Nằm ở sườn Tây bắc của ngọn núi Phú Sĩ – một biểu tượng tự hào của người dân xứ sở hoa anh đào, khu rừng Aokigahara được mệnh danh là “Rừng tự sát”, nơi đây đã có hàng trăm người đến để kết liễu cuộc đời mình.
Được nhắc đến với cái tên mỹ miều mà rùng rợn “nơi hoàn hảo để chết” trong cuốn sách Những hướng dẫn đầy đủ để tự vẫn của nhà văn Wataru Tsurumui, Aokigahara là một khu rừng nhỏ cực kỳ tối tăm dưới chân núi Phú Sĩ.
Aokigahara dày đặt cây cối chen chúc nhau mọc um tùm, ánh nắng và gió trời cũng khó mà lọt vào biến nơi này trở thành một khu rừng u ám và lạnh lẽo và có lẽ đây cũng là lý do nơi đây trở thành một địa điểm “lý tưởng” để nhiều người Nhật tìm đến để tự sát. Theo thống kê, mỗi năm khu rừng đón hàng chục thậm chí hàng trăm người đến “hẹn hò” cùng thần chết.
Ở phòng kiểm lâm của rừng Aokigahara còn có nhiều phòng để chứa xác chết. Trước đây, mỗi năm nơi đây diễn ra trung bình 20 vụ tự sát, đến năm 1994 tăng lên 57 vụ, và đạt kỷ lục 108 vụ vào năm 2004.
Theo tài liệu của cảnh sát địa phương, năm 2007 có gần 247 người tìm đến nơi đây để tự tử và 54 người trong số họ đã hoàn thành giấc mơ về cõi thiên thu. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê được, cả người dân Nhật Bản và các quan chức địa phương đều tin rằng con số thực tế chắc chắn nhiều hơn những gì được báo cáo.
Vì có quá nhiều người đến Aokigahara để tự vẫn, nên các nhà chức trách đã cho đặt những tấm biển thông báo có đề dòng chữ “Hãy suy nghĩ lại. Xin hãy tham khảo ý kiến các nhà tư vấn trước khi bạn có quyết định tìm đến cái chết” ngay trước cửa rừng và treo trên thân cây trong khắp khu rừng. Các nhà chức trách Nhật Bản cũng huấn luyện cho người dân xung quanh khu vực “nhạy cảm” này học về tâm lý, đặc biệt là họ được dạy làm thế nào để khuyên nhủ những người có ý định tự tử. Tuy nhiên, dường như mọi phương pháp đều vô hiệu với những ai đã quyết tâm muốn chấm dứt cuộc đời mình.
Nhà địa chất Azusa Hayano cho biết riêng ông tìm thấy hơn 100 xác chết trong 20 năm qua. Ông tìm thấy nhiều thông tin từ các xác chết: họ cảm thấy cô đơn trong một xã hội chạy theo đồng tiền. Hằng năm, chính quyền địa phương đều tổ chức đi tìm xác chết khắp rừng.
Gần đây, chính quyền địa phương đã ngưng công bố số vụ tự tử trong cánh rừng này, nhằm ngăn chặn suy nghĩ đến đây tự sát của nhiều người. Nhưng các số liệu không chính thức vẫn nổi lên, không thể biết chính xác bao nhiêu người tự tử do nhiều xác chết không bao giờ được tìm thấy, hoặc bị thú vật ăn mất.
Cho đến nay, Aokigahara vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp, cũng là một địa điểm diễn ra nhiều vụ tự sát thứ nhì trên thế giới. Nhiều năm trôi qua, Aokigahara đã trở thành một nỗi ám ảnh không chỉ của người dân mà còn của các nhà chức trách Nhật Bản.