Bạn đã bị giật mi mắt bao giờ chưa? Nhiều khả năng là rồi! Vậy chắc hẳn bạn cũng rất thắc mắc hiện tượng này từ đâu mà ra và liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Hãy cùng BlogAnChoi đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

Giật mi mắt biểu hiện ra sao?

Giật mắt là hiện tượng chuyển động hoặc co thắt các cơ vùng mắt hoặc mi mắt ngoài ý muốn của con người. Trong y học có một thuật ngữ để chỉ tình trạng này là blepharospasm.

Chắc chắn rất nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua cảm giác mắt bị giật không kiểm soát (Ảnh: Internet).
Chắc chắn rất nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua cảm giác mắt bị giật không kiểm soát (Ảnh: Internet).

Giật mắt thường xảy ra ở mi mắt trên nhiều hơn mi dưới, với biểu hiện là những cú giật nhẹ cách nhau khoảng vài giây nhưng thường chỉ kéo dài một đến hai phút rồi tự hết, có thể tái diễn trong vài ngày sau đó. Có ba dạng giật mắt thường gặp, đó là:

Giật mi mắt tối thiểu

Thường liên quan đến những nguyên nhân đơn giản trong đời sống hằng ngày như mệt mỏi, căng thẳng, hay chất caffeine. Ngoài ra mi mắt bị giật cũng có thể là kết quả của tình trạng kích thích giác mạc (lớp trên cùng của nhãn cầu) hoặc kết mạc (lớp tế bào mỏng lót mặt trong của mi mắt và nằm bên trên giác mạc).

Giật mắt có thể xuất hiện do các lớp ngoài cùng của mắt bị kích thích (Ảnh: Internet).
Giật mắt có thể xuất hiện do các lớp ngoài cùng của mắt bị kích thích (Ảnh: Internet).

Giật mắt đáng kể lành tính

Thường xuất hiện ở người bắt đầu bước vào tuổi trung niên và ngày càng tiến triển nặng hơn. Ở Mỹ mỗi năm chỉ có khoảng 2000 người được chẩn đoán tình trạng này, trong đó nữ giới có khả năng mắc cao gấp đôi nam giới. Tuy giật mắt không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng trường hợp nặng có thể cản trở sinh hoạt và cuộc sống.

Người ở độ tuổi trung niên trở lên dễ gặp tình trạng giật mi mắt (Ảnh: Internet).
Người ở độ tuổi trung niên trở lên dễ gặp tình trạng giật mi mắt (Ảnh: Internet).

Dạng giật mắt này ban đầu chỉ là những cái chớp mắt liên tục hoặc cảm giác mắt khó chịu, nhưng khi tiến triển nặng lên có thể khiến mắt nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, thậm chí co giật các cơ khác của vùng mặt. Trường hợp nghiêm trọng, mi mắt có thể bị sụp xuống trong vài giờ mà không thể tự mở ra được.

Hiện nay các nhà khoa học cho rằng dạng giật mắt này có nguyên nhân do di truyền cùng với các yếu tố của môi trường sống phối hợp gây ra.

Co thắt nửa mặt

Dạng cuối cùng và cũng hiếm gặp nhất được gọi là co thắt nửa mặt, tức tình trạng co giật cơ không chỉ giới hạn ở mi mắt mà còn xuất hiện ở cả các cơ quanh miệng và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của mặt, không giống như hai dạng đã nêu trên.

Dạng này giống với chứng "méo mặt" như dân gian hay gọi (Ảnh: Internet).
Dạng này giống với chứng “méo mặt” như dân gian hay gọi (Ảnh: Internet).

Trong đa số các trường hợp, chứng co thắt nửa mặt này có nguyên nhân từ một dây thần kinh nào đó của vùng mặt bị chèn ép.

Nguyên nhân nào làm mi mắt bị giật?

Mi mắt có thể bị giật do các tín hiệu thần kinh bất thường tại não hoặc các cơ vùng mặt. Các yếu tố thường gặp trong đời sống có thể kích thích hiện tượng giật mắt bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Căng thẳng
  • Thiếu ngủ
  • Chất caffeine
  • Đồ uống có cồn
  • Hút thuốc lá
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng
  • Một số loại thuốc, đặc biệt là các thuốc trị động kinh và tâm thần
Mệt mỏi và căng thẳng là những nguyên nhân thường gặp nhất gây giật mi mắt (Ảnh: Internet).
Mệt mỏi và căng thẳng là những nguyên nhân thường gặp nhất gây giật mi mắt (Ảnh: Internet).

Ngoài ra còn có một vài rối loạn của não và hệ thần kinh có thể khiến mắt bị giật, chẳng hạn như:

  • Bệnh Parkinson (gây thoái hóa hệ thần kinh)
  • Hội chứng Meige (một dạng rối loạn trương lực cơ)
  • Các tổn thương ở não
  • Bệnh đa xơ cứng
  • Chứng liệt Bell (liệt dây thần kinh số VII chi phối các cơ vùng mặt)
  • Hội chứng Tourette (rối loạn của hệ thần kinh gây co giật)

Giật mi mắt có nguy hiểm không?

Một số người có thể sống chung với những cú giật mắt suốt cả ngày, thậm chí kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hay vài tháng. Tình trạng này có thể khiến bạn rất khó chịu và làm phiền các hoạt động thường ngày. Giật mắt quá lâu sẽ khiến bạn luôn phải chớp và nheo mắt liên tục, từ đó ảnh hưởng đến tầm nhìn và cản trở các công việc cần quan sát nhiều như học tập, lái xe…

Giật mắt nhiều sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống (Ảnh: Internet).
Giật mắt nhiều sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống (Ảnh: Internet).

Do đó hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám nếu tình trạng giật mắt của bạn có các dấu hiệu nghiêm trọng như:

  • Kéo dài hơn một tuần
  • Mi mắt bị nhắm lại hoàn toàn
  • Co thắt các cơ khác của vùng mặt
  • Mắt bị đỏ, sưng phù hay chảy nước
  • Mi mắt trên bị sụp xuống
Mắt bị đỏ hoặc sưng là dấu hiệu cảnh báo bạn nên đến khám tại cơ sở y tế (Ảnh: Internet).
Mắt bị đỏ hoặc sưng là dấu hiệu cảnh báo bạn nên đến khám tại cơ sở y tế (Ảnh: Internet).

Tại phòng khám, bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có gặp vấn đề gì về não và các dây thần kinh hay không, và có những trường hợp cần được khám kỹ hơn bởi các chuyên gia về thần kinh học.

Điều trị chứng giật mắt như thế nào?

Dạng giật mắt tối thiểu thường sẽ tự hết mà không cần can thiệp gì cả. Để giảm nhẹ những cơn giật khó chịu này bạn có thể nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh đồ uống có cồn, thuốc lá và các thực phẩm có chứa caffeine. Nếu nguyên nhân gây giật là do mắt bị khô hoặc kích ứng thì bạn có thể tự cải thiện bằng cách dùng các loại nước nhỏ mắt không cần kê đơn.

Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý có thể giúp giảm tình trạng kích ứng (Ảnh: Internet).
Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý có thể giúp giảm tình trạng kích ứng (Ảnh: Internet).

Đối với dạng giật mắt đáng kể lành tính, hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị nào được chứng minh về mặt khoa học. Tuy nhiên nếu tình trạng này quá nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống thì bác sĩ có thể giúp giảm bớt triệu chứng bằng cách kê đơn các thuốc được điều chế từ chất độc botulinum.

Trong tự nhiên chất độc này được sản sinh bởi vi khuẩn Clostridium botulinum, và nếu xuất hiện trong thực phẩm có thể gây ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên khoa học đã ứng dụng khả năng làm liệt cơ của botulinum vào sản xuất các dược phẩm có tác dụng giãn cơ, giúp ích cho nhiều chứng bệnh trong đó có giật mắt. Đây cũng là phương pháp được dùng để điều trị dạng giật mắt nặng nhất là co thắt nửa mặt.

Khi dùng các thuốc này, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ thuốc vào các cơ quanh mắt của bạn để làm dịu cơn giật. Tác dụng của thuốc chỉ kéo dài vài tháng và từ từ giảm dần, khi đó bạn sẽ cần tiêm lại liều tiếp theo.

Ngoài ra các trường hợp giật mắt nhẹ có thể được bác sĩ kê đơn một vài loại thuốc khác như clonazepam, lorazepam, trihexyphenidyl hydrochloride để giảm kích thích. Các thuốc này cũng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn mà thôi.

Bên cạnh đó bạn có thể thấy nhiều người rỉ tai nhau về các phương pháp chữa trị như châm cứu, thôi miên, nắn cột sống hay ăn các loại thực phẩm nào đó. Những cách này trên thực tế đều chưa được khoa học chứng minh hiệu quả.

Châm cứu là phương pháp của Đông y nhưng chưa được khoa học chứng minh (Ảnh: Internet).
Châm cứu là phương pháp của Đông y nhưng chưa được khoa học chứng minh (Ảnh: Internet).

Một vài trường hợp giật mắt không đáp ứng với các loại thuốc kể trên sẽ phải chuyển sang phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cắt bỏ những cơ và dây thần kinh quanh mắt gây ra tình trạng giật này, hoặc loại bỏ tác nhân gây chèn ép dây thần kinh trong trường hợp co thắt nửa mặt.

Phương pháp điều trị này có ưu điểm là hiệu quả lâu dài, thậm chí có thể nói là vĩnh viễn. Tuy nhiên cũng giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, sẽ luôn có nguy cơ xảy ra biến chứng trong và sau khi mổ.

Giật mắt có để lại hậu quả gì về sau không?

Giật mi mắt thường nhẹ và lành tính nhưng không nên chủ quan (Ảnh: Internet).
Giật mi mắt thường nhẹ và lành tính nhưng không nên chủ quan (Ảnh: Internet).

Câu trả lời cho vấn đề này tùy thuộc vào việc bạn mắc phải dạng giật mắt nào và nguyên nhân gây ra nó là gì. Giật mắt tối thiểu thường tự hết và hầu như không gây đau đớn hay tác hại về sau.

Trong khi đó dạng giật mắt đáng kể có thể đeo bám bạn lâu dài, thậm chí suốt đời, nhưng bạn vẫn có thể ngăn nó trở nên nặng hơn bằng cách điều chỉnh lối sống để tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích như mệt mỏi, thiếu ngủ hay caffeine.

Nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp tránh tình trạng giật mắt tái diễn (Ảnh: Internet).
Nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp tránh tình trạng giật mắt tái diễn (Ảnh: Internet).

Riêng đối với các trường hợp giật mắt là triệu chứng của bệnh thần kinh thì tuyệt đối không được chủ quan mà phải đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh những hậu quả nặng nề về sau.

Mời bạn đọc thêm những bài viết hữu ích khác của BlogAnChoi:

Hãy tiếp tục đón xem nhiều thông tin thú vị mỗi ngày tại BlogAnChoi bạn nhé!

Xem thêm

5 điều quan trọng cần biết về vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai

Mang thai là một khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với người phụ nữ, kể cả khi có điều kiện tốt nhất. Với nhiều người, ngay cả những việc đi đứng, ăn uống cũng khiến họ cảm thấy bất an trong thai kỳ. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng những lo ngại này một cách đáng ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận