu như bạn thực sự muốn tìm một công việc làm thêm, hãy đi đến những trung tâm tư vấn việc làm uy tín hoặc tìm hiểu các công việc qua các hội nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội nhé! Và đừng để công việc làm thêm ảnh hưởng tới việc học hành trên trường của bạn, hãy để việc học luôn là ưu tiên hàng đầu.

7. Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa

Hoạt động ngoại khóa đầu tiên của tân sinh viên thường là các chương trình chào tân do Đoàn trường hoặc các anh chị khóa trên tổ chức. Đó không chỉ là cơ hội để các bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về ngôi trường mình đang theo học mà còn là nơi để các bạn có thể mở rộng mối quan hệ của mình với những người bạn mới xung quanh.

Trong quá trình học năm nhất cũng sẽ có rất nhiều hoạt động ngoại khóa giúp bạn làm quen với ngôi trường mới, đừng ngại ngần mà hãy tham gia thật nhiệt tình bởi bạn sẽ không biết trước được những lợi ích tuyệt vời mà nó đem lại đâu.

Students flocked to the Stanford Acitivities Fair during the afternoon on Friday, Sept. 28.
Hãy tham gia thật nhiều hoạt động ngoại khóa bạn nhé. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, bạn cũng hãy thật thoải mái và tự tin làm quen với mọi người xung quanh, đặc biệt là những người bạn cùng lớp và các “tiền bối” trong khoa bởi sau này có những thứ bạn sẽ phải học tập cũng như nhờ vả họ đấy. Môi trường đại học có tuyệt vời không phù thuộc hoàn toàn ở sự năng động của bản thân bạn đấy nhé!

8. Năm nhất có nên sắm laptop luôn không?

Nhiều bạn tân sinh viên thường phân vân rằng liệu có nên sắm cho mình một chiếc laptop trước khi vào đại học hay không bởi thấy ai đi học đại học cũng mang theo một chiếc laptop. Thực ra việc này là tùy thuộc vào khối ngành học của bạn.

Nếu như bạn học một khối ngành về thiết kế đồ họa, phim ảnh, lập trình, công nghệ kĩ thuật,… thì một chiếc laptop là món đồ chắc chắn không thể thiếu. Hơn nữa, đó còn phải là một chiếc laptop có cấu hình mạnh để có thể tải được những phần mềm nặng khác. Còn nếu như bạn học các khối ngành khác như: kinh tế, ngôn ngữ, luật,… thì chưa cần thiết phải mua từ ngay năm nhất đâu nhé.

A businesswoman staying late hours in the office concentrating on her work sitting with a laptop and typing.
Năm nhất có nên sắm laptop luôn không? (Ảnh: Internet)

Thế nhưng, một chiếc laptop sẽ đem đến nhiều tiện ích tuyệt vời hơn bạn tưởng đấy, đặc biệt là dành cho những bạn đi làm thêm. Hiện nay rất nhiều công việc part-time đòi hỏi bạn phải có riêng một chiếc máy tính cho mình nhằm phục vụ những công việc như: nhân viên tư vấn, nhân viên chốt đơn, cộng tác viên content,…

9. Đừng có thấy cái gì cũng mua

Một “căn bệnh” chung của những tân sinh viên khi vừa xa nhà để đi học đại học đó là có bao nhiêu tiền sẽ dùng vào mua hết, bởi vì nhìn thấy cái gì cũng muốn sắm. Có rất nhiều sinh viên than vãn rằng mình đã tiêu hết vài triệu đồng cho tháng đầu tiên đi học ở Hà Nội.

Đừng có thấy cái gì cũng mua (Ảnh: Internet)
Đừng có thấy cái gì cũng mua (Ảnh: Internet)

Lần đầu tiên xa gia đình, được tự chủ về mặt kinh tế, trong tay lại có một khoản tiền không nhỏ bố mẹ vừa thưởng vì đỗ đại học, tất nhiên các bạn sinh viên sẽ lao vào tiêu xài mà không có kế hoạch. Hơn nữa, khoảng thời gian đó bạn chỉ mới làm quen với môi trường mới, chưa thể biết được chỗ nào bán đồ chất lượng, giá thành rẻ, nên là khoan hãy tiêu xài phung phí cho tháng đầu tiên nhập học nhé.

10. Đừng vội ngủ quên trên chiến thắng

Đây là một lời khuyên tưởng chừng như không cần mà hóa ra lại chẳng thể thiếu. Nhiều bạn sinh viên khi vào học đại học rồi vẫn giữ cho mình tư tưởng “vừa đỗ đại học xong cứ chơi đã”, từ đó xao nhãng với việc học hành và dần dần thì thành bỏ bê.

Đúng là bạn vừa đỗ đại học, bạn có quyền để cho đầu óc và cơ thể mình được nghỉ ngơi sau chuỗi ngày ôn thi đầy vất vả, thế nhưng điều đó chỉ hợp lý cho khoảng thời gian trước khi bạn bước vào cánh cổng đại học mà thôi. Còn giờ đây, khi đã trở thành một tân sinh viên, bạn cần phải nỗ lực và cố gắng hết mình để đền đáp xứng đáng cho khoảng thời gian vất vả trước đó của bạn.

Mỗi người cần nỗ lực cố gắng không ngừng. (Ảnh: internet)
Mỗi người cần nỗ lực cố gắng không ngừng. (Ảnh: internet)

Đừng vội tự đắc cho mình là người chiến thắng, bởi cùng với bạn, có hàng ngàn người khác cũng chiến thắng đó thôi. Hãy luôn giữ vững sự tập trung để hoàn thành thật tốt những chặng đường sắp tới nhé!

Hãy ghi nhớ 10 kinh nghiệm “xương máu” trên đây để có thể thoải mái, tự tin bước vào cánh cổng đại học bạn nhé! Và đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những thông tin mới nhất.

Bạn có thể xem thêm các bài viết khác trên BlogAnChoi như:

Xem thêm

300+ cap để tiểu sử Facebook hay, ngầu, bá đạo cho profile thêm ấn tượng

Tiểu sử Facebook là phần giới thiệu ngắn gọn về bản thân trên trang Facebook cá nhân. Nếu bạn muốn tạo điển nhấn, gây gấn tượng thì hãy tham khảo những tiểu sử Facebook hay, bá đạo và hài hước dưới đây nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận