Động kinh – mới nghe tên thôi đã thấy rất “chấn động” và “kinh khủng” rồi! Nếu bạn có cảm giác e dè và ngại ngần khi tiếp xúc với những người không may mắc chứng bệnh tai quái này thì cũng không phải chuyện lạ, nhưng sau khi biết được 9 sự thật sau đây chắc chắn bạn sẽ “nhẹ lòng” hơn và cảm thông với họ thay vì sợ hãi, xa lánh. Hãy cùng BlogAnChoi bóc trần những quan niệm sai lầm về bệnh động kinh nhé!
- 1. Bệnh động kinh là do “ma nhập”?
- 2. Biểu hiện của bệnh động kinh là co giật?
- 3. Bệnh động kinh có thể lây từ người này sang người khác?
- 4. Cha mẹ bị động kinh khi sinh con cũng sẽ bị bệnh giống như vậy?
- 5. Động kinh là một dạng bệnh tâm thần?
- 6. Bệnh động kinh không thể chữa khỏi?
- 7. Khi gặp người lên cơn động kinh, phải cố gắng ghì chặt để hạn chế cử động của họ?
- 8. Nên chèn vật gì đó vào miệng của người đang co giật để họ không tự nuốt lưỡi?
Hiện nay có rất nhiều người chưa hiểu rõ về bệnh động kinh, cùng với đó là hàng tá những lời đồn đại sai lầm về căn bệnh này. Những người không biết thì cho rằng đó là một dạng bệnh tâm thần, còn những người “biết” thì đinh ninh cứ ai co giật là chắc chắn bị động kinh. Thật không thể sai lầm hơn!
Theo hiểu biết của khoa học hiện nay, động kinh đúng là một tình trạng bất thường của não bộ, nhưng hoàn toàn khác so với bệnh tâm thần và cũng có biểu hiện đa dạng chứ không chỉ là co giật hay bất tỉnh. Nguyên nhân và cơ chế thực sự gây nên bệnh động kinh rất phức tạp và vẫn chưa được lý giải hoàn toàn sáng tỏ, khiến cho không ít người vẫn lầm tưởng rất tai hại dẫn đến kỳ thị, xa lánh những người mắc bệnh này.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh động kinh, hằng năm vào ngày 26/3 cả thế giới lại hướng về sự kiện Purple Day với mục tiêu xóa bỏ những định kiến sai lầm và phổ biến những nhận thức đúng đắn về căn bệnh này.
Được khởi xướng bởi cô bé 9 tuổi Cassidy Megan – cũng là một bệnh nhân động kinh – Purple Day sau đó đã được phát triển thành một chiến dịch quy mô toàn cầu. Tên của ngày này được đặt theo màu sắc của hoa oải hương, loài hoa màu tím tuyệt đẹp có tác dụng thư giãn thần kinh và chống co giật.
Nếu bạn muốn chung tay lan tỏa những hiểu biết đúng đắn về căn bệnh động kinh và góp phần tô đẹp cho cuộc sống của những người không may mắc phải căn bệnh này thì đây là bài viết dành cho bạn! Hãy khám phá 9 quan niệm sai lầm về động kinh mà chúng ta cần “delete” ngay và luôn khỏi bộ nhớ nhé!
1. Bệnh động kinh là do “ma nhập”?
Thật khó tưởng tượng là trong thời đại này vẫn còn những người tin vào chuyện hoang đường như vậy, thế mà vẫn có đấy! Chính vì biểu hiện của bệnh động kinh thường là những cơn co giật dữ dội, người bệnh hoàn toàn mất ý thức, không kiểm soát được cơ thể mình và đặc biệt khi tỉnh lại họ cũng chẳng nhớ gì về chuyện đã xảy ra, nên rất nhiều khi chứng kiến đã liên tưởng tới những câu chuyện “ma nhập” hay “lên đồng”.
Thực tế khoa học đã bước đầu xác định được “thủ phạm” gây ra các cơn co giật cũng như những triệu chứng “kỳ dị” khác của bệnh động kinh. Kết quả đo điện não đồ (EEG) cho thấy trong não của người bệnh có những trung tâm phát ra xung thần kinh một cách tự phát và dữ dội, không theo ý muốn chủ quan của người đó. Những xung tín hiệu này khiến các cơ hoạt động mạnh quá mức bình thường, làm cơ bắp co giật và tạo nên những cử động dị thường không thể kiểm soát.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy nhiều bệnh lý khác có thể gây nên cơn động kinh, chẳng hạn như chấn thương sọ não, u não, nhiễm trùng thần kinh, nhồi máu não hoặc xuất huyết não… Khi đó cơn co giật chỉ được coi là triệu chứng của những bệnh này. Còn những người mắc bệnh động kinh thực sự lại hoàn toàn không có tổn thương rõ ràng trong não, những cơn co giật của họ là do hoạt động phóng xung điện bất thường của tế bào thần kinh (neuron) mà thôi.
Như vậy dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây nên bệnh động kinh, nhưng chắc chắn chúng ta nên loại bỏ ngay những quan niệm mê tín dị đoan như ma quỷ thần linh nhập vào người bệnh nhé!
2. Biểu hiện của bệnh động kinh là co giật?
Đúng nhưng chưa đủ. Thực ra bệnh động kinh được chia làm rất nhiều thể khác nhau tùy theo triệu chứng, trong đó sự co cơ mất kiểm soát có nhiều mức độ, từ một bộ phận như tay hoặc chân cho đến toàn cơ thể. Bên cạnh đó còn có thể chia bệnh động kinh tùy theo việc người bệnh có mất ý thức khi vào cơn hay không.
Đa số mọi người thường chú ý vào biểu hiện “dữ dội” nhất của bệnh động kinh là các cơn co giật toàn thân và ngã ra bất tỉnh, mà không biết rằng còn có nhiều biểu hiện khác nữa. Đối với thể động kinh cục bộ (khu trú), chỉ một bộ phận của cơ thể có hiện tượng co giật như tay hoặc chân, trái với động kinh toàn thể là co giật hết người.
Còn có những thể khác lại khiến người bệnh sững người nhìn chằm chằm vào một điểm, hoặc thấy ảo giác về thị giác, khứu giác hay thính giác. Bên cạnh đó cũng có một nhóm các thể động kinh không làm cho người bệnh ngất hay mất ý thức, họ vẫn nhận biết được môi trường xung quanh trong lúc vào cơn.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng nếu một người mới chỉ lên cơn co giật một lần duy nhất thì chưa đủ để kết luận đó là bệnh động kinh. Muốn xác đinh đúng bệnh này cần có ít nhất hai cơn co giật và được thăm khám, kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa. Do đó đừng lầm tưởng động kinh là phải co giật và cứ co giật là chắc chắn động kinh nhé!
3. Bệnh động kinh có thể lây từ người này sang người khác?
Như đã đề cập ở trên, bệnh động kinh có bản chất là các rối loạn của tế bào thần kinh trong não khiến chúng phóng xung tín hiệu một cách không kiểm soát. Về cơ chế chi tiết thì hiện tượng này liên quan đến hoạt động điện của màng tế bào thần kinh chứ không phải do các tác nhân lây nhiễm như virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng. Do đó bệnh động kinh không thể lây từ người sang người như những quan niệm sai lầm vẫn lưu truyền lâu nay.
Vì không phải là bệnh truyền nhiễm nên bệnh động kinh không thể lây qua đụng chạm cơ thể, động vật trung gian hay cầm nắm đồ vật, do đó bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi tiếp xúc với những người mắc bệnh này nhé!
4. Cha mẹ bị động kinh khi sinh con cũng sẽ bị bệnh giống như vậy?
Chưa chắc. Đến nay các nhà khoa học đã nhận thấy bệnh động kinh có liên quan đến yếu tố di truyền, nhưng ảnh hưởng của gene là rất nhỏ. Các cha mẹ mắc bệnh này khi sinh con có khả năng bị bệnh cao hơn những người bình thường, nhưng không phải là tất cả con cái đều bị. Ngược lại, chỉ có một phần nhỏ những bệnh nhân động kinh cho biết trong gia đình họ có người mắc tình trạng như mình.
Như vậy yếu tố di truyền đúng là có ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh động kinh, nhưng không phải vì thế mà chúng ta cho rằng cứ có một người mắc bệnh là cả nhà họ cũng mắc theo, sai lầm lắm nhé!
5. Động kinh là một dạng bệnh tâm thần?
Hoàn toàn không! Nói một cách chính xác thì động kinh là một bệnh của hệ thần kinh, không phải bệnh tâm thần. Mặc dù trong cơn động kinh người bệnh có thể la hét, hung hăng giống biểu hiện của người bị tâm thần nhưng hai bệnh này vẫn có nhiều điểm khác biệt rất rõ ràng và không thể xếp chung vào một loại được.
Dễ thấy nhất là thời gian “lên cơn”: người bệnh động kinh chỉ biểu hiện bất thường trong vài giây đến vài phút, sau khi hết cơn họ sẽ trở lại sinh hoạt và làm việc hoàn toàn không khác gì người bình thường. Trong khi đó bệnh tâm thần lại khiến người ta luôn ở trạng thái hoang tưởng, ảo giác và người bệnh không thể có cuộc sống bình thường như người lành được.
Đáng chú ý là các nghiên cứu đã cho thấy người bệnh động kinh dù có sóng não bất thường khi vào cơn nhưng đa số họ có chỉ số thông minh IQ bình thường và có năng lực tư duy không hề kém cạnh những người khác. Trái lại, người bệnh tâm thần có sóng não ổn định nhưng rõ ràng trí óc của họ không thể mạch lạc và sáng suốt như chúng ta.
Và một điểm quan trọng nữa làm nên sự khác biệt “một trời một vực” của hai bệnh này là tâm thần thường không thể chữa dứt khỏi hoàn toàn, người bệnh phải sống chung với những ảo giác suốt đời. Trong khi đó bệnh động kinh có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng các loại thuốc và phương pháp điều trị khác như được đề cập ở phần dưới đây.
6. Bệnh động kinh không thể chữa khỏi?
Đối với cơn động kinh là triệu chứng của các bệnh lý khác (như đã nêu), chỉ cần chữa dứt bệnh căn nguyên là có thể loại bỏ những cơn co giật về sau. Còn nếu được chẩn đoán đúng bệnh động kinh thực sự, người bệnh sẽ dùng các loại thuốc đặc trị để ngăn ngừa xuất hiện cơn co giật, gọi là các thuốc chống động kinh.
Đa số người bệnh đều đáp ứng tốt với các thuốc này và giảm được số lần vào cơn so với trước khi dùng thuốc. Nhiều trường hợp có thể dừng thuốc hoàn toàn nếu sau một khoảng thời gian nhất định không xuất hiện thêm cơn co giật nào nữa.
Đối với những trường hợp không thể kiểm soát bằng thuốc chống động kinh, các bác sĩ sẽ phải dùng những phương pháp khác để điều trị như phẫu thuật cắt bỏ vùng não bất thường, kích thích não bằng điện cực hoặc ăn kiêng nghiêm ngặt. Ngoài ra còn một số phương pháp khác đang được thử nghiệm với công nghệ cao rất phức tạp, hứa hẹn trong tương lai sẽ đem đến nhiều hy vọng cho bệnh nhân động kinh.
7. Khi gặp người lên cơn động kinh, phải cố gắng ghì chặt để hạn chế cử động của họ?
Đây là một trong những “kinh nghiệm” được rỉ tai nhau rất nhiều khi nói đến cách xử trí người lên cơn co giật động kinh, nhưng rất tiếc điều này lại sai hoàn toàn!
Khi vào cơn co giật, não của người bệnh phát tín hiệu ra lệnh cho cơ bắp co giật một cách “điên cuồng” và không kiểm soát, do đó sức mạnh mà họ tạo ra có thể vượt quá khả năng kiềm chế của những người xung quanh. Nếu cố gắng ghì đè người bệnh bạn có thể sẽ tự làm mình bị thương, hoặc trong lúc vật lộn lại làm họ bị gãy xương, trật khớp và các tổn thương cơ thể khác.
Vậy rốt cuộc nên làm gì khi gặp người co giật? Hãy dọn dẹp những vật có thể gây thương tích xung quanh họ, nếu có thể hãy đưa họ sang một nền phẳng, mềm và nới lỏng quần áo để hô hấp thông thoáng hơn. Bạn nên tránh đụng chạm trong lúc họ co giật và tốt nhất nên gọi người hỗ trợ thêm.
8. Nên chèn vật gì đó vào miệng của người đang co giật để họ không tự nuốt lưỡi?
Đây là ví dụ tiêu biểu cho câu nói “Mục tiêu đúng đắn nhưng nước đi sai lầm”! Điểm sai thứ nhất là không ai có thể tự nuốt lưỡi của mình cả, mà chính xác hơn là khi nằm ngửa lưỡi dễ bị tụt sâu xuống chẹn cổ họng khiến đường thở bị tắc nghẽn gây ngạt thở.
Nhiều người lo sợ rằng bệnh nhân lên cơn động kinh có thể tự cắn đứt lưỡi của mình, tuy nhiên theo các bác sĩ điều này cũng khó xảy ra, thường lưỡi chỉ bị xây xát nhẹ do va chạm với răng trong lúc mất ý thức mà thôi.
Điểm sai thứ hai mới là nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho người đang co giật chứ không phải giúp đỡ họ, đó là việc chèn một vật vào miệng. Nếu vật đó đủ cứng để giữ miệng mở to thì đồng thời nó cũng có khả năng làm gãy hoặc mẻ răng của người bệnh, còn ngược lại những vật mềm có thể bị răng cắn đứt thành mảnh nhỏ. Cả hai trường hợp này đều tạo ra những “vật thể lạ” có thể rơi vào trong miệng và làm tắc đường thở của người đang co giật, khiến họ có nguy cơ ngạt thở.
Vậy giải pháp tốt nhất để người đang co giật không tự “nuốt lưỡi” là gì? Hãy xoay người họ để nằm nghiêng một bên, kê gối dưới đầu. Tư thế này khiến lưỡi không tụt xuống được, đảm bảo an toàn cho đường thở.
Tuyệt đối đừng cho bất cứ vật gì hay nhỏ nước vào miệng họ, vì việc đó hoàn toàn không có lợi mà còn có thể gây hại nhiều hơn. Nói cách khác, bạn chỉ cần ở cạnh để theo dõi cho đến khi họ hết cơn co giật, thường không quá 1-2 phút. Đôi khi việc tốt nhất chúng ta có thể làm lại là… không làm gì cả!
Trên đây là những lưu ý bạn cần nhớ về bệnh động kinh, căn bệnh không hiếm gặp nhưng lại bị hiểu sai quá nhiều khiến những người không may mắc bệnh phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Hãy lan tỏa những kiến thức hữu ích để góp phần xóa đi những quan niệm sai lầm bạn nhé!
Mời bạn đọc tiếp những bài viết thú vị khác của BlogAnChoi:
- 9 gạch đầu dòng khi dùng kính áp tròng – Dùng sao cho đúng để mắt đẹp và khỏe?
- 5 lưu ý bạn cần nhớ để có giấc ngủ trưa ngon lành và tốt cho sức khỏe!
Chúc bạn luôn nhận được những thông tin bổ ích và hấp dẫn tại BlogAnChoi nhé!
bài viết rất chất lượng ạ!
rất hay nè nha
bài viết bổ ích, cảm ơn tác giả
Bài viết rất bổ ích!