Đi mua sắm là một trong những cách “xả stress” được nhiều người áp dụng để tâm trạng cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng bên cạnh việc làm bạn tốn tiền vào những thứ không thực sự cần thiết, mua sắm một cách “mù quáng” có làm bạn cảm thấy hạnh phúc hơn thật không? Làm cách nào để “cai nghiện mua sắm”?
Nghiện mua sắm có phải là cách xả stress tốt?
Mua sắm có thể là một cách để tinh thần của bạn cảm thấy dễ chịu tức thời, nhưng nếu không biết cách kiểm soát “cơn nghiện” này thì bạn sẽ gặp nhiều tác hại về lâu dài.
Mạng Internet và sự phát triển của các trang thương mại điện tử đã làm cho việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các shop online không bao giờ đóng cửa, bạn có thể mua sắm cả ngày lẫn đêm, mọi lúc mọi nơi. Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy mang tên “nghiện mua sắm”.
Các trang web bán hàng đều biết rõ điều đó và họ luôn tìm cách lôi kéo mọi người mua hàng nhiều hơn, ví dụ như các đợt giảm giá có hạn hoặc ưu đãi free ship. Một số trang web còn cố tình sử dụng từ ngữ, hình ảnh và cách thiết kế đặc biệt để đánh vào tâm lý khiến mọi người muốn mua những thứ mà họ không thực sự cần.
Mua sắm quá mức, nhất là mua những món đồ không thực sự cần thiết, có thể gây hại cho bạn cả về tiền bạc lẫn tinh thần. Một số người sau khi qua hết “cơn nghiện” mới hối hận khi nhìn lại đống hóa đơn mua hàng. Ước tính có khoảng 1% đến 5% mọi người mắc chứng nghiện mua sắm, đó là tình trạng tâm lý buộc họ phải đi mua sắm bất chấp nợ nần, là hậu quả của chứng lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Tất nhiên, nếu bạn chỉ thi thoảng mua hàng quá tay một chút để tâm trạng dễ chịu hơn thì đó không phải là vấn đề nghiêm trọng và cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà tâm lý học đã phát hiện có sự cải thiện tâm trạng khi chúng ta mua một thứ gì đó mới, vì nó làm bộ não của chúng ta giải phóng chất dopamine tạo ra cảm giác thỏa mãn và sung sướng.
Làm cách nào để “cai nghiện mua sắm”?
Nhu cầu của cuộc sống khiến chúng ta không thể nhịn mua sắm hoàn toàn, ngay cả đối với những người có vấn đề “nghiện” nghiêm trọng. Vì vậy dưới đây là 4 cách giúp bạn kiểm soát việc mua sắm của mình hợp lý hơn.
Theo dõi các khoản chi tiêu của bạn
Khi biết rõ số tiền của mình được dùng vào việc gì, bạn sẽ có ý thức dành tiền cho những thứ quan trọng nhất.
Nếu bạn có thẻ tín dụng thì một cách đơn giản để theo dõi chi tiêu là tra bảng phân tích chi tiêu của thẻ. Hầu hết các thẻ tín dụng đều cung cấp biểu đồ hình tròn trên mạng ghi lại chi tiết các khoản chi tiêu của bạn như thực phẩm, quần áo, nhà hàng, v.v. Để có được những thông itn này, bạn phải tìm trong trang web hoặc app của đơn vị phát hành thẻ tín dụng, nếu không thấy thì hãy gọi số điện thoại ở mặt sau của thẻ để được hỗ trợ.
Nếu bạn muốn chủ động hơn thì hãy thử dùng các app lập ngân sách như Mint, You Need A Budget hoặc Pocketguard. Các app này cho phép bạn quy định số tiền chi tiêu cho mỗi tháng và theo dõi các khoản chi tiêu cụ thể. Bạn cũng có thể đặt ra các mục tiêu tài chính và xem mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền.
Hạn chế mua sắm tùy hứng, chỉ mua những thứ bạn thực sự thích
Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng: mua sắm giúp chúng ta xả stress khi đang có tâm trạng không vui là vì nó khiến chúng ta cảm thấy như đang thực hiện một hành động có ý nghĩa. Nhưng nếu thường xuyên mua sắm để xả stress thì bạn rất dễ bị lôi kéo một cách mù quáng.
- Bạn có thể bắt đầu “cai nghiện” bằng cách hủy đăng ký nhận email quảng cáo trên mạng, kể cả email từ các nhãn hàng mà bạn yêu thích. Bạn cũng có thể điều chỉnh chế độ theo dõi của các trang mạng xã hội để các nhà quảng cáo không biết được sở thích của bạn là gì. Facebook, Instagram, Twitter và TikTok đều có tùy chọn tắt quảng cáo dựa trên sở thích và hạn chế thu thập dữ liệu của bạn khi đang lướt web.
- Cũng đừng quên điều chỉnh các chức năng tương tự đối với điện thoại. Cả hai hệ điều hành iOS và Android đều có tùy chọn yêu cầu các ứng dụng không theo dõi bạn hoặc không bán dữ liệu của bạn cho các nhà quảng cáo. Chế độ bảo mật quyền riêng tư của Apple đã khiến các công ty công nghệ khác phản đối vì họ dựa vào quảng cáo để kiếm lời, trong khi đó Google cho biết hầu hết các ứng dụng vẫn thu thập dữ liệu của người dùng như bình thường kể cả khi được yêu cầu dừng lại.
- Một tip về tâm lý có thể giúp bạn tránh mua sắm quá tay trên mạng, đó là khi nhìn thấy một món hàng mà bạn muốn mua thì hãy cho nó vào giỏ hàng và để sang ngày hôm sau hãy xem lại, lúc đó có thể bạn sẽ suy nghĩ lại có nên mua hay không.
Tỉnh táo trước những chiêu trò trên mạng
Trên các trang thương mại điện tử rất hay có những “chiêu” như flash sale giả, đếm ngược giảm giá hay thiết kế các gian hàng đắt tiền trở nên bắt mắt hơn để bạn dễ bấm vào. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton (Mỹ) đã phát hiện những lời quảng cáo như “ai đó đã mua được món hàng giảm giá từ shop này và tiết kiệm số tiền…” thực ra là không có thật, chỉ là những cái tên ngẫu nhiên.
Các nhà nghiên cứu khuyên rằng người mua hàng nên cẩn thận khi nhìn thấy những lời mời chào như vậy, cũng như các đợt sale off có thời hạn hoặc thông báo “sắp hết hàng” khiến bạn cảm thấy bị áp lực phải mua ngay. Họ đã theo dõi các trang web có đếm ngược thời gian giảm giá và phát hiện một số trường hợp vẫn còn giảm giá sau khi hết giờ.
Tự nhắc nhở bản thân xem việc mua sắm có tốt cho mình hay không
Việc mua sắm tùy hứng không hẳn là một vấn đề nghiêm trọng về tâm lý, nhưng nếu việc đó khiến bạn nợ thẻ tín dụng quá nhiều, hết tiền tiết kiệm hoặc xích mích với người thân về vấn đề tài chính thì hãy xem xét lại một cách nghiêm túc.
Các nhà tâm lý học cho biết: những người nghiện mua sắm có thể muốn che giấu hành động của mình với người thân. Nghiện mua sắm xuất hiện nhiều ở những phụ nữ trên 40 tuổi, đó là nhóm người dễ trở nên lo lắng và bi quan khi gặp stress, và cũng thường cảm thấy buồn chán trong cuộc sống.
Theo các nhà tâm lý, những người nghiện mua sắm thường bị căng thẳng hoặc phấn khích trước khi thực hiện việc mua sắm, và sau khi làm xong họ thường cảm thấy thỏa mãn ngay lập tức. Nhưng cảm giác này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi bị thay thế bởi cảm giác tội lỗi.
Các nhà trị liệu thường giúp mọi người “cai nghiện mua sắm” bằng liệu pháp hành vi nhận thức, một phương pháp thường được dùng để thay đổi những thói quen xấu của con người, kể cả các chứng nghiện nói chung.
Bạn có tự thấy mình đang mắc phải tình trạng “nghiện mua sắm” không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Mua quần áo online phải nhớ 7 dấu hiệu này để tránh “nhìn hình thì đẹp, mua về thì xấu”
- 12 điều bạn nên làm để sống hạnh phúc hơn dù mọi người xung quanh có thể “kỳ thị”
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!