Quay đi quay lại cũng đã gần đến 30 Tết. Sáng nay nghe mẹ chép miệng với bố :nghĩ đến cỗ bàn ngày Tết là đã sợ, năm nào cũng như năm nào. Năm nay ăn Tết đơn giản thôi”. Tôi nghĩ thầm trong bụng “ăn gì thì ăn chứ nem rán là không thể nào thiếu được”.

Cỗ bàn ngày Tết khiến mẹ tôi “nghĩ đã sợ”

Gia đình tôi ăn Tết cũng không hẳn là quá truyền thông, vì mọi người đều không thích cầu kỳ. Tuy nhiên mỗi khi Tết đến tôi và mẹ luôn dành ngày 28 âm để gói nem, món ăn tôi thích nhất.

Nguyên liệu cho món nem rán cầu kỳ nhưng lại dễ tìm (ảnh Internet)
Nguyên liệu cho món nem rán cầu kỳ nhưng lại dễ tìm (ảnh Internet)

Nghe mẹ kể rằng từ nhỏ tôi đã rất thích ăn những món cuốn. Ngày Tết sang nhà ông bà nội, tôi vẫn luôn được bà “để dành” cho món này. Khi tôi có em trai, năm tôi học lớp 7, mẹ tôi bận bịu hơn nên cỗ bàn ngày Tết lại đơn giản hơn ít nhiều, đĩa nem rán được thay bằng những gói nem đông lạnh bán sẵn ở siêu thị.

Tôi nhớ chiếc nem đầu tiên tôi gói lại không phải vào ngày Tết.

Đó là mùa hè sau khi chúng tôi tốt nghiệp cấp 2, cô bạn thân của tôi chuẩn bị cùng gia đình sang Bỉ. Mẹ của cô bạn đó cũng chính là cô giáo dạy Văn Sử của chúng tôi. Trước ngày xuất ngoại, chúng tôi tổ chức một bữa liên hoan chia tay. Và ngày hôm đó, cô Thủy đã dạy tôi gói chiếc nem đầu tiên.

Là người gốc Hà Nội nên cô nấu ăn rất khéo. Cô kể cho chúng tôi về nguồn gốc, chỉ dạy cho chúng tôi từ cách lựa chọn nguyên liệu, chế biến ra sao. Cô cầm tay hướng dẫn từng đứa cách cuốn sao cho vừa vặn, nhắc chúng tôi rằng một chiếc nem “vừa vặn” cũng là thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ đất Hà Thành. Cuốn chiếc nem nhỏ quá có thể khiến người khách đến chơi nhà nghĩ rằng chủ nhà keo kiệt, ki bo. Nhưng nếu cuốn to quá lại cho thấy sự vụng về, thô kệch.

Chiếc nem được cuốn vừa văn, không to quá không nhỏ quá ( ảnh Internet)
Chiếc nem được cuốn vừa văn, không to quá không nhỏ quá ( ảnh Internet)

Lũ con gái chúng tôi ngày đó đều là những đứa chỉ biết ăn, học, chơi, nấu bữa cơm cũng chỉ biết luộc rau, rán trứng, vậy nên khi được cô Thủy cầm tay chỉ dạy thì đứa nào cũng hào hứng. Cô còn dạy chúng tôi cách chuẩn bị một bát nước chấm đúng vị. Có đứa lanh chanh kêu rằng “con biết pha nước mắm” nhưng cô chỉ cười. Nào đâu phải chỉ rót nước mắm ra, cho thêm vào lát tỏi, vài lát ớt, bày lên mâm là xong. Cô dạy chúng tôi rằng đối với rất nhiều món ăn truyền thống của dân tộc, chính nước chấm hay nước dùng mới là linh hồn. Cũng là những nguyên liệu đấy, nhưng cách gia giảm, nêm nếm của những người nội trợ sẽ thổi hồn cho món ăn. Pha một bát nước chấm ngon rất cầu kỳ và đôi khi cũng phụ thuộc vào khẩu vị sành ăn, tinh tế của người chế biến.

Nem rán (ảnh: internet)
Linh hồn của món nem rán lại nằm ở mắm chấm. (ảnh: internet)

Lũ trẻ con chúng tôi lúc đó chỉ biết nghe như vậy, chứ chưa đứa nào “nhập tâm” được những lời dạy của cô. Giờ đây nghĩ lại, tôi mới nhận ra rằng bữa ăn hôm đó không chỉ là bữa liên hoan chia tay. Dường như cô Thủy đã dành rất nhiều tâm sức để nấu những món ăn truyền thống của Việt Nam trước khi xa Tổ Quốc. Từng cọng rau, từng sợ bún, từng bát canh…đều được cô “tẩm ướp” thứ gia vị mang tên “nỗi nhớ”, vì cô biết rằng khi đặt chân đến nơi ở mới, dù cố gắng thế nào thì những hương vị quê hương này cũng sẽ không được trọn vẹn. Cô muốn nấu một bữa ăn thật Việt Nam, muốn truyền những kiến thức về tinh hoa ẩm thực dân tộc cho “cái lũ nặc nô” vẫn còn ngây ngô, nghịch ngợm.

Trong suốt nhiều năm sau, ngay cả khi cô đã có một cửa hàng chuyên bán thực phẩm Việt Nam trên đất Bỉ, cô vẫn nói với chúng tôi rằng dù có đầy đủ nguyên liệu để làm món nem rán nhưng nêm nếm thế nào cô cũng cảm thấy không thể tròn vị ngon. Có lẽ là do cô thưởng thức món ăn không chỉ bằng vị giác mà còn bằng trái tim, bằng nỗi nhớ.

“Lũ nặc nô” của cô năm nào nay đã trở thành những bà nội trợ đúng nghĩa, vậy nhưng chúng tôi vẫn “run” khi đứng bếp nấu bữa cơm Việt Nam cho cô mỗi năm khi cô về nước. Và trong những bữa cơm đó, cô vẫn phải làm trọng tài chấm xem đứa nào cuốn nem đẹp hơn.

Tết nay đã bớt cầu kỳ đi rất nhiều, những món ăn trong mâm cơm ngày tết cũng ngày càng thêm những món ăn mới, đủ hương vị từ Á đến Âu. Phụ nữ chúng ta chỉ cần mất mấy phút order là từ nồi canh bóng, bát canh măng, cho đến gà luộc thắp hương, đĩa xôi, khoanh giò…sẽ được mang đến tận cửa. Đúng là cuộc sống hiện đại đã giải phóng sức lao động cho những người nội trợ.

Mỗi người một quan điểm, như với tôi, từ mùa hè năm đó thì tôi không bao giờ mua những gói nem đông lạnh nữa. Dù cầu kỳ, dù mất nhiều thời gian, hàng năm khi đến Tết tôi vẫn tự tay cuốn từng chiếc nem cho gia đình. Ông nội tôi chỉ ăn món nem rán do tôi làm, chắc hẳn ông cũng không chỉ thưởng thức bằng vị giác, mà còn bằng sự cưng chiều đứa cháu gái vụng về này. Và hạnh phúc lớn lao nhất là khi ông nội nói rằng “ông chờ đến Tết để ăn nem của con đấy”.

Bữa ăn gia đình là giây phút ấm áp nhất (ảnh Internet)
Bữa ăn gia đình là giây phút ấm áp nhất (ảnh Internet)

Chẳng phải là một đầu bếp tài ba, thậm chí cũng không dám nhận mình giỏi nữ công gia chánh, nhưng tôi học được từ cô Thủy rằng “tình cảm” là thứ một gia vị rất quan trọng, đối với cả người nấu lẫn người thưởng thức. Vì lẽ đó, món nem của tôi mới là số 1 trong lòng bố và ông nội.

Hạnh phúc ý mà, ở gần lắm, chẳng cao xa đâu!

Xem thêm

250+ câu thơ thả thính hay, "cưa đổ" ngay mọi crush khó tính!

Mỗi ngày một câu thơ thả thính, đảm bảo hạ gục mọi crush khó tính nhất. Bạn không tin ư? Lưu ngay những câu thơ thả thính hay nhất, chất nhất của BlogAnChoi về làm thử xem năm sau có người yêu không nào?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
6 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
thuuyen24

tết luôn có những chiếc nem ăn hoài mà không bao giờ chán

thuuyen24

bài viết rất là hay

zoelee

ui mình nhìn mà thèm ghê, tết được ăn vài chiếc nem là hết sảy :p