Viêm da cơ địa là bệnh rất phổ biến của da, là một dạng của bệnh chàm hay còn gọi là eczema, thường khiến da bị ngứa và viêm từng đợt có thể giảm bớt tạm thời nhưng sau đó bùng phát trở lại ngày càng nặng hơn. Bên cạnh việc sử dụng thuốc đặc hiệu thì có một số nguyên nhân thường gặp mà bạn cần lưu ý để chăm sóc làn da bị bệnh và tránh bùng phát đợt viêm da nghiêm trọng. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Viêm da cơ địa là gì và nguyên nhân gây bệnh là gì?

Viêm da cơ địa là một bệnh tự miễn thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể biểu hiện lần đầu ở người lớn và kéo dài mạn tính. Triệu chứng thường gặp của bệnh là da bị viêm dẫn đến khô, ngứa và phát ban các mảng da đỏ có thể kèm theo mụn nước. Nếu người bệnh gãi nhiều sẽ làm cho da bị dày lên và có nguy cơ nhiễm trùng. Vùng da thường bị ảnh hưởng là ở tay chân, đặc biệt là các nếp gấp.

Viêm da cơ địa là bệnh không hiếm gặp và khiến người bệnh rất khó chịu (Ảnh: Internet)
Viêm da cơ địa là bệnh không hiếm gặp và khiến người bệnh rất khó chịu (Ảnh: Internet)

Làn da khỏe mạnh có khả năng giữ ẩm và bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, các chất gây kích ứng và dị ứng. Bệnh chàm da có liên quan với các đột biến gene khiến da không còn khả năng bảo vệ tốt nên dễ bị tổn thương khi bị các yếu tố môi trường tác động. Ngoài ra còn có nguyên nhân do hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh với các tác nhân kích thích từ bên ngoài dẫn đến làm hại chính làn da của mình.

Viêm da cơ địa thường gây ra các đợt bệnh nặng có triệu chứng rõ ràng, sau đó tự hết trong một thời gian nhưng lại tái phát và nếu không được điều trị đúng có thể ngày càng nặng hơn và bùng phát thường xuyên hơn. Hiện nay có một số phương pháp điều trị giúp giảm bớt triệu chứng, nhưng cũng có những việc đơn giản mà bạn có thể tự làm để kiểm soát bệnh của mình.

Dưới đây là 8 nguyên nhân thường gặp khiến viêm da cơ địa trở nên tồi tệ hơn và cách làm thế nào để bảo vệ da trong những trường hợp đó.

Nguyên nhân khiến viêm da cơ địa bùng phát nặng

1. Ở ngoài trời nắng nóng

Trời nắng nóng rất dễ khiến viêm da cơ địa bùng phát nặng (Ảnh: Internet)
Trời nắng nóng rất dễ khiến viêm da cơ địa bùng phát nặng (Ảnh: Internet)

Đối với một số người, những tháng mùa hè có thể giúp giảm bớt các đợt bùng phát bệnh chàm, nhưng đối với những người khác thì hoàn toàn ngược lại.

Theo Hiệp hội Eczema Quốc gia Mỹ, nhiệt độ nóng có thể gây ra phản ứng viêm trên da và làm tăng cảm giác ngứa nhưng thủ phạm quan trọng hơn có lẽ là mồ hôi. Đổ mồ hôi là cơ chế giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể vào những ngày nắng nóng, nhưng đối với những người bị viêm da cơ địa, nghiên cứu đã chỉ ra rằng đổ mồ hôi có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh bởi 2 lý do: quá trình bay hơi mồ hôi làm mất độ ẩm của các lớp da bên ngoài khiến da bị khô, và các chất có tính axit của da tiết ra còn đọng lại như urê, lactate và các khoáng chất có thể gây kích ứng phát ban.

Mồ hôi là thủ phạm chính gây bùng phát viêm da cơ địa (Ảnh: Internet)
Mồ hôi là thủ phạm chính gây bùng phát viêm da cơ địa (Ảnh: Internet)

Cách khắc phục là gì?

Theo các chuyên gia, nếu bạn ra ngoài vào lúc nắng nóng thì hãy mặc quần áo rộng rãi làm từ chất liệu thoáng khí như sợi cotton. Nếu bạn thấy quần áo của mình ẩm ướt vì mồ hôi thì hãy thay đồ mới càng nhanh càng tốt để vải ướt không dính vào da có nguy cơ làm nặng thêm bệnh. Khi về nhà hãy tắm sạch để rửa hết mồ hôi bám trên da.

2. Da không được chăm sóc tốt vào mùa lạnh

Nếu bạn sống ở những vùng có khí hậu thay đổi theo mùa thì mùa đông cũng là kẻ thù của làn da nói chung vì nhiệt độ và chất lượng không khí bị thay đổi rõ rệt.

Tại sao viêm da cơ địa dễ bùng phát vào mùa lạnh? (Ảnh: Internet)
Tại sao viêm da cơ địa dễ bùng phát vào mùa lạnh? (Ảnh: Internet)

Đối với những người bị bệnh này, đột biến di truyền làm thay đổi phân tử protein da khiến lớp biểu bì không thể giữ độ ẩm tốt, do đó thời tiết lạnh của mùa đông càng dễ làm da bị khô và tổn thương nghiêm trọng.

Một số bệnh nhân bị khô da kéo dài trong suốt 3-4 tháng mùa đông, thậm chí ảnh hưởng nặng đến mức khiến họ không thể tắm bằng vòi sen hoặc sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân như bình thường.

Cách khắc phục là gì?

Đầu tiên hãy trang bị máy tạo độ ẩm để dùng vào mùa đông, sau đó dùng thêm kem dưỡng ẩm cho da ít nhất 2 lần một ngày, đặc biệt là trong vòng vài phút sau khi tắm xong để giúp giữ ẩm cho làn da.

3. Căng thẳng

Dù là căng thẳng tức thời trong ngắn hạn hay kéo dài mạn tính thì phản ứng sinh lý của cơ thể chúng ta là giống nhau: các hormone căng thẳng được giải phóng với lượng lớn như cortisol và adrenaline có tác động ức chế hệ miễn dịch và tăng nguy cơ bị viêm nhiễm.

Stress là nguyên nhân quan trọng làm bệnh bùng phát nhưng ít được chú ý (Ảnh: Internet)
Stress là nguyên nhân quan trọng làm bệnh bùng phát nhưng ít được chú ý (Ảnh: Internet)

Đối với những người bị viêm da cơ địa, nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm do stress có thể làm suy giảm chức năng của hàng rào bảo vệ da, từ đó có nguy cơ dẫn đến bùng phát bệnh thường xuyên hơn. Khi căng thẳng tiếp tục duy trì và hệ miễn dịch bị ức chế trong một thời gian dài cũng làm cho tình trạng phát ban nghiêm trọng hơn vì da không thể chống lại các tác nhân gây hại như bình thường.

Theo các chuyên gia, khi người mắc bệnh viêm da cơ địa rơi vào tình trạng căng thẳng thì gần như chắc chắn bệnh sẽ bùng phát.

Cách khắc phục là gì?

Stress là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng có nhiều biện pháp giảm căng thẳng thực sự có tác dụng và dễ thực hiện tại nhà như tập hít thở, tập thiền và yoga.

Một số bệnh nhân cũng được dùng thuốc phòng ngừa để tránh stress làm bùng phát bệnh. Nếu bạn biết trước là mình sắp trải qua một tình huống khó chịu hoặc sắp bước vào khoảng thời gian làm việc căng thẳng thì bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như kem steroid để bôi trên những vùng da dễ bị viêm. Tuy nhiên đây là phương pháp đặc biệt chỉ nên áp dụng nếu có sự hướng dẫn của bác sĩ.

4. Tắm lâu với nước nóng

Mặc dù việc ngâm mình trong nước nóng có thể giúp chúng ta cảm thấy thư giãn nhưng đối với những người bị viêm da cơ địa thì nước nóng có thể làm mất độ ẩm và lớp dầu bảo vệ trên da, khiến lớp da bên ngoài bị tổn thương và dễ bùng phát viêm.

Tắm nước nóng làm khô da (Ảnh: Internet)
Tắm nước nóng làm khô da (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên cũng không nên kiêng tắm vì giữ vệ sinh sạch cho da có tác dụng tốt đối với những người bị bệnh chàm, giúp rửa trôi vi khuẩn và các chất gây kích ứng bám trên da có thể là nguyên nhân gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng.

Cách khắc phục là gì?

Chỉ nên tắm với nước mát, làm sạch da bằng các chất tẩy rửa êm dịu. Sau khi tắm xong hãy lau khô người nhẹ nhàng, và trong vòng vài phút hãy dùng ngay kem dưỡng ẩm loại tốt để da không bị khô.

5. Sử dụng các sản phẩm cho da có hương liệu, hóa chất hoặc chất bảo quản

Theo các chuyên gia, các sản phẩm chăm sóc da là một trong những tác nhân chính làm bùng phát đợt viêm da trong bệnh chàm. Đó là vì các thành phần như hương liệu, chất bảo quản, chất hoạt động bề mặt có trong các sản phẩm đó có thể gây ngứa và kích ứng da. Một số chất tẩy rửa khác như bột giặt cũng chứa thành phần tương tự.

Các sản phẩm chăm sóc da lại có thể làm tổn thương da (Ảnh: Internet)
Các sản phẩm chăm sóc da lại có thể làm tổn thương da (Ảnh: Internet)

Cách khắc phục là gì?

Hãy nhớ rằng các sản phẩm được dán nhãn là “tự nhiên” hoặc “hữu cơ” cũng không có nghĩa là chúng an toàn với làn da của người bị bệnh, vì đôi khi chúng có chứa tinh dầu và các thành phần khác được chiết xuất từ thiên nhiên nhưng vẫn gây kích ứng da. Theo các chuyên gia, tốt nhất là hãy tránh các chất phụ gia đã được biết là gây kích ứng, chọn các sản phẩm không có mùi thơm, không chứa thuốc nhuộm và có càng ít thành phần càng tốt.

6. Mặc đồ bằng len hoặc vải tổng hợp

Một số vật liệu tổng hợp nhân tạo như nilông và polyeste có đặc tính không thoáng khí, làm cho da bị “khó thở”, nóng và đổ mồ hôi dẫn đến kích ứng, đặc biệt là khi mặc trong thời tiết ấm hoặc khi hoạt động thể chất.

Quần áo giữ mồ hôi rất có hại cho da (Ảnh: Internet)
Quần áo giữ mồ hôi rất có hại cho da (Ảnh: Internet)

Len là chất liệu thoáng khí và hút ẩm tự nhiên, nhưng cũng không tốt cho những người bị viêm da cơ địa vì sợi len có tính thô ráp và chà xát vào da dễ gây ngứa cũng có thể dẫn đến bùng phát bệnh.

Các yếu tố khác trên quần áo như đường may thô ráp, nhãn mác và dây buộc cũng có thể cọ xát và gây ra vấn đề cho làn da nhạy cảm.

Cách khắc phục là gì?

Không phải loại len nào cũng giống nhau: sợi merino dệt mịn và len cashmere mềm có thể không kích ứng da như các loại len khác. Trên thực tế, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Viêm da vào năm 2019 cho thấy rằng, so với mặc quần áo bình thường, những bệnh nhân mặc thêm lớp trong bằng len merino mịn đã giảm mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát, có thể là do loại len này ít ma sát hơn với da.

Nhìn chung bệnh nhân chàm thường phù hợp nhất với quần áo rộng rãi làm bằng sợi cotton. Quần áo bằng lụa hoặc vải sợi tre cũng có thể mặc được nhưng hãy cắt bỏ những miếng nhãn mác có thể chà xát vào da.

Hiệp hội Eczema Quốc gia Mỹ khuyến cáo nên giặt tất cả quần áo mới trước khi mặc, vì các hóa chất gây kích ứng thường được thêm vào để chúng trông đẹp hơn khi bày bán.

7. Nóng và đổ mồ hôi khi tập luyện thể dục

Sự thay đổi nhanh chóng về nhiệt độ cơ thể khi tập thể dục như chạy, đi xe đạp hoặc thậm chí đi bộ cũng có thể làm bùng phát viêm da cơ địa và ngứa giống như khi đổ mồ hôi.

Cách khắc phục là gì?

Tất nhiên không nên bỏ tập thể dục vì có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, kể cả những người bị bệnh viêm da. Cách khắc phục là hãy chọn quần áo khi tập luyện phù hợp với cơ thể mình. Các loại sợi rộng rãi, thoáng khí sẽ thân thiện với da hơn nhiều so với loại vải thun bó sát, chúng có thể ma sát làm tổn thương da và giữ nhiệt cùng với mồ hôi nhiều hơn.

Chọn quần áo rộng rãi thoáng mát khi tập thể dục thể thao (Ảnh: Internet)
Chọn quần áo rộng rãi thoáng mát khi tập thể dục thể thao (Ảnh: Internet)

Sau khi tập luyện, hãy chờ khô người rồi tắm bằng nước mát để rửa sạch mồ hôi bám trên da. Sau đó lau nhẹ nhàng cho khô, bôi kem dưỡng ẩm và có thể bôi thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra bạn cũng có thể lựa chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng hơn, không cần ra mồ hôi mà vẫn có được lợi ích cho sức khỏe.

8. Gãi ngứa

Thật khó để không gãi khi bị ngứa, nhất là khi triệu chứng chính của bệnh chàm là ngứa dữ dội. Tuy nhiên việc đó có thể khiến bệnh bùng phát nặng hơn và càng ngứa nhiều hơn thì lại càng muốn gãi.

Gãi không giúp giải quyết được bệnh mà còn làm bệnh nặng hơn (Ảnh: Internet)
Gãi không giúp giải quyết được bệnh mà còn làm bệnh nặng hơn (Ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia, khi cơ thể bị nóng và đổ mồ hôi sẽ giải phóng chất histamine gây ngứa nhiều hơn. Nếu bạn gãi thì cảm giác ngứa lại càng tăng thêm và viêm da càng tồi tệ hơn.

Cách khắc phục là gì?

Nếu bạn cảm thấy ngứa và muốn gãi thì hãy kiềm chế lại và thay bằng động tác vỗ nhẹ vào da. Các chuyên gia cũng khuyên nên dùng cách chườm mát để làm dịu tình trạng viêm. Chỉ cần lấy một chiếc khăn ẩm cho vào tủ lạnh một lúc, sau đó đắp lên da rất nhẹ nhàng và thực sự có tác dụng làm giảm cơn ngứa.

Nếu những cách đó không hiệu quả và bạn vẫn thấy ngứa liên tục thì hãy nói chuyện với bác sĩ để xem bạn có thể dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để làm dịu cơn ngứa dữ dội hay không.

Trên đây là những điều cần biết về nguyên nhân làm bùng phát viêm da cơ địa và cách phòng ngừa, giảm nhẹ triệu chứng tại nhà. Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Xem thêm

7 dấu hiệu cảnh báo bạn có vấn đề về dạ dày cần chú ý ngay kẻo nguy hiểm

Trong sinh hoạt hàng ngày, bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về đường tiêu hóa cũng có thể cảnh báo bạn đã gặp các vấn đề về dạ dày. Tuy vậy, các dấu hiệu này thường bị bỏ qua và để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Thế nên khi nhận thấy 7 dấu hiệu cảnh báo bạn ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận