Với các nước phương tây và một số nước phương đông, không ít người đã trúng “tiếng sét ái thực” của những loại thức ăn nhanh như: gà rán, hamburger, pizza,… trở thành thị hiếu tiêu dùng trong văn hóa ẩm thực của nhiều nước. Việt Nam chúng ta không nằm trong số đó. Đã có luận điệu cho rằng: “các cửa hàng thức ăn nhanh không thịnh hành tại Việt Nam vì người Việt nghèo”. Thật hẹp hòi khi có ý nghĩ như vậy, bởi nền ẩm thực nước ta rất “giàu”. Để làm rõ hơn, các bạn đọc hãy cùng BlogAnChoi đi sâu vào bài viết dưới đây.

1. Độ đa dạng và phong phú trong nền ẩm thực Việt

Khi đến Việt Nam, Gordon Ramsay – một đầu bếp nổi tiếng trên thế giới – đã thán phục mà nhận định rằng ở Việt Nam có một hệ thống “ma trận ẩm thực” hay James Won – một đầu bếp nổi tiếng người Malaysia – đã tự tin nói rằng: “Việt Nam nên tự hào vì các bạn đang sở hữu nguồn nguyên liệu ẩm thực mà không nơi nào có được”.

Việt Nam vốn là đất nước có cấu trúc địa lí khá đa dạng. Những đồi núi, đồng bằng, sông ngòi, biển cả được phân bậc rõ rệt và phân hóa đa dạng, đã là chiếc “chìa khóa vàng” mở ra sự phong phú vô cùng tận trong nền ẩm thực nước ta. Không chỉ bó hẹp trên đất liền, nguyên liệu trong ẩm thực Việt còn có “tôm tươi, cá sống” từ hệ thống sông ngòi dày đặc và vùng biển đông trù phú. Sự phong phú, đa dạng đó đã kích thích tính sáng tạo trong ẩm thực của người Việt, đem đến cho du khách một bản thực đơn món ăn đồ sộ của người Việt.

Không chỉ thế, sự đa dạng và phong phú còn được cấu thành từ bản sắc ẩm thực vùng miền ở nước ta. Với 54 dân tộc, bản sắc dân tộc Việt Nam không chỉ được thể hiện ở văn hóa, mà còn ở trên trường ẩm thực. Hương vị cân bằng của miền Bắc, cái mặn của miền Trung, ngọt của miền Nam và những đặc sản núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên,… đã đem đến cho chúng ta những món ăn đặc sản của mỗi địa phương, mỗi vùng miền và mỗi dân tộc. Hàng chục ngàn món ăn ấy không cố định ở một thể thức nào cả, mà tiếp tục sáng tạo thành những món ăn mới, không chỉ ngon mà còn độc, lạ.

Bánh mì Việt Nam là một món ăn đường phố rất nổi tiếng trên thế giới (Nguồn: Internet)
Bánh mì Việt Nam là một món ăn đường phố rất nổi tiếng trên thế giới (Nguồn: Internet)

Đứng trước sự vây hãm của nền ẩm thực nước ta, đã có không ít hãng đồ ăn nhanh “bại trận” tại thị trường Việt Nam. Bởi quân ta không chỉ đông, mà còn rất đảm bảo về mặt “chất”.

2. Thức ăn nhanh hóa chậm ở Việt Nam

Những thương hiệu cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng trên thế giới như McDonald’s với giá trị lên tới 126 tỷ USD, hay các thương hiệu gà rán, pizza, hamburger nổi tiếng như: KFC, Pizza Hut, Burger King, … với giá trị thương hiệu lên tới hàng tỷ USD lại có mức tăng trưởng chậm tại thị trường Việt Nam. Mặc dù KFC có chỗ đứng tại thị trường nước ta, nhưng cũng phải mất đến 7 năm chật vật và chịu nhiều thua lỗ.

Gần như chữ “fast” (nhanh) trong từ “fast food” (thức ăn nhanh) đã bị lu mờ khi du nhập vào nền ẩm thực nước ta. Tốc độ phục vụ tại đa số các cửa hàng thức ăn nhanh đã và đang chuyển xuống mức bình thường, thậm chí là chậm… Nguyên do xảy ra hiện tượng đó, có lẽ xuất phát từ những ảnh hưởng của “phong cách” phục vụ và bán hàng ở những quán ăn đường phố ở nước ta.

Từ bấy lâu nay, các quán ăn đường phố ở nước ta đã đáp ứng khá “chu toàn” các khía cạnh trong ăn uống, không chỉ ngon, bổ, rẻ mà còn phục vụ rất nhanh chóng. Nếu so sánh về tốc độ phục vụ, các quán ăn đường phố ở nước ta có thể nhanh hơn gấp 1,5 đến 2 lần so với các cửa hàng thức ăn nhanh.

Tuy McDonald’s sở hữu công nghệ có thể đẩy nhanh tốc độ phục vụ, nhưng nhìn lại phía chúng ta, những đôi tay thoăn thoắt, lành nghề kết hợp với sự giản đơn trong phục vụ của những quán phở, quán bún, hàng bánh mì,… cũng chẳng hề kém cạnh so với đống “máy móc” ấy. Tốc độ phục vụ của các cửa hàng thức ăn nhanh được tính bằng phút, còn tốc độ phục vụ của các các quán ăn đường phố ở nước ta được tính bằng giây.

Ngoài ra, theo khảo sát thực tế, chúng ta có thể thấy đa số khách hàng của các cửa hàng đồ ăn nhanh là người trẻ và thường đến để ăn mừng sinh nhật, ngày lễ, ngày kỷ niệm,… Chính cái tâm lý đám đông ấy của giới trẻ đã ảnh hưởng sâu sắc, làm thay đổi khái niệm fast food ở các cửa hàng thức ăn nhanh tại Việt Nam.

Khách hàng của các cửa hàng thức ăn nhanh tại Việt Nam đa số là thanh thiếu niên (Nguồn: Internet).
Khách hàng của các cửa hàng thức ăn nhanh tại Việt Nam đa số là thanh thiếu niên (Nguồn: Internet).

3. Thói quen của người Việt

Sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực không chỉ đến từ số lượng các món ăn, mà còn đến từ những đặc trưng trong cách ăn uống, sinh hoạt của mỗi vùng miền ở nước ta. Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đã bắt gặp những câu ca dao, tục ngữ như: miếng trầu là đầu câu chuyện, có thực mới vực được đạo, trời đánh tránh bữa ăn,… Những thói quen ăn uống đó đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của các cửa hàng thức ăn nhanh tại Việt Nam.

Đầu tiên phải nói đến việc sử dụng đũa khi ăn. Sử dụng đũa là cách ăn phổ biến và đặc thù nhất với người Việt. Dù ở độ tuổi, hoàn cảnh hay thời đại nào, đôi đũa vẫn luôn gắn liền với bữa cơm của mọi gia đình. Mặc dù dùng một bộ đồ ăn gồm: dao, muỗng, nĩa của người phương Tây có thể giúp cách ăn của chúng ta trở nên hào nhoáng và sành điệu hơn, nhưng làm sao có thể bỏ được một thói quen ăn uống mang đậm bản sắc dân tộc của mình.

Tiếp đến phải bàn đến cái thói quen trò chuyện trong ăn uống của người Việt. Đại đa số người phương Tây thường tránh nói chuyện khi ăn uống, thế nên các quán ăn nhanh của họ cũng chia ra từng suất ăn riêng, hoàn toàn độc lập với nhau. Trái ngược với các quán ăn đó, những quán ăn ở nước ta lại chủ ý tạo cảm giác thân tình hơn, tạo nên một không gian gần gũi, thân mật để giữa người với người thoải mái mà hàn huyên suốt bữa ăn.

Cựu Tổng thống Obama vừa ăn bún chả, vừa trò chuyện trong chuyến làm việc tại Việt Nam năm 2016 (Nguồn: Internet).
Cựu Tổng thống Obama vừa ăn bún chả, vừa trò chuyện trong chuyến làm việc tại Việt Nam năm 2016 (Nguồn: Internet).

Người Việt ta cũng có thể vừa ăn uống, vừa trò chuyện ở các cửa hàng thức ăn nhanh. Nhưng cũng vì cái lý đó mà lại xuất hiện hiện tượng “nhanh” hóa “chậm” như ở trên. Đồng thời, những gia vị quen thuộc như: nước mắm, ớt dằm,… cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành thị hiếu ăn uống của người Việt ta.

4. Giá cả thức ăn nhanh chưa hợp lý

Tính đến năm 2019, ngành dịch vụ thực phẩm ở nước ta đã có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống trên cả nước. Không như mong đợi và dự tính của nhiều nhà đầu tư, trong con số trăm ngàn ấy chỉ có khoảng 7.000 cửa hàng đồ ăn nhanh. Bởi lẽ người Việt ta chi khoảng 78% số tiền họ kiếm được vào các cửa hàng thực phẩm, nhà hàng và các quán ăn đường phố.

Sự bất cập trong giá cả cũng là một lý do xác đáng cho việc người Việt ta không ưa chuộng các quán thức ăn nhanh. Qua khảo sát nhanh trên Now (ứng dụng đặt đồ ăn trên điện thoại) hay trên thực tế, có thể thấy một miếng gà rán, hamburger,… của KFC hay McDonald’s rơi vào khoảng 40 nghìn đồng trở lên, cao hơn rất nhiều so với các món ăn đường phố chất lượng của nước ta như: bún, phở, bánh mì,…

Nếu bảo các thương hiệu đồ ăn nhanh thất bại tại Việt Nam do người Việt nghèo, thì với quy mô nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN, cũng như GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN, người Việt chỉ thích ăn đồ tây trong các nhà hàng, hơn là các cửa hàng đồ ăn nhanh như Jollibee…

5. Thức ăn nhanh không tốt cho sức khỏe

Trong số chúng ta sẽ có không ít người đánh giá và tin tưởng khâu kiểm duyệt an toàn vệ sinh thực phẩm của các hãng thức ăn nhanh, bằng vẻ ngoài hào nhoáng và sang trọng của họ. Tuy nhiên, đã không ít lần các hãng thức ăn nhanh tại Việt Nam dính phải những bê bối, lùm xùm trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều đó dẫn đến sự đắn đo khi bỏ ra số tiền hàng chục, hàng trăm nghìn cho một suất ăn tại đây.

Các quán ăn đường phố ở nước ta cũng khó tránh được những lần lùm xùm vì mất vệ sinh, không đảm bảo sức khỏe. Nhưng nếu đặt ra so sánh giữa các món ăn làm từ nguyên liệu tươi sống, rõ nguồn gốc với các món ăn chiên rán, sử dụng nguyên liệu rẻ tiền như gà công nghiệp, thì người Việt chúng ta ưa chuộng những món ăn “dung dị” hơn là những món ăn có vẻ ngoài “hào nhoáng” ấy.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Đại học Columbia và California, Berkeley (Mỹ), ăn thức ăn nhanh thường xuyên có thể dẫn đến nguy cơ mắc béo phì ở trẻ em lên đến 86% và sẽ có nguy cơ bị thừa cân, thiếu vitamin và chất xơ, không cân đối được các chất dinh dưỡng. Cũng chính vì lẽ đó, mà nhiều người không ưa chuộng thức ăn nhanh, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ.

Đa số các loại thức ăn nhanh đều là thực phẩm chiên rán, dầu mỡ không tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet).
Đa số các loại thức ăn nhanh đều là thực phẩm chiên rán, dầu mỡ không tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet).

Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo:

Hy vọng với bài viết này, BlogAnChoi sẽ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về lý do tại sao các hãng thức ăn nhanh lại không được ưa chuộng tại Việt Nam, cũng như đời sống ẩm thực Việt Nam.

Xem thêm

300+ câu châm ngôn cuộc sống hay nhất sẽ khiến bạn "sáng mắt ra"!

Những câu châm ngôn cuộc sống, câu nói về cuộc sống hay, ý nghĩa nhất sẽ giúp bạn hiểu ra nhiều sự thật và chân lý, có thêm động lực để cố gắng phát triển bản thân hoặc đơn giản là bạn sẽ "sáng mắt ra" vì cuộc đời vốn không phải ngôn tình.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận