Nước muối sinh lý là một sản phẩm được sử dụng rất nhiều hiện nay vào đa dạng các trường hợp và mục đích. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng nước muối sinh lý sao cho đúng và hiệu quả nhất. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu những kiến thức cơ bản cần thiết khi sử dụng nước muối sinh lý nhé!

Nước muối sinh lý hiện nay được sử dụng dưới 2 dạng thường thấy:

  • Dạng 1: Dịch truyền
  • Dạng 2: Nước muối sinh lý được bào chế làm thuốc dùng ngoài. Trên thị trường hiện nay, nước muối sinh lý dùng ngoài (tức dung dịch NaCl 0,9%) có nhiều dạng chế phẩm như thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, dùng để rửa vết thương, dùng để xúc miệng.

Tưởng chừng đơn giản, nhưng khi sử dụng, cũng phải lưu ý để vừa dùng đúng công dụng, vừa tiết kiệm, vừa tránh hậu quả đáng tiếc!

nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý được sử dụng rất thường xuyên trong lĩnh vực y khoa (Nguồn: Internet).

Nước muối sinh lý là gì ?

Nước muối sinh lý là dung dịch natri clorid 0,9% (NaCl 0,9%). Trong dung dịch nước muối này có chứa nồng độ 0,9%  NaCl (tức là 1 lít dung dịch nước tinh khiết có chứa 9g muối ăn) tương đương với nồng độ của dịch cơ thể con người gồm máu, nước mắt… trong tình trạng hoạt động sinh lý bình thường nên được gọi là nước muối sinh lý).

Lưu ý mặc dù là thuốc dùng ngoài, nước muối sinh lý được bào chế tại các công ty dược phẩm phải bảo đảm các điều kiện sản xuất thuốc, trong đó có vô trùng và phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp số đăng ký (số này được in trên vỏ hộp và bạn cần kiểm tra kỹ trước khi sử dụng) nếu sản xuất trong nước và lưu hành trên thị trường.

Tác dụng của nước muối sinh lý

Nước muối sinh lý mang lại khá nhiều lợi ích trong nhiều trường hợp, nhưng không phải là thuốc chữa bệnh và an toàn cho mọi lứa tuổi, kể cả phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tác dụng phổ biến nhất của nước muối sinh lý là việc rửa mắt, tai, mũi, họng và vòm miệng.

1. Dùng nước muối sinh lý rửa mắt

Khi được dùng cho mắt: nếu bạn phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, làm việc với chiếc máy tính hàng giờ, xem tivi nhiều hay đơn giản là chạy xe ngoài đường, các phân tử bụi cũng có thể bám vào đôi mắt của bạn khiến chúng ngứa ngáy, khó chịu. Lời khuyên là hãy dùng nước muối sinh lý hàng ngày, sáng và tối để nhỏ mắt. Việc này sẽ làm trôi các bụi bẩn, mầm bệnh, ngăn ngừa lây lan bệnh đau mắt đỏ… Tuy đơn giản nhưng tác dụng của nước muối sinh lý trong trường hợp này là làm cho mắt bạn luôn sạch sẽ và sẽ đỡ bị khô, rát. Một lưu ý khi dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, bạn nên chọn loại nước muối dành riêng cho mắt, có  biểu tượng con mắt trên nhãn chai nước muối chứ không nên dùng nước muối sinh lý súc miệng để rửa.

nước muối rửa mắt
Nước muối rửa mắt (Nguồn: Internet).

2. Dùng nước muối sinh lý nhỏ tai

Khi nhỏ vào tai: khi nhỏ 1- 2 giọt nước muối sinh lý trước khi ngoáy tai, ráy tai sẽ được làm mềm do đó dễ làm sạch hơn, giảm cảm giác ngứa ngáy, bít tắc lỗ tai do ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Nếu tai không quá bẩn và ngứa, bạn có thể thực hiện việc vệ sinh tai 3 lần/ tuần. Việc này có tác dụng làm sạch tai vô cùng hữu hiệu, có thể giúp tai bạn đỡ bị ù giảm thính lực.

3. Nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, họng

Khi dùng cho mũi và họng: môi trường ngày càng ô nhiễm do đó các căn bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng ngày càng phổ biến hơn. Các triệu chứng xổ mũi, chảy nước mũi, ho khan, ho có đờm,… khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Nhiều người đã chọn giải pháp sử dụng nước muối sinh lý 2 lần sáng và tối để làm sạch mũi, họng, làm thông thoáng hệ thống hô hấp của mình. Do ở dạng dung dịch, nồng độ tương đương với dịch cơ thể, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng sẽ hoàn toàn không gây kích ứng gì. Thêm vào đó, tác dụng của nước muối sinh lý lúc này là làm sạch lớp vảy cứng trong niêm mạc mũi, rửa trôi dịch nhầy trong mũi và họng cũng như các loại bụi bẩn, phấn hoa khác bám vào.

Dùng để súc miệng: dùng nước muối sinh lý súc miệng sẽ có tác dụng vệ sinh răng miệng, vòm họng, hạn chế sự sinh sôi của các vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng khi có dấu hiệu nghẹt mũi, có dịch nhầy trong mũi, trong khoang miệng, không nên sử dụng khi sức khỏe bình thường. Tìm mua nước muối sinh lý để nhỏ mắt, mũi, tai tại đây.

nước muối rửa mũi
Nước muối rửa mũi (Nguồn: Internet).

4. Tác dụng của nước muối sinh lý đối với da mụn

Rửa mặt bằng nước muối sinh lý là một phương pháp trị mụn cực kỳ đơn giản, có thể thực hiện tại nhà do khả năng kiềm dầu và tẩy tế bào chết của nó. Dầu nhờn là nguyên nhân hàng đầu gây ra mụn. Khi dùng nước muối sinh lý để rửa mặt, bụi bẩn, bã nhờn sẽ được làm sạch. Một làn da sạch sẽ, lỗ chân lông thông thoáng sẽ không còn chỗ cho mụn phát triển.

Cách vô cùng đơn giản khi tẩy tế bào da chết bằng nước muối sinh lý là sử dụng  nước muối sinh lý trong khi tắm, mát xa nhẹ nhàng lên vùng cơ thể cần tẩy tế bào da chết. Thành phần muối trong dung dịch sẽ kích thích máu lưu thông, giúp da bạn trở nên tươi sáng và mịn màng hơn.

Tuy nhiên, chúng ta không nên tự pha nước muối bằng muối ăn ở nhà để rửa mặt vì nồng độ sẽ không chính xác và có thể có iốt – chất được cho là sẽ làm da tiết dầu nhiều hơn. Thay vào đó, bạn nên mua chai nước muối sinh lý ngoài hiệu thuốc để chăm sóc làn da của mình nhé!

5. Làm sạch vết thương là một tác dụng của nước muối sinh lý

Làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý là bước đầu tiên bạn nên nghĩ đến khi chẳng may bị chảy máu, bị thương. Nước muối sinh lý có nồng độ muối thấp, vô khuẩn, ít gây xót như một số dung dịch sát khuẩn khác. Dùng nước muối sinh lý dội lên vết thương hở để rửa sạch vết máu, bụi bẩn,… sau đó thực hiện các bước sơ cứu tiếp theo.

6. Sử dụng làm dịch tiêm truyền

Yêu cầu dịch tiêm truyền vào cơ thể rất khắt khe. Do đó, không phải loại nước muối sinh lý nào cũng được dùng để tiêm truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, khi sử dụng nước muối sinh lý để tiêm truyền cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

nước muối dùng làm dịch truyền
Nước muối được dùng làm dịch truyền khi cần thiết (Nguồn: Internet).

Những lưu ý khi sử dụng nước muối sinh lý

  • Dùng nước muối sinh lý đạt tiêu chuẩn, rõ nguồn gốc: Bất cứ một sản phẩm gì khi sử dụng đểu cần truy rõ nguồn gốc và chất lượng để tránh những tác hại trong quá trình sử dụng.
  • Khi bị thương nước muối sinh lý chỉ có tác dụng làm sạch vết thương không phải diệt khuẩn.
  • Khi rửa vết thương là nhằm làm sạch vết thương, loại bỏ vết máu, chất bẩn hay vi khuẩn, chứ nước muối không thôi không thể sát khuẩn. Nếu muốn sát khuẩn, bác sĩ sẽ cho dùng dung dịch sát khuẩn kèm theo. Đôi khi, vết thương nhẹ không cần dùng thêm chất sát khuẩn. Nhờ sức đề kháng của cơ thể, vết thương sau khi được rửa sạch cũng có thể tự khỏi.
  • Không dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhỏ tai để rửa vết thương và ngược lại

Thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% có vẽ hình “con mắt” trên bao bì của thuốc. Yêu cầu của thuốc nhỏ mắt cần khắt khe hơn những loại nước muối sinh lý dùng để súc miệng hoặc rửa vết thương về độ vô khuẩn phải tuyệt đối vô khuẩn và đẳng trương giống như thuốc tiêm. Nếu dùng thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% để rửa vết thương thì gây lãng phí, còn nếu dùng nước muối sinh lý rửa vết thương để nhỏ mắt thì không đảm bảo yêu cầu của thuốc nhỏ mắt. Do đó, hãy bỏ túi những lưu ý này để vừa tiết kiệm, vừa tránh hậu quả đáng tiếc nhé!

 

Một số bài viết liên quan cùng chuyên mục bạn có thể tham khảo:

Đừng quên tiếp tục theo dõi chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích bạn nhé!

Xem thêm

5 thói quen chúng ta cần loại bỏ ngay lập tức khi đi tiểu

Tất cả chúng ta luôn nghĩ rằng đi vệ sinh có vẻ là một việc làm rất đơn giản. Đó là một điều gì đó tự nhiên đến mức chúng ta thậm chí còn không cần phải suy nghĩ về chúng. Nhưng có những sai lầm trong khi làm việc này mà khi chúng ta mắc phải lại có ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận