Hình xăm – đến bây giờ có lẽ vẫn là một từ khá nhạy cảm với phái nữ, nhất là ở nền văn hoá Phương Đông. Dù xã hội đã cởi mở, bình đẳng hơn rất nhiều đối với phụ nữ, vẫn có những giới hạn nhất định cho quyền tự do thể hiện bản thân. Hình xăm nằm trong giới hạn đó.

Khi bạn gặp một cô gái có hình xăm, điều đầu tiên bạn nghĩ là gì?

Mỗi hình xăm đều chứa đựng những câu chuyện ( ảnh Internet )
Mỗi hình xăm đều chứa đựng những câu chuyện ( ảnh Internet )

“Con gái có hình xăm thì làm sao lấy được chồng?”, “Có phải dân anh chị đầu gấu đâu mà xăm với trổ” hay như “Con gái mà xăm trổ thì không ra thể thống gì, chơi bời, hư hỏng” … đó chỉ là một trong số rất nhiều định kiến mà gia đình, xã hội vẫn đang áp đặt cho những cô gái có hình xăm. Thậm chí ở những nước có tư tưởng tân tiến nhất như Mỹ, theo một khảo sát đã chỉ ra rằng cùng một hành vi, những người mang hình xăm thường bị đánh giá khắt khe hơn. Họ bị cho là những người thiếu trung thực, bê tha, không đáng tin cậy.

Tôi cũng là một cô gái có hình xăm, không phải một, mà là ba hình xăm. Và đó không phải là những vết mực vô nghĩa. Tôi tin những hình xăm hiện diện trên thân thể những cô gái khác cũng mang những câu chuyện của riêng mình.

Khi chọn một hình xăm để lưu giữ mãi mãi trên cơ thể, cũng giống như việc ta đã quyết định “trói buộc“ bản thân với những ý niệm muốn gửi gắm qua hình xăm đó.

Mỗi hình xăm đều có một câu chuyện

Hình xăm dấu chấm phẩy

Hình xăm dấu chấm phẩy có ý nghĩa rất đặc biệt với nhiều người ( ảnh Internet)
Hình xăm dấu chấm phẩy có ý nghĩa rất đặc biệt với nhiều người ( ảnh Internet)

Khi tôi bắt gặp hình xăm này trên cổ tay của một người bạn đã lâu không gặp, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Người khác có thể thấy hình xăm này đơn giản, không ấn tượng, nhưng với bạn tôi đó là một dấu mốc rất quan trọng. Có lẽ không nhiều người biết hình xăm dấu chấm phẩy có ý nghĩa đặc biệt với những người mắc bệnh trầm cảm.

Bạn tôi là một người như vậy. Bạn đã có những tháng ngày trốn tránh tất cả nỗ lực muốn giúp đỡ từ gia đình, bạn bè. Biến mất khỏi mọi hoạt động giao tiếp hàng ngày trong gần nửa năm. Khoảng thời gian 6 tháng đó với những người bình thường chỉ đơn giản là chuỗi ngày nối tiếp từ hè sang thu, rồi sang đông. Nhưng với người bệnh trầm cảm như bạn tôi, đó là gần 200 ngày đấu tranh để vượt qua và sống tiếp. Bạn nói hình xăm này sẽ nhắc nhở bạn, rằng bạn đã chiến thắng, rằng cuộc đời bạn vẫn chưa hề kết thúc.

Hình xăm cái cây

Hình xăm này là món quà tôi dành tặng bản thân khi sắp bước sang tuổi 32.

Mỗi hình xăm lại gắn với một dấu mốc trong cuộc đời ( ảnh Internet)
Mỗi hình xăm lại gắn với một dấu mốc trong cuộc đời ( ảnh Internet)

Tuổi 32 của tôi vẫn chưa lấy chồng, cũng không có người yêu trong khi đám bạn (và cả các em) đều đã có những nhóc tì xinh xắn. Đôi lúc tủi thân đấy, cũng chạnh lòng đấy. Nhưng mỗi người đều có lý do riêng, tôi gói ghém cất những bức ảnh đen trắng của ngày cũ vào cuốn album mang tên “kỉ niệm”.

Sau những năm tháng tuổi 20 trải nghiệm đủ đầy hương vị tuổi trẻ, cũng từng vào Nam ra Bắc, tận hưởng cuộc sống rực rỡ nơi Sài Gòn phồn hoa rồi lại quay về với Hà Nội thâm trầm. Từng yêu như chết đi sống lại, từng sắp chạm tay vào hạnh phúc trọn vẹn rồi vụt mất trong chớp mắt. Giờ đây tôi đã “thấm” đủ để thấy lòng mình bình yên khi chọn cuộc sống mỗi ngày đều ở bên cỏ cây, hoa lá.

Trồng một cái cây cũng giống như chăm sóc một con người. Nhìn nó lớn lên xanh tươi hay nhìn nó già cỗi, héo tàn khiến tôi chiệm nghiệm được nhiều điều. Đôi lúc là cảm giác xen lẫn giữa vui vẻ và lo lắng, hẫng hụt khi những chậu cây mình bỏ tâm sức chăm sóc hàng ngày về với người chủ mới. Hạnh phúc vì chậu cây sẽ đem lại niềm vui cho người khác nhưng cũng lo lắng liệu người chủ mới có để tâm chăm sóc, tưới tắm cho cây mỗi ngày?

Cuộc sống giản đơn trôi qua bình yên thư thái, đến cuối cùng đó có phải là điều chúng ta luôn mong muốn?

Hình xăm quả dứa

Bên ngoài gai góc, bên trong ngọt ngào ( ảnh Internet)
Bên ngoài gai góc, bên trong ngọt ngào ( ảnh Internet)

Có lần tôi và một người bạn là con trai tranh luận với nhau về câu nói “là phụ nữ hãy sống như một trái dứa. Bên ngoài gai góc, bên trong ngọt ngào”.

Bạn tôi cho rằng phụ nữ mà sống theo quan điểm đó là dại dột. Việc phụ nữ tỏ ra mình gai góc, ghê gớm chẳng để làm gì cả, thay vào đó nên tỏ ra nữ tính, ngọt ngào, yếu đuối thì sẽ mang lại nhiều cơ hội, sẽ luôn được nhường nhịn, yêu chiều. Còn cứ bất cần thì chỉ có ế muôn đời, vì đàn ông yêu bằng mắt. Họ sẽ tiếp cận những cô gái xinh đẹp, dịu dàng rồi sau đó mới tìm hiểu, mới biết “ngọt”, “đắng” ra sao.

Tôi không cho rằng bạn sai, nhưng cách bạn hiểu và lý giải câu nói đó chưa đầy đủ. “Gai góc” ở đây không phải là bặm trợn, bất cần, ăn to nói lớn. Nó không phải là dáng vẻ, hành động, phục sức bên ngoài. Cái “gai góc” đó được tạo nên qua những năm tháng, qua những trải nghiệm, đó là bản lĩnh, là cái “chất” bên trong. Họ không phải là những “nữ quái giang hồ”, họ chỉ là những người phụ nữ đủ từng trải để biết mình muốn gì, cần gì và có thể làm được những gì.

ảnh internet
ảnh internet

Ta không nên đánh đồng “gai góc” với những tính từ “đanh đá”, “hung dữ”. Điều phái nữ muốn gửi gắm, nhắn nhủ bản thân khi xăm lên cơ thể hình ảnh trái dứa, đó là họ tự hào về bản thân mình. Họ độc lập, vững vàng, họ tự tin, tự chủ trong cuộc sống, cùng với đó vẫn vẹn nguyên sự ngọt ngào, dịu dàng trời ban cho phái đẹp. Đây mới chính là câu chuyện của những trái dứa.

Hình xăm chữ Mom

Câu chuyện cuối cùng tôi muốn kể là về hình xăm trên ngực một người em gái. Môt hình xăm mà như chính em đã nói với người thợ xăm “em muốn đơn giản nhất có thể, không viết hoa. Nhẹ nhàng bình yên”.

Chọn hình xăm để thể hiện tình yêu dành cho gia đình ( ảnh Internet)
Chọn hình xăm để thể hiện tình yêu dành cho gia đình ( ảnh Internet)

“Đơn giản nhất có thể”, tình yêu mà cha mẹ, con cái dành cho nhau cũng chính là thứ tình cảm giản đơn nhưng sâu sắc nhất trên cõi đời này. Giản đơn đến nỗi, chúng ta dường như quên đi việc biểu lộ nó. Chúng ta có thể gửi hàng chục tin nhắn yêu thương cho người yêu mỗi ngày, nhưng một năm ta nói với mẹ cha được bao nhiêu lời cảm ơn, câu xin lỗi? Ngay cả khi tặng quà cho cha mẹ, đa số chúng ta chỉ trao tay chứ hiếm ai biết nên nói gì.

Đứa em gái của tôi cũng vậy. Những khi mệt mỏi với áp lực học hành, cuộc sống, nó nói rằng nhớ mẹ, chỉ muốn về với mẹ. Nhưng khi nói chuyện điện thoại với mẹ, lại chẳng thể nói ra những điều nó nghĩ. Tại sao với những người thân yêu , gần gũi nhất ta lại càng kiệm những lời yêu thương?

Em tôi có thể chọn cách dùng hình xăm để thể hiện tình yêu dành cho mẹ, dùng hình xăm để luôn cảm thấy mẹ ở bên, ở trong trái tim mình. Nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu em, và chúng ta dùng lời nói để cha mẹ hiểu được rằng ta yêu cha mẹ biết bao. Mỗi ngày qua đi, cơ hội làm điều đó càng ngắn lại, bạn có biết không?

Bản chất của một người không thể hiện qua hình xăm, nó không phải là thước đo cho đạo đức, nhân cách một con người. Nhưng có một điều chắc chắn, những cô gái sở hữu hình xăm đều là những cô gái mạnh mẽ. Họ không chỉ vượt qua bản thân, mà còn bước qua cả định kiến của xã hội. Vậy nên hãy cứ tự hào về bản thân. Bạn vẫn sẽ là một người mẹ tốt với những hình xăm trên cơ thể, đừng sống mãi theo những gì người khác muốn.

Xem thêm

101 những câu hỏi vô tri hack não khiến người nghe cười sảng

Tổng hợp 101 những câu hỏi vô tri hack não khiến người nghe "dừng khoảng chừng 2 tiếng" vẫn chưa nghĩ ra câu trả lời. Đang khoan tường mà bố kêu "khoan" thì là khoan tiếp hay dừng? Vì sao thứ 7 rất gần chủ nhật mà chủ nhật lại rất xa thứ 7...?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận