Khoai tây là một trong 4 loại lương thực quan trọng nhất đối với nhân loại, bên cạnh gạo, bắp và lúa mì. Nhưng ít ai biết rằng, trong quá khứ, khoai tây đã từng bị cả châu Âu kì thị, gắn cho tên gọi là “trái táo quỷ”. Vậy có phải khoai tây đã giúp phương Tây phát triển vượt trội như hiện nay không? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu trong bài viết này các bạn nhé!

Tại sao khoai tây được gọi là “khoai tây”?

Vào khoảng năm 1890, người Pháp đã mang vào Việt Nam một loại củ kỳ lạ có hình dáng tròn tròn, màu vàng, ăn có vị bùi bùi, nhàn nhạt. Ngoài ra, người Việt lúc bấy giờ luôn gọi những thứ của người Pháp là “tây”, ví dụ: quần tây, rượu tây, bánh tây,…và hiển nhiên, cái củ kỳ lạ kia cũng được gọi là “khoai tây” luôn. Nhưng thực chất, xét theo nguồn gốc ra đời, chúng ta phải gọi khoai tây là “khoai Mỹ”, “khoai Nam Mỹ” hay chính xác hơn là “khoai Inca”. Bởi vì, chính người Inca đã phát hiện và trồng rộng rãi loài cây này, vô tình đã biến khoai tây trở thành “con át chủ bài” trong quá trình xây dựng đế chế lúc bấy giờ.

Củ khoai tây do người Pháp đưa vào Việt Nam lần đầu tiên (Ảnh: Internet).
Củ khoai tây do người Pháp đưa vào Việt Nam lần đầu tiên (Ảnh: Internet)

Điểm bắt đầu của khoai tây

Quay ngược về hơn 13.000 năm trước, khi loài cây thuộc họ cà này đã xuất hiện lần đầu tiên trên dãy núi Andes thuộc Peru. Đây là nơi thường xuyên xảy ra động đất, lũ quét, sạt lở,… Cũng vì thế mà chẳng có cây lương thực nào sống nổi. Tuy vậy, cây khoai tây vẫn có thể sinh trưởng và phát triển giữa thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Nhận ra sức sống mạnh mẽ của loài cây này, người Inca đã tìm cách thuần hóa nó, biến nó thành “nguyên liệu chủ lực” để xây dựng một đế chế hùng mạnh. Loại củ giàu dinh dưỡng này đã tiếp thêm cho quân đội của họ nguồn năng lượng dồi dào để đi chinh phạt và thôn tính những bộ lạc xung quanh – những bộ lạc vốn chỉ quen ăn ngô, lúa. Đồng thời, dù sống trên những dãy núi cheo leo, trập trùng nhưng họ vẫn có thể xây được những thành phố, những con đường, những đền đài nguy nga tráng lệ, dát vàng lấp lánh. Thế mới nói, “có thực mới vực được đạo”, khoai tây giúp Inca xây dựng nên một đế chế rực rỡ như thế.

Người Inca từ lâu đã biết trồng khoai tây (Ảnh: Internet)
Người Inca từ lâu đã biết trồng khoai tây và biến nó thành “nguyên liệu chủ lực” để xây dựng một đế chế hùng mạnh (Ảnh: Internet)

Hành trình khoai tây du nhập vào châu Âu

Vào năm 1532, người Tây Ban Nha đổ bộ lên bờ biển Peru. Họ không chỉ cướp bóc, xâm lấn, đàn áp dã man mà còn mang theo cả mầm bệnh lây lan khắp nơi, khiến người Inca không còn đủ sức để chiến đấu nữa, dẫn đến Đế chế Inca sụp đổ hoàn toàn, người Tây Ban Nha giành được thắng lợi nhanh chóng. Sau khi vơ vét được khối của cải khổng lồ, họ cũng không quên ném vào xó thuyền vài củ khoai tây. Tuy đã từng đem lại sự thịnh vượng cho Đế chế Inca, thế nhưng ban đầu, khi đến châu Âu, khoai tây không được người dân chấp nhận chỉ vì nó không xuất hiện trong Kinh Thánh. Giáo hội Công giáo cho rằng: trong Kinh Thánh, Chúa chỉ ăn cá, ăn bánh mì chứ không ăn khoai tây nên con người cũng không được phép ăn khoai tây. Đồng thời, cách sinh sản của khoai tây cũng rất “dị biệt”: chỉ cần đem cả củ chôn xuống đất, nó vẫn sẽ sinh trưởng và phát triển; hoặc cắt một củ thành bao nhiêu phần cắm xuống đất thì sẽ mọc lên bấy nhiêu cây con. Đó là lý do tại sao họ gọi khoai tây là “táo quỷ”, những quả táo nhăn nheo lớn lên từ lòng đất.

Những cây khoai tây khi được thu hoạch (Ảnh: Internet).
Những cây khoai tây khi được thu hoạch (Ảnh: Internet)

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi vua Frederick của nước Phổ nhận ra rằng: trong số binh lính của ông, những ai ăn khoai tây thì khỏe mạnh hơn những ai không ăn khoai tây. Vì vậy, vào năm 1756, ông đã ban hành “đạo luật khoai tây” và cũng là người đã phổ biến cụm từ “khoai tây” thay cho từ “nấm cục” mà người dân hay gọi. “Đạo luật khoai tây” nói rằng: nông dân hãy tích cực trồng khoai tây vì đây là thực phẩm sẽ giúp cho chúng ta diệt trừ được nạn đói và đem lại nguồn dinh dưỡng giúp chúng ta khỏe mạnh. Thế nhưng, việc thực thi sắc lệnh ban đầu cũng không hề suôn sẻ. Người dân nước Phổ khi ấy có câu nói: “Thứ gì nông dân không biết thì chúng tôi sẽ không ăn”. Thế là, để đối phó với sự chống đối này, vua Frederick đã nghĩ ra một kế. Ông bắt đầu trồng những vườn khoai tây và cử lính canh gác. Nắm được tâm lý dân chúng, hễ thứ gì được bảo vệ nghiêm ngặt nghĩa là thứ đó rất quý giá, vua đã dặn quân lính chỉ giả vờ canh gác, cứ để mặc người dân vào hái trộm. Vậy là, chẳng mấy chốc, khoai tây ngập tràn trên thị trường chợ đen. Những nông dân bắt đầu trồng khoai tây vì nó đang được giá. Khoai tây bắt đầu phổ biến hơn, giúp người dân vượt qua nạn đói và nuôi sống quân đội Phổ, giúp một mình vua Frederick chiến thắng cả liên quân Áo – Pháp hùng mạnh.

Khoai tây trên nước Pháp và các quốc gia khác

Khi Áo – Pháp thua trận, một dược sĩ người Pháp tên Antoine-Augustin Parmentier đã bị bắt làm tù binh và tù binh thì chỉ được ăn khoai tây mà thôi. Ở Pháp vào thời điểm đó, khoai tây chỉ dành cho heo ăn, nhưng bất đắc dĩ, ông phải ăn khoai tây để sống sót. Suốt 3 năm bị giam giữ ở Phổ, Parmentier nhận thấy mình vẫn sống khỏe mạnh, không bị bệnh tật. Sau khi được trả tự do, ông đã đem khoai tây về Pháp để nghiên cứu và phát hiện ra, khoai tây rất tốt cho sức khỏe con người và chỉ độc khi củ đã nảy mầm. Mong muốn phổ biến khoai tây đến toàn thể nhân dân, Parmentier đã sử dụng một chiến thuật. Trong một lần vua Louis XVI và nữ hoàng Marie Antoinette đi dạo trong khu vườn Versailles, Parmentier đã hái tặng mỗi người một bông hoa khoai tây. Thấy vua và nữ hoàng đều rất thích nên Parmentier đã xin được một mảnh trong khu đất hoàng gia để trồng khoai tây. Sau đó, áp dụng chiến thuật của vua Frederick, Parmentier cũng đã thành công mang khoai tây đến với người dân Pháp và lan rộng đến các nước khác ở châu Âu. Với lối canh tác đơn giản, không cần phải gặt và xay xát như lúa mì, trẻ em hay người già cũng đều trồng và thu hoạch được, giải quyết nhu cầu lương thực nhanh chóng, khoai tây đã thúc đẩy dân số ở các nước châu Âu tăng triển vượt trội và từng bước đưa châu Âu tiến đến cuộc cách mạng công nghiệp.

Những ruộng khoai tây đã đưa châu Âu thoát khỏi cảnh đói kém (Ảnh: Internet).
Những ruộng khoai tây đã đưa châu Âu thoát khỏi cảnh đói kém (Ảnh: Internet)

Lời kết

Khoai tây là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, chế biến được nhiều món ăn ngon. Tuy chỉ là loài thực vật nhỏ bé nhưng khoai tây lại có ảnh hưởng to lớn đến một thời kỳ lịch sử. Từ những lý do trên, có thể nói, khoai tây chính là nhân tố quan trọng không chỉ giúp phương Tây phát triển vượt bậc mà còn đưa cả thế giới từng bước tiến đến nền văn minh.

Bạn có thể xem các bài viết có liên quan tại đây:

Đừng quên theo dõi BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật thêm nhiều thông tin giải trí thú vị bạn nhé!

Xem thêm

Muốn "đu" CBIZ trơn tru, hãy thuộc nằm lòng cẩm nang 100 thuật ngữ dưới đây

Những thuật ngữ Cbiz như tiểu thịt tươi, bạo hồng, khống bình, sao tác... có thể sẽ khá lạ tai đối với một số bạn. Tuy nhiên nếu là một người thích đọc tin bát quái và "hít" drama thì bạn rất nên "bỏ túi" cẩm nang 100 thuật ngữ Cbiz thường gặp dưới đây để tránh bỡ ngỡ ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận