Bạn đã bao giờ bị “văng” ra khỏi game khi đang chơi? Crash là một trong những sự cố thường gặp và gây khó chịu nhất khi chơi game, có thể do lỗi của game, phần cứng của máy không đủ mạnh hoặc kết nối Internet có vấn đề. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết nhé!

Nếu bạn không biết rõ nguyên nhân khiến game bị crash thì hãy sử dụng công cụ Windows Event Viewer để ghi lại tình trạng của máy tính khi xảy ra sự cố, các thông tin này có thể giúp ích cho việc chẩn đoán. Bạn cũng nên chạy thử phiên bản demo của game trước khi cài phiên bản chính thức để đảm bảo game có thể hoạt động bình thường trên máy của bạn.

Chơi game trên máy tính (Ảnh: Internet)
Chơi game trên máy tính (Ảnh: Internet)

Đối với các game AAA đòi hỏi cấu hình cao, một số lý do chính có thể gây hiện tượng crash là:

  • Thông số của máy tính quá thấp
  • Máy bị ép xung quá mạnh
  • Cài đặt đồ họa của game không phù hợp
  • Card đồ họa tốn quá nhiều năng lượng
  • Hệ điều hành cần nâng cấp
  • Driver cần nâng cấp
  • Kết nối mạng không tốt
  • Digital Rights Management (Quản lý quyền kỹ thuật số)
  • Chế độ chơi game của máy
  • Phần mềm antivirus
  • VPN làm game bị chậm
  • Mở quá nhiều tab trình duyệt

Hãy cùng tìm hiểu cụ thể những lý do trên và tìm giải pháp cho từng trường hợp.

1. Thông số phần cứng của máy tính quá thấp

Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng nhiều người không kiểm tra thông số kỹ thuật của máy phù hợp với yêu cầu tối thiểu của game hay không. Khi tải game hoặc mua từ các nền tảng như Steam, bạn phải đọc thông tin mô tả của game để so sánh với thông số của máy. Nếu mua game từ cửa hàng vật lý, bạn có thể xem thông tin ở mặt sau của hộp.

Yêu cầu hệ thống của game trên Steam (Ảnh: Internet)
Yêu cầu hệ thống của game trên Steam (Ảnh: Internet)

Nếu máy tính của bạn đáp ứng được yêu cầu của game thì có thể cài đặt và chạy bình thường, nếu không thì có nguy cơ xảy ra trục trặc.

Bạn cũng có thể xem thông số của game trên Wikipedia và trang web của nhà phát hành game, nếu có thắc mắc hãy đặt câu hỏi cho bộ phận hỗ trợ của web hoặc tham gia các hội nhóm game thủ.

Yêu cầu hệ thống trên trang web của game (Ảnh: Internet)
Yêu cầu hệ thống trên trang web của game (Ảnh: Internet)

Nếu máy tính của bạn không đáp ứng yêu cầu về phần cứng thì phải nâng cấp trước khi cài đặt game bằng nhiều cách như tăng thêm dung lượng bộ nhớ hoặc thậm chí mua máy mới.

2. Máy bị ép xung quá nhiều

Ép xung là ép bộ xử lý của máy tính hoạt động ở tốc độ cao hơn so với hướng dẫn của nhà sản xuất, nhằm tăng hiệu suất cho máy. Phương pháp này không còn phổ biến như trước nhưng nhiều game thủ vẫn ép xung CPU để chơi game mạnh hơn. Nếu hệ thống có khả năng thông gió và làm mát tốt thì ép xung CPU có thể mang lại kết quả tuyệt vời, nhưng đây không phải là cách tối ưu để tăng hiệu suất và game vẫn có thể bị crash.

Bộ xử lý Intel Core i5 (Ảnh: Internet)
Bộ xử lý Intel Core i5 (Ảnh: Internet)

Để khắc phục sự cố do máy bị ép xung, bạn có thể khôi phục CPU về tình trạng mặc định như ban đầu, và cả GPU nếu cần thiết.

3. Cài đặt đồ họa của game quá cao

Hầu hết các game, nhất là những game đòi hỏi cấu hình cao đều cho phép chỉnh cài đặt đồ họa khi chơi để tương thích với máy. Các game hiện nay thường khởi động với cấu hình phù hợp với phần cứng hệ thống, nhưng đôi khi có thể xảy ra trục trặc dẫn đến game bị crash. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, từ game có đồ họa cao như Elden Ring đến game cơ bản như Minecraft. Thậm chí một số trường hợp có thể toàn bộ máy tính bị crash.

Có thể tránh sự cố này bằng cách chỉnh lại chế độ cài đặt của game, hạ thấp các thông số xuống một bậc rồi thử chơi lại, điều chỉnh cho đến khi cân bằng giữa hiệu suất chơi game và chất lượng đồ họa.

Cài đặt đồ họa trong game (Ảnh: Internet)
Cài đặt đồ họa trong game (Ảnh: Internet)

Lưu ý rằng giải pháp này không phải là tối ưu, nếu bạn cảm thấy đồ họa quá kém thì hãy cân nhắc mua card đồ họa tốt hơn để tránh game bị crash có thể làm hư máy.

4. Không đủ năng lượng cho card đồ họa

Một lý do phổ biến làm game bị crash là trục trặc ở bộ cấp nguồn (PSU) của máy tính, thường là do GPU cần nhiều năng lượng hơn khả năng cung cấp.

Cách đơn giản để giải quyết vấn đề này là sử dụng PSU tốt hơn có khả năng cung cấp đủ năng lượng để chơi game. Nhưng trước khi thay PSU, hãy kiểm tra xem card đồ họa và các bộ phận bên trong máy có bị bám bụi hay không. Bụi bẩn tích tụ có thể làm máy bị nóng và tăng thêm áp lực cho CPU cũng như GPU, làm nhiệt độ nóng hơn nữa. Nếu bụi quá nhiều và quạt không đủ làm mát thì máy có thể bị hư nặng.

5. Hệ điều hành lỗi thời

Một thông số quan trọng mà game yêu cầu là hệ điều hành phù hợp. Hầu hết các game hiện nay có thể chạy trên Windows 8.1 trở lên. Nếu được trang bị phần cứng và các lớp tương thích phù hợp, nhiều game cũng có thể chạy trên Ubuntu và các phiên bản Linux khác. Trong khi đó hầu hết các game được thiết kế cho máy tính Apple thường yêu cầu hệ điều hành X 10.4 (Mojave) trở lên. Ngoài ra hầu hết các game AAA đều được thiết kế cho hệ thống 64-bit.

Lưu ý rằng các vấn đề của hệ điều hành và phần cứng thường liên hệ chặt chẽ với nhau. Máy tính có phần cứng cũ chạy Windows 7 vẫn có thể chơi được các game mới, nhưng hệ điều hành cũ khiến game bị crash thường xuyên.

6. Driver lỗi thời

Nâng cấp phần cứng của máy tính thường tốn nhiều chi phí, do đó bạn có thể thử cập nhật driver trước. Game có thể bị crash vì những lý do khác ngoài phần cứng và hệ điều hành không phù hợp, ví dụ như driver đồ họa cũng như bản thân game phải được cập nhật.

Để cập nhật driver của máy, hãy truy cập trang web của nhà sản xuất và tải phiên bản driver mới nhất. Quá trình cài đặt có thể yêu cầu khởi động lại máy.

Cập nhật driver (Ảnh: Internet)
Cập nhật driver (Ảnh: Internet)

Bạn cũng nên kiểm tra các bản vá lỗi và bản cập nhật cho game có trên trang web của nhà phát hành, hãy cài đặt chúng để game hoạt động tốt nhất. Một số game tự động kiểm tra các bản cập nhật và cài đặt trước khi chạy.

Cập nhật hệ điều hành của máy để tải xuống các bản cập nhật driver cho các thiết bị như card mạng. Truy cập trang web của nhà sản xuất để tải driver đồ họa và bản cập nhật mới nhất cho card đồ họa của máy. Một số hãng có tính năng Cập nhật driver tự động giúp bạn không cần kiểm tra thủ công.

Trang web cập nhật driver GeForce (Ảnh: Internet)
Trang web cập nhật driver GeForce (Ảnh: Internet)

7. Kết nối mạng không tốt

Khi chơi game online có thể bị crash do mạng trục trặc làm chậm quá trình cập nhật dữ liệu từ máy chủ ở xa. Cách giải quyết là đảm bảo kết nối mạng ổn định, đồng thời kiểm tra router và tắt các cửa sổ hay phần mềm sử dụng Internet khác để tập trung dữ liệu mạng cho game.

Không nên dùng Wi-Fi để chơi game online, thay vào đó hãy kết nối mạng cho máy tính bằng router và dây cáp Ethernet. Nếu vị trí của máy không thể cắm dây trực tiếp thì hãy mua thêm adapter phù hợp.

8. Trục trặc do Quản lý quyền kỹ thuật số – DRM

Quản lý quyền kỹ thuật số (DRM) có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của máy. Trong một số trường hợp, kết nối mạng không tốt góp phần vào việc DRM gây trục trặc cho game, nhưng thông thường DRM trên máy của bạn hoặc trạng thái của máy chủ ở xa là nguyên nhân khiến game bị crash.

Nếu game có tùy chọn chơi offline thì hãy sử dụng để ngăn việc DRM kiểm tra hoạt động đáng ngờ trong game hoặc tài khoản. Nếu cách này không hiệu quả thì bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gỡ cài đặt game.

9. Chế độ chơi game của máy tính

Bạn nên đảm bảo không có phần mềm nào khác hoạt động trong khi đang chơi game để tập trung tài nguyên của máy cho việc chạy game. Điều này áp dụng với mọi hệ điều hành từ Windows, macOS và Linux cho đến iOS và Android. Nhưng với Windows có một cách đơn giản khác là bật Chế độ chơi game. Đây là trạng thái hạn chế các hoạt động khác của máy, ví dụ như tắt thông báo của các ứng dụng, để tập trung cho game.

Cách bật Chế độ chơi game như sau: vào Settings (Win + I) > Gaming > Game Mode và bật nút Game Mode

10. Phần mềm antivirus ảnh hưởng đến game

Như đã nêu ở trên, bất kỳ phần mềm nào chạy ngầm trong máy đều có thể ảnh hưởng đến hiệu suất chơi game. Nhưng phần mềm antivirus đặc biệt hơn vì nó chủ động tìm kiếm các file đáng ngờ và quét chúng, có thể dẫn đến trục trặc như:

  • Máy tính bị treo, sau đó crash do quét bảo mật
  • Game bị crash vì file của nó bị xác định là nguy hiểm và bị cách ly

Có 3 cách khắc phục vấn đề này:

  • Giảm mức độ hoặc tắt hoàn toàn chức năng quét virus khi chơi game
  • Thay phần mềm bảo mật khác có chế độ dành riêng cho chơi game
  • Tắt phần mềm antivirus khi chơi game (tuy nhiên các phần mềm có thể coi hành động này là nguy hiểm)

11. Trục trặc do VPN

Kết nối VPN có thể khiến game bị crash trên máy tính, nhất là game online. Điều này có thể xảy ra nếu máy chủ VPN bị trục trặc hoặc máy của bạn không thể duy trì kết nối. Khoảng cách xa cũng có thể là vấn đề, nếu bạn đang chơi game có máy chủ ở nước ngoài quá xa thì độ trễ của game và của VPN càng lớn, cả hai xảy ra cùng lúc gần như chắc chắn dẫn đến game bị crash.

Có một số cách khắc phục như:

  • Nâng cấp VPN nhanh hơn
  • Kết nối Internet nhanh hơn
  • Không dùng VPN để chơi game

12. Mở nhiều tab trình duyệt trên máy

Tương tự như mở nhiều cửa sổ và ứng dụng, mở nhiều tab trình duyệt cũng ảnh hưởng tới hiệu suất của máy. Hãy đóng các tab không cần thiết như mạng xã hội trong lúc chơi game để giảm bớt gánh nặng cho máy, nếu cần truy cập thì có thể dùng điện thoại.

Tóm lại

Trên đây là những lý do và cách giải quyết tình trạng game bị crash khi đang chơi trên máy tính. Nếu bạn không chơi được các game đòi hỏi cấu hình cao vì phần cứng của máy không đủ mạnh thì có thể cân nhắc chơi game trên nền tảng đám mây.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Cách khóa cảm ứng màn hình trên điện thoại Android và iPhone đơn giản có thể bạn chưa biết

Nếu bạn thường gặp phiền toái do vô tình chạm vào màn hình điện thoại thì cách tốt nhất là tạm thời khóa cảm ứng. Thủ thuật này rất dễ thực hiện dù bạn sử dụng điện thoại Android hay iPhone của Apple, hãy cùng khám phá cách khóa cảm ứng trên điện thoại chỉ trong vài bước đơn ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận