“Áp lực đồng trang lứa” (Peer Pressure) được biết đến là một áp lực vô hình mà mỗi cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp từ bạn bè và môi trường xung quanh. Để hiểu hơn về sự ảnh hưởng của “Peer Pressure” đối với GenZ – thế hệ được biết đến với danh xưng những con người đa tài và thành công, hãy cùng BlogAnChoi đi tìm hiểu thêm nhé!
“Peer Pressure” là gì?
“Peer Pressure” hay còn gọi là “Áp lực đồng trang lứa”, là từ được sử dụng trong tâm lý học để chỉ những áp lực vô hình mà mỗi cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp từ bạn bè và môi trường xung quanh. Áp lực đồng trang lứa được biết đến với nhiều khía cạnh và hình dáng khác nhau. Nhưng nhìn chung, dù nó xuất hiện trong hình dạng như thế nào thì mục đích luôn khiến cho con người cảm thấy tự ti, thậm chí sinh ra cảm giác hoài nghi và mơ hồ về khả năng thực sự của bản thân so với bạn bè và môi trường xung quanh.
“Peer Pressure” không giới hạn độ tuổi, nó có thể xảy đến với bất kỳ ai, trong bất kỳ độ tuổi hay hoàn cảnh nào.
Vào đây để nghe thêm những chia sẻ về “Peer Pressure: Áp lực đồng trang lứa”
“Peer Pressure” đã “bóp nghẹt” sự tự tin của con người như thế nào?
Một đứa trẻ vừa được sinh ra đời vô hình trung đã phải chịu sự ảnh hưởng của “Áp lực đồng trang lứa”. Sự áp lực này bắt đầu từ những so sánh nhỏ nhặt ví dụ như trông đứa trẻ này không “ưa nhìn” bằng đứa trẻ kia; đứa trẻ này tinh nghịch và hiếu động, không được ngoan ngoãn như những đứa trẻ khác hay đứa trẻ này trông không được “thông minh nhanh nhẹn” như bạn học của nó… Ngang trái hơn, sự so sánh này đôi khi lại xuất phát từ chính những người bố, người mẹ, người thân trong gia đình.
Không giống với sự đề cao cá nhân hay cái tôi vĩ đại trong những bài giảng của phương Tây, những áp lực vô hình từ sự so sánh dễ dàng khiến tâm hồn non nớt của những đứa trẻ vừa mới chập chững biết đi bị tổn thương. Chúng sẽ bắt đầu và sống mãi trong sự tự ti không bằng người khác, sẽ lãng quên và đánh mất khả năng thiên bẩm của chính mình, chỉ vì đã quen với sự yếu kém, không bằng “con nhà người ta”.
Về mặt lý thuyết, “áp lực sẽ tạo ra kim cương”, sự áp lực sẽ thúc đẩy quá trình trưởng thành và cố gắng của mỗi con người. Nhưng hãy lật lại để suy nghĩ, những bóng đen đè nặng trong tâm trí sẽ mãi mãi không thể xóa nhòa. Nó sẽ to lớn dần, và ngày nào đó sẽ trở thành con quái vật sẵn sàng nuốt chửng chúng ta.
Gen Z và thách thức “đáng sợ” mang tên “Peer Pressure”
Bước vào kỷ nguyên mới với những đột phá về mặt kỹ thuật – công nghệ, sự phát triển của xã hội và tiến bộ của loài người, những thế hệ ưu tú dần dần xuất hiện. Bên cạnh sức ép của công nghệ và những xu hướng hiện đại đang dần hội nhập, GenZ – thế hệ được biết đến với danh xưng những con người đa tài đa nghệ, giỏi giang và thành công, còn đang phải đối mặt với một trong những thách thức đáng sợ hơn mang tên “Peer Pressure: Áp lực đồng trang lứa”.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của sự đổi mới và phát triển. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần phải nâng cấp bản thân để phù hợp với hoàn cảnh, để thích nghi phù hợp với môi trường. Và dĩ nhiên áp lực đè nặng trên vai những chủ nhân tương lai của thế giới – thế hệ trẻ đang sống và phát triển trong môi trường hiện đại này. Sẽ ra sao nếu con người luôn bị đặt trên bàn cân so sánh: sự cố gắng và nỗ lực mỗi ngày của chúng ta chỉ mang lại thành quả bằng một phần mười sự cố gắng và nỗ lực của người khác?
Áp lực này càng nặng nề hơn gấp trăm lần khi Gen Z – thế hệ đang phát triển trong môi trường tiên tiến này lại gặp phải vấn đề to lớn toàn cầu: Đại dịch Covid-19. Mọi việc xảy đến quá nhanh, nhưng lại diễn ra trong một khoảng thời gian quá dài. Cách ly xã hội cộng thêm việc chịu áp lực từ nhiều phía: công việc, học tập, sự tìm tòi và tham vọng phát triển bản thân một cách toàn vẹn… đã đẩy chúng ta vào tình thế bắt buộc phải đối diện với hiện thực phũ phàng: khi mình mới chỉ là những đứa trẻ bắt đầu chập chững tập đi thì những người xung quanh đã sải những bước chạy dài.
Học tập, công việc, những mối quan hệ xã hội… sự ghé thăm bất ngờ của cuộc đời sẽ luôn mang đến cho bạn những áp lực mới, ngay cả khi nó là một tin tức tốt lành! Và vòng lặp này sẽ chẳng bao giờ có thể kết thúc, nếu bạn không tìm được cho bản thân một phương pháp nào đó có thể cân bằng lại chính cuộc sống của mình!
2022 – Hãy nói “Không” với “Áp lực đồng trang lứa”!
Không chỉ thế hệ Gen Z, nhân loại căn bản đều sống chung với “căn bệnh tâm lý” này từ lúc mới chào đời. Phải chăng vì đã quá quen thuộc với sự xuất hiện của những áp lực này trong cuộc sống mà chúng ta quên đi những giá trị sống đích thực, những điều cần có để mang lại một cuộc sống cân bằng, thoải mái:
- Hãy không ngừng nhắc nhở bản thân: Trên cõi đời này, mình là duy nhất! Không ai có thể thay thế ta trong cuộc đời của bản thân mình, dù cho đó có là người sinh ra ta hay người giống ta đến từng tế bào. Vì thế, không cần thiết phải tìm kiếm ở đâu xa những giá trị tốt đẹp, hãy khám phá ở ngay bên trong bản thân mình. Học được cách thấu hiểu bản thân và bạn sẽ chinh phục được cả thế giới!
- Hãy sống cuộc đời của chính mình, không phải “vay mượn” từ ai! Không ai có thể khiến chúng ta cảm thấy tự do và thoải mái ngoài chính bản thân chúng ta. Và điều làm nên sự tự do ấy chính là việc chúng ta có thể làm chủ cuộc sống của chính mình hay không. Hãy luôn mang theo lòng nhiệt huyết, sự dũng cảm và niềm tin tưởng bên mình, sống trọn vẹn cuộc đời do mình tạo nên.
- Hãy đem theo mục tiêu phấn đấu đặt ngay trước mắt, bước thật chậm và thật chắc!Không có điểm đến nào đem lại hào quang rực rỡ bằng đích đến thành công. Vì thế, đừng quên mục tiêu khi bắt đầu của mình là gì, cũng đừng quên bước đi thật chậm để chắc chắn rằng mình không bỏ sót gì lại phía sau.
Vào đây để tìm hiểu thêm về “Peer Pressure”
Chúc các bạn có thể cân bằng lại cuộc sống của mình một cách tốt nhất! Hãy đến với BlogAnChoi để có thể tìm hiểu và trải nghiệm thêm nhiều điều thú vị trong cuộc sống nhé.