Năm 2017, nhà sản xuất quốc tế Michael Choi đến Việt Nam theo lời mời của nghệ sĩ Thanh Bùi với sứ mệnh là dẫn dắt, phát triển những tài năng của nền âm nhạc Việt Nam và định hướng họ hoạt động tại thị trường quốc tế trong vai trò CEO của InQ International.
Đối với Michael, dù thị trường âm nhạc Việt vẫn cần có thêm nhiều nghệ sĩ và bài hát hơn, nguồn thu cho các nghệ sĩ đã chạm trần và đến lúc bão hòa. Đây là một vấn đề cản trở sự phát triển của ngành âm nhạc Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo động lực để thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam có khả năng vươn khỏi biên giới quốc gia xuất hiện.
Trong âm nhạc, cá tính người nghệ sĩ mới là yếu tố hàng đầu
Theo Michael, sự thành công của những người nghệ sĩ nằm ở lòng trung thành của khán giả đối với âm nhạc của họ. Mối liên kết này bền chặt hơn lòng “hâm mộ” những yếu tố khác như ngoại hình, vũ đạo, cách nghệ sĩ đi đứng hay hành xử trên mạng xã hội,… Điều này dấy lên một vấn đề với Kpop và các trào lưu liên quan. Với tư cách là một người Hàn Quốc làm nhạc, Michael không ngại nói về mặt tối của Kpop.
Kpop là loại hình giải trí được định hướng và phát triển theo một mô hình kinh doanh. Văn hóa Kpop không hoàn toàn được dẫn lối bởi âm nhạc, mà chủ yếu bởi những yếu tố khác xung quanh các ca sĩ. Vì vậy, nói một cách chính xác, Kpop là nền công nghiệp tạo ra “thần tượng”, chứ không phải là “nghệ sĩ”. Từ những thông tin bên lề, đến những thứ khán giả nghe, nhìn và trải nghiệm với Kpop đều đã được tính toán kỹ lưỡng trên góc độ tâm lý, xã hội và kinh tế.
Dĩ nhiên, với một sản phẩm công nghiệp thì “khách hàng là thượng đế”, vì vậy ý kiến của người hâm mộ Kpop có tác độngkhông nhỏ đến cách nghệ sĩ làm nhạc. Michael bộc trực: “Với tôi âm nhạc không phải một nền dân chủ. Nghệ sĩ trước hết nên làm nhạc vì chính quan điểm của họ, còn người nghe có quyền chọn lựa thích quan điểm đó, hoặc không“. Thực tế, chúng ta yêu mến Adele, Ed Sheeran, hay Taylor Swift đều là vì cá tính âm nhạc của họ.
Cán cân mất cân bằng giữa nghệ sĩ và các nhãn hàng
Hiện nay, phần lớn nghệ sĩ tại Việt Nam chưa sống được nhờ vào âm nhạc của mình vì nhiều lý do, điều này đặt rất nhiều quyền lực tài chính vào tay các nhãn hàng. Các sản phẩm âm nhạc có lẽ vì thế mà cũng mất đi tính cá nhân của nghệ sĩ.
Thế nhưng, hiểu rằng ai cũng cần “đồng ra đồng vào”, điều Michael tìm kiếm là một chỗ đứng tốt hơn cho nghệ sĩ để họ có thể nuôi sống bản thân bằng âm nhạc của mình. Đó là khi nghệ sĩ bán được album, vé xem liveshow và tăng thu nhập từ các dịch vụ streaming. Nhưng ở Việt Nam, do cán cân giữa nghệ sĩ và nhãn hàng không đồng đều nên người làm nhạc khó nói “không” với những thương hiệu không phù hợp. Đồng thời, nghệ sĩ Việt cũng khó làm liveshow vì thiếu cơ sở hạ tầng.
Với những thị trường lớn, mỗi thể loại hay trường phái âm nhạc lại có một cộng đồng riêng, vì thế nhãn hàng tự biết cộng đồng nào là phù hợp với mình. Trong thị trường nhỏ như Việt Nam, chỉ tồn tại có một số nguồn tiền nhất định nên các nghệ sĩ từ những môi trường khác nhau đều phải “câu” lấy cơ hội trong cùng một “chiếc ao” bé. Đó là lý do việc đầu tư vào tài năng chín muồi của người nghệ sĩ, để họ kết nối bền chặt với người nghe bằng âm nhạc là một hướng đi bền vững và có nhiều niềm vui hơn cho tất cả chúng ta.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Học hỏi những kinh nghiệm quý giá của Julia Đoàn trong việc kinh doanh qua Instagram
- Kẹo trứng Kinder Surprise có gì hấp dẫn mà biết bao đứa trẻ nằng nặc đòi mua?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!