Sẽ không quá lời khi ví những khu tập thể cũ, đặc biệt là Kim Liên (1962) như một Hà Nội xưa thu nhỏ với dây điện nối nhau chằng chịt, những chiếc bảng thông báo nhuốm màu nắng, những hàng cây xanh ngắt đã trải qua gần bốn thập kỷ hay cả những căn hộ bé xíu rộng khoảng 20 m² nằm san sát nhau cùng với khung cửa sổ đã hoen gỉ vì sự “tàn phá” của thời gian…

Sponsor

Quay lại quá khứ

Sau 1954, những cán bộ, công nhân viên chức đổ ra Hà Nội ngày càng đông, do không đủ quỹ nhà riêng, khu tập thể đầu tiên tại Thủ đô đã được xuất hiện, chính là khu tập thể Kim Liên – nơi đã thay đổi cuộc sống của cả một thế hệ.

Một thoáng khu tập thể Kim Liên. (Ảnh: Tô Ngọc Ánh)
Một thoáng khu tập thể Kim Liên. (Ảnh: Tô Ngọc Ánh)

Nhà văn Vũ Công Chiến – tác giả của “Kim Liên một thuở” chia sẻ: “Nó như một thế giới mới, nó rộng mênh mông, nhà thì nhà cao, mà được leo lên gác, mà leo lên gác thì nhìn được ra xa. Khi vào nhà thì thấy nhà mới, từ tường vôi rồi sơn cửa. Trong nhà thì đều có bóng điện. Cái cảm giác sung sướng ấy thì không phải tôi mà có lẽ là tất cả những trẻ con lúc bấy giờ, mà ngay cả người lớn cũng như thế…”

Được xây theo thiết kế của Triều Tiên mà theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Kim Liên là “đúng nghĩa của nhà tập thể” với bếp chung, nhà vệ sinh chung, bể nước, chiếc hành lang nhỏ nhắn trước nhà – trở thành nơi bắt đầu một tình bạn của lũ trẻ, chia sẻ với nhau những câu chuyện vui xung quanh; là những tiếng “Ồ” lên khi phát hiện ra rằng chiếc chìa khóa của nhà mình có thể mở khóa của cả khu. Và những ô cửa sổ kim loại của những căn nhà san sát nhau, trở thành nơi tình yêu chớm nở của những cặp đôi…

Trong chương trình Quán thanh xuân, Nhà báo Diễm Quỳnh đã có một chia sẻ hết sức hài hước: “Buổi trưa khi mà bố mẹ chưa đi làm về, có nhà rang thịt rất là thơm thì cả đám trẻ sẽ đứng trước cửa sổ của nhà đó và cứ reo lên “Bác ơi, thịt này rang có ăn được không ạ?”; sau đó thì bác ấy sẽ đem ra một đĩa thịt nhỏ, và mỗi đứa sẽ được một miếng…”

Một trong những đặc trưng của khu tập thể – chiếc cầu thang tối om, chật hẹp nhưng tràn đầy sự ấm áp của tình người. Giờ tan tầm, những tiếng í ới gọi nhau đi chơi của những đứa trẻ con; những cuộc nói chuyện giòn giã của những người sống trong khu tập thể; những sự mỏi mệt được thốt lên bằng lời,… và chiếc cầu thang “vô tình” trở thành vật chứng kiến tất cả những kỷ niệm ấy. Theo năm tháng, nó cũng không còn nguyên vẹn, những vết sơn đã dần tróc, nhiều mảng tường đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, để lộ ra những khung sắt ở trong; lũ trẻ cũng dần lớn lên, cuối cùng, chỉ còn lại đa số những người trung niên, cao tuổi chọn ở lại.

Tình người tại khu tập thể

Khác với không khí ảm đạm của Kim Liên, khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy có phần nhộn nhịp hơn bởi ở đây đa phần là những người lao động, cùng những hàng quán đã được chủ hộ cho thuê. Bà Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) – một trong những cư dân chia sẻ: “Bây giờ khác ngày xưa quá rồi. Ngày xưa còn có vườn hoa Nghĩa Tân ấy, cứ ra đấy… giờ họ phá đi, cho thành quán cà phê rồi. Hàng xóm bây giờ cũng chẳng được như xưa, cứ nhà nào biết nhà nấy, chẳng được như ở quê nữa…”

Cửa hàng đồ chơi nằm trên khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Ảnh: Van Le)
Cửa hàng đồ chơi nằm trên khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Ảnh: Van Le)
Một góc khu tập thể Nghĩa Tân (Ảnh: Van Le)
Một góc khu tập thể Nghĩa Tân (Ảnh: Van Le)

Ở thời bấy giờ, tình cảm là thứ gắn bó những con người, là thứ mãi mãi trường tồn theo thời gian. Nhà văn Bình Ca tâm sự về tác phẩm đầu tay “Quân khu Nam Đồng”, trong khoảng thời gian khi trong miền Nam vẫn đang tràn đầy khói lửa của chiến tranh, đa số những người cha đều lên đường ra trận, bảo vệ Tổ quốc. Và những lúc như thế, những đứa trẻ trong khu tập thể, sợ nhất là người đưa thư. Ở những hành lang nào đó, nơi bác đưa thư mới đi qua, bật lên những tiếng khóc, báo hiệu những ông bố đã ra đi không trở về. Đối với những đứa trẻ con thời ấy, khu tập thể không còn đơn thuần là nơi để ở, mà đó còn là nơi chất chứa biết bao niềm vui, nỗi buồn.

Và những lời chia sẻ của Nhạc sĩ Trương Quý Hải trong chương trình Quán Thanh xuân số tháng 3 năm 2019: “Khu tập thể khác rất nhiều so với các chung cư bây giờ, nó khác rất xa, tức là không gian của mỗi gia đình thì hẹp nhưng không gian chung thì cực kỳ rộng mở. Và đó chính là sự khác biệt. Tức là sự rộng mở đó tạo điều kiện cho một đặc sản của khu tập thể, đó là bọn trẻ con.”, tôi tin rằng khu tập thể vẫn là một phần thân thương của người dân Việt Nam nói chung, và người dân Hà Nội nói riêng, đặc biệt là thế hệ 6x – 7x – 8x đã dành cả tuổi thơ của mình để tạo ra “hồi ức về những năm bao cấp trong các khu tập thể”.

Sponsor
Xem thêm

10 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2022: Mỹ tiếp tục thống trị

Đâu là các trường đại học hàng đầu và nổi tiếng nhất trên thế giới? Theo Bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2022 gồm 200 cơ sở đào tạo đại học nổi tiếng quốc tế hàng đầu đáp ứng các tiêu chí lựa chọn của uniRank, chúng mình sẽ đưa ra câu trả lời cho câu hỏi ...
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Đánh giá bài viết
Bạn ơi, bài này hay chứ?
Có 16 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(