Bộ não của con người sở hữu khả năng đặc biệt trong việc tạo, lưu trữ và truy xuất ký ức về âm nhạc, ngay cả khi chúng ta không nhận thức được điều đó. Vậy làm thế nào mà bạn nhớ được nhiều bài hát đến như vậy, và tối đa số lượng bài hát bạn có thể nhớ là bao nhiêu? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Lợi ích của âm nhạc trong cuộc sống

Viện Đại học Nam California khi đo dòng chảy của máu trong não của trẻ chơi nhạc cụ 5 năm bằng fMRI (máy chụp cộng hưởng từ chức năng) cho thấy: những vùng não xử lí cùng lúc nhiều tác vụ hay còn gọi là đa nhiệm (multi-tasking) sáng lên một cách mạnh mẽ. Ngoài ra cấu trúc não của những đứa trẻ này còn thể hiện rõ ràng mối liên kết giữa bán cầu não trái và phải. Các nhà nghiên cứu từ đó kết luận rằng, trẻ nếu được tiếp xúc với nhạc cụ trong 5 năm sở hữu kĩ năng nhận thức, ứng xử xã hội, cũng như sáng tạo và giải quyết vấn đề tốt hơn.

Trẻ em nhận được nhiều lợi ích từ việc chơi nhạc cụ (Nguồn: Internet).
Trẻ em nhận được nhiều lợi ích từ việc chơi nhạc cụ (Nguồn: Internet).

Âm nhạc có thể nối kết chúng ta về những thông tin cũ mỗi khi cần, khiến người học cảm thấy gắn kết với kiến thức hơn, nên hãy cân nhắc việc kết hợp âm nhạc vào quá trình học để tăng khả năng ghi nhớ kiến thức. Nhạc có tiết tấu nhanh sẽ bơm thêm cho bạn một chút adrenaline để có thể xử lí thông tin nhanh hơn, ngược lại hãy sử dụng nhạc có nhịp độ chậm khi cần được yên tĩnh suy ngẫm.

Tại sao chúng ta ghi nhớ được nhiều bài hát?

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các phần khác nhau của não xử lí các khía cạnh khác nhau của một bài hát như nhịp điệu và giai điệu, cao độ và âm lượng. Nói cách khác, não chúng ta được lập trình theo từng bộ phận để bám vào sự lặp lại, vần điệu và cảm xúc, mà đây lại là những yếu tố mà mọi bài hát đều có.

Tiến sĩ Kelly Jakubowski, trợ lý giáo sư tâm lý học âm nhạc tại Đại học Durham, Vương quốc Anh cho biết: “Khi cảm nhận hoặc tưởng tượng rằng âm nhạc có ý nghĩa đối với mình, chúng ta sẽ kích hoạt cái gọi là trung tâm phần thưởng của bộ não.” Đó là dopamine, một dạng hormone hạnh phúc, đặc biệt tăng lên đến 9% đối với bài hát mà chúng ta yêu thích. Có thể nói rằng âm nhạc đi thẳng vào cảm xúc và đại diện cho bản sắc cá nhân của mỗi người ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Do đó, thật dễ hiểu khi chúng ta ghi nhớ được nhiều bài hát.

Trí nhớ của chúng ta về âm nhạc có thể không hoàn hảo, những vẫn rất ấn tượng so với trí nhớ về những khía cạnh khác trong cuộc sống. Đối với nhiều người, âm nhạc như là một phần trong tiềm thức. Chúng ta có thể nghĩ đến và ngân nga các giai điệu ở mọi lúc và mọi nơi. Khi bắt gặp một bài hát hoặc giai điệu nào đó, có phải bạn vẫn dễ dàng thuộc lòng và hát theo dù đã không nghe nó trong nhiều năm?

Âm nhạc đi sâu vào tiềm thức con người (Nguồn: Internet).
Âm nhạc đi sâu vào tiềm thức con người (Nguồn: Internet).

Rất ít loài động vật có thể sản xuất và thưởng thức âm nhạc một cách “độc nhất vô nhị” như con người. Âm nhạc không chỉ dùng để gắn kết cộng đồng lại với nhau mà còn định hình bộ não của chúng ta, theo đúng nghĩa đen. Nó len lỏi sâu vào hệ thống thần kinh đến mức nếu con người chấn thương não nghiêm trọng, thì ký ức về âm nhạc vẫn là điều cuối cùng mà họ đánh mất.

Người mất trí nhớ vẫn nhớ rõ từng giai điệu bài hát

Nhà âm nhạc học người Anh tên Clive Wear đã mắc bệnh viêm não Herpes, một căn bệnh nhiễm trùng não cấp tính, khiến ông không thể nhớ bất cứ ký ức nào chỉ trong một cái chớp mắt. Vậy mà Clive Wear vẫn có thể chơi nhiều bản nhạc bằng piano và thuộc lòng các giai điệu để làm chỉ huy dàn hợp xướng.

Tony Bennett, một ca sĩ ở độ tuổi 94, vẫn có thể thuộc lòng và biểu diễn hàng chục bài hát tại hai buổi hòa nhạc lớn dù mắc bệnh Alzheimer (AD). Đây là một bệnh thoái hóa thần kinh khiến người bệnh suy giảm trí nhớ nặng.

Các nhà thần kinh học không quá ngạc nhiên trước hiện tượng này bởi họ cho rằng giữa âm nhạc và não bộ có một mối liên kết rất đặc biệt. Trên thực tế, Tony Bennett và Clive Wear không phải là ví dụ duy nhất về việc ký ức âm nhạc dài hạn vẫn hầu như nguyên vẹn dù họ mắc bệnh mất trí nhớ nghiêm trọng.

Khả năng ghi nhớ âm nhạc của các bệnh nhân Alzheimer hầu như không bị ảnh hưởng (Nguồn: Internet).
Khả năng ghi nhớ âm nhạc của các bệnh nhân Alzheimer hầu như không bị ảnh hưởng (Nguồn: Internet).

Tuy bệnh Alzheimer phá hỏng những cảm xúc và kiến thức của những vùng não liên quan đến trí nhớ dài hạn như thùy thái dương và vùng hải mã nhưng vỏ não thính giác hầu như vẫn hoạt động bình thường và không thoái hóa nhanh vì ít bị tác động. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân vẫn có thể nhớ được các bài hát, và còn nhớ tốt hơn so với những ký ức khác như gia đình hay bản thân họ. Âm nhạc từ đó đã được sử dụng như một liệu pháp nhằm khơi gợi ký ức, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson.

Những vùng xử lí âm thanh trong não

Âm nhạc tác động lên tất cả các vùng của não (Nguồn: JB Music Therapy).
Âm nhạc tác động lên tất cả các vùng của não (Nguồn: JB Music Therapy).
  • Vỏ não vận động (motor cortex) được kích hoạt bằng những chuyển động của cơ thể khi nghe nhạc như dẫm chân, búng tay.
  • Vỏ não thính giác (auditory cortex), tiểu não và vỏ não trước trán (prefrontal cortex) chịu tránh nhiệm tìm ra và xử lí các thành phần của bài hát như âm lượng, nhịp điệu, giai điệu và hòa âm.
  • Võ não thị giác (visual cortex) khi bạn đọc hoặc xem tài liệu liên quan đến âm nhạc.
  • Vỏ não trước trán đóng góp trong việc phân tích độ quen thuộc hoặc bất ngờ của bài hát thông qua sự ổn định của nhịp và giai điệu. Não chúng ta thường kỳ vọng sự quen thuộc trong một bài hát, tuy nhiên cũng rất thích thú với những bài hát mang đến sự bất ngờ.
  • Hồi hải mã (hippocampus) tìm kiếm những âm thanh quen thuộc trong “ngân hàng bộ nhớ” đã được lưu trữ và khiến bạn nhanh chóng nhận ra bài hát của mình từ lâu.
  • Hạch nền (nucleus accumbens), tiểu não (cerebellum) và hạch hạnh nhân (amygdala) liên quan chủ yếu đến cảm xúc của chúng ta khi nghe nhạc.

Trong khi các tế bào ở phần khác của não bắt đầu chết và lấy đi đa số những ký ức, tại sao ký ức về âm nhạc vẫn còn nguyên? Như các bạn có thể thấy, âm nhạc kích thích nhiều vùng trong não, trong đó có vỏ não thính giác và hạch hạnh nhân. Có giả thuyết cho rằng hai vùng não này có thể phục hồi tế bào tốt hơn những phần não còn lại, nên giúp bổ trợ khả năng nhớ được nhiều bài hát thông qua giai điệu, hòa âm, và cảm xúc khi nghe nhạc.

Tôi có thể nhớ được bao nhiêu bài hát?

Emily Mason, tiến sĩ về trí thức và nhận thức tại đại học Louisville cho biết rằng bộ não có khả năng ghi nhớ vô hạn. Tuy nhiên càng học và biết nhiều hơn về âm nhạc thì tính linh hoạt của não càng ổn định, và cuối cùng làm giảm tính linh hoạt tổng thể của não. Vậy nên so với trẻ em, người lớn có phần chậm tiếp thu âm nhạc một chút, nhưng về khả năng ghi nhớ bài hát thì vẫn là không giới hạn.

Làm thế nào nhớ được nhiều bài hát hơn?

Ghi nhớ âm nhạc là một kỹ năng quan trọng cần được phát triển đối với người nghệ sĩ. Thuộc lòng bài nhạc sẽ mang đến sự tự do trong kỹ thuật biểu diễn và thành thạo các kỹ năng ứng biến. Vậy nên dưới đây là một số mẹo giúp bạn giảm thời gian cần thiết để ghi nhớ một bản nhạc và tiếp thu âm nhạc một cách hiệu quả hơn:

Nghe hoặc luyện nhạc với tần suất thường xuyên

Tiến sĩ Kelly Jakubowski chia sẻ: “Ngay cả những người không phải nhạc sĩ cũng có trí nhớ âm nhạc thực sự chính xác. Đó không phải vì họ cố tình thuộc lòng bản nhạc, mà chỉ là do họ được tiếp xúc nhiều đến mức trở thành “chuyên gia” mà thôi.” Do đó, hãy lặp lại bài hát thật nhiều như cách mà bạn rèn luyện cơ bắp vậy.

Chọn nhạc có lời

Thường thì nhạc có lời được cho là can thiệp vào trí nhớ nhiều hơn so với nhạc không lời, vì nó cho phép diễn tả cụ thể ý nghĩa và hình ảnh, nhờ đó truyền đạt cảm xúc và tâm trạng nhanh hơn đến người nghe. Bên cạnh đó, nhạc có lời cũng cho phép bạn hát theo hoặc viết ra để ghi nhớ bài hát.

Viết nhạc ra có thể giúp bạn ghi nhớ chúng tốt hơn (Nguồn: Internet).
Viết nhạc ra có thể giúp bạn ghi nhớ chúng tốt hơn (Nguồn: Internet).

Chia bài hát thành các phần nhỏ

Xây dựng trí nhớ âm nhạc cần có quá trình. Trước khi trình bày một bản nhạc hoàn chỉnh và chính xác, bạn bắt buộc phải chú ý đến các nốt nhạc, cách phát âm, tông độ, nhịp điệu của từng phần nhỏ trong một bài hát. Bắt đầu từ cơ bản và phát triển dần lên là chìa khóa giúp bạn không quên hoặc bỏ sót bất kỳ phần nào của bản nhạc.

Hiểu được mạch cảm xúc của bài nhạc

Hướng bản thân đến thông điệp cảm xúc thực sự giúp bạn nhớ bản nhạc tốt hơn.” – Tiến sĩ Andrea Halpern, giáo sư tâm lý học tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania, cho biết. Bạn cần chắc chắn rằng mình không tạo ra sự tương phản trên nền cảm xúc của bản nhạc. Bằng cách hiểu rõ được cảm xúc mà từng phần của bài hát truyền tải, bạn có thể ghi nhớ tốt hơn rất nhiều.

Nguồn tham khảo:

  • Charterresearch
  • kennedy-center.org
  • time.com
  • connollymusic.com
Xem thêm

300+ câu châm ngôn cuộc sống hay nhất sẽ khiến bạn "sáng mắt ra"!

Những câu châm ngôn cuộc sống, câu nói về cuộc sống hay, ý nghĩa nhất sẽ giúp bạn hiểu ra nhiều sự thật và chân lý, có thêm động lực để cố gắng phát triển bản thân hoặc đơn giản là bạn sẽ "sáng mắt ra" vì cuộc đời vốn không phải ngôn tình.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận