Trong hiện tại, thế hệ Z (Gen Z) chiếm khoảng 30% dân số trên toàn thế giới, vì vậy Gen Z thuộc nhóm khách hàng chủ lực của nhiều nhãn hàng. Tuy nhiên Gen Z là đối tượng khó nghiên cứu vì họ được sinh ra trong thời đại kỹ thuật số phức tạp này. Để giúp doanh nghiệp dần hiểu về Gen Z, ở một mức độ nào đó, BlogAnChoi xin được trích dẫn lời nhận định của các chuyên gia đến từ 2 agency lớn là Dentsu Redder, MSL (Publicis Groupe).
- Ý kiến của anh Thông Nguyễn – Chief Client Officer đến từ Dentsu Redder
- Gen Z mang những giá trị khác biệt
- Thế giới giải trí của Gen Z được gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh
- Gen Z hướng đến các thương hiệu với sản phẩm mang giá trị sâu sắc
- Ý kiến của anh Luc Mandret – General Manager đến từ MSL (Publicis Groupe)
Ý kiến của anh Thông Nguyễn – Chief Client Officer đến từ Dentsu Redder
Gen Z mang những giá trị khác biệt
Tiếp nối thế hệ Millennials, thế hệ Z được sinh ra vào thời kỳ bùng nổ mạng xã hội, vì vậy mạng xã hội tác động rất lớn tới các mối quan hệ, tư duy ứng xử, giải quyết vấn đề, cũng như quan điểm của thế hệ Z. Điều này đã mang lại cho Gen Z những giá trị rất khác biệt so với thế hệ trước.
1. Giá trị đột phá
Gen Z thích thể hiện bản thân mình theo một cách rất riêng, thậm chí mỗi cá nhân có thể tham vọng mình sẽ trở thành người tiên phong. Họ rất sợ bị thụt lùi. Do đó, với Gen Z, “thay đổi hoặc chết” chính là phương châm sống. Đó cũng là động lực khiến họ học hỏi nhiều hơn.
2. Giá trị tương tác
Thế hệ Z đang dần xa rời những phương tiện truyền thông truyền thống. Nếu các thế hệ trước thích đọc báo và xem phim thì Gen Z lại thích lướt Facebook và xem những loại hình tương tác trực tiếp như livestream.
3. Giá trị đạo đức
Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên quan tâm đến mục đích hành động hơn là tiền bạc. Họ luôn quan tâm đến môi trường và xã hội. Họ sẵn sàng thay đổi thói quen để cải thiện tình hình, chứ không hề cố chấp hay chỉ nghĩ cho bản thân.
4. Giá trị thực tế
Gen Z sống theo lý tưởng “Chase dreams, not people”, tức là họ chỉ làm những việc giúp họ thể hiện đúng năng lực của mình, còn suy nghĩ của người khác thì họ không quan tâm. Nói cách khác, Gen Z có hoài bão riêng và họ muốn tạo ra những giá trị thực tế thay vì theo đuổi những thứ “hữu danh vô thực”.
Thế giới giải trí của Gen Z được gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh
Gen Z dành gần một phần ba thời gian trong ngày để vào các ứng dụng mạng xã hội, trên chiếc điện thoại thông minh của mình. Đặc biệt, Gen Z dùng mạng xã hội phần nhiều cho mục đích giải trí. Vì vậy, hầu hết các video thịnh hành trên mạng xã hội đều phục vụ cho nhu cầu giải trí của Gen Z.
Gen Z hướng đến các thương hiệu với sản phẩm mang giá trị sâu sắc
Khác với các thế hệ trước, Gen Z không sở hữu những món hàng hiệu chỉ để giống với số đông, họ xem chúng như là phương tiện để thể hiện bản sắc của mình. Gen Z muốn lựa chọn một thương hiệu có thể thay họ nói lên triết lý sống của mình. Vì vậy, không có gì lạ khi Gen Z sẵn sàng trả giá cao để có được sản phẩm của thương hiệu đó. Nếu một thương hiệu muốn hướng đến Gen Z thì chắc chắn triết lý của thương hiệu phải có điểm chung với tuyên ngôn sống của họ.
Ý kiến của anh Luc Mandret – General Manager đến từ MSL (Publicis Groupe)
Cách tiếp cận Internet khiến Gen Z trở nên khác biệt
Với Gen Z, mọi người có thể dễ dàng kết nối với nhau thông qua Internet. Tuy nhiên, thế giới ảo trên Internet cũng khiến họ cảm thấy cô đơn. Họ nghiện smartphone nhưng sự quá tải thông tin cũng khiến Gen Z chọn lọc khó khăn. Vì vậy, Gen Z không ngại thử nghiệm những ứng dụng xã hội mới thay vì trung thành với ứng dụng cũ như thế hệ trước. Còn xét về mặt tích cực, Gen Z cũng lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích giúp họ ý thức tốt về môi trường và xã hội.
Gen Z kỳ vọng các thương hiệu sẽ mang đến nhiều sản phẩm có giá trị tốt đẹp
Nói về kỳ vọng của Gen Z với các thương hiệu, General Manager của MSL cũng có cùng ý kiến với CCO của Dentsu Redder. Anh Luc Mandret cho rằng mục đích truyền thông của các thương hiệu vô cùng quan trọng với Gen Z. Nếu mục đích đó thực sự hướng tới những giá trị tốt đẹp và có ích cho xã hội thì chắc chắn nó sẽ giúp thương hiệu có được sự tin tưởng của Gen Z.
Trái lại, nếu thương hiệu chỉ chú ý đến lợi nhuận mà không màng đến xã hội thì lợi nhuận của thương hiệu chỉ có thể đến từ những khách hàng ở thế hệ trước, chứ không phải là Gen Z. Vì vậy, có thể nói, PR đóng vai trò quan trọng trong sự tương tác giữa Gen Z và các thương hiệu có tập khách hàng tiềm năng là Gen Z.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Câu chuyện thương hiệu ý nghĩa đằng sau sự thành lập tập đoàn Ajinomoto
- Những hiểu lầm nào khiến giới trẻ ngại mua bảo hiểm cho bản thân mình?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!