Viêm đường tiết niệu không phải là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em. Trên lâm sàng, bệnh cũng có thể biểu hiện triệu chứng hoặc không, nên việc nhận biết viêm đường tiết niệu ở trẻ em nhiều khi khá khó khăn. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh này nhé!

Viêm đường tiết niệu hay nhiễm khuẩn tiết niệu là một bệnh lý chỉ tình trạng viêm nhiễm ở hệ thống đường tiết niệu. Viêm đường tiết niệu bao gồm viêm bàng quang, viêm niệu đạo (nhiễm khuẩn đường niệu dưới), viêm thận bể thận (nhiễm khuẩn đường niệu trên).

hệ tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là viêm nhiễm các bộ phận thuộc hệ tiết niệu (Nguồn: Internet).

Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở trẻ em

Viêm đường tiết niệu ở trẻ em có trường hợp triệu chứng rầm rộ trên lâm sàng, nhưng cũng có trường hợp không có dấu hiệu gì, chỉ được phát hiện tình cờ bởi xét nghiệm. Biểu hiện viêm đường tiết niệu tùy thuộc vào vị trí và tuổi của đối tượng mắc bệnh. Ở trẻ em được chia làm các lứa tuổi trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ và trẻ lớn.

  • Viêm đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh: Do sức đề kháng yếu, nên khi bị nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh có biểu hiện lâm sàng dữ dội, nặng nề. Trẻ sốt cao 39, 40 độ C hoặc hạ nhiệt độ, da xanh tái, mê mệt, li bì, bỏ bú, vàng da…trẻ có thể có các dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, ỉa chảy.
  • Viêm đường tiết niệu ở trẻ bú mẹ: Tùy vào tình trạng bệnh lý, biểu hiện của trẻ nặng hay nhẹ. Phần lớn trẻ có biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng nói chung như sốt cao, trong cơn sốt có rét run, nôn, chướng bụng, tiêu chảy… Khi đi đái trẻ quấy khóc, màu nước tiểu đục. Tìm mua máy đo nhiệt độ điện tử tại đây.
  • Viêm đường tiết niệu ở trẻ lớn: Với trẻ lớn, các triệu chứng khai thác dễ hơn, vì thế cũng đặc hiệu hơn để chẩn đoán nhiễm khuẩn đường niệu. Ngoài các biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng (tăng thân nhiệt, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi), trẻ còn có thể cảm nhận được cảm giác đau mỏi vùng thắt lưng (vị trí thận, đường niệu), tiểu buốt, tiểu rắt, màu nước tiểu đục hơn bình thường.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng là chưa đủ để chẩn đoán, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường mẹ nên đưa bé đi thăm khám bác sĩ để được làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán xác định.

trẻ sốt cao
Viêm đường tiết niệu ở trẻ biểu hiện với các triệu chứng nhiễm khuẩn rầm rộ (Nguồn: Internet).

Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn gây nên, chủ yếu là vi khuẩn đường ruột như E. Coli, Klebsiella, hay một vài loại khác như tụ cầu, nấm, virus,… Vi khuẩn chủ yếu di chuyển ngược dòng từ ruột đi qua hậu môn, rồi nằm yên ở vùng quanh niệu đạo chờ cơ hội xâm nhập. Một số ít trường hợp thì vi khuẩn có thể đi theo đường máu, đường bạch huyết tới thận (đối tượng thường gặp là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ).

  • Viêm đường tiết niệu chủ yếu gặp ở đối tượng là trẻ em dưới 2 tuổi (tuy nhiên các lứa tuổi khác cũng hoàn toàn có thể mắc phải).
  • Thường gặp ở trẻ nữ nhiều hơn nam. Điều này được giải thích do đường niệu ở trẻ nữ ngắn hơn, gần bộ phận sinh dục nên dễ dàng cho việc di chuyển ngược dòng của vi khuẩn hơn.
  • Trẻ sinh ra yếu, suy dinh dưỡng nặng, mắc bệnh đái tháo đường hay đã phát hiện bệnh lý hội chứng thận hư, hẹp bao quy đầu, có khối u chèn ép, liệt bàng quang trước đó sẽ dễ mắc bệnh hơn.
viêm tiết niệu trẻ em
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em chủ yếu do vi khuẩn đường ruột gây ra (Nguồn: Internet).

Cách điều trị viêm đường tiết niệu ở trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, vì thế việc điều trị cũng phần lớn dựa vào hiệu quả của kháng sinh. Tuy nhiên, trước khi dùng kháng sinh cần cấy nước tiểu để xác định mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Thuốc được chỉ định tùy vào triệu chứng lâm sàng và vị trí nhiễm khuẩn.

Điều trị viêm đường niệu dưới (viêm bàng quang)

  • Sử dụng kháng sinh để diệt gram (-), thường dùng Augmentin hoặc Cefuroxim đường uống
  • Thời gian trong vòng 7-10 ngày.
  • Phòng bệnh: chú ý vệ sinh thân thể, không nhịn đi tiểu, uống nhiều nước.

Điều trị viêm đường niệu trên (viêm thận bể thận cấp)

  • Nên dùng đường tiêm tĩnh mạch với trẻ nhỏ hơn 18 tháng (ngay sau khi hết sốt cần chuyển sang dùng đường uống). Trên 18 tháng trẻ có thể dùng đường uống.
  • Kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch: kết hợp kháng sinh của nhóm Aminosides và Cefalosporin thế hệ III
  • Kháng sinh đường uống: Augmentin hoặc Cefuroxim
  • Thời gian điều trị từ 10-14 ngày.
  • Phòng bệnh: vệ sinh thân thể, uống nhiều nước, không nên nhịn đi tiểu, dùng kháng sinh dự phòng.
  • Lưu ý: Sau đợt điều trị cần đề ý nếu phát hiện các bất thường đường niệu như dị dạng, sỏi, hẹp bao quy đầu,…thì cần tìm phương án can thiệp để điều trị triệt để.
bác sĩ nhi
Đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường không thể lý giải (Nguồn: Internet).

Với trường hợp viêm đường tiết niệu nhưng không có triệu chứng trên lâm sàng, chỉ phát hiện bởi xét nghiệm tình cờ thì chưa cần điều trị kháng sinh ngay, nhưng phải theo dõi làm xét nghiệm đến khi hết vi khuẩn trong nước tiểu.

Cách phòng tránh viêm đường tiết niệu ở trẻ em

  • Hướng dẫn gia đình chăm sóc con nhỏ về việc vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt bộ phận sinh dục.
  • Chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, nâng cao chức năng hệ miễn dịch để giảm thiểu khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho bé.
  • Hạn chế tối thiểu các can thiệp gây tổn thương đường tiết niệu của bé.
  • Trẻ có mắc các bệnh thì cần điều trị triệt để, có thể dùng kháng sinh để đề phòng tái phát khi cần thiết.
chăm sóc con nhỏ
Chú ý vấn đề vệ sinh và dinh dưỡng của con để phòng tránh bệnh (Nguồn: Internet).

Một số bài viết liên quan cùng chuyên mục quý phụ huynh có thể tham khảo:

Với bài viết trên đây, BlogAnChoi đã gửi tới bạn đọc thông tin về bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ em, từ nguyên nhân tới cách nhận biết và điều trị. Mong rằng bài viết sẽ hữu ích để giúp cha mẹ giảm bớt nỗi lo về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho con nhỏ. Đừng quên truy cập chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để được cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích cho mình bạn nhé!

Xem thêm

Bệnh hắc lào là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Hắc lào là một bệnh da liễu không hiếm gặp hiện nay. Tuy nhiên số người hiểu rõ và có kiến thức về phòng bệnh, trị bệnh lại rất ít. Vậy hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh hắc lào này nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Mộc Chi

Ủng hộ tác giả 5 sao