“Tại sao tôi có mặt trên cuộc đời này?” Có lẽ đến một lúc nào đó tất cả mọi người đều đặt cho mình câu hỏi này, nhưng thật không dễ để trả lời. Vậy thì cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu thêm về mục đích sống của con người chúng ta theo góc nhìn của chủ nghĩa khắc kỷ bạn nhé!
Tôi có mặt trên cuộc đời này làm gì?
Có nhiều nguồn ý kiến cho rằng con người sinh ra là để di truyền nòi giống, nhưng cũng có người nghĩ rằng sự có mặt của họ trên cuộc sống này là để cố gắng đạt những thành công. Dù là lí do nào đi nữa thì mục đích sống của loài người nhìn chung đều nhằm để tiếp tục duy trì sự phát triển.
Nói về chủ nghĩa khắc kỷ, Marcus Aurelius đã cụ thể hóa mục đích sống của con người chính là việc đạt được thành quả bằng nhân cách tốt và hành động vì lợi ích chung. Quả vậy, thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử loài người từ trước tới nay là những thành tựu không vị kỷ.
Con người đó nay vẫn luôn chung sức giải quyết các vấn đề khó khăn cùng nhau bằng những đột phá khoa học. Thế hệ này hi sinh để thế hệ sau được tốt đẹp hơn. Ý tưởng khắc kỷ ví von con người như những con ong trong cùng một tổ, hiện diện để làm giàu cho cuộc đời, để kiến tạo một cuộc đời ý nghĩa và đáng sống hơn. Bởi khi làm vậy, chúng ta mới tìm thấy hạnh phúc cho chính mình.
Epictetus – một nhà triết học khắc kỷ Hi Lạp – nói với học sinh của ông rằng để có được một cuộc sống tốt đẹp, anh phải xem xét bản chất của mình và mục đích khi Chúa tạo ra anh ta, từ đó sống sao cho phù hợp. Sống thuận theo tự nhiên như vậy giúp con người khám phá lý do mình có mặt trên thế giới này, hay nói cách khác là vai trò của chúng ta trong lược đồ vũ trụ.
Eudaimonia và Arete – kim chỉ nam cho một cuộc sống ý nghĩa
Khi được hỏi về mục đích của cuộc sống này, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ sẽ trả lời bằng một thuật ngữ Hy Lạp được phát minh bởi nhà triết học Aristotle là “eudaimonia” – trạng thái tinh thần tốt, hay hạnh phúc hoặc phúc lợi. Khi bóc tách từng từ thì “eu” nghĩa là tốt, và “daimon” nghĩa là tinh thần bên trong con người chúng ta. Trong các tác phẩm của Aristotle, “eudaimonia” chỉ những điều tốt đẹp nhất của con người theo truyền thống Hy Lạp cổ đại.
Trong thời kỳ hiện đại, “eudaimonia” được hiểu đơn giản là sự hoàn thiện và phát triển để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân ta trong “từng khoảnh khắc” của cuộc sống hàng ngày. Đây cũng chính là mục đích cuối cùng của đời người.
Vậy làm thế nào để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân bạn? Làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa bạn của hiện tại và một phiên bản tốt hơn mà bạn có khả năng trở thành? Câu trả lời của những người theo chủ nghĩa khắc kỷ hẳn sẽ là “arete”.
“Arete” là một khái niệm trong tư tưởng Hy Lạp cổ đại dùng để chỉ đức hạnh hoặc sự xuất sắc. Theo chủ nghĩa khắc kỷ, con người chỉ có thể đạt đến phiên bản cao hơn của chính mình bằng cách sống có đạo đức. Nói đến đây, mục đích sống để đạt đến giá trị đỉnh cao của bản thân phải gắn liền với việc sống có đức hạnh.
Hầu hết khi mọi người nghĩ về đức hạnh, họ thường nhìn vào phẩm hạnh đạo đức. Nhưng Arete đề cập đến nhiều điều hơn thế, đức hạnh còn mô tả chất lượng của sở trường bên trong bạn. Sử dụng sở trường như một nguyên tắc sống nghĩa là bạn tập trung vào chất lượng của mọi thứ bạn làm và trải nghiệm. Tránh các hành động thiếu sở trường. Thực hiện các hành động tập trung vào sở trường.
Mục đích sống của bạn là gì?
Pursuing Love and Happiness
“Don’t worry, be happy.” – Bobby McFerrin
(“Theo đuổi tình yêu hay hạnh phúc
Đừng lo lắng, hãy hạnh phúc.”)
Chủ nghĩa khắc kỷ đề cập đến mục đích sống của loài người xoay quanh việc tạo ra giá trị tốt đẹp cho bản thân và xã hội bằng những phẩm chất tốt đẹp của con người, nhưng mỗi người lại có cho mình những mục tiêu riêng trong cuộc sống tùy vào từng hoàn cảnh khác nhau. Không chỉ là hạnh phúc ngây thơ của niềm vui ngắn hạn, mà là hạnh phúc dài hạn bằng việc theo đuổi ước mơ của bạn.
Dưới đây là 4 đức hạnh của chủ nghĩa khắc kỷ giúp bạn sớm định hình mục đích sống và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình – là kết quả của một cuộc đời hạnh phúc. Kết hợp và duy trì 4 yếu tố này, bạn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống và phát triển tối đa hành động, suy nghĩ, phán đoán theo cách có lợi hơn cho bản thân và xã hội. Mình mong rằng sự cố gắng khám phá bản thân sẽ đưa bạn đến một kết quả tốt đẹp!
1. Wisdom – trí khôn ngoan
Trí tuệ khôn ngoan là khả năng nhìn nhận thế giới theo cách đúng như nó vốn là. Biết được điều gì tốt, điều gì không tốt, và điều gì ở trung lập, bạn sẽ biết cách sống tốt và hành động sao cho phù hợp. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng mục đích sống trên cuộc đời này là để theo đuổi trí tuệ và đức hạnh thay vì tìm kiếm niềm vui và sự yên bình.
Chấp nhận những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, tập trung vào những gì chúng ta có thể kiểm soát và phản ứng được gọi là “phân loại kiểm soát” trong chủ nghĩa khắc kỷ. Cần phải thu hẹp triệt để sở thích, ý định, tâm trạng, phản ứng không liên quan đến con đường phát triển lâu dài của bạn để biết điều gì nằm trong tầm kiểm soát và có được sự khôn ngoan đầu tư vào những điều khác có ý nghĩa hơn với bạn. Việc phân bổ tốt nguồn lực là cực kỳ quan trọng!
Ví dụ, nếu bạn đang học đại học, việc đầu tiên bạn phải hiểu rõ chính là mục đích của việc học. Không biết nên học ngành gì, rồi học xong sau này để làm gì là câu hỏi đã quá phổ biến của các bạn mới tốt nghiệp cấp 3. Nhiều bạn chọn học theo mong muốn của bố mẹ hay thử “chọn đại” một ngành nào đó để học, nhưng thử nghĩ mà xem, chúng ta không có quá nhiều thời gian trên cuộc sống này để mông lung “mò mẫm” và đi đường vòng mãi.
Đồng ý không thể đi một con đường thẳng cả đời mà trong quá trình đi có lúc phải rẽ ngang rẽ dọc, nhưng chí ít có một lộ trình vạch sẵn bằng việc lên kế hoạch sẽ đặt “chuẩn” cho những quyết định của bạn được đưa ra dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu đi không có phương hướng thì cho dù rẽ đi đâu cũng mất thời gian học lại từ đầu, dần khiến bạn mệt mỏi và bỏ cuộc. Khi áp dụng “wisdom” của chủ nghĩa khắc kỷ vào đời sống, bạn có thể lọc ra được những sở thích cá nhân ảnh hưởng đến đam mê nghề nghiệp và từ đó khôn ngoan tập trung vào nó để phát triển, hạn chế đi “đường vòng”.
Seneca – một nhà chính sách, nhà soạn kịch và nhà triết học khắc kỷ của La Mã cổ đại đã viết trong cuốn sách Sự ngắn hạn của cuộc sống: “It is not that we have a brief length of time to live, but that we squander a great deal of that time.” (“Không phải là chúng ta có một khoảng thời gian ngắn để sống, mà là chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời gian đó.”)
2. Courage – lòng can đảm
“You have passed through life without an opponent—no one can ever know what you are capable of, not even you.”
(“Bạn đã trải qua cuộc sống mà không có đối thủ—Không ai có thể biết bạn có khả năng gì, kể cả bạn.”)
Lòng can đảm trước hết không phải là sự cố gắng loại bỏ hoàn toàn những lo lắng hay sợ hãi, mà là sức mạnh chống lại những thử thách bất chấp nỗi lo lắng và sợ hãi ấy. Đừng coi những tình huống khó khăn là bất tiện hay thậm chí là bi kịch. Hãy coi chúng như những cơ hội hay câu hỏi cần lời giải đáp.
Lợi ích của việc tự nguyện đặt mình vào môi trường khó khăn giúp chúng ta trân trọng hơn những gì đang có. Tất nhiên việc thư giãn trong chăn ấm nệm êm giữa tiết trời lạnh buốt thật tuyệt, nhưng nếu đi ra ngoài một lúc rồi quay lại, bạn sẽ càng cảm nhận được nhiều hơn cái cảm giác ấm áp và chở che.
Chúng ta trải qua và biết được “quá khứ”, nhưng không thể kiểm soát được nó. Chúng ta mơ mộng về “tương lai”, nhưng tương lai thì vẫn mãi là một ẩn số. “Hiện tại” là tất cả những gì chúng ta có được ngay trong tầm tay. Bằng những suy nghĩ và hành động ở hiện tại, chúng ta thậm chí có thể định đoạt được cả tương lai.
Sống trong thế giới bị “tấn công” với quá nhiều thông tin không liên quan khiến cho cái gì cũng muốn thử, cái gì cũng muốn làm, phớt lờ được những “đam mê ảo” hóa ra cũng là một dạng can đảm. Thế hệ trẻ chúng ta ngày nay cần phải thẳng thắn tự đặt câu hỏi về việc tận dụng tối đa nguồn lực trong hiện tại như thời gian, không gian và tình huống để đến gần hơn với phiên bản tốt hơn trong tương lai.
3. Justice – công lý
“Justice” trong chủ nghĩa khắc kỷ đề cập đến cách bạn đối nhân xử thế, mà tầm quan trọng của nó đúng như Marcus Aurelius đã từng nói: công lý là nguồn gốc của tất cả những đức tính khác. Mỗi con người sinh ra được ban tặng món quà khác nhau là những điểm độc đáo, nhưng chúng ta chỉ có thể dùng nó như một phương tiện giúp đỡ người khác để đạt được ý nghĩa trong cuộc sống của chính mình. Bằng cách sống tử tế, giúp người và giúp đời, chúng ta có được mọi thứ mình muốn nhưng không làm hại đến ai.
“Men exist for the sake of one another.” – Marcus Aurelius
(“Con người tồn tại vì lợi ích của nhau.”)
Tạm gác lại suy nghĩ mình giúp gì được cho bản thân và hỏi một câu hỏi rộng hơn: “Tôi giúp gì được cho mọi người?” Trở thành người tạo ra giá trị mà xã hội cần, rồi bạn sẽ thấy cuộc đời đưa đến những ngã rẽ thành công vượt hơn cả mong đợi. Chính những người gần gũi với chúng ta nhất như gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, những người bạn tiếp xúc mỗi ngày,… có thể biến ước mơ của bạn thành sự thật miễn là bạn sẵn lòng giúp đỡ họ đạt được những mong muốn cá nhân.
“At first I thought that life was joy. Then I learned that life was duty. Finally, I acted and, behold, duty was joy.” – Rabindranath Tagore (“Ban đầu tôi nghĩ rằng cuộc sống là niềm vui. Sau đó, tôi học được rằng cuộc sống là nghĩa vụ. Cuối cùng, tôi đã hành động và, này, nghĩa vụ là niềm vui”). Bằng một số câu hỏi sau, có thể bạn sẽ khám phá được điều mà mình muốn làm để giúp người khác:
Tôi giỏi làm điều gì?
Điều mà bạn giỏi làm sẽ đến với bạn một cách khá dễ dàng, và bạn không phải nỗ lực nhiều để làm nó. Đó có thể là một điều mà người khác có thể học hỏi ở bạn và bạn cũng rất đam mê để chia sẻ về nó, chẳng hạn như hội họa, âm nhạc, cách giao tiếp,…
Mọi người cần điều gì?
Mọi người đang cảm thấy cần thiết hoặc thiếu thốn gì? Biết được điều này để đưa ra lời đề nghị sao cho phù hợp trong giới hạn khả năng của mình. Sau đó theo thời gian, bạn có thể dần tăng giá trị tạo ra cho mọi người và nhận lại càng nhiều giá trị hơn.
Tôi có thể làm điều này cho ai?
Mọi thứ khi mới bắt đầu thường khó khăn, do đó nên ưu tiên đề nghị giúp đỡ người thân như gia đình hoặc bạn bè trước khi nghĩ đến những người khác. Bởi họ thường sẽ tạo động lực giúp bạn kiên trì hơn so với việc giúp đỡ người ngoài.
4. Temperance – sự chừng mực
Đối với chủ nghĩa khắc kỷ, “temperance” là sự điều độ hay kỷ luật bản thân nhằm giữ mọi thứ ở mức cân bằng. Không làm gì quá mức, làm đúng số lượng và đúng cách để biết những gì nên chọn, nên tránh và không nên làm. Như Epictetus từng nói: “Don’t seek for everything to happen as you wish it would, but rather wish that everything happens as it actually will—then your life will flow well.” (“Đừng tìm kiếm mọi thứ xảy ra như bạn mong muốn, mà hãy ước rằng mọi thứ diễn ra như nó thực sự sẽ xảy ra — thì cuộc sống của bạn sẽ trôi chảy.”)
Đối mặt với những thử thách hàng ngày đúng thực rất quan trọng, tuy nhiên việc “cuồng chiến” đến mức kiềm chế luôn cả sự lười biếng không hẳn là một ý hay. Chúng ta không nên tuân theo thái cực này hay thái cực khác, mà cần điều hòa mục tiêu trong mọi phần của cuộc sống. Hãy nhớ lời khuyên của chủ nghĩa khắc kỷ về sự chừng mực để tìm ra được “điểm vàng” – nơi mà ta không lười biếng hoặc không cố gắng quá mức, mà chỉ đơn giản là sẵn sàng.
Làm mọi thứ với sự chừng mực giúp rèn luyện tính tự chủ của một con người. Nghiên cứu cho thấy những người giỏi tự chủ học được nhiều những thói quen tốt hơn như ăn uống lành mạnh, tập thể dục, học tập,…
Marcus Aurelius là một hoàng đế của Đế chế La Mã – người có được mọi thứ mình muốn và hơn thế nữa. Tuy nhiên, ông đã chọn một cuộc sống điều độ và làm tròn bổn phận đối với người dân của mình. Bạn cũng có những bổn phận riêng trong cuộc sống cần phải hoàn thành. Hãy tìm ra nó và sống một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Đừng nghĩ rằng mình đang mắc kẹt trong khoảng trống không thể lấp đầy và tự dằn vặt bản thân khi đôi lúc bạn muốn nhiều hơn những gì bạn cần, bởi trước khi có cơ hội sống một cuộc sống yên bình và mãn nguyện, ai rồi cũng phải vượt qua vực thẳm đó. Phải đến lúc có trong tay những thứ mà bạn khao khát và theo đuổi, bạn mới nhận ra có lẽ mình không cần chúng để trở nên hạnh phúc hơn.
Gợi ý kênh podcast hay về chủ nghĩa khắc kỷ
Các “stoics” cho rằng tất cả về chủ nghĩa khắc kỷ nằm gói gọn trong thói quen và sự lặp lại. Vì vậy để giúp thực hành các ý niệm hiệu quả hơn và nhanh chóng tìm ra mục đích sống của chính bạn, mình sẽ gợi ý một số kênh podcast hay nói về chủ nghĩa khắc kỷ dưới đây:
- Daily Stoic Việt Nam lấy nội dung từ cuốn sách cùng tên Daily Stoic – nói về các quan điểm, góc nhìn của các vị triết gia khắc kỷ vĩ đại như Marcus Aurelius, Epictetus, Zeno, v.v. bởi tác giả Ryan Holiday.
- Stoic Meditations Podcast được host bởi Massimo Pigliucci. Podcast này thỉnh thoảng mang đến những phản ánh về trí tuệ của các triết gia Hy Lạp và La Mã Cổ đại với Giáo sư Massimo Pigliucci.
- Để điều hướng cuộc sống theo triết lý của chủ nghĩa khắc kỷ, không thể thiếu sự có mặt của người hướng dẫn. Lắng nghe cuộc phỏng vấn của Steve với những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ hiện đại chia sẻ về các văn bản cổ và lời khuyên trong việc áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào cuộc sống vào mỗi chủ nhật hàng tuần ở kênh The Stoic Sunday.
Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo:
- Chủ nghĩa khắc kỷ là gì? 5 quyến sách hay nên đọc về Chủ nghĩa khắc kỷ
- Tại sao mình không còn dùng túi xách?
- Tại sao bạn buồn ngủ vào buổi chiều? Những điều cần biết về “afternoon slump”
- Review sách Lược Sử Triết Học: Hành trình khám phá thế giới qua triết học
Hy vọng qua bài viết trên, BlogAnChoi đã đem lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích về chủ nghĩa khắc kỷ. Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!