“Không phải vì thấy hạnh phúc nên mới cười, mà phải cười lên thì mới thấy hạnh phúc.” Đây là câu thoại tôi bắt gặp trong bộ phim dài tập đang xem. “Cười lên để thấy hạnh phúc” ư? Theo bạn, nhân vật nói câu này là người có cuộc sống hạnh phúc hay bất hạnh?

“Không phải thấy hạnh phúc nên mới cười…”

Nụ cười là “thứ” ai cũng có, là “thứ” ai cũng có thể tạo ra, nhưng lại không phải “thứ” dễ điều khiển theo ý mình. Vì sao ư?

“Nụ cười” tượng trưng cho điều gì? Mang hàm ý gì? Chắc chắn ai cũng biết, đó là sự vui vẻ. Nó thuộc về cảm xúc, chứ không phải lý trí. Vậy nên, chẳng ai có thể bắt ép một người đang cảm thấy đau khổ, buồn bã, tuyệt vọng… phải nở một nụ cười “đúng nghĩa”. Giá trị nguyên bản của nụ cười là vì cảm thấy vui, cảm thấy thoải mái, cảm thấy mãn nguyện, hạnh phúc… trong lòng nên mới “tỏa” ra trên nét mặt. Niềm vui, niềm hạnh phúc thì khó giấu giếm lắm và càng không nên giấu giếm. Đôi khi khuôn miệng muốn “giữ lại” nhưng ánh mắt, nét mặt vẫn cứ bừng lên rạng rỡ. Theo lẽ tự nhiên nhất thì sẽ là như thế, những thứ thuộc về cảm xúc thì không cần phải “học”, bởi nó đã có sẵn trong tâm hồn mỗi người.

Cười lên mới thấy hạnh phúc (Ảnh: Internet)
Cười lên mới thấy hạnh phúc (Ảnh: Internet)

Tôi biết đến “nụ cười công nghiệp” lần đầu tiên khi quen một cô bé đang training làm tiếp viên hàng không. Cô bé đó kể với tôi rằng, khóa học của em ấy đã dạy cho em biết đến “7 kiểu cười” và đó thật sự là một bài học nghiêm túc. Hiển nhiên, việc áp dụng “7 kiểu cười” sẽ là một phần quan trọng trong công việc, trong sự nghiệp của cô em tôi sau này. Đồng nghĩa với việc, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, khi đang bực bội, khó chịu, tức giận… cô ấy phải luôn cố gắng điều chỉnh cảm xúc của bản thân, để “nụ cười” không trở nên “khó coi” trong mắt những người khác. Không phải chỉ một vài lần, sau một ngày làm việc hoặc vài ngày, đối với những chuyến bay dài, cô em tôi về phòng, buông mình xuống giường rồi nhăn nhó: “Em phải cười nhiều, đau hết cả cơ hàm…”

“Nụ cười” là một phần bắt buộc phải có trong công việc của cô ấy. Thế nên nó cũng như bao rắc rối sẽ xảy ra khi làm việc, đôi lúc sẽ mang đến sự mệt mỏi, chán chường. “Nụ cười” của cô ấy không phải lúc nào cũng xuất phát từ niềm vui của bản thân, nhưng có lẽ chẳng mấy ai nhận ra sự “giả” ẩn sau nó.

Biết đó có thể coi là “những nụ cười giả tạo”, vậy sao nó lại là một điều gần như bắt buộc trong hầu hết các công việc của ngành dịch vụ? Lý do, theo tôi, cũng đơn thật đơn giản. Vẫn chỉ bởi ý nghĩa giản đơn nhất của nụ cười, là niềm vui, là sự thoải mái, là hạnh phúc.

Cười lên để thấy hạnh phúc (Ảnh: Internet)
Cười lên để thấy hạnh phúc (Ảnh: Internet)

Cười lên để thấy hạnh phúc

Nhân vật trong bộ phim mà tôi nhắc đến, là một cô gái rất bất hạnh. Câu thoại của cô ấy cũng được nói ra trong hoàn cảnh tột cùng éo le, đau khổ. Một tình huống lẽ ra sẽ ngập trong nước mắt nhưng thay vào đó lại là một nụ cười. Thế thì nụ cười đó có phải là nụ cười giả tạo không?

Nếu đặt vào hoàn cảnh của cô gái khi ấy, chắc hẳn tìm mỏi mắt cũng khó thấy được một chút niềm vui, không nói gì đến hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn cảm nhận rất rõ nụ cười của cô ấy là “thật”. “Thật” bởi vì nó vẫn truyền tải một cách đầy đủ nhất những giá trị của một nụ cười. Niềm vui, hạnh phúc có thể lúc này không hiện diện trong cuộc sống của cô, nhưng không có nghĩa là cô từ bỏ việc có được “nó”. Nụ cười không chỉ là để tự động viên mình, nụ cười trao đi còn là để động viên, là để mang niềm vui đến cho người khác nữa.

Năng lượng tích cực luôn lan tỏa mạnh mẽ hơn những thứ tiêu cực (Ảnh: Internet)
Năng lượng tích cực luôn lan tỏa mạnh mẽ hơn những thứ tiêu cực (Ảnh: Internet)

Tôi luôn tin, “năng lượng” từ sự tích cực sẽ luôn lan tỏa mạnh mẽ hơn những xúc cảm tiêu cực. Vậy nên, trong những công việc của ngành dịch vụ, nơi con người chúng ta giao tiếp với nhau nhiều nhất, “nụ cười” phải được coi là cầu nối đầu tiên. Một cảm giác dễ chịu, thoải mái, mang đến sự vui vẻ, hiển nhiên là một khởi đầu tốt, phải không?

Tôi cũng là người làm việc trong ngành dịch vụ. Dù không trải qua bài học về “7 kiểu cười” giống như cô em, nhưng sau nhiều năm làm việc, chúng tôi cùng nhận về một điều rất tích cực, đó là có thể “chế ngự” cảm xúc tốt hơn. Và những nụ cười, nó cũng đã thay đổi, trở thành chiếc công tắc được bật lên mỗi khi chúng tôi giao tiếp với người khác. Để làm gì? Không phải là “giả tạo”, “thảo mai” hay một nụ cười “công nghiệp”, nụ cười nhắc nhở chúng ta hãy cư xử hòa nhã, tử tế để mọi người đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái.

Giống như “ta dịu dàng với đời thì đời cũng sẽ nhẹ nhàng với ta”, cười lên thì mới thấy hạnh phúc, “cười lên để thấy hạnh phúc”, năm nay hãy cùng nhau sống với thái độ đó nhé, bạn đồng ý không?

Xem thêm

15 truyện tranh đam mỹ vườn trường ngọt ngào, dễ thương nhất

Đề tài học đường với những mối tình thanh xuân vườn trường ngọt ngào, hài hước vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho các tín đồ truyện tranh. Nếu bạn cũng là fan của thể loại này, hãy lưu ngay danh sách những bộ truyện tranh đam mỹ vườn trường hay đang được phát hành sau đây nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận