Béo phì dẫn tới bệnh tiểu đường? Hay chỉ cần giảm ăn và tăng vận động là giải quyết được béo phì? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá những sự thật về căn bệnh đang ngày càng phổ biến và đáng lo ngại trong xã hội hiện nay nhé!

1. Béo phì là hậu quả của chế độ ăn không lành mạnh và ít vận động?

Hầu hết mọi người hiện nay đều cho rằng nguyên nhân của béo phì là chế độ ăn quá nhiều calo và thiếu vận động thể chất. Tuy nhiên trên thực tế béo phì thường do nhiều yếu tố kết hợp lại tạo nên.

Có rất nhiều yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ béo phì (Ảnh: Internet).
Có rất nhiều yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ béo phì (Ảnh: Internet).

Đúng là chế độ ăn và tập luyện thể dục đóng vai trò quan trọng, nhưng bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố khác góp phần làm gia tăng tỷ lệ béo phì trong xã hội hiện nay chứ không đơn thuần chỉ do lối sống thiếu vận động và chế độ ăn không lành mạnh. Thậm chí có thể nói hầu hết chúng ta hiện nay – kể cả những người có cân nặng bình thường – thực ra cũng không hoạt động thể chất đúng như mức độ được khuyến cáo.

Các yếu tố đã được chứng minh là góp phần làm gia tăng tình trạng béo phì bao gồm giấc ngủ, stress, hormone, các bệnh mãn tính, các loại thuốc, di truyền, cùng với nhiều yếu tố từ môi trường và kinh tế – xã hội. Vì vậy những chương trình kiểm soát béo phì cần phải được thiết kế phù hợp với từng cá nhân mắc phải tình trạng này.

2. Chỉ cần ăn ít lại và vận động nhiều hơn là giảm được béo phì?

Trong đa số các trường hợp, việc nạp nhiều calo vào cơ thể hơn mức cần thiết trong một thời gian dài là nguyên nhân trực tiếp gây nên béo phì. Do đó rất nhiều biện pháp giảm béo đều tập trung vào việc cắt giảm lượng calo do và tăng cường vận động thể lực.

Tuy nhiên như đã đề cập, mặc dù chế độ ăn và tập luyện thể dục rất quan trọng để giảm cân nhưng có nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng đối với người bị béo phì. Trong những trường hợp đó, thói quen ăn nhiều có thể là một triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân gây béo phì.

Tập luyện và ăn uống là quan trọng để giảm béo, nhưng cần kết hợp thêm nhiều yếu tố khác (Ảnh: Internet).
Tập luyện và ăn uống là quan trọng để giảm béo, nhưng cần kết hợp thêm nhiều yếu tố khác (Ảnh: Internet).

Chẳng hạn như stress có thể gây béo phì, biểu hiện ở sự kỳ thị và áp lực từ mọi người xung quanh khiến cho người bị béo phì cảm thấy căng thẳng và tìm đến thức ăn như một cách để giải tỏa tâm trạng, từ đó tạo thành một vòng luẩn quẩn. Bên cạnh đó stress cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, và thiếu ngủ lại là yếu tố dễ gây ra béo phì và làm tăng nồng độ các hormone stress.

Một vấn đề khác là hiện tượng ngưng thở khi ngủ – tức những khoảng thời gian ngắn không có hoạt động hít thở xảy ra trong giấc ngủ – cũng xuất hiện nhiều hơn ở những người béo phì. Những khoảng ngưng thở này làm gián đoạn giấc ngủ và mất ngủ thường xuyên, lại làm tăng thêm nguy cơ béo phì.

Các bệnh mạn tính cũng có liên quan với béo phì theo những cách phức tạp và khác nhau tùy từng cá nhân, có thể bao gồm các yếu tố như giấc ngủ không tốt, tâm trạng trầm cảm và thói quen sinh hoạt thay đổi.

Sự đa dạng của các nguyên nhân khiến cho việc hướng dẫn người béo phì cải thiện cân nặng của họ rất phức tạp và phải điều chỉnh tùy từng trường hợp chứ không chỉ đơn giản là ăn ít lại và vận động nhiều lên.

2. Béo phì là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường?

Sự thật là: béo phì không phải nguyên nhân trực tiếp gây tiểu đường.

Mặc dù béo phì là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, nhưng không phải ai bị béo phì cũng sẽ tiến triển thành tiểu đường, và không phải bệnh nhân tiểu đường nào cũng là người béo phì.

Béo phì có liên quan với tiểu đường tuýp 2 (Ảnh: Internet).
Béo phì có liên quan với tiểu đường tuýp 2 (Ảnh: Internet).

Bên cạnh đó cần lưu ý rằng béo phì cũng là yếu tố nguy cơ của tiểu đường trong thai kỳ – một vấn đề có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con – nhưng không phải là yếu tố nguy cơ của tiểu đường tuýp 1.

3. Những người béo phì đều lười biếng?

Sự thật là: lối sống ít vận động là yếu tố nguy cơ của béo phì, nhưng không phải người béo phì nào cũng lười vận động.

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2011 sử dụng các thiết bị theo dõi chuyển động cơ thể của 2832 người từ 20 đến 79 tuổi trong vòng 4 ngày đã phát hiện ra rằng: số bước chân của họ đúng là giảm dần khi cân nặng tăng lên, nhưng sự chênh lệch không nhiều như chúng ta vẫn tưởng, đặc biệt là ở nữ giới.

Mối liên quan giữa béo phì và lười vận động thực ra không đơn giản (Ảnh: Internet).
Mối liên quan giữa béo phì và lười vận động thực ra không đơn giản (Ảnh: Internet).

Cụ thể, số bước chân trung bình mỗi ngày của từng nhóm đối tượng trong nghiên cứu này là:

  • Những người có cân nặng bình thường: 8819 bước
  • Người thừa cân: 8506 bước
  • Người béo phì: 7546 bước

Nhiều người lý giải kết quả này là do cân nặng lớn hơn sẽ làm tiêu tốn nhiều năng lượng hơn trong mỗi bước chân. Nhưng trên thực tế sự khác biệt về mức năng lượng này giữa các nhóm cũng không đáng kể.

Tuy vậy kết quả này cũng không có nghĩa rằng vận động thể lực không có vai trò gì đối với sức khỏe, mà chỉ nói lên rằng có rất nhiều yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến tình trạng béo phì chứ không chỉ đơn giản là “béo phì thì lười biếng”.

Bên cạnh đó, có những trường hợp người béo phì không thể vận động nhiều vì mắc phải những khiếm khuyết về thể chất hoặc rối loạn tâm thần khiến việc vận động trở nên khó khăn hơn so với người bình thường, thậm chí là bất khả thi.

4. Người béo phì nên áp dụng chế độ ăn không có chất béo và chất bột đường (carb)?

Chế độ ăn ít béo và ít carb ngày càng được “ca ngợi” là biện pháp hữu hiệu để giảm cân thần tốc. Tuy nhiên có hai điều cần lưu ý về vấn đề này.

Thứ nhất: chất béo và carb đều là những dưỡng chất cơ bản không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của con người. Chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt và thiếu chất có thể gây hại cho sức khỏe và thậm chí phản tác dụng đối với việc giảm cân. Bạn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này trong bài viết: Vì sao vẫn cần ăn chất béo khi đang muốn giảm cân?

Chế độ ăn lành mạnh phải cân bằng giữa các nhóm chất (Ảnh: Internet).
Chế độ ăn lành mạnh phải cân bằng giữa các nhóm chất (Ảnh: Internet).

Thứ hai: bản thân chất béo và carb không phải là nguyên nhân gây tăng cân, mà vấn đề nằm ở việc chọn đúng loại thực phẩm cung cấp các chất này. Chẳng hạn như chất béo không bão hòa trong cá biển, quả bơ, dầu thực vật, các loại hạt… có lợi cho sức khỏe, còn chất béo bão hòa trong mỡ động vật cực kỳ có hại.

Đối với carb, những loại thực phẩm nhiều đường, đã qua chế biến và nước ngọt là thủ phạm gây tăng cân mà bạn nên tránh, thay vào đó hãy chọn các loại carb phức như khoai, đậu, ngũ cốc nguyên hạt.

5. Béo phì có tính di truyền?

Mối liên hệ giữa tình trạng béo phì và di truyền rất phức tạp, nhưng hiện nay các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nếu có người thân bị béo phì thì khả năng bạn mắc phải vấn đề này cũng cao hơn những người khác.

Việc tìm hiểu vai trò riêng biệt của hai yếu tố di truyền và môi trường sống trên thực tế rất khó thực hiện, bởi những người thân trong gia đình có quan hệ về di truyền thường sống gần nhau và có thói quen sinh hoạt tương tự nhau, đặc biệt là chế độ ăn.

Yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến nguy cơ béo phì (Ảnh: Internet).
Yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến nguy cơ béo phì (Ảnh: Internet).

Năm 1990, một nhóm các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí The New England Journal of Medicine. Họ đã khảo sát những cặp anh chị em sinh đôi được nuôi tách riêng và so sánh với các cặp sinh đôi được sống chung từ nhỏ để làm sáng tỏ vai trò của di truyền và môi trường một cách rõ ràng và tách biệt.

Cuối cùng kết luận của họ là: “Di truyền có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số khối cơ thể (BMI), trong khi đó môi trường sống thời thơ ấu rất ít hoặc không hề ảnh hưởng.”

Một nghiên cứu khác cũng liên quan đến các cặp sinh đôi vào năm 1986 cũng đi đến kết luận tương tự. Các nhà khoa học nhận thấy rằng cân nặng của những đứa trẻ được nhận nuôi có liên quan với cân nặng của cha mẹ ruột (yếu tố di truyền) chứ không phải cân nặng của cha mẹ nuôi (yếu tố môi trường sống).

Béo phì có một phần nguyên nhân do di truyền (Ảnh: Internet).
Béo phì có một phần nguyên nhân do di truyền (Ảnh: Internet).

Như vậy di truyền đóng vai trò quan trọng đối với béo phì ở trẻ em, mặc dù các nghiên cứu gần đây hơn ngày càng nhấn mạnh vai trò của môi trường sống cũng không hề nhỏ.

Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học đã cố gắng xác định các gene ảnh hưởng đến béo phì. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của Mỹ (CDC), các nghiên cứu sâu rộng từ năm 2006 đã phát hiện hơn 50 gene liên quan, và mỗi gene chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ. Nói cách khác, tính di truyền của béo phì là kết quả của rất nhiều gene cùng tương tác với nhau chứ không phải một gene riêng biệt nào.

Mặc dù di truyền có vai trò quan trọng như vậy nhưng không có nghĩa rằng bạn phải hoàn toàn chấp nhận vấn đề này nếu trong gia đình có người bị béo phì. Các nghiên cứu đánh giá tác động của lối sống đối với người mang gene béo phì đã cho thấy rằng các biện pháp giảm cân có thể bù trừ lại một phần tác động của gene, giảm khả năng mắc béo phì so với những người có lối sống không lành mạnh.

6. Béo phì gây hại thế nào đến sức khỏe?

Hiện nay rất nhiều vấn đề về sức khỏe đã được phát hiện là có liên quan với béo phì, bao gồm:

  • Tử vong do mọi nguyên nhân
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn mỡ máu
  • Tiểu đường tuýp 2
  • Bệnh tim mạch, đột quỵ
  • Bệnh về túi mật
  • Viêm xương khớp
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Một số vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu…
  • Khó vận động và sinh hoạt hằng ngày
  • Tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư
Béo phì gây ra rất nhiều tác hại cho cơ thể (Ảnh: Internet).
Béo phì gây ra rất nhiều tác hại cho cơ thể (Ảnh: Internet).

Đối với những người có cân nặng “quá khổ”, việc giảm cân dù ở mức độ khiêm tốn cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo CDC, chỉ cần giảm khoảng 5-10% cân nặng cũng có nhiều lợi ích như cải thiện huyết áp, giảm cholesterol trong máu và kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Nhiều nghiên cứu khác cũng kết luận rằng giảm cân có thể giúp làm giảm tỷ lệ tử vong sớm do mọi nguyên nhân ở những người trưởng thành bị béo phì.

Trên đây là những lưu ý bạn cần nhớ về béo phì, vấn đề ngày càng phổ biến và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được hiểu đúng và khắc phục kịp thời. Hãy lan tỏa những kiến thức hữu ích để cuộc sống luôn khỏe mạnh và tươi vui bạn nhé!

Mời bạn đọc tiếp những bài viết thú vị khác của BlogAnChoi:

Chúc bạn luôn nhận được những thông tin bổ ích và hấp dẫn tại BlogAnChoi nhé!

Xem thêm

Có cần đeo khẩu trang sau khi đã tiêm vắc-xin COVID-19? Tại sao khuyến cáo của WHO và CDC lại khác nhau?

Vắc-xin COVID-19 đang được các nước tổ chức tiêm ngừa rộng rãi với hy vọng dập tắt đại dịch. Tuy nhiên trước sự gia tăng chóng mặt của biến thể delta, hai cơ quan y tế lớn của thế giới đã bất đồng với nhau về khuyến nghị đeo khẩu trang sau khi tiêm vắc-xin. Vì sao lại như vậy?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận