Tháp nghiêng Pisa là một trong những địa điểm du lịch tuyệt vời nhất thế giới với khoảng 5 triệu người ghé thăm hàng năm. Thế nhưng, biểu tượng văn hóa có tuổi đời hàng thế kỷ này còn có nhiều bí mật ấn tượng hơn ẩn giấu sau lưng. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu 14 sự thật thú vị về tháp nghiêng Pisa (Italia) nào.

1. Phải mất hai thế kỷ để xây dựng tháp Pisa.

Galileo
Quá trình xây dựng tháp Pisa bị ngắt quãng nhiều lần (Ảnh: Internet)

Việc xây dựng tháp chuông đi kèm với nhà thờ công cộng ở thành phố ven sông Pisa của Ý được khởi công vào tháng 8 năm 1173. Đến năm 1178, các công nhân đã xây lên đến tầng thứ ba của công trình và lúc này tòa tháp đã hơi nghiêng về phía bắc.

Xung đột quân sự với các quốc gia khác (lúc đó Italia chưa thống nhất) đã làm chậm tiến độ xây dựng tòa tháp và công trình bị bỏ dở cho đến tận năm 1272. Lần này, tòa tháp cũng chỉ được xây trong 12 năm trước khi một cuộc chiến khác lại khiến mọi công việc phải dừng lại. Lần xây dựng cuối cùng lại diễn ra vào đầu thế kỷ 14, kết thúc bằng việc lắp đặt buồng chuông vào năm 1372.

2. Tòa tháp nghiêng vì kế hoạch xây dựng thiếu chỉn chu

Trong khi một số kiến ​​trúc có vẻ ngoài điên rồ là sản phẩm của những sự xui xẻo không lường trước được thì độ nghiêng đặc trưng của tháp nghiêng Pisa có thể tránh được nếu được quy hoạch tốt hơn ngay từ đầu.

Phần móng đào nông và nền đất yếu của Pisa – bao gồm cát, đất sét và trầm tích từ các sông Tuscan Arno và Serchio – quá thiếu ổn định để có thể giữ vững tòa nhà ngay từ giai đoạn đầu xây dựng. Điều đáng ngạc nhiên là những người thợ xây đã sớm nhận ra lỗi này, sau khi xây thêm tầng thứ ba cho tòa tháp, mặt đất bắt đầu sụt lún, gây ra hiện tượng nghiêng đã trở thành điểm đặc trưng của tháp Pisa.

3. Hướng nghiêng của tháp thay đổi

Khi việc xây dựng được tiếp tục vào năm 1272, những sửa chữa bổ sung không thực sự giúp ích gì cho cấu trúc tổng thể của tòa tháp. Việc xếp chồng các tầng bổ sung lên trên ba tầng hiện có đã xô đẩy trọng tâm của tòa nhà, gây ra sự đảo ngược hướng nghiêng. Vậy nên khi tòa tháp xây dựng tới tầng thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy, cấu trúc tháp từng nghiêng về phía bắc bắt đầu nghiêng ngày càng hướng về phía nam.

4. Galileo không thả đạn ca nông từ đỉnh tháp nghiêng Pisa

Galileo
Nhà khoa học nổi tiếng Galileo (Ảnh: Internet)

Một trong những thành tựu nổi tiếng nhất của nhà vật lý thời Phục Hưng Galileo Galilei là việc phát hiện ra rằng tác dụng của trọng lực lên một vật là như nhau bất kể khối lượng của vật đó. Thí nghiệm nổi tiếng chứng minh luận điểm này của ông được thực hiện trên đỉnh tháp nghiêng Pisa, nơi ông được cho là đã thả hai quả đạn ca nông có khối lượng khác nhau xuống vào năm 1589. Tiểu sử của ông – do đệ tử Vincenzo Viviani viết – vẫn là khẳng định rằng có một thí nghiệm như vậy đã diễn ra.

Các học giả hiện đại như Paolo Palmieri và James Robert Brown lập luận rằng thí nghiệm tháp nghiêng Pisa chỉ tồn tại dưới dạng tưởng tượng của Galileo và chưa bao giờ được thực hiện nhưng Viviani đã thổi phồng nó lên để đánh bóng khám phá vĩ đại của Galileo.

5. Mussolini đã cố gắng sửa chữa tòa tháp nhưng ông chỉ làm cho nó tệ hơn

Nhà độc tài Mussolini (Ảnh: Internet)
Nhà độc tài Mussolini (Ảnh: Internet)

Năm 1934, nhà độc tài người Ý Benito Mussolini tuyên bố tòa tháp này là vết nhơ cho danh tiếng của đất nước và đã chi tiền để “chỉnh thẳng” nó.

Người của Mussolini đã khoan hàng trăm lỗ vào nền tháp và bơm hàng tấn vữa vào trong để điều chỉnh độ nghiêng của nó. Đáng buồn là lớp xi măng nặng đã khiến chân tháp lún sâu hơn vào đất, khiến độ nghiêng của tháp Pisa càng trầm trọng hơn.

6. Tòa tháp được sử dụng làm căn cứ quân sự trong Thế chiến thứ hai.

Mặc dù hình dáng đặc biệt của tòa tháp dường như khiến nó trở thành mục tiêu dễ bị tấn công, nhưng quân đội Đức cảm thấy đây là điểm quan sát hàng đầu vì tòa tháp cao cung cấp khả năng giám sát tối ưu trên địa hình bằng phẳng xung quanh.

7. Quân Mỹ quyết không phá hủy tháp

Khi Quân đội Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ phá hủy tất cả các tòa nhà và tài nguyên của kẻ thù vào năm 1944, những người lính đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp mang tính biểu tượng của tòa tháp đến nỗi họ không thể bắn phá nó được. Cuối cùng, họ rút lui dưới hỏa lực của kẻ thù, để lại tòa tháp xinh đẹp nguyên vẹn.

8. Độ nghiêng của tòa tháp ngày càng nghiêm trọng hơn

Thành phố Pisa (Ảnh: Internet)
Thành phố Pisa (Ảnh: Internet)

Theo thời gian, nền đất càng yếu đi dưới sức nặng của tòa tháp. Độ nghiêng của tháp – ban đầu là 0.2 độ – đã tăng dần trong các thế kỷ tiếp theo và đạt tới mức 5.5 độ (phần đỉnh tháp cách đáy khoảng gần 5m về phía nam) – vào năm 1990.

Trong thập kỷ tiếp theo, một nhóm kỹ sư đã san bằng đất bên dưới tháp và sử dụng cơ chế neo đậu để nỗ lực khắc phục độ nghiêng của tòa tháp này. Dự án đã mang lại sự an toàn cho Pisa, dù nó không thể ngăn cản việc tòa tháp tiếp tục nghiêng. Đến năm 2008, nỗ lực thứ hai nhằm cân bằng nền móng đã ngăn chặn được tình trạng nghiêng dần của tòa tháp.

Phân tích năm 2022 tiết lộ rằng kể từ năm 2001, độ nghiêng của tháp đã tự điều chỉnh thêm 1.6 độ, lần tự điều chỉnh đầu tiên được phát hiện vào năm 2018.

9. Kỹ sư giám sát dự án cải tạo không phải lúc nào cũng là chuyên gia trong lĩnh vực này

Trên giấy tờ, John Burland không hẳn là ứng cử viên hàng đầu cho một dự án như củng cố tháp nghiêng Pisa. Burland thừa nhận rằng cơ học đất, lĩnh vực kỹ thuật đóng vai trò then chốt trong việc ổn định tòa tháp là môn học tệ nhất của ông trong thời gian học đại học tại Đại học Witwatersrand, Johannesburg.

Vậy nhưng cuối cùng, ông đã vượt qua ác cảm với môn học này để trở thành giáo sư tại Imperial College London (và tất nhiên là cứu tháp nghiêng Pisa khỏi sự sụp đổ hoàn toàn).

10. Tòa tháp vẫn có thể tiếp tục nghiêng

Tour de Pise
Tòa tháp đang khá ổn định, nhưng trong tương lai vẫn có thể tiếp tục nghiêng (Ảnh: Internet)

Ngoại trừ những nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng nghiêng trong tương lai, tòa tháp được dự đoán sẽ vẫn ổn định trong 200 năm tới. Nếu mọi thứ khác không đổi, mặt đất sẽ bắt đầu lún trở lại vào đầu thế kỷ 23, cho phép độ nghiêng của tòa tháp từ từ quay trở lại như cũ (và có thể nghiêm trọng hơn).

11. Tháp nghiêng Pisa chỉ là một trong số nhiều tháp nghiêng ở Pisa

Một số công trình kiến ​​trúc khác ở Pisani cũng gặp phải tình trạng mất ổn định do nền đất yếu của thành phố ven sông. Trong số này có San Nicola – một nhà thờ được xây vào thế kỷ 12, nằm cách tháp nghiêng Pisa khoảng 800m về phía nam – và San Michele degli Scalzi – nhà thờ xuất hiện từ thế kỷ 11 cách cặp đôi này khoảng 3200m về phía đông.

Trong khi San Nicola, có chân đế cắm sâu vào lòng đất, chỉ nghiêng nhẹ thì San Michele degli Scalzi tự hào có độ nghiêng đáng kể – 5 độ!

12. Các tòa tháp khác đã thách thức độ nghiêng nổi tiếng của tháp nghiêng Pisa

Tháp nghiêng Surhuusen (Ảnh: Internet)
Tháp nghiêng Surhuusen (Ảnh: Internet)

Không có tòa nhà nào trên trái đất nổi tiếng với tư thế nghiêng hơn tháp nghiêng Pisa nhưng một số tòa nhà khác đã thách thức độ nghiêng của nó – dù không được nhiều người biết đến bằng.

Vào năm 2009, tháp nghiêng Surhuusen – tháp chuông của Đức được xây dựng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 15 – đã chính thức vượt qua đối thủ Pisani và giữ kỷ lục Guinness là tòa nhà có độ nghiêng lớn nhất thế giới khi nghiêng hơn tháp Pisa khoảng 1.2 độ. Tháp nhà thờ Oberkirche xây từ thế kỷ 14 của thị trấn Bad Frankenhausen và tòa tháp thấp hơn trong hai tòa tháp Bologna cũng đã vượt qua tháp Pisa với độ nghiêng lần lượt là 4.8 độ và 4 độ.

13. Một mái vòm đá ở Nam Cực được đặt theo tên của tòa tháp

Mặc dù được phát hiện bởi đoàn thám hiểm Nam Cực của Pháp nhưng một mái vòm đá đặc biệt khổng lồ ở quần đảo địa chất của lục địa thứ bảy này lại được đặt tên theo tòa tháp của Ý.

Mái vòm đá này dài 27 mét, được ghi chép lại lần đầu tiên trên đảo Rostand vào năm 1951 và có biệt danh là “Tour de Pise” do có vẻ ngoài na ná tháp nghiêng Pisa.

14. Đất có thể bảo vệ tòa tháp khỏi động đất

Đã có bốn trận động đất lớn xảy ra kể từ khi tháp Pisa bắt đầu được xây dựng và nó đã vượt qua tất cả các trận động đất đó. Theo Trung tâm Thông tin Kỹ sư Địa kỹ thuật Quốc tế, các nhà khoa học đã xác định rằng độ cứng của tháp kết hợp với độ mềm của nền móng khiến các đặc tính của rung động địa chấn giảm nhẹ. Hiệu ứng này khiến tòa tháp không cộng hưởng với chuyển động của mặt đất và do đó lực tác động lên các phần tử kết cấu của công trình bị giảm đi.

Bạn có thể đọc thêm:

Xem thêm

8 sự thật thú vị về Frozen - bộ phim hoạt hình đình đám của Disney

Vào tháng 11 năm 2013, bộ phim hoạt hình thứ 53 của Disney - Frozen - đã gây bão trên toàn thế giới và trở thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của hãng. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 8 sự thật thú vị về Frozen nào!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận