Cuộc sống đằng sau cánh cửa hôn nhân thì không ai giống ai, người bên ngoài lại càng không hiểu được. Câu chuyện của cô bạn tôi không đại diện cho tất cả những cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cô ấy chia sẻ với tôi, tôi chia sẻ với các bạn, chỉ để nhắc nhau điều rất quan trọng, hãy luôn để mình có đủ tình yêu.
“Bắt đầu một cuộc hôn nhân hay kết thúc một cuộc hôn nhân, điều gì sẽ khó khăn hơn nhỉ?”
Câu hỏi đó cứ vẩn vơ trong tôi sau buổi gặp người bạn học cùng đại học năm xưa. Chúng tôi đã 7 năm không gặp. Chính xác, lần trước chúng tôi gặp nhau trong ngày cưới của cô ấy. Và hôm qua là ngày cô ấy hoàn tất mọi thủ tục để kết thúc cuộc hôn nhân đó.
“Tôi ly dị rồi. Bé con sống ở nhà nội.”
Trong cuộc sống bây giờ, hai từ “ly dị” không còn là điều gì quá khủng khiếp. Nhưng đằng sau câu chuyện của bạn tôi, mọi thứ không đơn giản và ngắn gọn như câu thông báo nhẹ tênh kia.
Bắt đầu bằng câu hỏi, tại sao cô ấy không giành quyền nuôi con?
Bạn biết không, chính những năm tháng khi ta “trẻ con không biết gì” lại là nền tảng quyết định “tôi là ai” khi trưởng thành. Không chỉ ở thể chất, phần nhiều nó ảnh hưởng đến tinh thần, cảm xúc, thế giới quan. “Yêu bản thân trước khi yêu người khác”, câu châm ngôn này không bao giờ là cũ.
Nhưng để biết yêu bản thân cũng là một quá trình cần được khơi dậy, uốn nén, nuôi dưỡng, giáo dục từ nhỏ. Nếu trong quãng thời gian thơ ấu, dậy thì, chúng ta được nhận yêu thương và học cách yêu thương đúng cách, khi lớn lên ta sẽ không dễ dàng bị người khác “bắt nạt cảm xúc”.
”Bắt nạt cảm xúc” là điều bạn tôi phải chịu đựng trong cuộc hôn nhân của mình. Bạn được trưởng thành trong một gia đình ấm êm, hoà thuận, được chứng kiến bố mẹ cư xử tôn trọng, bình đẳng thì khi bước vào một mối quan hệ yêu đương bạn sẽ biết mình nên được đối xử thế nào. Đó không phải là “đòi hỏi”, đó là nhu cầu tất yếu cần có.
Ngược lại, cô bạn tôi lớn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt về tinh thần. Cha mẹ không còn yêu thương, tôn trọng nhau nhưng vì sợ “xã hội” nên họ chọn chịu đựng nhau. Và cô bạn tôi phải chịu đựng cả hai người họ. Môi trường độc hại đó đã xây nên trong đầu bạn tôi ý nghĩ muốn thoát khỏi gia đình mình càng sớm càng tốt. Cuộc hôn nhân của cô ấy được xây dựng nên, phần nhiều vì lý do này.
Bố mẹ cô quan tâm đến rất nhiều thứ, chỉ trừ cảm xúc của con gái họ, vậy nên họ cũng không dang tay đón cô trở về khi cô mất đi gia đình nhỏ của mình. Đối với cô, để con mình sống trong tình yêu thương đủ đầy từ gia đình nhà nội sẽ khiến bé không phải chịu đựng và lớn lên theo cách cô đã trưởng thành.
Những người thiếu thốn tình yêu thương, thiếu sự trải nghiệm yêu thương đúng cách sẽ rất dễ rung động bởi những cử chỉ quan tâm, săn đón của người khác, càng dễ dàng thoả hiệp, chấp nhận, thiếu đi sự tỉnh táo dứt khoát với những mối quan hệ “độc hại”. Có thể ví von bằng câu “người vừa chỉ trao ánh mắt, ta đã vội vã trao cả con tim”.
Mà khi đã trao đi con tim, ta càng không dám từ bỏ bến neo đậu đó. Tệ hơn nữa, chính là “mình chỉ xứng đáng được như vậy”, “được thế này là tốt lắm rồi”. Bạn tôi đã làm vợ, làm dâu với suy nghĩ đó suốt 7 năm.
Khi bản thân cảm nhận được mình đã có đủ tình yêu, ta mới có thể biết “thương” người khác.
Cuộc sống đằng sau cánh cửa hôn nhân thì không ai giống ai, người bên ngoài lại càng không hiểu được. Câu chuyện của cô bạn tôi không đại diện cho tất cả những cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cô ấy chia sẻ với tôi, tôi chia sẻ với các bạn, chỉ để nhắc nhau điều rất quan trọng, nhưng lại rất dễ quên đi khi ta yêu ai đó, đó là yêu chính bản thân mình.
“Yêu bản thân” không có nghĩa là ích kỷ. Khi chúng ta yêu bản thân cũng là lúc chúng ta nhìn ra điều gì sẽ khiến cuộc sống xung quanh mình tốt đẹp hơn. Ví như những cuộc hôn nhân đã mục rỗng từ bên trong nhưng vẫn không buông tay mà tiếp tục chịu đựng nhau, vậy thì sự lựa chọn “ở lại” mới chính là điều ích kỷ nhất.
Trong những bộ phim nước ngoài, chúng ta luôn thấy họ rất thoải mái nói những lời yêu với vợ, chồng, cha mẹ, con cái, thậm chí là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm. Đơn giản là một nụ hôn kèm câu “I love you” trước khi rời khỏi nhà, một nụ hôn lên trán hay thơm má trước khi nói “chúc ngủ ngon”.
Những thói quen đó được hình thành ngay từ khi trẻ em biết nói, biết nhận thức. Và đó là một cách giáo dục rất đáng để học hỏi. Trẻ em nhận được tình yêu thương thì cũng sẽ biết cho đi tình yêu thương. Đó chẳng phải là cốt lõi gắn kết mọi mối quan hệ trong cuộc đời chúng ta hay sao?
Vậy nên các cô gái ơi, dù cô đang độc thân hay “in relationship”, cô thử tự hỏi bản thân xem cô đã yêu bản thân đủ chưa? Những sự quan tâm, tình yêu thương bạn nhận được đừng bao giờ nên ít hơn cách bạn tự yêu bản thân mình nhé!
Bạn có đồng ý với tôi không?
Mời bạn đọc thêm những bài viết liên quan:
- Đừng quá khắt khe với bản thân, cứ thoải mái và đời sẽ nhẹ nhàng hơn
- Bạn sẽ vẽ bức tranh nào cho tuổi thơ của con mình sau này?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để có những phút giây thư giãn thoải mái bạn nhé!