Bên cạnh sự hào nhoáng do những bộ phim truyền hình vẽ lên, Hàn Quốc đã và đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải. Một trong số đó chính là khoảng cách giàu nghèo gia tăng trong xã hội. Trong bài viết này, BlogAnChoi sẽ giới thiệu đến bạn khái niệm về thìa đất, thìa vàng, thìa bạc tại Hàn Quốc.
Thìa đất thìa vàng thìa bạc tại Hàn Quốc là gì?
Thìa đất, thìa vàng và thìa bạc là những khái niệm xuất phát trên mạng xã hội tại xứ sở Kim Chi. Thìa vàng là những cá nhân có lượng tài sản tương đương 2 tỉ Won (khoảng 40 tỉ VNĐ) hoặc thu nhập hàng năm rơi vào khoảng 200 triệu Won (khoảng 4 tỉ VNĐ). Không chỉ có tiềm lực tài chính khủng, đa số “cậu ấm cô chiêu” thuộc tầng lớp ưu tú này sẽ được hưởng nhiều đặc quyền do các mối quan hệ mà cha mẹ họ có được.
Vào năm 2019, ông Cho-kuk, nguyên bộ trưởng Tư Pháp nước này đã bị tố giác hành vi lợi dụng quyền lực cá nhân để giúp con gái mình nắm được suất trong trường đại học danh giá. Vụ ồn ào này đã cắt đứt sự nghiệp chính trị của ông, đồng thời xác thực phần nào những khái niệm trên ở ngoài đời thực.
Dưới đáy của xã hội, đó chính là tầng lớp thìa đất. Khái niệm này ám chỉ những cá nhân không có sự hậu thuẫn của gia đình về mặt tài chính hay các mối quan hệ. Tài sản ước tính của nhóm đối tượng này thường chỉ rơi vào khoảng 50 triệu Won đổ lại (dưới 1 tỉ VNĐ) hoặc thu nhập hàng năm dao động trong khoảng 20 triệu Won (400 triệu VNĐ) đổ lại. Đây là tầng lớp khá phổ biến và trớ trêu thay, họ đang càng ngày phải chịu đựng những áp lực vô hình để tồn tại trong một xã hội Hàn Quốc hào nhoáng, lộng lẫy.
Vì sao thìa đất thìa vàng thìa bạc lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội Hàn Quốc đương thời?
Chủ nghĩa thân hữu và sự độc quyền của Chaebol
Trong quá khứ, các tập đoàn chaebol (gia đình trị) để có được vị thế hùng mạnh như ngày nay đã phải bắt tay với chính phủ lúc bấy giờ để giành được nguồn vốn, tài nguyên cũng như các chính sách ưu đãi. Do đó, có thể nói rằng các tập đoàn chaebol và chính phủ Hàn Quốc là một mối quan hệ không thể tách rời, đôi bên cùng có lợi.
Tuy vậy, cái gì cũng có hai mặt. Nói về Samsung, người Hàn Quốc thường nói đùa rằng họ không thể thoát khỏi doanh nghiệp này trong suốt cuộc đời của mình: người Hàn có thể chào đời tại bệnh viện Samsung, liên lạc và làm việc qua các thiết bị điện tử của hãng, mua bảo hiểm của Samsung. Nếu bạn muốn đỗ đại học Sungkyunkwan, một trong những đại học danh giá nhất Hàn Quốc, bạn nên nhớ rằng trường đại học trên cũng trực thuộc tập đoàn Samsung.
Việc dồn nguồn lực quốc gia cho những Samsung, LG, Huyndai… đã giúp Hàn Quốc có những tập đoàn vô cùng lớn mạnh, có sức ảnh hưởng toàn cầu. Tuy vậy, mặt trái của chính sách này đang dần dần lộ rõ. Theo nhiều báo cáo và số liệu, Hàn Quốc là một trong những quốc gia “tồi tệ” để có thể khởi nghiệp. Bên cạnh đó, những vị trí làm việc tại các tập đoàn chaebol luôn là niềm ước ao của mọi thanh niên, từ đó gia tăng tỉ lệ cạnh tranh cho những vị trí, ngành học HOT.
Và cho tới lúc này, những người thuộc tầng lớp thìa đất tại Hàn Quốc đang dần cảm thấy được sức nặng của việc sinh tồn.
Mục tiêu về ổn định đã thay đổi, dẫn đến các hệ luỵ tai hại khác
Tại những nước châu Á, sở hữu một căn nhà là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn là người có tiềm lực tốt về tài chính, qua đó có thể sẵn sàng để bắt đầu một cuộc hôn nhân. Tuy vậy giá nhà tại Hàn Quốc đang tăng phi mã, bất chấp nỗ lực từ các nhà làm luật nhằm ổn định thị trường. Giá bình quân cho một căn hộ chung cư tại Hàn Quốc đang dao động ở mức 1 tỉ Won (Khoảng 19 tỉ VNĐ). Điều này đã ngăn cản đại đa số dân chúng có thể sở hữu một căn hộ cho riêng mình.
Giá nhà ở tăng phi mã đã khiến nhiều người chuyển tài sản của mình qua các lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng. Hàn Quốc hiện có số nợ tiêu dùng khá lớn, vượt qua GDP của cả nước. Tiêu trước trả sau hay dùng thẻ tín dụng một cách tràn lan đã khiến những người đã nghèo nay lại bị cuốn vào vòng xoáy không lối thoát.
Bạn tự nhận thấy mình là thìa đất, thìa vàng, thìa đồng hay thìa bạc? Hãy cho BlogAnChoi biết ý kiến nhé!
Đọc thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi: