Mỗi người có một cách sống, và điều đó sẽ tác động lên cách họ nuôi dạy con cái. Nhưng tôi thật sự muốn bức tranh tuổi thơ Tôm có thể “lấm lem” hơn một chút, bớt đi một chút “ đầy đủ” để Tôm có những trải nghiệm thật sự, tương tác thật sự với cuộc sống.

“Gặp được Tôm, Tép còn khó hơn cô Trang săn vé concert chú Tuấn á”

Tôi phải thốt lên như vậy khi mất 1 tháng rưỡi mới setup được một buổi đưa hai đứa cháu đi chơi. Hai đứa cháu tôi, một đứa lớp 3, một đứa lớp 1 nhưng lịch trình của chúng nó thì kín như sao Hàn. Từ thứ 2 đến thứ 6: sáng – chiều học ở trường, tối học gia sư. Thứ 7 và chủ nhật: sáng – chiều học thêm tại nhà cô giáo, tối tự ôn bài. Không có một khe nứt nào để người cô len lỏi vào được trong thời gian biểu của chúng nó. Kêu ca với bà chị thì bà ấy nói “mày có con đi rồi thì biết!”. Ơ hay…

Nhìn hai đứa cháu ngồi ăn mà mắt vẫn dán vào điện thoại, bà chị thì check tin nhắn zalo trong group lớp thằng anh, tôi không biết nên khóc hay cười.

Chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ "trẻ em smart phone"? (ảnh Internet)
Chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ “trẻ em smart phone”? (ảnh Internet)

Chị tôi lớn hơn tôi nhiều tuổi, nên khi chị sinh Tôm, tôi thích vô cùng. Cảm giác như có thêm một đứa em để chăm sóc và chơi cùng. Tôi đã vẽ rất nhiều dự định với Tôm, những điều ngày bé tôi thích nhưng chưa làm được, cả những điều tôi đã làm và nhận bài học “đắt giá”. Tôi từng nghĩ sẽ vẽ cho Tôm một bức tranh tuổi thơ thật sống động, đáng như hơn cả tôi đã từng trải qua. Nhưng bây giờ Tôm đã 8 tuổi, tôi nhận ra bức tranh của cô cháu tôi thiếu đi rất nhiều mảng màu. Có thể, nuôi dạy một đứa trẻ, chỉ khi làm mẹ, ta mới có thể hiểu được chăng? Thời đại khác, quan điểm đã khác, điều kiện sống cũng đã khác?

Tôi nhớ buổi sinh nhật đầu tiên tôi được tổ chức là lúc tôi 5 tuổi. Tôi không nhớ khi đó tôi có được bố mẹ mua cho chiếc bánh gato nào không, tôi chỉ nhớ khung cảnh của một ngôi nhà cấp 4, phòng khách, phòng ngủ ngăn cách nhau bằng chiếc tủ ni và phía sau là chiếc màn gió. Bộ bàn ghế gỗ xập xệ, trên bàn có 1 đĩa bánh kẹo. Khánh, Thành, anh Hà, anh Nam, chỉ có 4 người bạn gần nhà vậy thôi. Món quà là bánh xà phòng, bút chì. Vậy thôi. Tiết mục tặng quà và “ăn sinh nhật” diễn ra chóng vánh vì bọn tôi chỉ thích chạy nhảy ngoài sân tập thể.

”Sân tập thể”, chúng tôi đã xây cả một vương quốc trên khoảnh sân nhỏ bé đó. Quả thật, ngày còn trẻ con, nó rộng lớn lắm. Chỗ này là để chơi “cá sấu lên bờ” này, chỗ này là để các anh đá cầu này, chỗ gốc xoài là để “bọn nhà D” chơi. Trong mắt chúng tôi, sân tập thể to như thể là một sân vận động. Tôi ngày đó lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại, mẹ phải gọi khản cổ mới chịu về ăn cơm. Giờ đây khi đi qua khu nhà cũ đó, sân tập thể vẫn còn, y như ngày xưa, nhưng không có bóng dáng lũ trẻ con chạy nhảy ầm ĩ. Nó vắng lặng và nhỏ bé làm sao.

Trẻ con như cháu tôi, “tuổi thơ” với chúng là một bức tranh khác rất nhiều

Sinh nhật sẽ là những bữa tiệc ở nhà hàng, mọi người ăn mặc đẹp, chụp ảnh check in. Sau đó bố mẹ post ảnh lên “phây”, tag từng người vào. Không biết sau này Tôm có nhớ về những ngày sinh nhật của mình không nhỉ? Những gì sẽ đọng lại trong tâm trí non nớt của cháu tôi? Tôm có thể nhìn lại khung cảnh, nhìn lại ảnh những người đã đến, đọc lại lời chúc trong những comment…nhưng có lẽ cảm xúc sẽ không “thật” như của lũ trẻ con thiếu thốn ngày xưa.

Ngày xưa “mất điện” là điều trẻ con chúng tôi mong nhất. Mất điện là không phải làm bài, là được chạy ra ngoài chơi. Lũ trẻ con chayh nhảy la hét, bố mẹ mang ghế ra ngoài cửa nói chuyện với hàng xóm, thi thoảng lại quát mắng khi lũ chúng tôi cãi cọ. Bóng tối chỉ le lói vài ánh nến nhưng được “thắp sáng” bằng tình cảm của những người hàng xóm “ tối lửa tắt đèn có nhau”. Còn bây giờ, mất điện là…mất wifi. Bọn trẻ con không phải học bài cũng chẳng có trò gì chơi khi điện thoại, ipad không vào được mạng. Các bố mẹ cũng bứt rứt khó chịu. Chẳng dám cho con chạy nhảy ngoài đường, cũng chẳng “hâm” mà vác ghế ra cửa ngồi cầm quạt giấy phe phẩy.

Thời nay, hiện đại hơn nhưng cũng khiến con người ta cô độc hơn. Chúng không có nhiều bạn bè để chạy nhảy,” phá phách” mà chỉ hứng thú với máy tính, điện thoại. Chỉ cần một cái điện thoại hay ipad là chúng sẽ ngồi im, ngoan ngoãn. Chị tôi không phải lo Tôm “về đến nhà vất toẹt cái cặp rồi chạy đi chơi “ như tôi ngày xưa, nhưng lại lo Tôm “có xem linh tinh gì trên You tube không”.

Những hoạt động thể chất "thật" sẽ khiến trẻ em năng động hơn những trò chơi trên điện thoại ( ảnh Internet)
Những hoạt động thể chất “thật” sẽ khiến trẻ em năng động hơn những trò chơi trên điện thoại ( ảnh Internet)

Tôi rất thích cách một người anh lớn tôi quen đang nuôi dạy con gái mình. Mun bằng tuổi Tôm, nhưng thay vì những kì nghỉ hè ngắn hơn cả nghỉ Tết, Mun được bố “tha lôi” đi cùng trong những chuyến xuyên Việt. Hè năm Mun lớp 2, hai bố con đã có chuyến đi Đà Lạt, mà như anh nói “trong rừng không có sóng điện thoại, wifi” nhưng bố con anh vẫn “rất ổn”.

Tất nhiên mỗi người có một cách sống, và điều đó sẽ tác động lên cách họ nuôi dạy con cái. Anh bạn tôi rất Yolo nên anh hướng cho Mun cũng như vậy, chị gái tôi và đa số các bậc phụ huynh khác thì “truyền thống” và đứa chưa chồng chưa con như tôi chẳng có “thứ bậc” gì để góp ý. Nhưng tôi thật sự muốn bức tranh tuổi thơ Tôm có thể “lấm lem” hơn một chút, bớt đi một chút “đầy đủ” để Tôm có những trải nghiệm thật sự, tương tác thật sự với cuộc sống.

Mọi đứa trẻ đều cần được "chơi đùa" đúng cách, đúng lứa tuổi (ảnh Internet)
Mọi đứa trẻ đều cần được “chơi đùa” đúng cách, đúng lứa tuổi (ảnh Internet)

Chị tôi vẫn “hăm doạ” tôi bằng 1 câu quen thuộc :” đẻ đi, nuôi con đi rồi biết. ”Các bạn thấy sao? Nếu sau này trở thành những bậc cha mẹ, các bạn sẽ cùng con mình vẽ bức tranh tuổi thơ như thế nào? Cùng chia sẻ với tôi nhé!

Xem thêm

300+ câu châm ngôn cuộc sống hay nhất sẽ khiến bạn "sáng mắt ra"!

Những câu châm ngôn cuộc sống, câu nói về cuộc sống hay, ý nghĩa nhất sẽ giúp bạn hiểu ra nhiều sự thật và chân lý, có thêm động lực để cố gắng phát triển bản thân hoặc đơn giản là bạn sẽ "sáng mắt ra" vì cuộc đời vốn không phải ngôn tình.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận