Âm thanh diễn ra xung quanh hiển nhiên, rõ ràng đến mức không ai nhận ra đó là những đặc quyền không dành cho tất cả con người đang sống. Khi chúng ta khó chịu vì những lời dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô, khi chúng ta cáu kỉnh vì phải nghe đi nghe lại những lời càm ràm, thì có những con người từ khi sinh ra còn chẳng một lần được lắng nghe giọng hát ru của mẹ.

Thế giới lặng im phía sau một nụ cười

Có những con người chưa từng được nghe lời ru của mẹ (Ảnh: Internet).
Có những con người chưa từng được nghe lời ru của mẹ (Ảnh: Internet).

Chương trình “Chuyển động 24h” gần đây có phát sóng một phóng sự về Tiệm Giặt Là của 3 cô gái khuyết tật khiếm thính, bạn có xem không?

Với những ai xem phóng sự đó, chắc hẳn đều sẽ có chung cảm nhận về sự tích cực mà 3 cô gái lan tỏa đến mọi người. Họ đều không “hoàn hảo” về thể chất, so với đại đa số xã hội, họ là những người kém may mắn, là những người đáng thương. Nhưng bạn có thấy không, khuôn mặt cả 3 cô gái đều ánh lên sự rạng rỡ, niềm vui, tự tin, từ ánh mắt cho đến nụ cười. Nhìn vào 3 cô gái ấy, tôi chợt tự hỏi bản thân: “So với họ, tôi là “người bình thường” nhưng liệu tôi có được hạnh phúc như họ hay không?”

Cả 3 cô gái trẻ ấy đều khiếm thính, trong đó có 2 người còn bị câm. Chắc hẳn chúng ta không thể nào hình dung được cảm giác bị “kẹt” trong thế giới lặng yên đó sẽ như thế nào. Tôi chưa bao giờ tiếp xúc với một người khuyết tật câm, điếc và tôi biết, để có thể giao tiếp với họ, sẽ cần phải “học” rất nhiều để thành thạo “ngôn ngữ” của họ. Nhưng có lẽ chính họ cũng hiểu như vậy, nên họ dùng những nụ cười để trao đi những thông điệp của mình.

Hãy để những người khiếm thính cũng có thể "nghe" được bài ca từ trái tim (Ảnh: Internet)
Hãy để những người khiếm thính cũng có thể “nghe” được bài ca từ trái tim (Ảnh: Internet)

Thúy, người sáng lập của Tiệm Giặt Là và cũng là cô gái duy nhất trong cửa tiệm có thể giao tiếp bằng lời nói, đã chia sẻ trong phóng sự rằng: “Sự lạc quan, tự tin của bọn em trong giao tiếp truyền đến cho khách hàng, để khách hàng cảm thấy những người điếc họ không nghe thấy mà còn vui vẻ, thoải mái như thế, huống chi là mình…”.

Hãy lắng nghe bằng cả trái tim

Câu nói của cô gái ấy khiến tôi nhìn lại bản thân mình. Việc thức dậy đón chào ngày mới với đầy đủ các giác quan, là lẽ đương nhiên với người bình thường. Chúng ta lắng nghe những âm thanh của cuộc sống, lắng nghe những bản nhạc hay, lắng nghe những lời nói yêu thương, ấm áp của cha mẹ, vợ chồng, lắng nghe những bài giảng của thầy cô, thậm chí là “được nghe” cả những cuộc cãi vã, những âm thanh “độc hại”…

Âm thanh diễn ra xung quanh hiển nhiên, rõ ràng đến mức không ai nhận ra đó là những đặc quyền không dành cho tất cả con người đang sống. Khi chúng ta khó chịu vì những lời dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô, khi chúng ta cáu kỉnh vì phải nghe đi nghe lại những lời càm ràm của họ… thì có những con người từ khi sinh ra còn chẳng một lần được nghe giọng hát ru của mẹ.

Khi chúng ta buông những lời cay độc, xúc phạm với những người xung quanh, thì có những con người cả đời cũng chẳng thể trao đi một lời cảm ơn, một câu xin lỗi, không thể nói được câu “con yêu bố mẹ”.

Trong 1 phút giây, tôi chợt có suy nghĩ: “Hay vì họ không nghe được những thanh âm của cuộc sống, không phải nghe thấy những lời cay độc, tục tĩu của cuộc sống nên họ mới vô tư và an nhiên như thế?”

Có thể đúng, phải không? Với họ, thứ thanh âm duy nhất chỉ là “tiếng lòng” của bản thân, họ chẳng phải bận tâm, cũng chẳng bị lung lay hay cảm thấy tổn thương vì những “lời ong tiếng ve” vô tình của người đời. Vậy thì, họ “sướng” hơn chúng ta?

Không, không phải ai “sướng” hơn ai. Mà là cách chúng ta sống cuộc đời của mình. Và bạn thấy đó, thái độ sống của 3 con người bị coi là những người “yếu thế” trong xã hội, lại mạnh mẽ vô cùng. Họ “thiếu thốn” nhưng vẫn muốn “cho đi”. Họ không thể trao đi những lời nói thì họ chọn trao đi nụ cười, sự nhiệt tình, tận tâm, tỉ mỉ trong công việc hàng ngày. Còn chúng ta, chúng ta đủ đầy, chúng ta có “hào phóng” được như thế không?

Người ta nói “lời nói có thể giết chết một người”, không sai đâu. Ngày ngày chúng ta giao tiếp bằng lời nói, lắng nghe những lời nói. Có khi nào ta dừng lại một vài giây suy nghĩ trước khi buông ra những câu nói có thể “sát thương” người khác. Đôi khi chỉ “tiện miệng” buông lời gièm pha, khích bác, “nửa đùa nửa thật” cũng khiến cuộc đời một người thay đổi. Hay một phút nóng giận không thể kiềm chế, trút lên người khác những lời nói độc địa, xúc phạm, thì nó còn đau hơn cả vạn đòn roi.

Chúng ta có “quyền” được nói, vậy sao không chọn nói những lời thân thương? Chúng ta được lắng nghe, sao không chọn trao đi những thanh âm dịu dàng, ấm áp. Có khi nào bạn từng bịt chặt tai hay đeo headphone và bật âm lượng to nhất để xua đi những thứ mình không muốn nghe? Lời nói, âm thanh cũng có thể trở thành những trận đòn, tra tấn kinh hoàng nhất.

Lắng nghe những lời tốt đẹp và trao đi những lời yêu thương (Ảnh: Internet).
Lắng nghe những lời tốt đẹp và trao đi những lời yêu thương (Ảnh: Internet).

Như cô gái ấy đã nói, đến người điếc không nghe thấy còn muốn mang vui vẻ cho mọi người. Dù không nghe được, nhưng họ vẫn muốn thế giới xung quanh tràn ngập tiếng cười. Dù không nói được, nhưng chắc chắn họ sẽ muốn trao đi những lời nói chân thành. Cớ sao chúng ta lại “thua kém” họ? Bạn có nghĩ giống tôi không?

Xem thêm

300+ cap để tiểu sử Facebook hay, ngầu, bá đạo cho profile thêm ấn tượng

Tiểu sử Facebook là phần giới thiệu ngắn gọn về bản thân trên trang Facebook cá nhân. Nếu bạn muốn tạo điển nhấn, gây gấn tượng thì hãy tham khảo những tiểu sử Facebook hay, bá đạo và hài hước dưới đây nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận