Bạn đã thấy thử thách đi bộ 10.000 bước mỗi ngày trên các trang mạng xã hội được rất nhiều người hưởng ứng, thậm chí các app tập thể dục trên điện thoại cũng cài chế độ mặc định 10.000 bước mỗi ngày. Nhưng tại sao lại có con số đó? 10.000 bước mỗi ngày có tác dụng gì đối với sức khỏe của chúng ta? Hãy cùng khám phá nhé!

Tại sao phải đi bộ 10.000 bước trong một ngày?

Không rõ nguồn gốc của con số này là do đâu, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có thể bắt nguồn từ năm 1965 khi một công ty tại Nhật Bản sản xuất loại máy đếm bước chân có tên là Manpo – nghĩa là “10.000 bước”. Theo giáo sư Shawn Arent tại Đại học Nam Carolina (Mỹ), con số 10.000 bước chủ yếu mang ý nghĩa quảng cáo tiếp thị hơn là khoa học.

Máy đếm bước chân Manpo của Nhật Bản (Ảnh: Internet).
Máy đếm bước chân Manpo của Nhật Bản (Ảnh: Internet).

Nếu đúng vậy thì chiêu tiếp thị này đã thành công vang dội vì cụm từ “10.000 bước mỗi ngày” đã trở nên cực kỳ phổ biến đối với mọi người hiện nay. Tuy nhiên điều này cũng khiến các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem 10.000 bước có thực sự mang lại lợi ích cho sức khỏe hay không.

Lợi ích của việc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày

Một trong những nghiên cứu gần đây nhất về chủ đề này được đăng trên tạp chí Y học Nội khoa JAMA tháng 5/2019, trong đó các nhà khoa học kiểm tra xem đi bộ nhiều có liên quan đến giảm tử vong ở phụ nữ lớn tuổi hay không.

Nghiên cứu này có hơn 16.500 phụ nữ tham gia trong độ tuổi từ 62 đến 101, họ đeo máy đếm bước chân trong nhiều ngày để ghi lại nhiều thông số khác nhau. Sau đó những phụ nữ này được theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 4 năm.

Đi bộ tốt cho sức khỏe như thế nào? (Ảnh: Internet).
Đi bộ tốt cho sức khỏe như thế nào? (Ảnh: Internet).

Kết quả cho thấy: những phụ nữ đi trung bình 4.400 bước mỗi ngày có tỷ lệ tử vong thấp hơn 41% so với những người ít vận động chỉ đi trung bình 2.700 bước mỗi ngày. Số bước càng tăng thì tỷ lệ tử vong càng giảm, cuối cùng duy trì ổn định ở khoảng 7.500 bước mỗi ngày – tức là ít hơn 25% so với 10.000 bước. Ngoài ra không có mối liên hệ rõ ràng giữa cường độ bước mạnh hay nhẹ với tỷ lệ tử vong.

Có các nghiên cứu khác tìm hiểu lợi ích của 10.000 bước mỗi ngày đối với giảm cân và sức khỏe tim mạch. Ví dụ: một nghiên cứu đăng trên tạp chí SAGE năm 2006 cho thấy đi bộ trung bình ít nhất 9.500 bước mỗi ngày giúp người thừa cân béo phì giảm cân, giảm lượng mỡ trong cơ thể và tăng cholesterol HDL (có lợi) sau 36 tuần.

Đi bộ 10.000 bước mỗi ngày có nhược điểm gì không?

Mặc dù có những lợi ích như trên nhưng mục tiêu 10.000 bước không phải là “thần thánh”. Có nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến sức khỏe ngoài số bước chân, ví dụ như giấc ngủ, chế độ ăn và stress. Những yếu tố này không thể đo được bằng số bước chân hàng ngày. Nếu bạn ăn uống không lành mạnh, thường xuyên stress hoặc thiếu ngủ thì 10.000 bước cũng không thể bù đắp được những tác hại về sức khỏe.

Bên cạnh đó có nhiều bài tập không yêu cầu bước chân nhưng vẫn cực kỳ có lợi cho sức khỏe, ví dụ như yoga, nâng tạ, đạp xe. Như vậy số bước chân không phải là yếu tố duy nhất thể hiện mức độ vận động hàng ngày của mỗi người.

Tập thể dục tại chỗ cũng có lợi không kém (Ảnh: Internet).
Tập thể dục tại chỗ cũng có lợi không kém (Ảnh: Internet).

Tóm lại: Có cần đi bộ 10.000 bước mỗi ngày hay không?

Các chuyên gia khẳng định: con số 10.000 không có gì là thần thánh cả. Có thể xem đó là một mục tiêu để nhắm tới, nhưng nó không thể hiện tất cả về sức khỏe của chúng ta.

Bác sĩ y học thể thao Larry Nolan tại Đại học Bang Ohio (Mỹ) cho biết: “Mọi người không nên tập trung vào một con số hoặc một phần của sức khỏe. Thay vì cố định vào một con số duy nhất, hãy hướng đến việc cải thiện các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, ví dụ như giấc ngủ, chế độ ăn uống, kiểm soát stress và tập thể dục.”

Tuy nhiên việc đếm số bước chân có thể giúp bạn duy trì vận động thường xuyên và tránh ngồi nhiều. Chúng ta thường ít để ý về mức độ vận động của mình trong ngày, vì vậy đếm số bước chân có thể giúp mọi người quan tâm chăm sóc sức khỏe hơn.

Không nhất thiết phải thực hiện đủ 10.000 bước mà hãy tự đặt ra mục tiêu phù hợp với điều kiện của bản thân và có thể duy trì được lâu dài. Ngoài ra cũng nên kết hợp các khuyến cáo khác như tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc cường độ cao ít nhất 75 phút mỗi tuần, tập các bài thể dục toàn thân ít nhất 2 lần mỗi tuần.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Massage đá nóng có tác dụng gì với sức khỏe? Những ai nên làm và ai nên tránh?

Bạn đã từng nhìn thấy các cơ sở massage quảng cáo dịch vụ “massage đá nóng” nhưng không hiểu đó là gì? Tại sao phải làm nóng đá để xoa bóp trên người và phương pháp này có tác dụng gì đối với sức khỏe? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận