Nếu bạn là một người yêu mến đất nước Nhật Bản thì chắc hẳn bạn không còn xa lạ với chiếc xe đạp mamachari, hay còn có tên gọi khác là “xe 2 bánh của mẹ”. Chiếc xe đạp cũng sẽ xuất hiện trong bài viết này. Ngay bây giờ, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe đạp, bạn nhé!
Chuyện gì đang xảy ra với người sử dụng xe đạp ở Nhật Bản?
Sắc lệnh của chính phủ được thông qua vào ngày 20 ấn định ngày bắt buộc đội mũ bảo hiểm trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Cụ thể, tất cả những người đi xe đạp buộc phải đội mũ bảo hiểm kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2023. Việc đội mũ bảo hiểm được xem là nghĩa vụ của người tham gia giao thông và không có bất cứ hình thức xử phạt nào kèm theo. Đối với trẻ em dưới 13 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ nên cho trẻ đội mũ bảo hiểm. Mặc dù điều đó không hẳn là bắt buộc nhưng đạo luật có thể sẽ phổ biến rộng rãi hơn.
Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở Nhật Bản có ý nghĩa như thế nào?
Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia, trong số 2145 người chết vì tai nạn xe đạp và xe máy, có khoảng 60% người bị tử vong do bị thương ở vùng đầu. Trong đó, số người có đội mũ bảo hiểm chiếm 0,26%, còn số người không đội mũ bảo hiểm cao hơn xấp xỉ 2,2 lần, chiếm 0,59%.
Vào tháng 7 năm 2020, trong một khảo sát trực tuyến được thực hiện bởi nhóm người chuyên làm công tác tư tưởng với người dân dưới tên gọi “Ủy ban mũ bảo hiểm xe đạp”, tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm trung bình trên toàn quốc là 11,2%. Cũng trong đó, tỷ lệ trẻ em dưới 13 tuổi đội mũ bảo hiểm là 63,1%, tỷ lệ người trong độ tuổi 13-89 có đội mũ bảo hiểm chiếm 7,2%.
Ở các tỉnh, tỷ lệ phần trăm số người đội mũ bảo hiểm được thể hiện không đồng đều. Nếu các tỉnh Ehime, Nagasaki và Tottori có tỷ lệ số người đội mũ bảo hiểm cao lần lượt là 29%, 26% và 18%, thì hai tỉnh Wakayama và Hokkaido có tỷ lệ rất thấp, lần lượt là 4% và 2%. Nỗ lực đã được đền đáp ở những nơi ban hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Đó là lý do Nhật Bản thúc đẩy việc đội mũ bảo hiểm thông qua đạo luật bắt buộc.
Có những ai không thích Luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm?
Những người có quan điểm trái chiều cho rằng luật bắt buộc của chính phủ sẽ làm hạn chế việc đi lại bằng xe đạp và họ đang theo dõi sát sao việc này. Sở dĩ họ có cơ sở để khẳng định như vậy là vì điều đó đã diễn ra ở các nước Tây phương. Sau đây là một số thông tin mà LocoBee đã tổng hợp.
Hoa Kỳ
Ủy ban An toàn Tiêu dùng Sản phẩm Hoa Kỳ cho biết mũ bảo hiểm không được thiết kế để bảo vệ con người khỏi chấn thương. Mũ bảo hiểm dành cho người đi xe đạp được thiết kế để bảo vệ đầu khi rơi xuống đất ở tốc độ chậm. Nhà sản xuất nhấn mạnh rằng mũ bảo hiểm của họ không có khả năng bảo vệ với những cú va chạm mạnh như những tai nạn tông xe máy.
Ông Eric Richter, giám đốc phát triển thương hiệu tại công ty sản xuất mũ bảo hiểm dành cho xe đạp Giro, tiết lộ rằng, họ không sản xuất mũ bảo hiểm để làm giảm nguy cơ hay hạn chế chấn thương trong tai nạn va chạm với ô tô.
Úc
Úc là quốc gia đầu tiên bắt buộc đội mũ bảo hiểm với các đạo luật được thi hành ở các bang và vùng lãnh thổ của Úc từ năm 1990 đến năm 1992. Quốc gia này từng bị chỉ trích bởi các đạo luật đó đã làm giảm việc đi lại bằng xe đạp đến 30%.
Anh quốc
Giám đốc điều hành của một hãng mũ bảo hiểm dành cho xe đạp đã nói trên bản tin của ngành công nghiệp xe đạp năm 2020 của tạp chí Thương mại Anh quốc rằng, có quá nhiều người hiểu sai về mũ bảo hiểm.
Vào đầu tháng 12, năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh quốc Jesse Norman đã phản đối việc bắt buộc người dân đội mũ bảo hiểm khi di chuyển bằng xe đạp. Ông cho rằng lợi ích an toàn của việc đội mũ bảo hiểm đã được quan trọng hóa, trong khi điều đó lại khiến người dân không muốn đi xe đạp, dẫn đến những lợi ích về mặt sức khỏe hay môi trường cũng bị ảnh hưởng.
Châu Âu
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí thương mại “Bike Europe” chỉ ra rằng 50% số người muốn mua xe đạp điện cảm thấy nản bởi bất kỳ đạo luật nào buộc họ phải đội mũ bảo hiểm. Nghiên cứu được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường quốc tế GfK với 50.000 người trong chương trình nghiên cứu hành vi người tiêu dùng. Có 3567 người cho biết họ đang cân nhắc việc mua xe đạp điện nhưng 38% trong số đó nói rằng có khả năng họ sẽ không mua nữa nếu họ bị buộc phải đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, có hơn 12% trong số đó nói rằng họ chắc chắn sẽ không mua xe đạp điện nếu đất nước của họ có luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm.