Phẫu thuật giảm béo là phương pháp giúp người béo phì giảm cân nhanh chóng mà không cần “khổ sở” tập thể dục hay ăn kiêng. Nhưng có phải ai cũng được thực hiện phẫu thuật này hay không? Những vấn đề gì có thể xảy ra trong lúc phẫu thuật và cuộc sống lâu dài về sau? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!

Phẫu thuật giảm béo là gì?

Phẫu thuật giảm béo về bản chất là cắt bỏ một phần dạ dày để hạn chế lượng thức ăn có thể nạp vào hoặc làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể, giúp giảm cân. Phẫu thuật này chỉ được thực hiện khi đã áp dụng chế độ ăn kiêng và tập thể dục nhưng không hiệu quả hoặc khi người đó có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do cân nặng quá khổ.

Phẫu thuật giảm béo không phải hút mỡ mà là cắt dạ dày (Ảnh: Internet).
Phẫu thuật giảm béo không phải hút mỡ mà là cắt dạ dày (Ảnh: Internet).

Mặc dù có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng phẫu thuật giảm béo thuộc loại phẫu thuật lớn có thể gây nhiều rủi ro và tác dụng phụ nghiêm trọng. Ngoài ra người được phẫu thuật phải thay đổi chế độ ăn theo hướng lành mạnh và duy trì suốt đời cũng như tập thể dục thường xuyên để giữ được kết quả của phẫu thuật.

Phẫu thuật giảm béo được thực hiện trong trường hợp nào và nhằm mục đích gì?

Các phẫu thuật này giúp giảm cân nhanh chóng và giảm nguy cơ mắc các vấn đề nguy hiểm liên quan đến cân nặng bao gồm:

  • Bệnh tim và đột quỵ
  • Huyết áp cao
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) hoặc viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH)
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2
Béo phì càng nặng thì càng dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng (Ảnh: Internet).
Béo phì càng nặng thì càng dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng (Ảnh: Internet).

Không phải người nào muốn giảm cân nhanh chóng và dễ dàng cũng được phép thực hiện phẫu thuật, mà phương pháp này chỉ áp dụng cho những ai béo phì quá nặng và đã cố gắng giảm cân bằng cách thay đổi chế độ ăn và tập thể dục nhưng không hiệu quả.

Nhìn chung các chuyên gia hiện nay đồng ý rằng nên cân nhắc phẫu thuật giảm béo cho những người có:

  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên, tức là cực kỳ béo phì
  • BMI từ 35 đến 39,9 (béo phì) và có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến cân nặng, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao hoặc chứng ngưng thở khi ngủ mức độ nặng
  • Trong một số trường hợp có thể thực hiện một số loại phẫu thuật nếu BMI từ 30 đến 34 và có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến cân nặng

Những người béo phì phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định mới được thực hiện phẫu thuật giảm béo, và phải chấp nhận thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh suốt đời về sau. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu họ tái khám để theo dõi dài hạn về chế độ dinh dưỡng, lối sống và hành vi cũng như khám sức khỏe tổng quát.

Và vấn đề quan trọng nữa là phẫu thuật rất tốn kém chi phí, do đó hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định và hỏi rõ về bảo hiểm tại cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật đó.

Phẫu thuật giảm béo có nguy cơ rủi ro gì không?

Cũng giống như bất kỳ phẫu thuật lớn nào, phẫu thuật cắt dạ dày để giảm béo tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe cả về ngắn hạn và dài hạn. Rủi ro liên quan đến quá trình phẫu thuật có thể là:

  • Chảy máu quá nhiều
  • Nhiễm trùng
  • Phản ứng của cơ thể khi gây mê
  • Hình thành cục máu đông
  • Các vấn đề về phổi và hô hấp
  • Vết mổ trên đường tiêu hóa bị “rò rỉ”
  • Tử vong (rất hiếm)
Bất kỳ phẫu thuật nào cũng có nguy cơ rủi ro (Ảnh: Internet).
Bất kỳ phẫu thuật nào cũng có nguy cơ rủi ro (Ảnh: Internet).

Các rủi ro và biến chứng về lâu dài tùy thuộc vào từng loại phẫu thuật cụ thể, có thể bao gồm:

  • Tắc ruột
  • Hội chứng Dumping dẫn đến tiêu chảy, đỏ bừng mặt, choáng váng, buồn nôn hoặc nôn
  • Sỏi mật
  • Thoát vị các cơ quan trong ổ bụng
  • Hạ đường huyết
  • Cơ thể thiếu dinh dưỡng
  • Loét đường tiêu hóa
  • Nôn ói
  • Trào ngược axit dạ dày
  • Cần phẫu thuật lần 2
  • Tử vong (rất hiếm)

Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật giảm béo?

Đối với những người đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn về những việc cần chuẩn bị cho từng loại phẫu thuật cụ thể, chẳng hạn như làm các xét nghiệm và kiểm tra, hạn chế ăn uống và hạn chế một số loại thuốc đang dùng, tăng hoạt động thể chất và bỏ thuốc lá.

Người được phẫu thuật cũng có thể phải chuẩn bị sẵn kế hoạch cho quá trình phục hồi sau mổ, chẳng hạn như tìm người chăm sóc tại nhà.

Có nhiều việc cần chuẩn bị trước khi lên bàn mổ (Ảnh: Internet).
Có nhiều việc cần chuẩn bị trước khi lên bàn mổ (Ảnh: Internet).

Phẫu thuật giảm béo diễn ra như thế nào?

Phẫu thuật này bắt buộc phải được thực hiện trong bệnh viện và gây mê toàn thân, tức là người bệnh hoàn toàn hôn mê trong toàn bộ quá trình. Các chi tiết cụ thể của cuộc mổ tùy thuộc vào thể trạng cá nhân, phương pháp phẫu thuật và quy trình của bệnh viện hoặc của riêng bác sĩ.

Mổ mở hay mổ nội soi?

Một số trường hợp phẫu thuật giảm béo được thực hiện theo kiểu truyền thống là mổ mở, nhưng ngày nay hầu hết đều là phẫu thuật nội soi thông qua một dụng cụ nhỏ hình ống có gắn camera được đưa vào trong bụng qua các vết rạch nhỏ. Camera siêu nhỏ trên đầu ống cho phép bác sĩ nhìn thấy và phẫu thuật bên trong bụng mà không cần vết mổ lớn như trước. Phẫu thuật nội soi cũng giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, nhưng không phải tất cả mọi người đều phù hợp với cách này.

Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm hơn so với mổ mở (Ảnh: Internet).
Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm hơn so với mổ mở (Ảnh: Internet).

Phẫu thuật thường kéo dài vài giờ, sau đó người bệnh sẽ được đưa tới phòng hồi sức để các nhân viên y tế sẽ theo dõi xem có biến chứng nào xảy ra không. Tùy thuộc vào từng loại phẫu thuật, người bệnh có thể phải ở lại bệnh viện vài ngày mới được về nhà.

Các phương pháp phổ biến của phẫu thuật cắt dạ dày giảm béo

Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho người bệnh trước khi quyết định.

Cắt dạ dày Roux-en-Y

Đây là phương pháp cắt bỏ dạ dày thông dụng nhất hiện nay, và một khi đã thực hiện là không thể trở lại như cũ được. Phẫu thuật này làm giảm lượng thức ăn có thể nạp vào trong mỗi bữa và giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.

Phẫu thuật Roux-en-Y được thực hiện bằng cách cắt ngang phần trên dạ dày và khâu kín lại thành một túi nhỏ, không còn thông với phần còn lại của dạ dày. Túi này có kích thước rất nhỏ và chỉ có thể chứa khoảng 30 ml thức ăn, trong khi dạ dày bình thường có thể chứa khoảng 1,5 lít thức ăn.

Sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt ruột non và nối trực tiếp lên “túi” dạ dày, như vậy thức ăn sẽ đi vào túi rồi vào thẳng đoạn giữa của ruột non, bỏ qua phần dạ dày lớn bình thường và đoạn đầu của ruột non.

Phẫu thuật cắt dạ dày kiểu tay áo

Với phương pháp này, khoảng 80% dạ dày sẽ được cắt bỏ, chỉ để lại một phần nhỏ và dài giống như cái ống. Chiếc dạ dày nhỏ hơn này tất nhiên không thể chứa nhiều thức ăn, và nó cũng tạo ra ít hormone thèm ăn ghrelin nên làm giảm ham muốn của người đó.

Phẫu thuật cắt bỏ phần lớn dạ dày (Ảnh: Internet).
Phẫu thuật cắt bỏ phần lớn dạ dày (Ảnh: Internet).

Ưu điểm của phẫu thuật này là giảm cân nhiều và không đụng chạm tới phần ruột, ngoài ra thời gian nằm viện cũng ngắn hơn so với hầu hết các phương pháp khác.

Chuyển hướng mật tụy

Phẫu thuật này gồm 2 giai đoạn, đầu tiên là thực hiện tương tự như cắt dạ dày kiểu tay áo, giai đoạn thứ hai là nối đoạn cuối của ruột với phần tá tràng gần dạ dày, tức là thức ăn sẽ không đi qua phần lớn đoạn ruột.

Phẫu thuật này vừa hạn chế lượng thức ăn nạp vào, vừa giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Mặc dù cực kỳ hiệu quả nhưng nguy cơ tác dụng phụ cũng nhiều hơn, chẳng hạn như suy dinh dưỡng và thiếu vitamin.

Phương pháp phẫu thuật nào là tốt nhất tùy thuộc vào thể trạng của từng người. Bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố như BMI, thói quen ăn uống, các vấn đề sức khỏe khác, các cuộc phẫu thuật trước đây nếu có và những rủi ro liên quan.

Những điều cần lưu ý sau khi phẫu thuật giảm béo

Sau khi phẫu thuật, người bệnh thường không được ăn trong vòng 1-2 ngày để dạ dày và hệ tiêu hóa hồi phục, sau đó phải tuân theo chế độ ăn đặc biệt trong vài tuần. Bắt đầu chỉ được ăn dạng lỏng, sau đó chuyển sang thức ăn xay nhuyễn rất mềm và cuối cùng mới được dùng thức ăn bình thường.

Người bệnh phải hết sức chú ý vấn đề ăn uống sau mổ (Ảnh: Internet).
Người bệnh phải hết sức chú ý vấn đề ăn uống sau mổ (Ảnh: Internet).

Ngoài ra họ cũng bị giới hạn về lượng thức ăn hằng ngày, phải kiểm tra theo dõi sức khỏe thường xuyên trong vài tháng đầu sau khi phẫu thuật.

Phẫu thuật giảm béo có hiệu quả cao không?

Các phẫu thuật này nhìn chung có thể giúp giảm béo về lâu dài. Số cân nặng cụ thể giảm được tùy thuộc vào loại phẫu thuật và thay đổi lối sống của mỗi người. Có những người giảm được tới một nửa hoặc hơn số cân nặng dư thừa của mình trong vòng 2 năm.

Ngoài tác dụng giảm cân, phẫu thuật cắt dạ dày cũng có thể cải thiện các vấn đề liên quan đến thừa cân như đã đề cập, cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giảm béo giúp cho cuộc sống thoải mái hơn (Ảnh: Internet).
Giảm béo giúp cho cuộc sống thoải mái hơn (Ảnh: Internet).

Nếu phẫu thuật không có hiệu quả thì sao?

Phẫu thuật giảm cân không phải lúc nào cũng hiệu quả như mong muốn, do đó hãy tái khám đều đặn theo lịch hẹn sau khi phẫu thuật. Nếu nghi ngờ xuất hiện các biến chứng hoặc không giảm cân như kỳ vọng, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để kiểm tra và tìm nguyên nhân.

Không giảm cân, thậm chí tăng cân sau phẫu thuật có thể xảy ra nếu người bệnh không tuân thủ thay đổi lối sống theo khuyến cáo, chẳng hạn như hoạt động thể chất thường xuyên và ăn uống lành mạnh.

Trên đây là những lưu ý cơ bản về phẫu thuật cắt dạ dày giảm béo. Hãy nhớ rằng đây là phương án cuối cùng chỉ thực hiện khi các biện pháp như tập thể dục và ăn kiêng không có tác dụng. Điều quan trọng là duy trì lối sống lành mạnh mỗi ngày để tránh xa thừa cân béo phì ngay từ đầu nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Hướng dẫn của CDC Mỹ: Nên làm gì với thú cưng nghi ngờ hoặc chắc chắn nhiễm COVID-19?

Thú cưng bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 có phải cách ly như con người không? Cần lưu ý gì khi chăm sóc cho chúng để tránh lây nhiễm sang người? Dưới đây là hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) về vấn đề này.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận