Những cơn cảm lạnh trong tâm trí chẳng do một cơn mưa rào hay một cơn gió mạnh nào gây ra. Vậy nên ta cũng chẳng sốt hay nhức đầu, viêm họng. Nhưng không phải cứ nằm liệt giường mới là ở trong giai đoạn cuối của một căn bệnh trầm trọng. Nhất là khi đó là một căn bệnh tâm lý.
Những cơn đau không nhìn thấy
Một cơn cảm lạnh diễn ra như thế nào?
Một cơn đau đầu là cảm giác ra sao?
Ai cũng từng trải qua những cơn đau bụng, những trận sốt, đau nhức răng… Hay thậm chí rất nhiều người có thể còn từng trải qua một vài cuộc phẫu thuật, ngã gãy tay, gãy chân…
Những căn bệnh đó, những chấn thương đó, sự khó chịu do những cơn đau gây ra đó thật dễ dàng để hình dung, thật dễ dàng có thể “nhìn thấy” qua vài xét nghiệm siêu âm, chụp X quang… Dễ hình dung, dễ thấy nên cũng thật dễ để cảm thông và chia sẻ.
Nhưng khi mắc một hội chứng bệnh tâm lý, mọi thứ thật khác.
Nếu bạn nhức đầu dữ dội, hoặc cảm thấy một cơn đau bụng bất thường cũng sẽ khiến bạn không thể không đến ngay bệnh viện để khám bệnh. Vì đó là những triệu chứng có thể “cân đong đo đếm” được rất rõ ràng.
Nhưng khi những dấu hiệu của một chứng bệnh tâm lý dần xuất hiện, hay thậm chí là đã xuất hiện trong một thời gian dài, đáng sợ thay, ngay lập tức tâm trí ta muốn đầu hàng, còn cơ thể thì muốn “buông xuôi”.
Khi mắc những căn bệnh “thông thường”, ta dễ dàng được phép nghỉ học, nghỉ làm, tạm dừng lại mọi hoạt động và công việc. Dễ dàng được nhận những lời động viên, thăm hỏi. Vì những căn bệnh đó, những sự đau đớn hay khó chịu đó, đa số tất cả mọi người đều đã từng trải qua, thế nên chẳng cần ta phải giãi bày cảm giác, họ đều hiểu ta đang phải trải qua những gì.
Nhưng mắc một căn bệnh tâm lý, mọi thứ thật khác.
Những cơn cảm lạnh trong tâm trí chẳng do một cơn mưa rào hay một cơn gió mạnh nào gây ra. Vậy nên ta cũng chẳng sốt hay nhức đầu, viêm họng.
Ngày trước tôi từng thắc mắc, tại sao trong những bộ phim chiếu trên TV, người ta thường hay giả điên để trốn tội? Thì ra, vì người ta nghĩ rằng nó dễ “giả vờ”. Đó là khi, tôi cố giãi bày những bất ổn trong suy nghĩ của mình với một người và nhận lại lời khuyên: “Thôi đừng tự tưởng tượng nữa, mọi việc không nghiêm trọng như vậy đâu.”
Đó chính là vách ngăn đầu tiên giữa người mắc bệnh tâm lý với phần còn lại của cuộc sống xung quanh họ. “Mọi thứ là do bản thân tưởng tượng” hay “nó là sự thật?”
Không một bản chụp X quang nào cho ta được câu trả lời. Thứ chẩn đoán cho căn bệnh trầm cảm hay bất kỳ căn bệnh thuộc về tâm lý nào khác, là những bài trắc nghiệm. Chỉ bản thân người đang mắc bệnh mới hiểu được sức nặng của những dấu tích X vào những câu trả lời: “đôi khi”, “thường xuyên”, “rất thường xuyên”.
Những biểu hiện về bệnh tâm lý luôn rất dễ bị quy kết rằng chúng thuộc về tính cách. Những biểu hiện như cáu gắt, ít nói, lầm lì… thường được đánh giá là “người khó tính” hơn là “người đang mắc bệnh tâm lý”.
Có không chỉ một mà là rất nhiều những hội chứng bệnh tâm lý, nhưng điểm chung giữa chúng đều là những biểu hiện ngại giao tiếp hay nói cách khác là những hành động khiến người khác ngần ngại đến gần họ, thay vì muốn chia sẻ hay giúp đỡ.
Đó chính là vách ngăn thứ hai, khiến thế giới thực cũng như thế giới nội tâm của những người đang bất ổn tâm lý ngày càng thu hẹp lại và tối tăm hơn.
Giá như có thể nhận ra sớm hơn một cơn cảm lạnh trong tâm trí
Tôi còn nhớ rõ, rất rõ câu nói đầu tiên mà tôi được nghe khi bước chân vào căn phòng khám bệnh tại Viện sức khỏe tâm thần Bạch Mai: “Khi tự bản thân nhận ra và đồng ý đến đây chữa trị là đã khỏi bệnh được 50% rồi.”
Nhưng điều đầu tiên là phải “nhận ra”.
Oái oăm thay, căn bệnh mà chúng ta đang nói đến, chẳng nhìn rõ bằng mắt thường. Nó dễ che giấu và cũng rất dễ giả vờ. Giả vờ rằng mình đang ổn.
Cứ khi nào xảy ra một vụ việc đau lòng, chúng ta mới lại giật mình nhận ra, không phải cứ nằm liệt giường mới là ở trong giai đoạn cuối của một căn bệnh trầm trọng. Và những người xung quanh lại ước: “Giá như nhận ra sớm hơn…”
Tôi không biết nên kết thúc những dòng viết này như thế nào, có lẽ bởi vì tôi cũng đang ước “giá như…”