Từ lâu, con người đã mặc định trong suy nghĩ của mình là cá phải sống dưới nước. Tuy nhiên, vẫn có một số loài cá thuộc trường hợp ngoại lệ, mặc dù mang hình hài của một chú cá nhưng chúng lại có thể sống trong môi trường khô cạn hàng tháng trời mà chẳng hề hấn gì.
Cá Mangrove rivulus
Mangrove rivulus là loài cá đặc biệt có nguồn gốc từ châu Mỹ, đây là một loài cá lưỡng cư có thể sống được cả trong môi trường nước lẫn môi trường trên cạn. Vào mùa hè, nhiệt độ dưới nước lên cao, có khi hơn 40 độ C, cá Mangrove rivulus phải di chuyển lên cạn nấp mình dưới những hốc đá hay bóng mát để tránh nóng.
Loài cá Mangrove rivulus có đặc điểm cơ thể khá đặc biệt để có thể thích nghi với cả hai môi trường sống. Mang cá phát triển giúp chúng vừa có thể lọc oxy trong nước, vừa có thể lọc oxy trong không khí. Mạch máu dưới da cũng giúp chúng hấp thụ không khí trực tiếp vào máu nhanh hơn. Ngoài ra cá Mangrove rivulus còn có lớp vảy bóng, chống lại sự hấp thụ ánh nắng mặt trời, làm cho chúng không bị biến thành cá khô khi lên cạn. Mỗi lần lên bờ, cá Mangrove rivulus có thể sống vài tháng mà không cần nước.
Cá Phổi Châu Phi
Có thể nói đây là một trong những loài cá kỳ lạ bật nhất thế giới, chúng có thể sống mà không cần nước và thức ăn trong một khoảng thời gian dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy, loài cá này có thể sống đến hai năm mà không cần nước. Châu Phi là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, nếu không có đặc điểm cơ thể khác thường thì có lẽ loài cá này cũng không thể nào tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt.
Nếu như các loài cá khác trao đổi chất với môi trường bằng mang thì loài cá này còn có thể hô hấp bằng phổi giống như các loài động vật trên cạn khác. Mỗi lúc gặp trời khô hạn chúng lại co mình vào những chiếc hang bằng bùn đất do chính chúng tạo ra, sau đó da cá phổi tiết ra một chất nhờn giúp cho da chúng giữ ẩm hết năm này sang tháng nọ.
Cá Trê
Có lẽ ai trong chúng ta cũng quen thuộc với loài cá này, chúng thuộc họ cá da trơn có thể sống trên cạn lẫn dưới nước, thậm chí là ngay trong lòng đất. Có những câu chuyện rùng rợn xoay quanh loài cá này, những con cá trê sống dưới đất gần khu nghĩa địa sẽ tìm cách khoét lỗ quan tài chui vào đó ăn xác chết rồi làm tổ sinh sản ngay bên trong áo quan.
Ngày thường, cá trê sống ở dưới nước hoặc vùng đầm lầy, đến lúc hạn hán, chúng sẽ tự trát bên ngoài cơ thể một lớp bùn, sau khi bùn cứng lại, chúng sẽ đánh một giấc ngủ dài cho đến khi mưa xuống làm trôi chảy lớp áo này ra.