Mọc răng là cột mốc đầu đời rất quan trọng, giúp trẻ nhai được thức ăn đặc. Thông thường quá trình mọc răng ở trẻ diễn ra theo khung thời gian nhất định, nhưng một số trẻ lại bị chậm mọc. Hiện tượng này có thể lành tính hoặc do các vấn đề nghiêm trọng phải điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về tình trạng trẻ chậm mọc răng nhé!

Thời điểm mọc răng bình thường của trẻ là như thế nào?

Để xác định trẻ có bị chậm mọc răng hay không thì trước tiên phải biết thời điểm mọc răng bình thường. Đối với đa số trẻ nhỏ, những chiếc răng đầu tiên mọc lên thường là răng cửa hàm dưới vào lúc khoảng 6 tháng tuổi, sau đó tới răng cửa hàm trên và các răng khác trong hàm mọc ở các độ tuổi khác nhau.

Răng cửa hàm dưới thường mọc đầu tiên (Ảnh: Internet).
Răng cửa hàm dưới thường mọc đầu tiên (Ảnh: Internet).

Khi răng bắt đầu mọc có thể xuất hiện một số triệu chứng mà người lớn dễ quan sát thấy như: trẻ thường xuyên cắn và nhai mọi thứ, chảy nước dãi nhiều hơn, nướu sưng đỏ, trẻ biếng ăn do đau, hay gãi tai (vì tai có chung đường dây thần kinh với nướu nên bị kích thích), hoặc sốt nhẹ.

Thời điểm mọc răng bình thường ở trẻ nhỏ (Ảnh: Internet).
Thời điểm mọc răng bình thường ở trẻ nhỏ (Ảnh: Internet).

Chậm mọc răng là như thế nào?

Nếu răng của trẻ không mọc đúng thời điểm, trễ hơn nhiều so với độ tuổi dự kiến thì được coi là chậm mọc răng. Khi đó trẻ cũng chậm biểu hiện các triệu chứng mọc răng như đã nêu trên.

Có nên lo lắng khi trẻ bị chậm mọc răng?

Theo Hiệp hội Nha khoa Úc, có những bé bắt đầu mọc răng lúc mới 4 tháng tuổi, trong khi một số bé khác có thể mọc răng muộn lúc 10 tháng tuổi. Đa số các trường hợp không cần lo lắng nếu bé bị chậm mọc răng.

Quá trình phát triển của mỗi bé diễn ra khác nhau và đạt đến các mốc phát triển ở độ tuổi khác nhau, quá trình mọc răng cũng vậy. Em bé có thể mọc răng ở bất kỳ thời điểm nào trong khoảng tuổi bình thường, do đó cha mẹ nên đợi đến cuối khoảng thời gian đó trước khi cho rằng trẻ bị chậm mọc răng.

Mỗi bé có thời gian mọc răng khác nhau (Ảnh: Internet).
Mỗi bé có thời gian mọc răng khác nhau (Ảnh: Internet).

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp ​​bác sĩ vì chậm mọc răng?

Nếu những chiếc răng đầu tiên của trẻ (răng cửa hàm dưới) không xuất hiện khi đã được 12 tháng tuổi thì hãy đến gặp nha sĩ nhi khoa. Đôi khi trẻ có thể bị chậm mọc răng mà không có lý do rõ ràng và cũng không đáng lo ngại, tuy nhiên một số trường hợp chậm mọc răng là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các mốc phát triển khác của trẻ như biết lật biết đứng có thể không liên quan đến quá trình mọc răng, do vậy đừng đợi đến khi xuất hiện các mốc đó rồi mới đưa trẻ đến nha sĩ.

Nguyên nhân làm trẻ chậm mọc răng là gì?

Nhiều vấn đề khác nhau có thể gây ra tình trạng này, trong đó có những bệnh lý cần điều trị dứt điểm để trẻ có thể bắt đầu mọc răng.

1. Di truyền từ cha mẹ

Nếu cha hoặc mẹ từng bị chậm mọc răng khi còn nhỏ thì con cái cũng có thể gặp vấn đề tương tự.

2. Thiếu dinh dưỡng

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ nhẹ cân hoặc tình trạng dinh dưỡng kém có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng. Dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự hình thành răng trong giai đoạn trước khi mọc, thiếu hụt canxi và các vitamin A, B, C, D đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình mọc răng của trẻ.

3. Rối loạn tuyến giáp

Trẻ mắc các vấn đề về tuyến giáp, đặc biệt là suy giáp, có thể bị chậm mọc răng. Nếu trẻ đã mọc răng rồi thì cũng có thể xảy ra vấn đề khác như thiểu sản men răng, cắn hở hoặc lệch khớp cắn.

4. Bệnh xơ hóa

Bệnh này có đặc trưng là nướu phát triển quá dày làm cản trở răng mọc lên, do đó có thể gây chậm mọc răng ở trẻ.

5. Các vấn đề về hormone

Hormone tăng trưởng do tuyến yên tiết ra có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của toàn cơ thể nói chung, trong đó có các cấu trúc trên khuôn mặt và cả quá trình mọc răng.

Tuyến yên trong não tiết hormone tăng trưởng (Ảnh: Internet).
Tuyến yên trong não tiết hormone tăng trưởng (Ảnh: Internet).

Suy tuyến yên là một trong những nguyên nhân có thể làm cho tuyến yên giảm tiết hormone tăng trưởng, dẫn đến chậm mọc răng và nhiều vấn đề khác.

6. Các bệnh toàn thân và tác dụng phụ của thuốc

Nhiều bệnh toàn thân như thiếu máu do thiếu sắt và thiếu máu hồng cầu hình liềm có thể làm chậm quá trình mọc răng. Một số loại thuốc khi dùng lâu dài cũng có thể gây tác dụng phụ cản trở mọc răng.

7. Chấn thương

Bất kỳ chấn thương nào xảy ra ở xương hàm đều có thể ảnh hưởng đến mầm răng và làm răng chậm mọc. Ngoài ra chấn thương cũng có thể dẫn đến xơ hóa là nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng.

8. Răng mọc lệch, mọc ngầm

Hiện tượng này thường xảy ra với răng khôn ở thanh thiếu niên và người trưởng thành, nhưng thực tế răng sữa cũng có thể bị mọc lệch mọc ngầm giống như răng vĩnh viễn. Tình trạng này làm cho răng có thể không mọc lên được và bị kẹt lại trong hàm hoặc nướu, có thể gây các triệu chứng khác như nướu bị sưng đỏ và đau.

Không phải chỉ có răng khôn mới mọc ngầm (Ảnh: Internet).
Không phải chỉ có răng khôn mới mọc ngầm (Ảnh: Internet).

9. Các bệnh bẩm sinh

Các bệnh di truyền bẩm sinh như tạo men răng bất toàn và tạo ngà răng bất toàn có thể ảnh hưởng đến răng và nướu của trẻ, dễ dẫn đến chậm mọc răng. Ngoài ra trẻ sinh non cũng có thể bị chậm mọc răng.

Một số rối loạn di truyền có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cơ xương, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình mọc răng, chẳng hạn như hội chứng Down, hội chứng Turner, hội chứng Gardner, hội chứng Hutchinson-Gilbert (Progeria) và hội chứng Bloch – Sulzberger. Trẻ mắc các hội chứng này cũng có thể biểu hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Chậm mọc răng có gây biến chứng gì không?

Các biến chứng cụ thể tùy thuộc vào nguyên nhân gây chậm mọc răng, nếu không rõ nguyên nhân hoặc lành tính thì có thể không gây biến chứng.

Biến dạng xương hàm và mặt

Răng mọc không đúng cách có thể ảnh hưởng đến hàm mặt (Ảnh: Internet).
Răng mọc không đúng cách có thể ảnh hưởng đến hàm mặt (Ảnh: Internet).

Chậm mọc răng sữa cũng kéo theo chậm mọc răng vĩnh viễn, điều này dẫn đến lệch hàm và các vấn đề về lâu dài như khuôn mặt không cân xứng. Biến chứng này thường xuất hiện ở những trẻ chậm mọc răng do nguyên nhân nghiêm trọng như các bệnh di truyền.

Chậm nhai thức ăn

Chậm mọc răng sữa làm cho trẻ không nhai được thức ăn đặc, trong khi cơ thể đã bước vào độ tuổi cần được bổ sung dinh dưỡng đa dạng từ chế độ ăn, do đó trẻ dễ mắc các vấn đề nghiêm trọng như suy dinh dưỡng.

Hình thành u nang

Răng mọc lệch, mọc ngầm hoặc bị kẹt dưới nướu làm tăng nguy cơ hình thành u nang xung quanh nó, gây đau dữ dội và có thể cần can thiệp phẫu thuật.

Ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn

Răng sữa ảnh hưởng rất nhiều đến răng vĩnh viễn sau này (Ảnh: Internet).
Răng sữa ảnh hưởng rất nhiều đến răng vĩnh viễn sau này (Ảnh: Internet).

Răng sữa đóng vai trò giữ chỗ cho răng vĩnh viễn, do đó bất kỳ vấn đề nào xảy ra với nó cũng có thể ảnh hưởng đến bộ răng khi trưởng thành. Chậm mọc răng sữa có thể cản trở quá trình mọc răng vĩnh viễn, làm chúng bị mọc lệch, mọc ngầm hoặc sắp xếp không thẳng hàng sau khi đã mọc lên.

Tổng kết

Chiếc răng đầu tiên của trẻ mọc lên là một cột mốc đáng mừng, mặc dù trẻ có thể gặp phải các triệu chứng khó chịu khi mọc răng. Hầu hết trẻ nhỏ sẽ mọc chiếc răng đầu tiên ở khoảng 10 tháng tuổi, nếu đã bước qua sinh nhật đầu tiên mà vẫn chưa có thì hãy đến gặp nha sĩ nhi khoa để được thăm khám và điều trị.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!

Xem thêm

Tại sao bạn buồn ngủ vào buổi chiều? Những điều cần biết về "afternoon slump"

Làm việc ban ngày thật sảng khoái và tràn đầy ý tưởng, nhưng cứ đến khoảng trưa chiều thì năng lượng của bạn lại biến mất đâu thế nhỉ? Đọc tiếp bài viết để tìm hiểu xem nguyên nhân bạn thường uể oải, buồn ngủ buổi chiều và làm thế nào khắc phục tình trạng này nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận