Thai ngoài tử cung không phải là bệnh lý hiếm gặp. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sản phụ có thể tử vong. Vậy cùng BlogAnChoi tìm hiểu thai ngoài tử cung là gì, nguyên nhân, dấu hiệu của thai ngoài tử cung và hướng điều trị chính xác, an toàn nhé!

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung được định nghĩa là tình trạng trứng được thụ tinh, làm tổ và sau đó phát triển ở vị trí ngoài buồng tử cung. Tỉ lệ gặp phải bệnh lý này là 1-2%, có nghĩa là cứ 100 sản phụ sẽ có 1-2 sản phụ nằm trong trường hợp này, đây là con số không hề nhỏ.

giải phẫu thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng làm tổ ngoài buồng tử cung (Nguồn: Internet).

Nguyên nhân thai ngoài tử cung

Sau khi được thụ tinh, theo đúng sinh lý bình thường, trứng sẽ di chuyển qua vòi tử cung và đến làm tổ ở buồng tử cung. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó, quá trình này bị ngăn cản. Và các nguyên nhân chửa ngoài tử cung hay gặp được biết đến là:

  • Có tiền sử thai ngoài tử cung.
  • Sản phụ bị mắc bệnh lý viêm vòi tử cung, viêm nhiễm sinh dục.
  • Xơ dính do phẫu thuật trước đó ở vùng bụng hay trên chính vòi tử cung.
  • Vòi tử cung bị dị dạng bẩm sinh.
  • Đặt dụng cụ tử cung.
  • Có các khối u tử cung hoặc gần tử cung đè ép.
  • Đã từng nạo phá thai.
  • Có sử dụng thuốc ngừa thai đơn thuần Progesteron.
bác sĩ sản
Nếu sản phụ có các yếu tố nguy cơ của thai ngoài tử cung thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn rõ hơn về cách phòng tránh (Nguồn: Internet).

Dấu hiệu thai ngoài tử cung

Ở đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các dấu hiệu hay gặp nhất của thai ngoài tử cung mà sản phụ có thể nhận biết được. Nếu bạn đã phát hiện mình có thai hoặc nghi ngờ có thai đi kèm với ít nhất một trong các dấu hiệu dưới đây, hãy đến viện ngay để được chẩn đoán tình trạng và cùng các bác sĩ đề ra hướng xử lý kịp thời. Biến chứng chửa ngoài tử cung vỡ sẽ vô cùng nguy hiểm.

  • Tắt kinh hoặc chậm kinh là dấu hiệu hay gặp.
  • Đau bụng: đau bụng của sản phụ mang thai ngoài tử cung chưa có biến chứng thường là đau âm ỉ, đau vùng hạ vị ở một bên. Nếu sản phụ đột ngột đau dữ dội, sau đó choáng váng, ngất đi thì có thể là dấu hiệu chửa ngoài tử cung vỡ.
  • Ra máu âm đạo: Máu không ra nhiều, chỉ rỉ rả từng ít một, không đông, không có máu cục và mang màu nâu đen.

Việc chẩn đoán chắc chắn thai ngoài tử cung cần phụ thuộc rất nhiều vào việc thăm khám của bác sĩ và các kết quả xét nghiệm, siêu âm đi kèm.

đau bụng
3 triệu chứng hay gặp nhất của chửa ngoài tử cung là đau bụng, tắt kinh và ra máu âm đạo (Nguồn: Internet).

Mang thai ngoài tử cung thử que có biết không?

Que thử thai có lẽ là dụng cụ phát hiện có thai được chị em phụ nữ sử dụng nhiều nhất tại nhà vì sự tiện dụng của nó. Về cơ chế, que thử thai hoạt động dựa trên sự phát hiện nồng độ Beta-HCG có mặt trong nước tiểu. Một vạch là bạn không có thai hoặc nồng độ HCG còn quá thấp, hai vạch là báo hiệu khả năng cao có thai. Tuy nhiên bạn cũng cần phái chú ý que thử thai không cho kết quả chính xác 100% mà có thể sai lệch ở một vài trường hợp.

Beta-HCG là hormone do nhau thai tiết ra vì thế nồng độ chất này tăng nhanh trong cơ thể khi thụ thai. Đây cũng là một yếu tố hàng đầu cần xác định để chẩn đoán mang thai. Những trường hợp thai ngoài tử cung thì nồng độ Beta-HCG thấp hơn thai nghén thông thường.

Vậy bạn đọc cần hiểu rằng, khi có thai ngoài tử cung, nồng độ Beta HCG vẫn tăng nên que thử thai vẫn hiện 2 vạch cùng kết quả với có thai bình thường. Có nhiều ý kiến đưa ra rằng 2 vạch ở người mang thai ngoài tử cung sẽ mờ hơn do nồng độ Beta-HCG thấp hơn. Tuy nhiên đây là dấu hiệu vô cùng khó phân biệt và không khả thi trên thực tế.

Cách tốt nhất khi bạn dùng que thử thai và phát hiện hai vạch thì hãy tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám cẩn thận rồi cho kết quả chính xác nhé.

que thử thai
Mang thai ngoài tử cung que thử thai có phát hiện được không (Nguồn: Internet)?

Mang thai ngoài tử cung phải làm gì?

Đầu tiên, sản phụ cần phải hiểu rõ những nguy cơ có thể gặp phải khi mang thai ngoài tử cung và lợi ích của việc điều trị sớm hay muộn khác nhau như thế nào:

  • Trường hợp chẩn đoán, điều trị sớm, tiên lượng của sản phụ thường tốt, nguy cơ tử vong hiếm và giảm thiểu tối đa biến chứng về sau.
  • Ngược lại nếu chẩn đoán muộn, xử trí không kịp thời, tỉ lệ tử vong đối với mẹ là 1-1.5%.
  • Người đã mắc thai ngoài tử cung có thể bị tái phát lại khoảng 15%.
  • Tỷ lệ có thai bình thường sau khi đã mang thai ngoài tử cung chỉ khoảng 30%.

Để giảm thiểu tối đa biến chứng của thai ngoài tử cung, giúp sản phụ có khả năng thụ thai bình thường sau đó thì việc chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Chửa ngoài tử cung có thể điều trị ngoại khoa hoặc nội khoa tùy tình trạng bệnh nhân.

siêu âm thai
Việc lựa chọn điều trị nội khoa hay ngoại khoa phụ thuộc vào nhiều yếu tố (Nguồn: Internet).

Điều trị nội khoa chửa ngoài tử cung

Điều trị nội khoa thường áp dụng khi phát hiện chửa ngoài tử cung giai đoạn sớm. Cụ thể, các trường hợp được chỉ định xử trí nội khoa là:

  • Khối thai chưa vỡ, chưa gây chảy máu nhiều
  • Đường kính siêu âm được của khối thai < 4cm
  • Xét nghiệm phát hiện nồng độ Beta-HCG <5000 mIU/ml

Thuốc được dùng chủ yếu với sản phụ chửa ngoài từ cung có tên là Methotrexate (MTX). Nó có tác dụng chủ yếu là ức chế quá trình tổng hợp ADN và cản trở sự tăng sinh tế bào. Chống chỉ định dùng MTX với đối tượng suy thận, suy gan, giảm bạch cầu, tiểu cầu, thiếu máu hay mắc chứng suy tủy xương.

Điều trị phẫu thuật chửa ngoài tử cung

  • Điều trị triệt để: Nếu khối chửa ở vị trí vòi tử cung sẽ phẫu thuật cắt bỏ khối chửa, cắt vòi tử cung đến sát góc tử cung nhưng không cắt bỏ buồng trứng. Trường hợp sản phụ không có nhu cầu sinh đẻ tiếp thì cắt nốt vòi tử cung bên còn lại để tránh nguy cơ, đồng nghĩa với việc không còn khả năng sinh đẻ nữa.
  • Điều trị bảo tồn: Áp dụng điều trị bảo tồn với sản phụ còn trẻ, hiếm con, vòi tử cung bên đối diện bất thường khó khăn cho việc thụ thai. Trường hợp này sẽ chỉ hút bọc thai ra và cầm máu mà không cắt vòi tử cung.
  • Phẫu thuật nội soi: Nhờ sự tiến bộ của kĩ thuật y học hiện đại, việc áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi giúp người bệnh tránh được rất nhiều nguy cơ về nhiễm trùng, vết thương nhanh lành hơn, ngoài ra nó còn có giá trị về mặt thẩm mĩ.
phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật sẽ được chỉ định khi cần thiết (Nguồn: Internet).

Cách phòng tránh thai ngoài tử cung

Để phòng tránh và giảm nguy cơ bị chửa ngoài tử cung, chị em phụ nữ cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe bản thân, đặc biệt phải chú ý những điều sau:

  • Chú ý giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh vùng kín (vệ sinh thường xuyên hàng ngày, vệ sinh khi giao hợp, vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt,…).
  • Cần bảo vệ bản thân đặc biệt phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đó là nguy cơ làm viêm nhiễm, tổn thương các bộ phận tử cung.
  • Tránh nạo phá thai tổn thương niêm mạc tử cung.
  • Chú ý thay đổi của bản thân để phát hiện có thai sớm, khám thai ngay sau khi phát hiện có thai để xử lý kịp thời những diễn biến bất thường. Tìm mua que thử thai tại đây.
vệ sinh vùng kín
Chị em phụ nữ cần chú ý việc vệ sinh âm đạo tránh viêm nhiễm (Nguồn: Internet).

Một số bài viết về vấn đề sản phụ khoa sẽ hữu ích với chị em phụ nữ:

Với bài viết “Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung và cách xử trí chính xác, an toàn” BlogAnChoi hi vọng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích và cần thiết. Chị em phụ nữ nhiều khi do công việc gia đình, xã hội bộn bề mà không chú ý tới bản thân, bất chợt quên mất rằng sức khỏe mới là vốn quý nhất. BlogAnChoi hi vọng sẽ tiếp tục được đồng hành cùng quý đọc giả đế chăm sóc tốt  hơn cho sức khỏe bản thân và gia đình!

Xem thêm

Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh như thế nào?

Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ đang được rất nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây. Vậy cụ thể đây là loại bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
User 2901205e

OK