Bạn có ý định theo đuổi nghề lập trình nhưng còn ngần ngại vì những lời đồn như: phải học giỏi toán, công việc nhàm chán và dễ bị AI thay thế? Có rất nhiều quan niệm sai lầm về lĩnh vực lập trình, vì vậy hãy cùng khám phá xem sự thật như thế nào nhé!

Ngày nay bạn có thể tìm kiếm thông tin về lập trình rất dễ dàng trên mạng, có đủ mọi chi tiết về mức lương hấp dẫn, nhu cầu tuyển dụng cao, tài nguyên quý giá và cơ hội phát triển. Nhưng nhiều người vẫn e ngại khi lựa chọn công việc này, thậm chí nhiều người đã từ bỏ chỉ sau vài tháng. Một lý do chính dẫn đến điều này là những quan niệm sai lầm được lan truyền rộng rãi, đặc biệt có ảnh hưởng rất lớn đến những người mới vào nghề. Dưới đây hãy cùng tìm hiểu sự thật về ngành lập trình nhé.

1. Muốn làm lập trình phải có bằng đại học?

Do tính chất kỹ thuật của công việc này, nhiều người cho rằng bắt buộc phải có bằng đại học liên quan đến công nghệ thông tin thì mới có cơ hội trở thành lập trình viên và phát triển phần mềm. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy vì thực tế có những người làm lập trình chuyên nghiệp không học chính quy.

Công việc lập trình ngày càng được quan tâm (Ảnh: Internet)
Công việc lập trình ngày càng được quan tâm (Ảnh: Internet)

Bất kể bạn đã có bằng cấp trong lĩnh vực nào, bạn vẫn có thể tham gia vào ngành lập trình và phát triển phần mềm nếu thực sự yêu thích. Hiện nay có rất nhiều khóa học viết code online hoặc trực tiếp chất lượng cao và có người hướng dẫn bài bản, tạo cơ hội cho bất kỳ ai muốn trở thành lập trình viên.

Mặc dù bằng đại học không phải là bắt buộc nhưng việc học chính quy vẫn có giá trị rất lớn đối với công việc lập trình viên. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này sâu hơn ở các phần sau.

2. Phải rất giỏi toán mới làm lập trình được?

Bạn thường xuyên phải toát mồ hôi với các bài toán giải tích hay hình học ở trường? Đừng lo vì điều đó cũng không ảnh hưởng đến kỹ năng lập trình của bạn sau này. Nhưng tại sao quan niệm “lập trình viên phải giỏi toán” lại cực kỳ phổ biến như vậy?

Lập trình viên có nhất thiết phải giỏi toán? (Ảnh: Internet)
Lập trình viên có nhất thiết phải giỏi toán? (Ảnh: Internet)

Đúng là bạn không cần quá giỏi toán để trở thành nhà phát triển phần mềm, nhưng hai việc này đều tuân theo các nguyên tắc tương tự nhau. Quá trình phân tích để tìm ra lời giải cho các bài toán cũng được áp dụng tương tự khi viết các chương trình trên máy tính. Mặc dù công việc lập trình không dùng đến các công thức toán học hay thực hiện phép đo, nhưng sẽ rất hữu ích nếu bạn có tư duy logic để viết code hiệu quả.

3. Lập trình là công việc phức tạp và chỉ dành cho những bộ óc thiên tài?

Đây là một trong những quan niệm được lan truyền phổ biến nhất trong lĩnh vực này. Những người mới vào nghề thường xem các đoạn code dài và phức tạp được viết bởi các nhà phát triển hàng đầu và kết luận rằng công việc lập trình quá khó.

Lập trình không khó như bạn nghĩ (Ảnh: Internet)
Lập trình không khó như bạn nghĩ (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, lập trình không phải là con đường dễ dàng nhất trong lĩnh vực công nghệ nói chung, nhưng nó cũng không khó như chế tạo tên lửa. Nếu bạn có khả năng phân tích và suy luận logic vững chắc, sẵn sàng bắt tay vào công việc và chăm chỉ cố gắng thì chắc chắn bạn có thể trở thành lập trình viên giỏi.

Đừng lo lắng về những thuật ngữ khó hiểu khi mới bắt đầu làm công việc này. Những đoạn code chuyên nghiệp có thể trông đáng sợ, nhưng bạn sẽ học cách viết các chương trình từ đơn giản đến phức tạp theo thời gian, bắt đầu bằng những kiến thức cơ bản và từ từ nâng cao kỹ năng lên trình độ khó hơn.

4. Trí tuệ nhân tạo AI sẽ sớm thay thế các lập trình viên?

Những thành tựu gần đây của AI trong lĩnh vực công nghệ và mọi lĩnh vực của đời sống nói chung là không thể phủ nhận. Chúng ta đã thấy các mô hình AI có thể viết code đơn giản và học hỏi tiến bộ rất nhanh. Nhưng sự phát triển của AI có đồng nghĩa với hồi kết của những người làm lập trình hay không?

AI có thể viết code thay con người hoàn toàn hay không? (Ảnh: Internet)
AI có thể viết code thay con người hoàn toàn hay không? (Ảnh: Internet)

Chắc chắn là không, bởi vì kỹ năng lập trình và phát triển phần mềm do con người thực hiện là không thể thiếu để đảm bảo AI hoạt động chính xác. Ví dụ: các nhà phát triển hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học dữ liệu để tạo ra, thử nghiệm và triển khai các mô hình AI cũng như hỗ trợ bảo trì chúng.

Tất nhiên các lập trình viên con người phải không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng chuyên môn của mình để giữ được vị trí trong công việc. Công nghệ không ngừng phát triển và con người cũng phải phát triển cùng với nó.

5. Ngôn ngữ lập trình này ưu việt hơn ngôn ngữ lập trình khác?

Đối với những người mới vào nghề, việc lựa chọn một ngôn ngữ lập trình để học không hề đơn giản. Khi tìm kiếm trên Google bạn sẽ thấy rất nhiều ý kiến khác nhau, mỗi ý kiến đều đưa ra những ưu điểm và nhược điểm của các ngôn ngữ. Từ đó bạn có thể kết luận rằng một ngôn ngữ nào đó có ít nhược điểm hơn là tốt hơn, nhưng thực ra không phải như vậy.

Có rất nhiều ngôn ngữ lập trình đã được tạo ra (Ảnh: Internet)
Có rất nhiều ngôn ngữ lập trình đã được tạo ra (Ảnh: Internet)

Các ngôn ngữ lập trình được thiết kế khác nhau về cách sử dụng và tính phù hợp, do đó lựa chọn ngôn ngữ nào phụ thuộc vào kiểu lập trình mà bạn muốn học, và điều đó không ảnh hưởng đến giá trị của các ngôn ngữ khác. Ví dụ như các nhà phát triển web thường dùng JavaScript, trong khi các nhà phát triển Android chọn ngôn ngữ Kotlin.

Bên cạnh chức năng và mục đích sử dụng, bạn phải xem xét nhiều yếu tố khác trước khi chọn ngôn ngữ, và nhớ rằng tất cả chúng đều có tầm quan trọng như nhau. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng có những ngôn ngữ lập trình có thể khiến bạn thất nghiệp do không được ứng dụng nhiều trong thực tiễn. Vì vậy khi chọn ngôn ngữ lập trình để học, hãy tìm hiểu xem nhu cầu sử dụng trong thực tế như thế nào.

6. Phải học nhiều tháng mới có thể thực hành lập trình hiệu quả?

Quan niệm rằng bạn phải học và nghiên cứu rất lâu mới có đủ khả năng thực hành lập trình là không đúng. Trên thực tế, bạn có thể viết dòng code đầu tiên ngay sau buổi học đầu tiên.

Việc chờ đợi đến khi học nhiều mới bắt đầu viết code và thực hành lập trình sẽ cản trở quá trình học tập của bạn. Có rất nhiều thứ để học trong ngành này, và việc nhồi nhét lý thuyết mà không ứng dụng thực tế sẽ chẳng có ích gì cho bạn. Thay vào đó, hãy thực hành ngay bất cứ điều gì mà bạn vừa học được, dần dần bạn sẽ thành thạo các kỹ năng lập trình từ lúc nào không hay.

7. Lập trình là công việc nhàm chán và tốn nhiều thời gian?

Nếu bạn cảm thấy thoải mái với lịch làm việc chung của mọi người thì công việc lập trình cũng không quá khó khăn về thời gian. Lĩnh vực công nghệ nổi tiếng về khả năng linh hoạt, tức là bạn có thể thương lượng về số giờ làm việc của mình ở hầu hết các công ty, miễn là đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Lập trình nhàm chán và tốn n thời gian? (Ảnh: Internet)
Lập trình nhàm chán và tốn n thời gian? (Ảnh: Internet)

Nhưng lập trình có nhàm chán không? Điều đó tùy thuộc vào sở thích và ưu tiên của bạn. Không ai có thể nhận xét thay cho bạn, mà chính bạn hãy khám phá mọi khía cạnh của công việc này để quyết định xem nó có phù hợp với mình hay không.

8. Lập trình đồng nghĩa với viết code?

Sự thật này có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng viết code và lập trình có ý nghĩa khác nhau, mặc dù trong thực tế 2 khái niệm này thường được sử dụng thay thế cho nhau do chúng có mối quan hệ chặt chẽ.

Lập trình và viết code có ý nghĩa khác nhau (Ảnh: Internet)
Lập trình và viết code có ý nghĩa khác nhau (Ảnh: Internet)

Lập trình là toàn bộ quá trình hướng dẫn một hệ thống máy tính sử dụng các ngôn ngữ lập trình cụ thể. Nó bao gồm thuật toán, logic, mã, bảo trì chung của phần mềm hệ thống, v.v.

Trong khí đó khái niệm viết code và cách thức hoạt động của nó liên quan đến việc viết các câu lệnh hướng dẫn cụ thể cho máy tính. Công việc này cụ thể hơn và xác định những nhiệm vụ mà máy tính phải làm, kể cả những thao tác xử lý nhỏ nhất. Viết code là một phần quan trọng của lập trình, nhưng không phải là tất cả.

9. Làm lập trình chỉ là học các ngôn ngữ lập trình?

Lập trình viên phải học các nguyên tắc cơ bản về lập trình – chứ không chỉ ngôn ngữ – để xây dựng các dự án và phát triển các hệ thống quy mô lớn. Nếu chỉ học ngôn ngữ lập trình mà không có kiến thức cơ bản về viết code và các khái niệm lập trình thì cũng giống như lái xe mà không có điểm đến rõ ràng, cuối cùng chỉ lãng phí tài nguyên mà không làm được việc gì.

Trên thực tế, trình độ của lập trình viên được thể hiện qua chất lượng của code chứ không phải số lượng ngôn ngữ lập trình đã học.

10. Bằng đại học không cần thiết cho công việc lập trình?

Ở phần trên đã nhấn mạnh rằng bằng cấp không phải là yêu cầu bắt buộc để làm lập trình, nhưng mặt khác, nếu bạn đã có bằng cấp hoặc đang trong quá trình học lấy bằng thì đừng coi đó là sự lãng phí.

Bằng cấp trong lĩnh vực tin học và khoa học máy tính sẽ giúp bạn có tiềm năng phát triển và thăng tiến trong công việc lập trình. Ngoài ra, những kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin, toán học và kỹ thuật đều giúp bạn rèn luyện khả năng phân tích và lập luận logic, đó là những yếu tố rất cần thiết để trở thành lập trình viên chuyên nghiệp. Tất nhiên, bằng cấp cũng giúp cho lý lịch của bạn đẹp hơn và có lợi thế hơn khi tìm việc so với những ứng viên không có bằng cấp.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Tại sao các nhà sản xuất Android muốn xây dựng hệ sinh thái của riêng mình?

Trên thị trường có rất nhiều nhà sản xuất điện thoại Android khác nhau, từ những thương hiệu nổi tiếng như Samsung và Google cho đến ít tên tuổi hơn như Xiaomi, OnePlus. Nhưng không chỉ điện thoại, giờ đây họ còn sản xuất máy tính bảng, tai nghe không dây, đồng hồ thông minh, v.v. để xây dựng ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận