Núi Phú Sĩ là địa danh mang tính biểu tượng của Nhật Bản với độ cao 3776 mét. Vẻ đẹp nổi bật của Phú Sĩ đã khiến nó trở thành một trong những ngọn núi nổi tiếng hàng đầu thế giới. Năm 2013, nó đã được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Hôm nay, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu 13 sự thật thú vị về núi Phú Sĩ nhé!

1. Ý nghĩa thực sự của từ Phú Sĩ

Núi Phú Sĩ - biểu tượng của Nhật Bản (Ảnh: Internet)
Núi Phú Sĩ – biểu tượng của Nhật Bản (Ảnh: Internet)

Trong tiếng Nhật, ngọn núi này thường được gọi là Fujisan hoặc Fujiyama – cả san và yama đều có nghĩa là “ngọn núi”. Chữ kanji của núi Phú Sĩ là 富士山, hiện có nghĩa là “của cải” (富) và “người có địa vị” (士). Thế nhưng, cái tên này đã tồn tại hàng ngàn năm và ý nghĩa ban đầu của Phú Sĩ vẫn còn mơ hồ.

Một giả thuyết cho rằng cái tên Phú Sĩ bắt nguồn từ câu chuyện về người chặt tre xuất hiện cuối thế kỷ thứ 9 hoặc đầu thế kỷ thứ 10, nơi một loại thuốc trường sinh bị đốt cháy trên đỉnh núi nên ngọn núi ấy được mọi người gọi là fushi (不死 – “bất tử”). Một giả thuyết khác lại cho rằng từ này có gốc từ từ fuchi – nghĩa là “lửa” – được sử dụng bởi người Ainu bản địa, xuất phát từ tên của nữ thần lửa, Fuuchi-Kamuy.

2. Núi Phú Sĩ là núi lửa đang hoạt động

Đây là một ngọn núi lửa sống (Ảnh: Internet)
Đây là một ngọn núi lửa “sống” (Ảnh: Internet)

Mặc dù núi Phú Sĩ ít có nguy cơ phun trào nhưng nó vẫn được coi là một ngọn núi lửa đang hoạt động.

Lần phun trào cuối cùng của núi Phú Sĩ là hơn 300 năm trước – năm 1707, tuy không có dung nham nhưng 800 triệu mét khối tro bụi đã trút xuống khu vực xung quanh, lan rộng đến tận Edo (Tokyo ngày nay) cách đó khoảng 97km. Nỗi sợ hãi về một vụ phun trào khác vẫn thường nổi lên mỗi khi động đất xảy ra.

Trong những năm gần đây, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã chuẩn bị cho khả năng xảy ra một vụ phun trào thảm khốc mặc dù khó có thể xảy ra vì gần đây không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy núi Phú Sĩ sẽ hoạt động trở lại.

Núi Phú Sĩ là một phần của Vành đai lửa Thái Bình Dương – một chuỗi 452 ngọn núi lửa bao quanh Thái Bình Dương theo hình móng ngựa. 75% núi lửa (cả đang hoạt động và không hoạt động) và khoảng 90% các trận động đất trên toàn thế giới đều xảy ra ở đó. Bản thân núi Phú Sĩ nằm trên ba mảng kiến ​​tạo đang va chạm với nhau bao gồm mảng Amur, mảng Okhotsk và mảng Philippine.

3. Phú Sĩ không phải là một ngọn núi đơn độc mà là ba đỉnh núi xếp chồng lên nhau

Phú Sĩ có tuổi đời cực kì lâu (Ảnh: Internet)
Phú Sĩ có tuổi đời cực kì lâu (Ảnh: Internet)

Truyền thuyết kể rằng Phú Sĩ được tạo ra chỉ sau một đêm bởi một trận động đất vào năm 286 trước Công nguyên nhưng các nhà địa chất học lại nói rằng ngọn núi này có tuổi đời lâu đời hơn thế rất nhiều.

Núi Phú Sĩ được hình thành từ ba đỉnh. Đỉnh đầu tiên tên là Komitake hiện nằm trên sườn phía bắc của Phú Sĩ, bắt đầu hình thành cách đây khoảng 700.000 năm. Thứ hai là Ashitaka, nằm dưới chân phía đông nam của Phú Sĩ, hiện là phần nền của ngọn núi. Ko Fuji (Phú Sĩ Cũ) được chồng lên Komitake vào khoảng 100.000 năm trước, trên đỉnh này là ngọn núi lửa mà chúng ta thấy ngày nay – Shin Fuji (Phú Sĩ Trẻ hay Phú Sĩ Mới) – bắt đầu hình thành cách đây khoảng 11.000 đến 8000 năm.

4. Những người leo núi đo núi Phú Sĩ theo trạm chứ không phải theo mét

Mùa leo núi Phú Sĩ chính thức kéo dài từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9. Quá trình leo núi được chia thành 10 trạm với trạm đầu tiên ở dưới chân núi và trạm thứ mười ở trên đỉnh.

Thông thường sẽ có khoảng 200.000 đến 300.000 người leo núi Phú Sĩ mỗi năm nhưng thời tiết xấu và COVID-19 đã làm con số này giảm đáng kể trong những năm gần đây. Vào năm 2021, chỉ có chưa tới 80.000 người tới chinh phục ngọn núi này.

5. Đỉnh núi Phú Sĩ thuộc sở hữu của tư nhân

Cảnh đẹp núi Phú Sĩ (Ảnh: Internet)
Cảnh đẹp núi Phú Sĩ (Ảnh: Internet)

Phần lớn núi Phú Sĩ là đất công nhưng từ ga thứ tám (độ cao hơn 3000m) trở lên là tài sản riêng thuộc về đền thờ Thần đạo Fujisan Hongū Sengen Taisha. Ieyasu Tokugawa, người sáng lập Mạc phủ Tokugawa, cai trị Nhật Bản từ năm 1603 đến năm 1868 – đã tặng đỉnh Phú Sĩ cho đền thờ này vào năm 1606.

Khi chính phủ Minh Trị lên nắm quyền vào những năm 1860, Phú Sĩ và các đền thờ tư nhân khác đã bị quốc hữu hóa. Năm 1949, các vùng đất này được trả lại, ngoại trừ Phú Sĩ. Đền Sengen đã đệ đơn kiện chính phủ và thắng kiện vào năm 1974. Đỉnh núi lại trở thành tài sản của ngôi đền vào năm 2004. Về mặt kỹ thuật, ngôi đền không thể đăng ký đất đai là tài sản tư nhân vì không xác định được nó thuộc quận nào. Ranh giới chính xác giữa tỉnh Shizuoka và tỉnh Yamanashi không tồn tại trên núi Phú Sĩ.

6. Phú Sĩ là địa điểm tâm linh quan trọng

Đền thờ Okumiya
Đền thờ Okumiya (Ảnh: Internet)

Cùng với núi Tate và núi Haku, núi Phú Sĩ là một trong ba Thánh Sơn của Nhật Bản. Từ thời cổ đại, đây đã là một địa điểm tôn giáo quan trọng trong Thần đạo, Phật giáo và Nho giáo. Trong Thần đạo, kami (“thần”) của Fuji là Asama Ohkami, hiện thân là nữ thần núi lửa Konohana-no-sakuyahime (còn được gọi là công chúa hoa).

Đền thờ Okumiya – một phần của Fujisan Hongū Sengen Taisha – tọa lạc trên đỉnh núi và là ngôi đền cao nhất ở Nhật Bản. Ngoài ra, còn có nhiều đền thờ nằm trên khắp Nhật Bản dành riêng cho núi Phú Sĩ. Một trong những điểm ngắm núi Phú Sĩ nổi tiếng nhất là chùa Chureito, một phần của đền thờ Arakura Sengen, nằm trong khu vực Phú Sĩ Ngũ Hồ .

Vào cuối tháng 8 hàng năm, đền thờ Kitaguchi Hongu Fuji Sengen tổ chức lễ hội Lửa Yoshida với 70 ngọn đuốc rực cháy dọc theo con phố chính của Fujiyoshida dẫn đến chân núi. Tục lệ này có từ hàng trăm năm trước và được cho là có tác dụng xoa dịu cơn thịnh nộ của Fuji và ngăn không cho nó bùng phát.

7. Truớc năm 1872, phụ nữ không được phép leo núi Phú Sĩ

Nhiều địa điểm thờ cúng tôn giáo trên khắp Nhật Bản – bao gồm cả núi Phú Sĩ – đều cấm phụ nữ bước vào cho đến khi chính phủ Nhật Bản thông qua một sắc lệnh vào năm 1872.

Bốn mươi năm trước khi dự luật này được thông qua, Tatsu Takayama đã bỏ qua lệnh cấm và trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử lên tới đỉnh núi Phú Sĩ. Việc cấm phụ nữ tới đây là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận và thậm chí lệnh cấm còn tạm thời được dỡ bỏ vào năm 1860.

Mặc dù chính phủ đã chính thức cấm việc phân biệt giới tính này nhưng vẫn có một số nơi tiếp tục thực thi lệnh cấm, chẳng hạn như núi Omine – nơi một số người tin rằng phụ nữ sẽ khiến các nam Phật tử và các nhà sư Yamabushi phân tâm.

8. Có một bưu điện nhỏ trên đỉnh núi Phú Sĩ

Đối với những người muốn có một món quà lưu niệm để kỷ niệm việc chinh phục núi Phú Sĩ, một bưu điện nhỏ trên đỉnh núi sẽ dán tem bưu thiếp và thư có dấu bưu điện Phú Sĩ đặc biệt. Khoảng 97.000 bức thư đã được gửi đi từ bưu điện này vào năm 2017, tất cả đều được vận chuyển xuống núi bằng một chiếc máy kéo có bánh xích. Một vật kỷ niệm phổ biến khác là chiếc gậy đi bộ bằng gỗ được đóng dấu tại các túp lều nằm dọc theo đường mòn trên núi.

Đối với những người thích kỹ thuật số, đỉnh núi Phú Sĩ cũng có wifi, có nghĩa là những bức ảnh bạn chụp khi lên tới đỉnh núi có thể được tải lên mạng xã hội ngay lập tức.

9. Các phiên bản thu nhỏ của núi Phú Sĩ nằm rải rác khắp Tokyo

Một trong những ngọn núi Phú Sĩ "mini" (Ảnh: Internet)
Một trong những ngọn núi Phú Sĩ “mini” (Ảnh: Internet)

Trong thời kỳ Edo, một tôn giáo tên là Fujiko phát triển và yêu cầu những người theo tôn giáo này phải leo núi Phú Sĩ mỗi năm một lần như một cuộc hành hương tâm linh. Núi Phú Sĩ thu nhỏ – được gọi là Fujizuka – được xây dựng xung quanh Tokyo dành cho những người không thể leo núi vì tuổi tác hoặc bệnh tật (và trước đây là giới tính).

Gần 800 Fujizuka đã được tạo ra nhưng hiện tại chỉ còn lại khoảng 60 chiếc. Chúng có chiều cao từ khoảng 1-15m và được xây dựng giống với ngọn núi thật nhất có thể, thường bao gồm các điểm đánh dấu đại diện cho 10 trạm leo núi.

Đá từ núi Phú Sĩ thường được sử dụng trong các địa điểm này, thậm chí Fujizuka tại đền Mizuinari còn được xây dựng hoàn toàn từ đá núi Phú Sĩ. Họ thường dựng một cánh cổng torii ở lối vào để đánh dấu ranh giới giữa thế giới trần tục và tâm linh.

10. Jitsukawa Yoshinobu là người leo núi Phú Sĩ nhiều nhất

Nhật Bản có câu tục ngữ “Người khôn leo núi Phú Sĩ một lần, một kẻ ngốc leo lên nó hai lần” nhưng Jitsukawa Yoshinobu – tính đến mùa xuân năm 2020 là 76 tuổi – đã leo lên núi Phú Sĩ những 2060 lần.

Ông bắt đầu leo ​​núi Phú Sĩ từ 42 tuổi và leo nhiều hơn sau khi nghỉ hưu. Điều này chắc chắn không dễ dàng gì khi hầu hết mọi người mất từ ​​5-10 giờ để đi lên và mất thêm 3-4 giờ nữa để đi xuống.

11. Khu rừng tự sát Aokigahara nằm ở chân núi phía tây bắc của Phú Sĩ

Khu rừng tự sát Aokigahara
Khu rừng tự sát Aokigahara (Ảnh: Internet)

Dưới bóng của ngọn núi hùng vĩ này là khu rừng Aokigahara rậm rạp, nơi có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới, chỉ đứng sau cây cầu Cánh Cổng Vàng của San Francisco.

12. Trụ sở của một giáo phái ngày tận thế nằm dưới chân núi Phú Sĩ

Giáo phái sử dụng lí niệm ngày tận thế Aum Shinrikyo thành lập trụ sở chính của họ ở chân núi Phú Sĩ ở Kamikuishiki. Cơ sở này đã bị cảnh sát đột kích vào năm 1995 sau khi nhóm này thực hiện vụ tấn công Sarin vào tàu điện ngầm Tokyo khiến 13 người thiệt mạng và gần 6000 người khác bị thương.

Hai năm sau, công viên giải trí Fuji Gulliver’s Kingdom được mở tại địa điểm này với nỗ lực làm trẻ hóa hình ảnh của khu vực nhưng nó đã phải đóng cửa chỉ sau 4 năm.

13. Phú Sĩ có thể được gọi là Red Fuji, Diamond Fuji và Pearl Fuji

Diamond Fuji
Diamond Fuji (Ảnh: Internet)

Vào những thời điểm nhất định trong năm và với điều kiện thời tiết cụ thể, quang cảnh núi Phú Sĩ sẽ rực rỡ và mới mẻ hơn rất nhiều.

Mặt trời mọc và lặn vào đầu mùa thu có thể nhuộm đỏ ngọn núi, dẫn đến cái tên Red Fuji. Cảnh tượng hiếm gặp này là chủ đề của một bức tranh khắc gỗ có tựa đề South Wind, Clear Sky do Hokusai tạo ra vào thế kỷ 19. Đây là một phần của bộ sưu tập có tên Ba Mươi Sáu Cảnh Núi Phú Sĩ, nổi tiếng nhất trong số đó là bức Sóng Lớn Ngoài Khơi Kanagawa.

Thời điểm mặt trời mọc và lặn hoàn toàn thẳng hàng với đỉnh núi và tỏa sáng như một viên kim cương là lúc người dân sử dụng cái tên Diamond Fuji. Khi hiệu ứng tương tự này xảy ra – nhưng với mặt trăng – thì cái tên được nhắc đến sẽ là Pearl Fuji.

Bạn có thể đọc thêm:

Xem thêm

10 sự thật kinh hoàng đằng sau những cuộc đi săn người sói tại châu Âu thời trung cổ

Người sói là một sinh vật huyền thoại thường được nhắc đến trong văn hóa dân gian châu Âu cùng với phù thủy và ma cà rồng. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 10 sự thật kinh hoàng đằng sau những cuộc đi săn người sói tại châu Âu thời trung cổ nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận